Mật độ khí thải nhà kính tăng cao kỷ lục

Theo: TTXVN
17:58, ngày 11-05-2013

Dữ liệu công bố ngày 10-5-2013 của trung tâm đo lường thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ tại Ha-oai một lần nữa báo động về diễn biến nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải có một chương trình hành động khẩn cấp.

Theo đó, lượng các-bon đi-ô-xít (CO2) trung bình hằng ngày trên Thái Bình Dương đo hôm 9-5 đã vượt ngưỡng 400 phần triệu (ppm), lên tới 400,03 ppm.Cùng ngày, dữ liệu của Viện Hải dương học Scripps ở thành phố Xan Đi-ê-gô, bang Ca-li-pho-ni-a (Mỹ), cho biết mật độ CO2 trong khí quyển đã lên tới 400,08 ppm.

Theo các chuyên gia, mật độ CO2 trong khí quyển Trái đất chưa từng lên đến mức cao như vậy trong vòng 3 - 5 triệu năm trở lại đây. Hiện tượng này được cho là từng tồn tại trước khi con người xuất hiện, vào thời điểm nhiệt độ Trái đất rất cao và mực nước biển cao hơn hiện nay khoảng 20 - 40m. Con số 400 ppm chủ yếu mang tính biểu tượng và đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, thế giới cần coi đây là một tín hiệu báo động về diễn biến nguy hiểm của tình trạng biến đổi khí hậu.

Ông Bốp U-ốt (Bob Ward), Giám đốc chính sách tại Viện Nghiên cứu Grantham về Biến đổi Khí hậu và Môi trường ở Luân Đôn, cảnh báo khí hậu “đang trở về hình thái thời tiền sử”, đe dọa đẩy xã hội loài người vào những mối nguy hại không thể lường trước. Giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái Đất tại Đại học Penn State, ông Mai-cơn Men (Michael Mann) cảnh báo nếu không sớm có những biện pháp kịp thời, nhân loại sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Theo thông số từ Viện Grantham, mật độ CO2 trong khí quyển vào thời điểm trước cuộc cách mạng công nghiệp là 280 ppm. Bắt đầu từ những năm 1950, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính đã liên tục tăng vọt và các chuyên gia dự báo đến cuối thế kỷ 21, con số này có thể lên tới 800 ppm./.