Thực hiện quyền con người ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế
Bảo đảm quyền con người - mục tiêu xuyên suốt cách mạng Việt Nam
Ngay từ “Chánh cương vắn tắt của Đảng” và “Sách lược vắn tắt của Đảng” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đã vạch ra mục tiêu đấu tranh của dân tộc, giải phóng con người, giải phóng xã hội, giải phóng phụ nữ. Vừa ra đời: “Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”(1).
Ngày 2-9-1945, trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quyền con người ở Việt Nam đã được long trọng công bố: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”; “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”(2).
Ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”(3). Ngày 9-11-1946, Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Hiến pháp này đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo đảm các quyền và tự do của công dân, trong đó khẳng định tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân và mọi công dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, giai cấp, tôn giáo, giàu nghèo, gái trai… đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật, trước tòa án cũng như trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa.
Quyền con người là một giá trị cao quý, là thành quả đấu tranh của nhân loại. Xây dựng một xã hội trong đó mọi người đều được thụ hưởng quyền con người là mục tiêu của cuộc cách mạng do các chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo dân tộc Việt Nam đấu tranh đánh đuổi các thế lực xâm lăng, giành độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, quyền con người của người Việt Nam ngày càng được bảo đảm, phát huy trong thực tế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Sau Hiến pháp năm 1946, trong các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992, vấn đề quyền con người ở Việt Nam không ngừng được bổ sung, mở rộng và phát triển. Các bản Hiến pháp đều khẳng định: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, trong đó nhân dân sử dụng quyền lực gián tiếp thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân. Đó là các cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Mặt khác, nhân dân sử dụng quyền lực trực tiếp như tham gia bầu cử, chất vấn các đại biểu cơ quan dân cử, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước…
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), được thông qua tại Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”(4).
Để cụ thể hóa Cương lĩnh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI quyết định một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nhấn mạnh thể chế hóa, cụ thể và sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và khẳng định:
- Chế độ dân chủ ở nước ta là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước; bảo đảm để dân chủ được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống; dân chủ gắn liền với kỷ cương, kỷ luật…
- Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Cần tiếp tục hoàn thiện hình thức dân chủ đại diện, bảo đảm nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Những kết quả chủ yếu về bảo đảm quyền con người trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế
Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước mà trước hết là đổi mới tư duy về lý luận, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, từng bước đổi mới về chính trị. Đổi mới về kinh tế đã đặt con người vào vị trí trung tâm, phát huy được nhân tố con người, gắn quyền con người với điều kiện kinh tế - xã hội, tôn trọng và thúc đẩy quyền con người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Văn kiện Đại hội VI khẳng định: “Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định”(5). Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), lần đầu tiên, khái niệm “quyền con người” được đề cập đến, đó là: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm”(6).
Qua các kỳ đại hội, tư duy và nhận thức về quyền con người ngày càng được đổi mới, hoàn thiện hơn. Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiến thêm một bước cơ bản trong bảo vệ quyền con người với sự khẳng định: “Phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện”(7).
Hiến pháp 1992 đã đánh dấu bước phát triển mới trong việc khẳng định, mở rộng và diễn đạt sâu sắc hơn nội dung một số quyền con người, quyền công dân. Với nguyên tắc hiến định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”(8), Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung những quyền mới vào tập hợp các quyền công dân, như quyền được tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu đối với các tư liệu sản xuất và các tài sản khác,… Khái niệm “quyền con người” được nêu ra và ghi nhận thành một điều khoản riêng: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”(9).
Trong thời kỳ đổi mới, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta là đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển nhằm khơi dậy mọi tiềm năng của các cá nhân, tổ chức và cả cộng đồng dân tộc. Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội là “phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”(10). |
Một số dẫn chứng tiêu biểu về việc phát triển con người, quyền con người ở nước ta có thể kể đến, như:
- Quyền dân sự chính trị, thực chất là các quyền và tự do dân chủ của công dân, thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với Nhà nước, trong đó công dân tham gia xây dựng và tổ chức chính quyền, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, còn Nhà nước với tư cách là cơ quan công quyền do dân lập ra có trách nhiệm bảo đảm cho công dân được thực hành và hưởng thụ các quyền tự do dân chủ. Trong quá trình đổi mới, quyền dân sự chính trị của công dân Việt Nam đã được nâng cao và bảo đảm khá tốt, thể hiện cụ thể ở việc thực hiện một số quyền tiêu biểu, như quyền bầu cử và ứng cử, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản,…
- Từ năm 1986 trở lại đây, Nhà nước ta đã ban hành trên 1.300 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có hơn 40 luật và bộ luật quan trọng, như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Khiếu nại tố cáo; Luật Báo chí; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình,... Hệ thống các văn bản pháp luật đó hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và nội dung của các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời đáp ứng được yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy sự bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của công dân. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước đã tiến hành cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao vai trò, chức năng của các cơ quan dân cử, nâng cao hiệu lực hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền nhằm bảo đảm quyền con người.
- Pháp luật nước ta quy định mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Năm 1993, Phật giáo có 22 trường cao cấp và trung cấp Phật học, đến nay, đã có 3 Học viện Phật giáo với trên 1.000 tăng ni sinh; 30 trường trung cấp Phật học, 4 trường cao đẳng Phật học với 3.940 tăng ni sinh theo học. Giáo hội Công giáo có 6 Đại chủng viện với 1.085 chủng sinh và 1.712 chủng sinh dự bị. Không chỉ được đào tạo trong nước mà Nhà nước ta còn tạo điều kiện cho các tu sĩ đi học tập, hội thảo nâng cao trình độ ở nước ngoài. Từ 1992 đến nay, Nhà nước ta đã tạo điều kiện cho 235 tu sĩ đi đào tạo ở nước ngoài, 2.062 lượt người tham gia hội thảo, trao đổi công việc ở nước ngoài, trong đó có một số người bảo vệ thành công luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ về tôn giáo ở nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có gần 20 triệu tín đồ với 56.125 chức sắc và nhà tu hành, chưa kể hàng vạn người hoạt động bán chuyên nghiệp trong các tôn giáo, trong đó Phật giáo có 33.066 tăng ni; Công giáo: 40 giám mục, 2.700 linh mục và 11.282 tu sĩ; Tin lành: 611 mục sư, giảng sư và truyền đạo; Hồi giáo: 734 chức sắc; Cao Đài có 8.340 chức sắc,… Phật giáo có 14.043 ngôi chùa, tịnh thất, tịnh xá, niệm Phật đường; Thiên chúa giáo có 6.003 nhà thờ, nhà nguyện; Tin lành có gần 500 nhà thờ, nhà nguyện; Cao Đài có 1.284 thánh thất; Phật giáo Hòa Hảo có 522 chùa, hội quán; Hồi giáo có 77 thánh đường…
- Trong 26 năm đổi mới, tổng thu nhập quốc dân liên tục tăng cao, bình quân đạt 7,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 200 USD (năm 1990) lên 890 USD (năm 2008), gần 1.600 USD/người (năm 2012). Nhà nước ta luôn chú trọng đầu tư cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ, trợ giúp cho nhóm cư dân dễ bị tổn thương. Hàng loạt các chính sách, chương trình xã hội hướng vào nhóm đối tượng này được triển khai, như Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, Chương trình phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, Chương trình 135, Chương trình 327, Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, Chương trình điện lưới quốc gia, Chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân,... Nhờ thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm nhanh từ 22% (năm 2005) xuống còn khoảng 10% (năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ở mức bình quân khoảng 45%(11); người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế (vốn, đất đai, công nghệ, thị trường...) và các dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế, nước sạch, trợ giúp pháp lý...; kết cấu hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt.
Theo kết quả của báo cáo điều tra việc làm năm 2012 do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành và công bố chiều 18-12-2012 tại Hà Nội: Tính đến thời điểm 1-10-2012, cả nước có 53,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, trong đó 984.000 người thất nghiệp và 1.369.000 người thiếu việc làm...
Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị trong 9 tháng đầu năm 2012 ở khu vực thành thị là 3,3%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp 1,42% ở nông thôn; tỷ lệ thất nghiệp ở nữ là 2,36% cao hơn so với tỷ lệ 1,71% ở nam(12).
- Trên lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học trong cả nước, từng bước phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở một số tỉnh, thành phố. Đến nay, nước ta có hơn 10 tỉnh, thành phố được công nhận đạt phổ cập trung học cơ sở. Việt Nam từ 95% dân số mù chữ năm 1945 thành một nước có trên 95% dân số biết đọc, biết viết.
- Về y tế, hiện nay chúng ta có trên 90% dân số được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Nhà nước mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 1,2 triệu người nghèo, cấp thẻ, giấy chứng nhận chữa bệnh miễn phí cho 3 triệu lượt người; khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 2 triệu lượt người nghèo. Bệnh bại liệt ở trẻ em đã hoàn toàn được xóa bỏ, trên 95,8% phụ nữ khi sinh đẻ được tiếp cận với các dịch vụ y tế...
Giải pháp phát triển quyền con người trong giai đoạn hiện nay
Để bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của con người, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò của các cơ quan lập pháp, hành pháp trong việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm được quyền tự do bầu cử, ứng cử của người dân, vừa thực sự lựa chọn được người có đức, có tài phục vụ đất nước và nhân dân.
Rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành, xác định rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản luật và dưới luật, đồng thời tiếp tục nội luật hóa các điều khoản trong Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết cho phù hợp với hệ thống pháp luật quốc gia, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm độc lập dân tộc và quyền con người. Xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm quyền con người của người dân.
Kết hợp chặt chẽ các chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội để “tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng xã hội”, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ thu hút đầu tư nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân, có nhiều chính sách và biện pháp ưu tiên hơn nữa cho những nhóm đối tượng đặc biệt, thu hẹp dần khoảng cách phân hóa giàu nghèo, tạo cơ sở để thực hiện quyền bình đẳng và tự do dân chủ của con người.
Nâng cao nhận thức của mọi người dân, nhất là các cơ quan nhà nước về vấn đề quyền con người. Để làm tốt điều này, cần tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người để mọi cán bộ và người dân có thể nhận thức rõ được âm mưu của các thế lực thù địch chống phá ta trên lĩnh vực nhân quyền.
Tiếp tục thực hiện một số các ưu tiên quốc gia trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo; tiếp tục cải cách pháp luật, hành chính; chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể chất con người; ưu tiên phát triển mạng lưới an sinh xã hội, hạn chế tác động tiêu cực của kinh tế thị trường; ưu tiên bồi dưỡng thế hệ trẻ và đào tạo lớp người lao động có kiến thức cơ bản, có kỹ năng nghề nghiệp, có ý thức vươn lên về khoa học, công nghệ, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, các chuyên gia và nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà kinh doanh, nhà quản lý.../.
---------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 10, tr. 3
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 1, 4
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 8
4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 72
5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 112
6. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 19
7. Văn kiện Đại hội XI, đã dẫn, tr. 100
8. Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 137
9. Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992): sđd, tr. 153
10. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 162
11. Xem: Năm 2012: Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước còn khoảng 10% http://www.gdtd.vn/channel/2773/201212/Nam-2012-Ty-le-ho-ngheo-tren-ca-nuoc-con-khoang-10-1965905/
12. Xem: Năm 2012, cả nước có gần 1 triệu người thất nghiệp, http://www.vietnamplus.vn/Home/Nam-2012-ca-nuoc-co-gan-1-trieu-nguoi-that-nghiep/201212/174340.vnplus
Tạo điều kiện, cơ hội giảm nghèo cho trẻ em người dân tộc thiểu số  (25/06/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương  (24/06/2013)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri: luôn lắng nghe và giải đáp ý kiến góp ý của nhân dân  (24/06/2013)
Bão gây thiệt hại nặng ở các tỉnh ven biển miền Bắc  (24/06/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Đại học Trà Vinh  (24/06/2013)
- Các quốc gia tầm trung trong bối cảnh mới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam đến năm 2030
- Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người với việc xây dựng và phát huy nhân tố con người để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
- Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam
- Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay