Cần biên tập lại Chương I - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
TCCSĐT - Chương I của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo) có ý nghĩa rất quan trọng trong định vị nội dung chủ đạo của toàn bộ Hiến pháp. Về cơ bản, nội dung Chương I Dự thảo là phù hợp, bảo đảm tính kế thừa ổn định cần thiết và có sự hoàn thiện một bước những nguyên tắc quan trọng nhất của chế độ chính trị nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, để Chương I Dự thảo thêm hoàn thiện cả về hình thức và nội dung, ngoài việc giữ nguyên thứ tự và nội dung các Điều 1, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12, cũng như toàn bộ nội dung tinh thần chung của Chương I, thì Dự thảo nên có sự điều chỉnh theo các hướng:
Thứ nhất, điều chuyển vị trí hoặc ghép nối một số điều hoặc nội dung các điều với nhau cho lô-gíc, tập trung và đầy đủ hơn xét theo thứ tự luật học về tính chất, mục tiêu và cơ chế của Hệ thống chính trị. Cụ thể, cần ghép Điều 11 với Điều 1 thành Điều 1 mới; Điều 13 với Điều 14 và đưa thành Điều 2 mới và chuyển thứ tự các điều khác xuống tương ứng; ghép Điều 2 vào Điều 3 để thành Điều 3 mới; dịch chuyển thứ tự Điều 4 thành Điều 5 và Điều 5 thành Điều 4.
Thứ hai, bổ sung về nội dung và diễn đạt lại nội hàm một số điều khoản cho gọn, mang văn phong pháp lý và khẳng định cao hơn, thực tế và sắc nét hơn; đồng thời, quán triệt sâu sắc hơn tinh thần lợi ích quốc gia là ưu tiên cốt lõi đối với các Điều 2, 3, 4, 5, 6 và 12, 13 của Dự thảo... Đặc biệt, trong Điều 4 Dự thảo, tức Điều 5 mới, cần viết gọn hơn và cần bổ sung cụm từ “lợi ích quốc gia” vào ngay trước cụm từ “lợi ích của giai cấp công nhân” để nhấn mạnh mục tiêu cao nhất của Đảng là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia và thay từ “cả dân tộc Việt Nam” bằng cụm từ “các dân tộc Việt Nam” cho chính xác và phù hợp với cụm từ “các dân tộc” trong Điều 5 của Dự thảo. Đồng thời, nên ghép Khoản 2 và 4 của Điều 5 Dự thảo với nhau cho tập trung và sắc nét hơn; cũng như cần thêm từ “Mọi” vào đầu Khoản 3 Điều 8 của Dự thảo để nhấn mạnh không có sự loại trừ trong chấp hành Hiến pháp và pháp luật của các cơ quan, tổ chức và công dân và để khớp nối tinh thần này với từ “Các” trong Khoản 3 Điều 4 của Dự thảo tức Điều 5 mới... Ngoài ra, cần tách nội dung Điều 12 Dự thảo thành 2 Khoản 1 và 2 bổ sung thêm từ “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn mong muốn” vào Khoản 2 mới để bảo đảm tính lô-gíc khách quan trên thực tế ngoại giao…
Với tinh thần đó, toàn bộ nội dung Chương I của Dự thảo cơ bản được giữ nguyên, nhưng cấu trúc lại theo phưong án mới sẽ chỉ còn 11 Điều thay cho 14 Điều (và chỉ còn 10 Điều nếu giữ nguyên nội dung, nhưng ghép tiếp Điều 6 với Điều 7), để trở nên gọn và có tính chất tuyên ngôn mạnh mẽ và chặt chẽ hơn, cụ thể như sau:
CHƯƠNG I
CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ
Điều 1 (ghép và giữ nguyên nội dung như Điều 1 và Điều 11 Dự thảo)
1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
2. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
3. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật.
Điều 2 (ghép và giữ nguyên Điều 13 với Điều 14 Dự thảo)
1. Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
2. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.
4. Ngày Quốc khánh là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.
5. Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.
Điều 3 (ghép và giữ nguyên giữa Điều 2 và 3 Dự thảo)
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
2. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
3. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Điều 4 (là nội dung Điều 5 Dự thảo, nhưng ghép giữa Khoản 2 với Khoản 4 cho gọn, tập trung và sắc nét hơn, bỏ cụm từ “phát huy”)
1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Nhà nước thực hiện chính sách bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và phát huy nội lực, giúp đỡ nhau hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
Điều 5 (là nội dung Điều 4 Dự thảo, viết lại cho rõ ý, thay từ “cả” bằng từ “các” và được bổ sung cụm từ “lợi ích quốc gia”)
1. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của quốc gia, của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của các dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Điều 6 (là Điều 6 Dự thảo)
Điều 7 (là Điều 7 Dự thảo)
Điều 8 (là Điều 8 Dự thảo, được bổ sung thêm chữ Mọi vào đầu Khoản 3)
1. Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật.
Điều 9 (là Điều 9 Dự thảo)
Điều 10 (là Điều 10 Dự thảo)
Điều 11 (là Điều 12 Dự thảo, được tách thành 2 Khoản riêng và bổ sung cụm từ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn mong muốn)
1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi;
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn mong muốn là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới./.
Vị tướng dũng cảm, mưu lược và quyết đoán  (13/03/2013)
Phú Thọ với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực  (13/03/2013)
Kỳ họp thứ 7 Hội đồng Lý luận Trung ương  (13/03/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển  (12/03/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào  (12/03/2013)
Đảng Cộng sản Venezuela ủng hộ ông Maduro ứng cử Tổng thống  (12/03/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên