Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang khiến tình trạng mất cân bằng thu nhập trở nên tồi tệ hơn tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời trở thành nguy cơ lớn đối với các nền kinh tế "dễ bị tổn thương". Đây là cảnh báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), được đưa ra ngày 15-5 tại Pari (Pháp).

Báo cáo cho thấy khủng hoảng kinh tế thế giới đã kìm nén các khoản thu nhập từ việc làm và đầu tư tại hầu hết các nước thành viên OECD. Các số liệu điều tra tại 34 nước OECD chỉ ra rằng tình trạng bất bình đẳng thu nhập đã gia tăng mạnh trong giai đoạn 3 năm từ 2008 - 2010 so với 12 năm trước đó.

Trong năm 2010, thu nhập của 10% số người giàu nhất trong OECD gấp 9,5 lần so với thu nhập của 10% số người nghèo nhất, cao hơn so với mức 9 lần trong năm 2007. Chênh lệch về thu nhập lớn nhất chủ yếu tại các nước Chilê, Mêhicô, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Ixraen, và mức chênh lệch thấp nhất ở Ailen, Xlôvênia, Na Uy và Đan Mạch.

Tổng thư ký OECD Angiê Guria (Angel Gurria) cho rằng những đánh giá đáng lo ngại trên là hồi chuông cảnh tỉnh các nước cần sớm tăng cường bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đặc biệt khi các chính phủ khan hiếm tiền mặt nên thực hiện các biện pháp tài chính khắc khổ nhằm kiểm soát chi tiêu công. OECD cho rằng cắt giảm phúc lợi xã hội sẽ là nguyên nhân chính khiến chênh lệch về thu nhập ngày càng trầm trọng hơn.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước OECD vẫn còn rất thấp. Nhiều người dân đã hết hạn nhận trợ cấp thất nghiệp, trong khi chính phủ thay đổi chính sách tài chính theo hướng hợp nhất. OECD kết luận rằng nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chậm chạp và các biện pháp củng cố tài chính được siết chặt, cải cách hệ thống thuế là cần thiết để giảm bớt chênh lệch về thu nhập./.