TCCSĐT - Bảo đảm những điều kiện để trẻ em được chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong điều kiện hiện nay, giảm nghèo cho trẻ em, đặc biệt trẻ em người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Những năm gần đây, nước ta đã sử dụng một bộ công cụ đánh giá đa chiều về tình trạng nghèo của riêng trẻ em Việt Nam. Bộ công cụ này đưa ra các chỉ số cho 8 lĩnh vực thuộc về 8 nhu cầu cơ bản của trẻ, đó là: giáo dục, dinh dưỡng, y tế, nhà ở, nước sạch và điều kiện vệ sinh, không phải lao động sớm, vui chơi giải trí và bảo trợ xã hội. Trẻ em không được bảo đảm ít nhất 2 trong 8 nhu cầu nêu trên được coi là thuộc nhóm trẻ em nghèo.

Bằng phương pháp tiếp cận mới này, các chuyên gia đã khắc họa được một bức tranh toàn cảnh về tình trạng nghèo của trẻ em Việt Nam, khác nhiều so với bức tranh về tình trạng nghèo được xây dựng nên bởi phương pháp dựa trên thu nhập của gia đình. Nó chi tiết, cụ thể, sát với nhu cầu thiết yếu của đối tượng trẻ em. Theo cách tiếp cận này thì hiện nay nhiều trẻ em, tuy đang sống trong những gia đình có thu nhập không thấp, nhưng vẫn chưa được bảo đảm một, hai hoặc nhiều nhu cầu cơ bản về dinh dưỡng, y tế hay nước sạch và điều kiện vệ sinh... tức là những trẻ em đó vẫn bị coi là trẻ em nghèo.

Trong bức tranh mới này, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy một số đặc điểm nổi bật, mà rõ nét nhất chính là sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền, sự chênh lệch đáng kể giữa nông thôn và thành thị. Tỷ lệ trẻ em nông thôn và miền núi chưa được bảo đảm, chưa được đáp ứng một vài hoặc tất cả các nhu cầu cơ bản (gồm giáo dục; chăm sóc y tế; nơi ở; nước sạch và vệ sinh; không phải lao động sớm; vui chơi giải trí; cơ hội tham gia xã hội và được bảo vệ) là rất cao so với ở vùng đô thị và đồng bằng. Đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng núi có tỷ lệ nghèo rất cao về tất cả 8 lĩnh vực cơ bản.

Như vậy là tình trạng nghèo của trẻ em dân tộc thiểu số có mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với tình trạng nghèo của trẻ em ở đô thị hay một số vùng đồng bằng. Theo số liệu của Ủy ban Dân tộc thì gần 95% trẻ em ở các vùng khảo sát (trong đó có 97,8% trẻ em dân tộc thiểu số) không có khả năng được đáp ứng ít nhất một trong các nhu cầu cơ bản và 71,8% (trong đó 76,5% trẻ em dân tộc thiểu số) được coi là nghèo đa chiều.

Trong thời gian qua, mặc dù tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi nhìn chung đã giảm trên phạm vi cả nước, song tỷ lệ này ở nhóm trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số lại cao hơn nhiều so với nhóm trẻ em người Kinh và nhóm trẻ em không nghèo. Những tỉnh có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao và rất cao đều là những tỉnh ở vùng miền núi. Hằng năm, tỷ lệ trẻ em trên toàn quốc được tiêm chủng cũng tăng lên, tuy vậy, tỷ lệ này ở trẻ em miền núi vẫn còn thấp và chất lượng tiêm chủng ở những vùng này vẫn đang còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Tình trạng nghèo về giáo dục cũng tương tự. Mặc dù tỷ lệ trẻ em được đến trường nói chung đã tăng lên đáng kể nhưng tỷ lệ trẻ em bỏ học, phải bỏ học bởi các lý do khác nhau (tức là trẻ em nghèo về giáo dục) lại đang tập trung cao ở nhóm trẻ em nghèo và đặc biệt là ở nhóm trẻ em người dân tộc thiểu số. Trẻ em người dân tộc thiểu số, sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa cũng là nhóm trẻ em luôn phải sống trong điều kiện thiếu thốn, thậm chí là khan hiếm nước sạch; thiếu những điều kiện vệ sinh tối thiểu cần thiết; thiếu thông tin và ít có cơ hội được tham gia và được hưởng bảo trợ xã hội.

Trong những năm qua, các chương trình xóa đói giảm nghèo với nhiều ưu tiên cho miền núi, các vùng đặc biệt khó khăn đã được triển khai liên tục và đồng bộ, mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập của các hộ gia đình dân tộc thiểu số. Nhờ thế mà chất lượng cuộc sống của họ đã được cải thiện, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nước sạch, nhà ở... Nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù cho trẻ em dân tộc thiểu số như khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ sách vở, hỗ trợ học phí…cũng đã được các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội triển khai.

Trẻ em nghèo nói chung và trẻ em nghèo người dân tộc thiểu số nói riêng càng ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ các chương trình xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Tuy nhiên, từ những con số thống kê về tình trạng nghèo của trẻ em dân tộc thiểu số do phương pháp đánh giá đa chiều đưa ra, có thể nói: Nếu các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước được xây dựng và triển khai thực hiện hướng thẳng vào mục tiêu giảm thiểu các thiếu hụt 8 nhu cầu cơ bản của trẻ em thì chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn, trẻ em sẽ được hưởng lợi nhiều hơn và thực chất hơn; nếu các cơ quan chức năng nhận diện rõ ràng hơn và cụ thể hơn bức tranh nghèo đa chiều của trẻ em dân tộc thiểu số thì các giải pháp giảm nghèo và các chương trình hỗ trợ sẽ đầy đủ, toàn diện, thiết thực và bám sát thực tế hơn, phù hợp với những điều kiện, nét đặc thù của từng dân tộc, từng vùng miền và bao phủ được nhiều lĩnh vực nhu cầu cơ bản hơn. Bức tranh nghèo đa chiều của trẻ em dân tộc thiểu số vùng núi, vùng sâu, vùng xa cũng cho thấy: các giải pháp giảm nghèo cần phải mang tính lồng ghép nhiều hơn nữa, bởi không thể giảm nghèo ở trẻ em nếu chỉ tập trung nỗ lực vào một vài chỉ tiêu trên một số lĩnh vực cụ thể nào đó và coi nhẹ các chỉ tiêu khác hoặc chỉ tập trung cung cấp các dịch vụ mà không chú trọng tới việc cải thiện dịch vụ. Tập trung nỗ lực để thực hiện mục tiêu xóa tình trạng nghèo đa chiều của trẻ em nói chung và trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng chính là tập trung sức lực để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của đất nước, của dân tộc. Nói cách khác, tập trung nỗ lực để tạo điều kiện cho trẻ em nghèo nói chung và và trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng được bảo đảm các nhu cầu cơ bản chính là cách xóa nghèo bền vững nhất. Xóa nghèo trẻ em chính là phá vỡ mắt xích kế truyền cái nghèo từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu tình trạng nghèo của trẻ em chưa được cải thiện thì các thế hệ tiếp theo khó mà thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói, thiếu thốn… Và không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của tháng hành động Vì trẻ em năm nay lại được chọn là “Tạo cơ hội bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”./.