Vị tướng dũng cảm, mưu lược và quyết đoán
TCCSĐT - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân trên quê hương Nghệ An, với lòng yêu nước thiết tha, căm thù giặc sâu sắc, năm 17 tuổi, chàng trai Chu Huy Mân đã dấn thân, hiến dâng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, hăng hái lao vào bão táp cách mạng, cùng đồng bào cả nước đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, đòi quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau biết đến đồng chí Chu Huy Mân không chỉ là một con người đức độ, tài ba, giàu lòng nhân ái, mà còn là một vị tướng dũng cảm, mưu lược và quyết đoán.
“Tay quân sự, miệng chính trị, vai hậu cần”
Với lòng dũng cảm trong buổi đầu hoạt động cách mạng, năm 1930, Chu Huy Mân (tên thật là Chu Văn Điều) được vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong buổi lễ kết nạp Đảng, đồng chí tuyên thệ: “tôi, Chu Văn Điều xin thề trước cờ Đảng nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị bắt bớ, cực hình tra tấn quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết quyết không sờn lòng”(1).
Sự kiện trở thành đảng viên của Đảng là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân. Bởi từ đây, ý chí quyết tâm suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tinh thần kiên trung của người cộng sản, lòng dũng cảm đã được đồng chí Chu Huy Mân thể hiện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh lịch sử và trở thành phẩm chất nổi bật của một vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân đã bị thực dân Pháp theo dõi và bắt giam. Từ năm 1937, đồng chí bị thực dân Pháp giam nhiều lần ở nhà lao Vinh (Nghệ An), đến năm 1940, chúng đưa đi giam ở Đắk Lay, Đắk Tô (Kon Tum). Những tháng năm ở trong lao tù đế quốc, thực dân, đồng chí bị kẻ thù tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc và tra tấn hết sức dã man. Tuy nhiên, xiềng xích, gông sắt của nhà tù không làm sờn ý chí người cộng sản. Hơn thế, với lòng dũng cảm kiên trung, đồng chí đã cùng các chiến sĩ cách mạng ưu tú khác biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tìm mọi cách đấu tranh chống lại ách áp bức bất công.
Năm 1943, đồng chí trốn khỏi trại giam Đắk Tô, nhanh chóng bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở Quảng Nam và tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh. Khi chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Nam ra đời, đồng chí làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam.
Sang năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn quyết liệt, đồng chí Chu Huy Mân được điều động làm Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 72. Mùa hè năm 1948, đồng chí lên Cao Bằng làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 - Bí thư Trung Đoàn ủy, sau là Chính ủy Trung đoàn.
Ngày 01-5-1951, Đại đoàn 316 thành lập tại làng Cốc Lùng, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, trên cơ sở sáp nhập Trung đoàn 98, Trung đoàn 174, Trung đoàn 176 và một số đơn vị binh chủng. Theo quyết định thành lập, đồng chí Lê Quảng Ba giữ chức Đại đoàn trưởng; đồng chí Chu Huy Mân là Phó Chính ủy, sau đó là Chính ủy, kiêm Bí thư Đảng ủy Đại đoàn.
Đảm nhiệm trọng trách mới, quán triệt sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Tổng Quân ủy, với kinh nghiệm sẵn có, cùng với Ban chỉ huy Đại đoàn, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh đạo Đại đoàn 316 giành nhiều thành tích trong chiến đấu, góp phần với chiến công của các đơn vị khác đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược phát triển tiến lên. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc sảo của đồng chí Chu Huy Mân cùng đồng chí Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba, Đại đoàn 316 đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ của địa hình, thời tiết, nêu cao ý chí quyết tâm đánh địch, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Bộ Chỉ huy chiến dịch giao phó, góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng.
Tháng 7-1965, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương điều đồng chí Chu Huy Mân - Chính ủy Quân khu 5 làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên. Trước những diễn biến mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với đặc điểm chiến trường Khu 5, tướng Chu Huy Mân yêu cầu cấp ủy các cấp phải xây dựng người lính Khu 5 “tay quân sự, miệng chính trị, vai hậu cần”. Với hình tượng đó, cán bộ, chiến sĩ Khu 5 đã phấn đấu và rèn luyện toàn diện, tạo nên sức mạnh vô song, càng đánh càng thắng, càng trưởng thành. Trên cương vị chỉ huy cao nhất chiến trường Khu 5, đồng chí Chu Huy Mân luôn giữ gìn đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới; dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, quân đội trong mọi vấn đề; lấy đánh địch giành thắng lợi trên chiến trường làm mục tiêu phấn đấu và coi đó là phẩm chất chính trị của người chỉ huy trận mạc.
Có thể nói, cùng với những nhân tố khác, lòng dũng cảm đã trở thành phẩm chất nổi bật của Đại tướng Chu Huy Mân. Nhờ lòng dũng cảm, Đại tướng đã vượt qua được nhiều gian nguy, thử thách của nhà tù đế quốc, thực dân và đưa ra những quyết định đúng đắn, sáng suốt ở những thời điểm quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tài mưu lược, tính quyết đoán
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy giao phó nhiều trọng trách lớn, trong đó có 2 lần được giao nhiệm vụ giúp cách mạng Lào. Từ năm 1954 đến năm 1957, làm Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn Cố vấn quân sự 100, tiếp tục giúp cách mạng Lào về quân sự theo phương thức mới (từ cuối năm 1959 đến cuối năm 1960, tiếp tục trở lại giúp cách mạng Lào theo đề nghị của bạn).
Đảm nhiệm Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn Cố vấn quân sự 100 trong thời điểm lịch sử đầy khó khăn là thử thách không nhỏ đối với đồng chí Chu Huy Mân. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là mình tự giúp mình”, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt với tài mưu lược và tính quyết đoán, trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, đồng chí Chu Huy Mân cũng đều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, mang hết tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn Cố vấn quân sự 100 thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Lào, giúp quân đội Pa-thét Lào có bước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ cách mạng mới. Với tư duy sâu sắc và nhãn quan chính trị, quân sự nhạy bén cùng những kinh nghiệm dày dạn, đồng chí Chu Huy Mân đã tỏ rõ là người lãnh đạo, chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, người cố vấn có tác phong sâu sát và hành động cương quyết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Đánh giá sự giúp đỡ của đồng chí Chu Huy Mân nói riêng và Đoàn Cố vấn quân sự 100 nói chung đối với cách mạng Lào, nguyên Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay Xỏn Phôm-vi-hản nhấn mạnh: “chúng tôi mãi mãi biết ơn Đảng, nhân dân và quân đội Việt Nam, biết ơn Đoàn Cố vấn quân sự 100 đã hết lòng, hết sức giúp đỡ cách mạng và quân đội Pa-thét Lào trưởng thành như hôm nay”(2).
Khoảng thời gian giữa 2 lần giữ trọng trách giúp cách mạng Lào từ năm 1958 đến năm 1959, đồng chí Chu Huy Mân được phân công làm Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Lúc này, địa bàn Tây Bắc dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng với vị thế chiến lược của Tây Bắc, Đảng ta chủ trương xây dựng Tây Bắc thành căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo, đồng chí Chu Huy Mân đã đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng ở vùng dân tộc thiểu số. Trên cơ sở phân tích địa bàn Tây Bắc, đồng chí đã chủ động trao đổi với Thường vụ Khu ủy Tây Bắc tổ chức kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, bảo đảm nguyên tắc nhưng phải sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn vùng Tây Bắc. Bắt nguồn từ sự lãnh đạo mang tầm chiến lược đó, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn Khu đã phát triển được nhiều đảng viên, qua đó năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đối với Tây Bắc được nâng lên rõ rệt.
Từ tháng 9-1963 đến năm 1974, đồng chí Chu Huy Mân được phân công làm Trưởng đoàn kiểm tra Quân ủy Trung ương vào làm việc với Khu ủy và Quân khu ủy Khu 5; được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ đảm nhiệm Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên.
Vào chiến trường Khu 5 trong thời điểm đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam, đồng chí Chu Huy Mân cùng Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu nhanh chóng tổ chức chiến trường trên toàn quân khu nhằm đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ. Tuy nhiên lúc này, tình hình phong trào cách mạng Khu 5 chưa theo kịp Nam Bộ, lực lượng chủ lực phát triển chưa phù hợp, chưa đủ sức tiêu diệt được các đơn vị cơ động chủ lực của Việt Nam cộng hòa, chưa đánh bại được chiến thuật “thiết xa vận” của địch. Trước tình hình đó, với tư duy lãnh đạo sắc bén, đồng chí Chu Huy Mân đã đề xuất chủ trương chuyển hướng tổ chức, xây dựng, huấn luyện lực lượng chủ lực tập trung cấp trung đoàn, sư đoàn nhằm đánh tiêu diệt gọn từng đơn vị địch. Để kế hoạch được triển khai một cách tích cực, đồng chí đã xuống Quảng Nam trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và giúp đỡ Trung đoàn 1 quyết tâm đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch.
Thời kỳ làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, đồng chí Chu Huy Mân để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Tháng 9-1965, đế quốc Mỹ đưa lực lượng lên Tây Nguyên nhằm chốt giữ địa bàn chiến lược quan trọng này. Quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đứng đầu là đồng chí Chu Huy Mân đã quyết định mở chiến dịch Plâyme-Iađrăng. Chiến dịch diễn ra từ ngày 19-10-1965. Đây là chiến dịch tiến công đầu tiên của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cũng là chiến dịch đầu tiên trực tiếp đánh quân Mỹ trên chiến trường miền Nam trong chiến tranh cục bộ. Tại đây, tài thao lược và tính quyết đoán của đồng chí Chu Huy Mân được thể hiện rõ nét, đặc biệt là sự chỉ đạo mưu lược của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Quân ta đã giành thắng lợi vang dội và chứng minh một điều, quân ta có khả năng đánh tiêu diệt từng đơn vị quân Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế về lực lượng, trang bị và sức cơ động, để lại nhiều bài học kinh nghiệm về tác chiến chiến dịch.
Đồng chí Chu Huy Mân luôn thể hiện rõ vai trò của người lãnh đạo cả về chính trị và quân sự, luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dũng cảm, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên mọi chiến trường. Về chính trị tư tưởng, đồng chí luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục chính trị, bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng đi đôi với xây dựng tư tưởng tích cực tiến công địch cho bộ đội ở các đơn vị; chú trọng xây dựng tình đoàn kết, sự thống nhất cao trong cán bộ, chiến sĩ, phát huy dân chủ tập thể, dám chịu trách nhiệm trước Đảng để hoàn thành nhiệm vụ.
Về quân sự, với nhãn quan sâu rộng, đồng chí luôn có dự đoán và phát hiện những vấn đề nảy sinh trên chiến trường để tìm ra cách đánh phù hợp. Đồng thời, đồng chí luôn nghiêm khắc, nhìn nhận thấu đáo những thiếu sót, hạn chế, tổn thất trên chiến trường để kịp thời chỉ đạo rút kinh nghiệm, tìm cách giành thắng lợi trong các chiến dịch, các trận đánh tiếp theo. Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, năm 1974, đồng chí Chu Huy Mân được phong quân hàm Thượng tướng.
Từ tháng 3-1977 đến năm 1986, đồng chí Chu Huy Mân được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương. Là người phụ trách công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đặc biệt, những phẩm chất cao quý của một vị tướng, tài thao lược và tính quyết đoán đã được đồng chí Chu Huy Mân phát huy cao độ trong lãnh đạo xây dựng Tổng cục Chính trị ngày càng lớn mạnh, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 1980, Thượng tướng Chu Huy Mân được phong quân hàm Đại tướng.
Có thể nói, lòng dũng cảm, tài mưu lược và tính quyết đoán là những nhân tố quan trọng tạo nên hình ảnh vị tướng xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh. Chính sự hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao đẹp đó đã giúp Đại tướng Chu Huy Mân luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ, quân đội và nhân dân giao phó.
Tấm gương về tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tinh thần học tập
Xuất thân từ một gia đình bần nông ở Nghệ An, năm 12 tuổi, đồng chí Chu Huy Mân đã phải vừa đi học, vừa đi làm để phụ giúp gia đình, 17 tuổi tham gia cách mạng, sau đó nhiều lần bị địch bắt giam ở các nhà tù khác nhau.
Trong điều kiện khó khăn, vất vả, không được học tập liên tục, nhưng đồng chí đã không ngừng giữ gìn và nâng cao chí tiến thủ, tự đặt cho mình phương châm vừa học vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện, coi trọng nghiên cứu tìm hiểu thực tế, đúc kết kinh nghiệm để tự bồi dưỡng năng lực trình độ về mọi mặt phục vụ cách mạng.
Do có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức phẩm chất cách mạng trong sáng, nhận thức lý luận chính trị, quân sự của đồng chí Chu Huy Mân có bước phát triển toàn diện, cơ bản và sâu sắc cả trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Việt Nam và khi giúp bạn Lào. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên: “chú Mân chịu khó gánh vác hai vai cho khỏe càng tốt!”. Từ đó, nhiều cơ quan và đơn vị quân đội ta gọi đồng chí Chu Huy Mân là “Anh hai mạnh”, tức là mạnh cả về chính trị và quân sự.
Điểm nổi bật trong toàn bộ cuộc đời hoạt động của Đại tướng là sự thống nhất giữa chính trị và quân sự, quân sự và chính trị luôn hòa quyện vào nhau. Không những vậy, cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng còn là tấm gương sáng cho chúng ta học tập, noi theo.
Đó là tấm gương trung thành, phấn đấu và cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; tấm gương luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; tấm gương về phong cách làm việc dân chủ, sâu sát thực tiễn; tấm gương về phẩm chất người cán bộ cách mạng luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Đại tướng Chu Huy Mân còn là tấm gương sáng về đức tính cần kiệm, liêm khiết, lối sống trong sạch, lành mạnh. Do vậy, những năm sau này, dù không trực tiếp tham gia lãnh đạo đất nước, quân đội, nhưng Đại tướng Chu Huy Mân không bao giờ ngừng trăn trở, suy nghĩ về con đường cách mạng mà Đảng ta đã và đang hướng tới.
Đối với quân đội, vấn đề Đại tướng Chu Huy Mân luôn quan tâm là tăng cường và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với quân đội. Trên tinh thần đó, ngày 17-4-2004, trong thư gửi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề khôi phục chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội, Đại tướng Chu Huy Mân viết: “Từ tuổi thanh xuân bước vào đội ngũ chiến đấu của Đảng, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, được đồng chí, nhân dân, đồng đội tận tình giúp đỡ, trước đây, hiện nay, tôi chỉ có một ham muốn, một khát vọng là Đảng ta mãi mãi trong sạch, vững mạnh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nắm chắc quân đội, quan tâm xây dựng sức mạnh chính trị và tổ chức cán bộ cho quân đội, được thế thì dù sóng gió bão bùng đến đâu, Đảng cũng vững vàng dẫn dắt dân tộc, nhân dân ta và quân đội ta vững bước đến đỉnh cao hạnh phúc, văn minh của thời đại mới”(3). Từ ý kiến tâm huyết của Đại tướng Chu Huy Mân và nhiều cán bộ lão thành cách mạng, từ thực tiễn xây dựng quân đội, ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-TW “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Có thể nói, Đại tướng Chu Huy Mân là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một vị tướng tài năng, đức độ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau này sẽ vẫn còn mãi trong tâm trí người Việt Nam. Đặc biệt, lòng dũng cảm, tài thao lược và tính quyết đoán của Đại tướng Chu Huy Mân đã trở thành một di sản quý báu, là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, có sức lay động, lôi cuốn và thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội, các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau nỗ lực phấn đấu vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
_______________________
1. Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 18, 19;
2. Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự tài ba - Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 236;
3. Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự tài ba - Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2007, tr. 113;
Phú Thọ với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực  (13/03/2013)
Kỳ họp thứ 7 Hội đồng Lý luận Trung ương  (13/03/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển  (12/03/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào  (12/03/2013)
Đảng Cộng sản Venezuela ủng hộ ông Maduro ứng cử Tổng thống  (12/03/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên