Vai trò hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh trong chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 - 5 năm 1953)

Đại tá, TS. Nguyễn Văn Quang Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
19:08, ngày 04-05-2013
TCCSĐT - Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hậu phương kháng chiến Thanh - Nghệ - Tĩnh không ngừng được củng cố, xây dựng vững chắc về mọi mặt, trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng hậu phương vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, phát triển lực lượng vũ trang. Nhờ đó, hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh đã sớm phát huy được vai trò, tác dụng to lớn của mình, chi viện đắc lực sức người, sức của cho kháng chiến; là nơi tạm thời sơ tán đứng chân của các cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó có Ủy ban Kháng chiến Đông Lào (từ năm 1949 đến năm 1953) về xây dựng lực lượng, chỉ đạo cách mạng Lào và làm bàn đạp xuất phát tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng.

Vị trí chiến lược

Với chiến trường Lào, hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, cùng chung với bạn Lào dãy Trường Sơn hùng vĩ - nơi xuất phát của nhiều huyết mạch giao thông nối từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sang Lào; tiếp giáp với 5 tỉnh: Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Li Khăm Xay, Khăm Muộn và Xa Vẳn Na Khệt của đất nước Lào anh em. Nhận rõ vị trí chiến lược của Liên khu 4 nói chung, hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh nói riêng, tháng 6-1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ lãnh đạo của Tổng Quân ủy Trung ương đã vào kiểm tra tình hình ở hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, đồng thời giao nhiệm vụ cho Liên khu 4, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Liên khu phải tập trung mọi nỗ lực cao nhất xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, vừa sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho chiến trường chính Bắc Bộ, đẩy mạnh tác chiến ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, vừa sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho các chiến dịch sắp mở ở Tây Bắc và Thượng Lào(1).

Xuất phát từ vị trí địa quân sự, địa chính trị đặc biệt của mình, hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh cùng lúc đã đảm nhiệm vai trò căn cứ địa, hậu phương của 3 hướng chiến trường, trong đó có vai trò hết sức quan trọng đối với các chiến dịch, đợt hoạt động quân sự phối hợp mở trên hướng Trung Lào và Thượng Lào.

Vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân 3 nước Đông Dương nói chung, Việt, Lào nói riêng đã tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu và giành nhiều thắng lợi quan trọng. Phát huy những thắng lợi đã đạt được, nhằm tạo ra một hành lang chiến lược liên hoàn, nối các căn cứ, vùng tự do Việt Bắc, Tây Bắc, Trung - Thượng Lào với vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Trung ương Đảng ta và Ủy ban Kháng chiến Đông Lào cùng thống nhất quyết định mở Chiến dịch Thượng Lào, giải phóng Sầm Nưa - Xiêng Khoảng.

Hậu phương vững chắc

Chiến dịch Thượng Lào là một chiến dịch đánh vận động tiến công, với quy mô và phạm vi không gian rộng lớn, trên một tuyến rừng núi dài gần 300km, thuộc 2 tỉnh Sầm Nưa và Xiêng Khoảng, nhiều lực lượng cùng phối hợp tham gia chiến dịch (riêng Việt Nam có 4 Đại đoàn: 308, 312, 316, 304 và Trung đoàn bộ binh độc lập 148). Vì vậy, công tác bảo đảm hậu cần trở thành vấn đề có ý nghĩa quyết định thắng lợi. Yêu cầu của chiến dịch dự tính cần 5.000 tấn gạo, 240 tấn muối, 115 tấn rau, 3.400 con bò, 130 tấn đạn dược các loại. Nhu cầu này, ngoài một số lượng hạn chế có thể huy động tại chỗ, phần lớn Trung ương giao cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số địa phương khác chịu trách nhiệm cung cấp(2).

Là vùng hậu phương lớn, trực tiếp của chiến dịch, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã đóng góp nhiều nhất cho tiền tuyến. Rút kinh nghiệm cần phải chủ động về công tác bảo đảm hậu cần từ các chiến dịch trước, nhất là Chiến dịch Tây Bắc (cuối năm 1952), trong chiến dịch Thượng Lào, tuy chỉ mới bàn bạc ở cấp chiến lược của 2 Đảng và Bộ Tổng tư lệnh, song trên thực tế công việc, ta đã tổ chức Hội đồng Cung cấp mặt trận lâm thời, phụ trách việc huy động nhân lực, vật lực ở các địa phương chuyển đến các kho hậu cần chiến dịch. Từ kho hậu cần chiến dịch, việc vận chuyển do ngành hậu cần quân đội, có sử dụng lực lượng dân công hỏa tuyến thích hợp đảm nhận. Việc vận chuyển được chia ra 3 bước: bước 1, chuyển từ hậu phương lên kho hậu cần chiến dịch; bước 2, từ kho hậu cần chiến dịch ra kho phía trước; bước 3, đưa hàng ra hỏa tuyến. Đây là lối vận chuyển “tăng bo” nhằm bảo đảm tranh thủ thời gian, không để dân công phải đi liên tục trên một chặng đường quá dài, đồng thời giữ được bí mật, nhờ đó đã hoàn thành được cơ bản nhu cầu cho bộ đội trước khi chiến dịch nổ ra. 

Từ kế hoạch trên của Hội đồng Cung cấp mặt trận, các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh đã chia dân công ra thành các loại A, B, C để tiện cho việc huy động nhanh và sử dụng có hiệu quả nhất trên cơ sở sức khỏe và điều kiện gia đình của từng người. Dân công và thanh niên xung phong còn được tổ chức học tập từ 2 đến 3 ngày về tình hình, nhiệm vụ phục vụ chiến dịch trên đất bạn. Phần lớn lực lượng của 3 tỉnh này được huy động làm nhiệm vụ sửa đường, bắc cầu, đóng phà, làm cầu phao, hạ độ cao của các dốc cho xe qua lại, làm đường dự phòng và vòng tránh.

Từ tháng 2-1953, tỉnh Nghệ An đã huy động 72.940 dân công đi tu sửa đường số 7 sang Lào. Đoạn đường từ Đô Lương lên Mường Xén dài 170km, dân công đã làm được hơn 100 cầu phao, cầu tạm, đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, sửa chữa nền đường, gia cố thêm độ an toàn của các đèo Cao, đèo Chó... Ngoài ra, tỉnh còn huy động 1.486 xe đạp thồ và 1.066 thuyền, ca nô liên tục chở hàng hóa ngược lên phía Tây sang Lào. Đến ngày 9-3-1953, dân công Nghệ An đã chuyển được 740 tấn gạo đến các địa điểm quy định thuộc vùng biên giới, chưa kể số gạo cấp cho dân công và cho thuyền tư nhân sử dụng trên đường vận tải đi và về. Ngày 20-3-1953, Nghệ An huy động tiếp một đợt dân công gánh bộ gồm 12.700 người và tiểu đoàn 195, các đại đội 121, 123 bộ đội địa phương tỉnh lên đường sang Xiêng Khoảng phục vụ và trực tiếp tham gia chiến đấu trên đất Lào(3).

Tỉnh Thanh Hóa - hậu phương trực tiếp và quan trọng nhất của chiến dịch Thượng Lào - trong tháng 2 và 3-1953, đã huy động 141.160 lượt dân công thường trực và dân công tình nguyện cùng 2.348 xe đạp, 400 thuyền, 300 xe bò, xe ba gác, 9 ô-tô để phục vụ chiến dịch. Để bảo đảm cơ động nhanh chóng, an toàn, dân công tỉnh Thanh Hóa và các lực lượng phối hợp đã sửa chữa những con đường nội tỉnh ở Thọ Xuân, Yên Định, Cẩm Thủy, làm các chân hàng ở các Trạm 101, 103 thuộc vùng biên giới. Đến ngày 13-4-1953, Thanh Hóa đã chuyển lên cho tổng kho Hội đồng Cung cấp chiến dịch 2.900 tấn gạo, vượt thời gian quy định 7 ngày, mặc dù tiền phương đã yêu cầu thêm 500 tấn ngoài mức được giao ban đầu. Ngày 17-4-1953, tỉnh lại huy động thêm 17.000 dân công và 2.000 xe đạp thồ chuyển 320 tấn gạo và 280 tấn muối sang huyện Mường Rum, Mường Xia (Sầm Nưa). Tổng số dân công các loại huy động ở 2 tỉnh Nghệ An - Thanh Hóa tới 243.800 người, với 4.976.000 ngày công. Thanh Hóa còn cung cấp cho Tổng kho Hội đồng cung cấp chiến dịch 100 tấn thực phẩm, so với chỉ tiêu thiếu 10 tấn, song về trâu bò lại cung cấp được 2.900 con, vượt 400 con(4). Số lượng lương thực dùng cho cả dân công và bộ đội lúc ở hậu phương và lúc ở chiến trường mà Thanh Hóa và Nghệ An đã cung cấp cho chiến dịch này là hơn 14.000 tấn.

Sau thời gian tập trung huấn luyện, bồi dưỡng vật chất, bổ sung quân số, trang thiết bị tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các địa phương khác, bộ đội ta chia làm 3 hướng tiến sang đất Lào. Riêng Trung đoàn 148 tiến từ Điện Biên Phủ xuống uy hiếp Luông Phra Băng, còn lại các đại đoàn khác đều xuất phát từ phía Nam Hòa Bình, từ Thanh Hóa và Nghệ An sang Lào.

Ngày 17-3-1953, tại đình làng Lương Sơn, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Đại đoàn 304 mở Hội nghị Quân chính với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam và đồng chí Phu-mi Vông-vi-chít thay mặt Đảng, Chính phủ và Mặt trận Lào Ít-xa-la. Hội nghị đã nghe 2 đồng chí lãnh đạo truyền đạt ý định chiến lược của Trung ương Đảng ta và bạn, đồng thời giao nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia chiến dịch. Đến ngày 31-3, Đại đoàn chia làm 2 cánh tiến sang Lào. Cánh thứ nhất có Trung đoàn 9 và Trung đoàn 66 vượt dốc Ta-đo-pắc-lắc cao nổi tiếng của dãy Trường Sơn, mở hướng tấn công vào hệ thống phòng ngự của địch ở đường số 7, từ Noọng Hét đến Bản Ban, chặn không cho địch rút chạy về cánh đồng Chum. Đồng chí Hoàng Minh Thảo, Đại đoàn trưởng và đồng chí Phu-mi Vông-vi-chít chỉ huy cánh này. Khi sang tới Lào, cánh này có sự phối hợp chiến đấu của 1 tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào, do đồng chí Thao Tu chỉ huy. Cánh thứ hai có Trung đoàn 57, vượt dốc Phu Xai-lai-leng cao 2.711m, tiến theo hướng Mường Ngàn đánh thẳng vào thị xã Xiêng Khoảng. Chỉ huy cánh này là đồng chí Lê Chưởng, Chính ủy Đại đoàn và đồng chí Như-vu, Bí thư Tỉnh ủy Xiêng Khoảng.

Ngày 8-4-1953, Chiến dịch Thượng Lào mở màn. Phát hiện sự xuất hiện của Liên quân Lào - Việt Nam, quân địch ở Sầm Nưa chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng bỏ chạy. Cuộc tiến công của ta trở thành cuộc truy kích đường dài hết sức gian khổ. Hàng vạn dân công, chủ yếu là dân công các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh và một số tỉnh khác đã phải liên tục suốt ngày đêm gùi, gánh đạn, gạo bám theo bộ đội trên những con đường dốc cao, suối sâu, mưa nắng thất thường. Nhiều nơi dân công ta còn phải tổ chức chiến đấu với phỉ để bảo vệ người, hàng hóa và thương binh, giữ vững đường vận chuyển và các kho tàng tập kết.

Sau 1 tháng chiến đấu, ngày 8-5-1953, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Liên quân Lào - Việt Nam đã tiêu diệt 3 tiểu đoàn và 10 đại đội địch, bằng 1/5 tổng số binh lực của địch ở Lào. Toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Xa Lỳ, bằng 1/5 diện tích nước Lào, với trên 30 vạn dân đã được giải phóng. Trong chiến công chung đó, riêng các đơn vị vũ trang của Nghệ An đã tham gia đánh địch 10 trận, diệt và bắt trên 100 tên địch, thu 134 khẩu súng, 5 tấn chiến lợi phẩm cùng nhiều trang thiết bị quân sự khác. Khi chiến dịch kết thúc, Tiểu đoàn 195 của Nghệ An đã tình nguyện ở lại giúp bạn củng cố vùng giải phóng Xiêng Khoảng và làm nhiệm vụ bảo vệ vùng mới giải phóng.

Bài học kinh nghiệm

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào có ý nghĩa hết sức to lớn. Đó là thắng lợi của tình đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu của quân dân 2 nước Việt Nam - Lào nói chung, của quân và dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh với Sầm Nưa, Xiêng Khoảng nói riêng. Sau chiến thắng này, vùng căn cứ của kháng chiến Lào đã liên hoàn và nối liền với cùng hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh của Việt Nam, tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến của cả 2 nước phát triển lên một giai đoạn mới quyết định. Chiến thắng này còn mở ra cho ta khả năng về sự phối hợp tác chiến lớn trên đất Lào cũng như khả năng phục vụ tiền tuyến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện quốc tế, chi viện chiến trường Lào, đồng thời khẳng định vai trò to lớn của hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào, mà 1 trong những nguyên nhân quan trọng có tính quyết định đó là vai trò của hậu phương, trong đó có phần đóng góp to lớn của hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh. Những đóng góp của hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh được thể hiện trên các mặt công tác chiến đấu, bảo đảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu có kết quả trong chiến dịch Thượng Lào. Đây là những nhiệm vụ quan trọng được Trung ương giao, Đảng bộ và các cấp chính quyền, đoàn thể các tỉnh đã lãnh đạo nhân dân quán triệt và hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào.

Để hoàn thành tốt vai trò của hậu phương chiến lược Thanh - Nghệ - Tĩnh đối với chiến trường Lào nói chung, Chiến dịch Thượng Lào nói riêng như đã trình bày trên, bước đầu rút ra mấy vấn đề sau:

Một là, Thanh - Nghệ - Tĩnh là vùng đất rộng, người đông, tuy kinh tế còn hết sức khó khăn nhưng nơi đây có địa thế lợi hại và truyền thống cách mạng vẻ vang, có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò hậu phương chi viện tiền tuyến.

Trong bảo đảm phục vụ chiến dịch, hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh đã phát huy được các yếu tố tự nhiên, con người, vị thế hiểm yếu của địa bàn, sự thuận lợi trong giao lưu và kinh nghiệm lịch sử trong vai trò làm bàn đạp tấn công trong nhiều cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, được vận dụng và phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Quân ủy, trực tiếp là Đảng bộ các tỉnh, quân và dân Thanh - Nghệ - Tĩnh đã bảo vệ, xây dựng, ổn định và phát triển vững mạnh các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội. Các mặt đó có mối quan hệ chặt chẽ, tác động thúc đẩy lẫn nhau, tạo điều kiện để công tác phục vụ các chiến dịch đạt kết quả tốt.

Vận dụng phát huy tổng hợp các yếu tố thuận lợi, Thanh - Nghệ - Tĩnh đã bảo vệ thành công lãnh thổ của mình, làm thất bại âm mưu chiếm đóng của thực dân Pháp từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 và nhiều lần xâm chiếm khác lên lãnh thổ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Hai là, ngay từ những ngày đầu và trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh đã rất chú trọng công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức hệ thống chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng cũng được củng cố tăng cường, nhân dân tin Đảng, yêu mến chế độ mới, hăng hái thi đua kháng chiến kiến quốc, sẵn sàng vượt lên mọi hy sinh, gian khổ tham gia chiến đấu và phục vụ các chiến dịch giành thắng lợi.

Mặc dù thiên tai, địch họa khắc nghiệt, nhưng bằng các phong trào thi đua nỗ lực trong lao động và sản xuất trên các mặt trận nông nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp, Thanh - Nghệ - Tĩnh đã tự túc được phần lớn các nhu cầu thiết yếu phục vụ dân sinh, đồng thời cung cấp một phần quan trọng cho kháng chiến, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, hàng nhu yếu quân sự.

Khả năng huy động nhân tài vật lực trong các tỉnh đã bảo đảm cho việc phục vụ chiến dịch liên tục, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.

Ba là, Thanh - Nghệ - Tĩnh là vùng tự do có điều kiện thuận lợi để xây dựng và đẩy mạnh sự nghiệp phát triển công tác giáo dục, văn hóa, văn nghệ. Sự phát triển của giáo dục, văn hóa, nghệ thuật đã góp phần đắc lực vào sự nghiệp tuyên truyền và động viên tinh thần yêu nước và cách mạng trong nhân dân. Phong trào “Thi đua học tập, xóa nạn mù chữ” cũng phát triển mạnh. Hệ thống trường lớp được xây dựng, đội ngũ giáo viên được tăng cường, học sinh được học tập theo nội dung chương trình đào tạo mới đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và lòng yêu nước, đóng góp nhiệt tình cho cách mạng.

Cùng với công tác tuyên truyền giáo dục, sự tác động của báo chí cách mạng, công tác giáo dục đã góp phần đào luyện những con người mới có trình độ nhất định sẵn sàng phục vụ kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Với những cơ sở về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quân sự như vậy, hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh đã làm tròn vai trò là hậu phương chiến lược, chi viện to lớn sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần đánh thắng quân thù. Trong sự đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Thanh - Nghệ - Tĩnh trên nhiều mặt suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, trong đó có thành tích tiêu biểu là việc hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào trong Chiến dịch Thượng Lào. Thành tích vẻ vang đó in đậm trong sử sách trên 2 phương diện: công lao đóng góp cho kháng chiến và những kinh nghiệm huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến, đặc biệt là phục vụ những chiến dịch lớn mở trên chiến trường chính Bắc Bộ, Trung Bộ, chiến trường Lào giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến./.

-------------------------------------------

1. Tổng kết 43 năm Lực lượng vũ trang Quân khu 4 làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr. 65.

2. Ban khoa học Tổng cục Hậu cần: Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, t.1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 235.

3. Nghệ An - lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An xuất bản, 1997, tr.150.

4. Thanh Hóa - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa xuất bản, 1994, tr. 215.