TCCSĐT - Ngày 15-2-2010, Tổng thống Nga Đ.Mi-tơ-ri Mét-vê-đép đã gửi điện mừng tới Tổng thống đắc cử U-crai-na Víc-to Y-a-nu-kô-vích và mời ông thăm Mát-xcơ-va vào thời gian sớm nhất nhằm thảo luận những vấn đề nóng hổi trong quan hệ hợp tác song phương. Tổng thống Mét-vê-đép cũng bày tỏ hy vọng Nga và U-crai-na sẽ tiếp tục quan hệ hợp tác mang tính xây dựng và hiệu quả, đồng thời tiếp tục là đối tác thực sự của nhau.
 
1. Tổng thống Nga mời Tổng thống đắc cử U-crai-na Víc-to Y-a-nu-kô-vích sang thăm

Ngày 15-2-2010, Tổng thống Nga Đ.Mi-tơ-ri Mét-vê-đép đã gửi điện mừng tới Tổng thống đắc cử U-crai-na Víc-to Y-a-nu-kô-vích và mời ông thăm Mát-xcơ-va vào thời gian sớm nhất nhằm thảo luận những vấn đề nóng hổi trong quan hệ hợp tác song phương. Tổng thống Mét-vê-đép khẳng định, cuộc bầu cử vừa qua cho thấy nhân dân U-crai-na muốn đoạn tuyệt với những âm mưu gây chia rẽ với nhân dân Nga và mong muốn củng cố quan hệ láng giềng thân thiện giữa hai dân tộc. Điều đó hoàn toàn đáp ứng nguyện vọng của Nga. Tổng thống Mét-vê-đép cũng bày tỏ hy vọng Nga và U-crai-na sẽ tiếp tục quan hệ hợp tác mang tính xây dựng và hiệu quả, đồng thời tiếp tục là đối tác thực sự của nhau. Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của BBC, Tổng thống đắc cử Y-a-nu-kô-vích tuyên bố dự định thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia tới các nước láng giềng. Ông cũng cho biết, các đối tác chiến lược của U-crai-na gồm Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ. Trong một diễn biến khác, phát biểu trên kênh Truyền hình Inter tối 14-2, Tổng thống đắc cử Y-a-nu-kô-vích cam kết bắt đầu cương vị mới bằng việc lập lại trật tự tại U-crai-na và thực hiện các cam kết xã hội đối với cử tri. Ông nêu rõ mục tiêu đầu tiên là nhanh chóng thành lập liên minh đa số mới trong Quốc hội và thành lập chính phủ mới.

2. Khoảng 21 triệu người châu Á có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo khổ

Ngày 17-2-2010, Báo cáo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu có thể đẩy 21 triệu người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào cảnh cực kỳ nghèo khổ. Trong những năm gần đây, châu Á đã đạt được những tiến bộ lớn trong việc xóa đói giảm nghèo, song những thành tích đó đã bị đẩy lùi do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các nguồn lực được tập trung quá nhiều cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà chưa chú trọng tới các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như bảo hiểm y tế, trợ cấp, bảo hiểm xã hội. Báo cáo cho biết hiện chỉ có 20% số người thất nghiệp ở châu Á được nhận trợ cấp thất nghiệp và khoảng 30% số người già được nhận trợ cấp. Hầu hết các biện pháp kích thích kinh tế được Chính phủ các nước sử dụng trong thời gian qua chưa chú trọng tới lĩnh vực chi tiêu xã hội. Nếu muốn giải quyết những tác động đối với con người mà sự suy thoái kinh tế gây ra và đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, các quốc gia cần từng bước tăng chi tiêu xã hội.

3. WTO hủy Hội nghị cấp Bộ trưởng về tự do hóa thương mại

Ngày 18-2-2010, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã thông báo hủy việc tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về tự do hóa thương mại toàn cầu dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3-2010. Sự lưỡng lự của Chính phủ Mỹ trong việc triệu tập một Hội nghị cấp Bộ trưởng như vậy là nguyên nhân chính khiến các nước thành viên WTO quyết định không tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao WTO trong tháng 4 tới. Các chuyên gia phân tích đánh giá, quyết định này sẽ càng gây thêm khó khăn cho mục tiêu hoàn thành Vòng đàm phán tự do hóa thương mại toàn cầu Đô-ha (Qua-ta) vào cuối năm nay.

4. Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân đổi lấy sự hỗ trợ về kinh tế

Ngày 19-2-2010, Hãng Thông tấn chính thức KCNA của CHDCND Triều Tiên khẳng định, nước này sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy các hỗ trợ về kinh tế. KCNA nhấn mạnh, nếu Mỹ không chấm dứt chính sách thù địch và những đe đọa đối với CHDCND Triều Tiên, thì nước này sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân bằng bất cứ giá nào. CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình và không phải là để đe dọa bất cứ ai hay để nhận được những sự hỗ trợ về kinh tế hay một sự bù đắp. Vì thế, để nối lại các cuộc đàm phán về việc giải giáp vũ khí hạt nhân, CHDCND Triều Tiên yêu cầu Mỹ cam kết mở các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. CHDCND Triều Tiên cũng yêu cầu Liên hợp quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã áp đặt từ tháng 4-2009, sau khi nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa.

5. Chính phủ Hà Lan đã chính thức sụp đổ

Ngày 20-2-2010, theo thông báo của Thủ tướng nước này, Chính phủ Hà Lan đã chính thức sụp đổ, sau cuộc đàm phán kéo dài tới 16 giờ đồng hồ không đạt được đồng thuận về lời đề nghị của NATO nhằm kéo dài sứ mệnh quân sự của Hà Lan tại Áp-ga-ni-xtan. Đảng Dân chủ cơ đốc giáo trung hữu của ông, thành phần lớn nhất trong chính phủ liên minh, đề xuất duy trì một lực lượng nhỏ hơn ở Áp-ga-ni-xtan thêm một năm sau khi thời hạn chót kết thúc vào tháng 8-2010. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Công Đảng, đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền. Công Đảng muốn sứ mệnh của 2.000 binh sỹ Hà Lan tại Áp-ga-ni-xtan kết thúc theo như cam kết, tức "binh sĩ cuối cùng của Hà Lan rời khỏi tỉnh U-ru-gan vào trước cuối năm 2010". Sự sụp đổ của Chính phủ liên minh đã tồn tại được 3 năm trong nhiệm kỳ 4 năm tại Hà Lan thực sự là một chấn động lớn đối với quốc gia này nói riêng, và đối với châu Âu nói chung. Từ đây cho thấy “vấn đề có hay không tiếp tục duy trì binh sỹ tại Áp-ga-ni-xtan” vẫn gây nhức nhối và đe dọa các Chính phủ thành viên ủng hộ sứ mệnh của NATO tại chiến trường này. Cho đến nay, 21 binh sỹ Hà Lan đã thiệt mạng tại tỉnh U-ru-gan./.