Quân đội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
1- Những thành tựu đạt được của quân đội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Sẽ là sai lầm khi bàn đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà không tính đến các đơn vị chuyên làm kinh tế của quân đội. Cùng với các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng, các đơn vị chuyên làm kinh tế của quân đội trong những năm qua đã có sự phát triển vượt bậc về năng lực kinh doanh, trình độ công nghệ, họ ngày càng khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị chuyên làm kinh tế của quân đội trong những năm qua đã góp phần đáng kể giải quyết nhu cầu tài chính cho các đơn vị, giảm bớt sự bức bách, căng thẳng cho ngân sách quốc phòng, trong khi ngân sách nhà nước bảo đảm cho quốc phòng vẫn còn hạn hẹp.
Thế mạnh lớn nhất của lực lượng chuyên làm kinh tế quân đội là lực lượng xây dựng cơ bản. Hiện nay, ngành xây dựng cơ bản quân đội đã được trang bị những xe máy và phương tiện thi công tương đối hiện đại với một đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật có trình độ và kinh nghiệm đủ sức tiếp cận công nghệ thi công tiên tiến của thế giới với đòi hỏi nghiêm ngặt về kỹ thuật. Họ có đủ tiềm lực vật chất - kỹ thuật và nguồn vốn để tham gia cạnh tranh trên thị trường xây dựng cơ bản ở tất cả các địa bàn. Điển hình nhất là Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đã tham gia xây dựng đường sắt thống nhất, đường bộ 1A, 6A, 8A, đường Hồ Chí Minh, đường 27A, đường 7, đường 9, một phần đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, trúng thầu một phần đường 5 và đang liên kết tham gia đấu thầu nâng cấp đường 1A đoạn Hà Nội - Vinh. Tổng Công ty xây dựng 11 là một đơn vị xây dựng lớn của quân đội và cả nước có bề dày 30 năm kinh nghiệm xây dựng trên các công trình trọng điểm, đã xây dựng bệnh viện quân y 108, đại sứ quán Bun-ga-ri, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cát Bi, tổ hợp công trình cảng miền Trung, tổ hợp khu nhà ở Hủa Phăn (Lào) và nhiều công trình quân sự và dân dụng khác.
Ngoài tham gia xây dựng cầu, đường, các công trình công nghiệp và nhà ở, một thế mạnh nữa mà lực lượng xây dựng cơ bản quân đội cần khai thác và triển khai là xây dựng cảng biển và cảng hàng không. Hiện nay, thế mạnh này còn chưa được chú ý đúng mức và đầy đủ, các đơn vị xây dựng cùng các quân chủng không quân, hải quân, công binh cần có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai xây dựng khi có đơn đặt hàng. Trước mắt có thể tính đến việc cải tạo, nâng cấp một số quân cảng và sân bay quân sự, tính toán bố trí để có thể chuyển một phần năng lực của các quân cảng và sân bay quân sự sang phục vụ vận tải dân sự. Đó cũng là cách góp phần cùng cả nước tiến công vào sự xuống cấp, lạc hậu của kết cấu hạ tầng, tận dụng hết những năng lực sẵn có để phát triển mà không phải đầu tư lớn.
Bên cạnh những thế mạnh về xây dựng cơ bản, các doanh nghiệp quân đội ở các ngành khác cũng có những đóng góp xứng đáng của mình vào sự phát triển chung của đất nước. Ngành cơ khí chính xác đã sản xuất được những chi tiết và cụm chi tiết lớn cho giàn khoan dầu khí, như: chấu cặp giàn khoan, hộp tăng tốc cho quạt gió giàn khoan, bơm hút dầu... được Việt - Xô Petro đánh giá cao về chất lượng. Viện Kỹ thuật quân sự đã nghiên cứu và thiết kế thành công công nghệ nhúng mạ nhôm kẽm hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ phục vụ cho công nghiệp quốc phòng mà còn cho các ngành xây dựng, giao thông, năng lượng với năng lực sản xuất 25.000 tấn sản phẩm/năm. Công trình này đã được đưa vào vận hành để nhúng mạ 16.000 tấn cấu kiện thép của đường dây 500 KV Bắc - Nam tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng nếu phải nhập thiết bị của nước ngoài.
Ngành điện tử - tin học của quân đội trong những năm qua cũng có những bước tiến vượt bậc; sản xuất thành công ăng-ten vệ tinh pa-ra-bôn (parabol), lắp ráp ti-vi màu, sản xuất một số linh kiện điện tử, thiết bị thông tin vi ba số, phụ kiện đường dây tải điện và đường dây thông tin, nghiên cứu những phần mềm của máy tính phục vụ cho công tác chỉ huy tác chiến và hiệp đồng quân binh chủng, cũng như các nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý khác của quân đội. Sự ra đời của Công ty viễn thông quân đội vào cuối năm 1994 và nay là Tập đoàn Viettel làm cho thị trường bưu chính viễn thông của nước ta thêm sôi động, hạn chế được sự độc quyền trong lĩnh vực này và là một đóng góp của quân đội cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là hiện đại hóa thông tin.
Ngành hóa chất với thế mạnh là sản xuất thuốc nổ, các vật liệu nổ công nghiệp ngày càng khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường, không những chỉ thỏa mãn nhu cầu nội địa mà còn được khách hàng quốc tế đặt mua. Quân đội cũng đã nghiên cứu và sản xuất thành công pháo hoa đại lễ mà trước đây vẫn phải nhập của nước ngoài và được đánh giá là chất lượng không kém pháo hoa Trung Quốc. Đặc biệt là chế tạo thành công sơn chống rỉ cao cấp và các loại sơn chịu môi trường mặn, ẩm, dùng để sơn vỏ tàu của Công ty Hải Âu. Một số đơn vị quân đội sản xuất được cao-su có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt phục vụ khai thác dầu khí, hàng không, tàu biển, sản xuất được các loại cao-su chịu áp lực cao, các loại băng tải, doăng, phớt chịu dầu cho các chi tiết máy... Việc đưa công nghệ phân bón vi sinh và thuốc trừ sâu vi sinh vào sản xuất cũng là sự đóng góp nữa của quân đội cho nền nông nghiệp nước nhà, thực hiện mục tiêu hướng tới một nền nông nghiệp sạch của thế kỷ XXI.
Trong lĩnh vực dịch vụ, trước hết phải kể đến công ty bay dịch vụ dầu khí đã trang bị được máy bay trực thăng bay biển Puma (loại hiện đại nhất của Pháp) mở ra khả năng phát triển mới của công ty, phục vụ tốt hơn nhu cầu thăm dò, khai thác dầu khí của hơn 30 công ty nước ngoài trên thềm lục địa Việt Nam. Xí nghiệp liên hợp Ba Son với bề dày lịch sử hơn 130 năm chuyên sửa chữa và đóng mới tàu biển, đã đóng mới được tàu vận tải 300 - 400 tấn, tàu quân sự, hằng năm sửa chữa hàng chục tàu thuyền cỡ lớn của nước ngoài được khách hàng tín nhiệm, doanh thu sửa chữa tàu nước ngoài đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, Ba Son còn thiết kế và xây lắp băng chuyền rót cát trắng xuất khẩu ở Cam Ranh, liên doanh với Xin-ga-po chế tạo ống cao su có nhiều lớp thép chịu áp suất cao phục vụ xuất khẩu. Công ty Tân Cảng Sài Gòn, từ cơ ngơi ban đầu là quân cảng Sài Gòn được tiếp quản năm 1975 nay có cảng Cát Lái là cảng biển hàng đầu Việt Nam, có thiết bị và công nghệ quản lý hiện đại sánh ngang với các cảng tiên tiến trong khu vực.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - MB chính thức được thành lập và đi vào hoạt động ngày 4-11-1994. Mười bốn năm qua MB liên tục giữ vững vị thế là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam. Mặc dù có nhiều biến động và thử thách nhưng MB đã khẳng định được bản lĩnh vững vàng, năng lực quản trị tốt và nổi lên là thương hiệu ngân hàng mạnh, tự tin vượt qua khó khăn, thích ứng nhanh với sự thay đổi. Tốc độ phát triển hằng năm luôn đạt trên 30%.
Ngoài những hoạt động trên các đơn vị quân đội chuyên làm kinh tế còn hoạt động trong những lĩnh vực công nghiệp nhẹ với các dây chuyền công nghệ hiện đại nhập của Nhật Bản, Đài Loan như may mặc, da giầy xuất khẩu, các dụng cụ trang trí nội thất và sinh hoạt gia đình. Các doanh nghiệp khai thác than đá, chì, thiếc, sản xuất xi-măng cũng đang được đầu tư hiện đại và sẽ có bước phát triển mới trong thời gian tới.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp quân đội đã từng bước vươn ra thị trường thế giới, tham gia vào những hoạt động kinh tế đối ngoại. Hiện nay, hoạt động kinh tế đối ngoại của quân đội thể hiện trên hai lĩnh vực chủ yếu : sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu và hợp tác liên doanh theo Luật Đầu tư.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư và dịch vụ trong những năm qua có những bước phát triển đáng kể. Đến hết năm 2010, các doanh nghiệp quân đội đã có 36 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn hơn 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp quân đội đã chủ động đầu tư ra nước ngoài và bước đầu đã đạt hiệu quả như các dự án của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Công ty Hà Đô.
Những mặt hàng xuất khẩu của quân đội là: than, gỗ, cao-su, cà-phê, hải sản, hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ, dược liệu, thuốc nổ, một số linh kiện điện tử... Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thiết bị, máy móc, vật tư, sắt thép, xăng dầu, phụ tùng ô-tô, linh kiện điện tử... Để làm tốt công tác xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp quân đội luôn chủ động tìm kiếm khách hàng, đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu, từng bước cải tiến mẫu mã, bao bì để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng. Có thể nói, hoạt động xuất nhập khẩu của quân đội trong những năm qua đã góp phần duy trì và phát triển năng lực sản xuất của quân đội, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo tích lũy để tái sản xuất mở rộng và tăng mức nộp ngân sách. Thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp quân đội đã có thêm nhiều kinh nghiệm để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế có kiến thức, am hiểu nghiệp vụ, nắm vững luật pháp và thông lệ buôn bán quốc tế.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến vai trò của các đơn vị quân đội thường trực đang đứng chân trên các địa bàn chiến lược như Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc, Tây Nam Bộ, ven biển, hải đảo (mặc dù các đơn vị này được xác định là không có chức năng làm kinh tế). Với mục tiêu kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, những đơn vị này đã tích cực tham gia sửa chữa, nâng cấp, làm mới cầu, đường, xây dựng thủy điện làm thủy lợi, bảo vệ đê điều, xây dựng cầu cảng... trên những địa bàn mà đơn vị đứng chân để vừa phục vụ mục đích cơ động quân sự và sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, vừa tạo ra kết cấu hạ tầng cho kinh tế dân sinh, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế - văn hóa ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta hiện đang rất quan tâm. Việc làm trên còn góp phần gắn bó mối quan hệ đoàn kết quân dân để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên các địa bàn chiến lược, giữ vững phên dậu của quốc gia, đánh bại mọi sự xâm nhập của kẻ thù bất kể chúng từ đâu tới.
Đối với các đơn vị quân đội thường trực thì việc tiết kiệm chi dùng quân sự là một trong những yếu tố quan trọng, gián tiếp góp phần tích lũy và dành vốn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự tiết kiệm trong chi dùng quân sự phải hiểu một cách tổng thể cả tiết kiệm lao động vật hóa và lao động sống, từ tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị mà Nhà nước giao cho quân đội quản lý, đến việc tính toán hiệu quả trong các hoạt động quân sự, vừa bảo đảm hiệu quả quân sự, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế. Để làm được điều này, việc bồi dưỡng, huấn luyện để nâng cao năng lực tư duy kinh tế của các cấp cán bộ chỉ huy là một việc làm cấp bách và phải được duy trì thường xuyên. Đó cũng là cách để nâng cao tính hiệu quả của mỗi quyết định của các cấp chỉ huy, một vấn đề còn rất ít được quan tâm, mặc dù lợi ích của nó là rất lớn.
2- Để quân đội đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Để quân đội thực sự trở thành một chủ thể tích cực, một lực lượng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo chúng tôi cần quán triệt một số vấn đề sau:
Một là, quân đội tham gia xây dựng kinh tế, trực tiếp tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải là một tất yếu khách quan. Tính khách quan này không chỉ bị quy định bởi tình hình khó khăn trước mắt của đất nước, mà còn là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, một vấn đề thuộc bản chất của quân đội ta. Phải thấy rằng quân đội là một nguồn lực trong số những nguồn lực của quốc gia cần phải và có thể huy động để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế một cách có hiệu quả nhất. Trên quan điểm đó, đề nghị Nhà nước có chính sách thỏa đáng để khơi dậy và khai thác có hiệu quả nguồn lực quan trọng này.
Hai là, quân đội làm kinh tế phải tính toán đến hiệu quả kinh tế. Cần khắc phục triệt để hiện tượng "nước sông, công lính’’, làm kinh tế phải đạt hiệu quả cao là mục tiêu mà quân đội cần phải phấn đấu. Theo chúng tôi, hiệu quả sản xuất - xây dựng kinh tế của quân đội phải được xem xét tổng hợp giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả quốc phòng. Sẽ là không đúng nếu quá nhấn mạnh tính đặc thù quốc phòng để xem nhẹ việc cần phải đạt hiệu quả kinh tế của các lực lượng sản xuất quân đội. Song, cũng không hợp lý nếu xem xét hiệu quả quân đội làm kinh tế chỉ dựa trên những tiêu chí hạch toán đơn thuần theo kiểu "lấy thu bù chi và có lãi’’ một cách đơn giản. Đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng chuyên sản xuất vũ khí và trang bị cho quân đội, các doanh nghiệp kinh tế quân đội đứng trên địa bàn chiến lược ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì hiệu quả hoạt động trước hết biểu hiện ở việc bảo toàn và phát triển năng lực của xí nghiệp, làm cho đơn vị đứng vững và từng bước vươn lên trong cơ chế thị trường, tạo ra được thế bố trí chiến lược của đất nước về kinh tế - quốc phòng - an ninh - văn hóa - xã hội. Còn đối với các doanh nghiệp quân đội chuyên làm kinh tế, phải lấy hiệu quả kinh tế làm chính. Mọi kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh phải được hạch toán đầy đủ và coi tồn tại và phát triển thông qua cạnh tranh trên thị trường là biểu hiện quan trọng của sự cần thiết tồn tại các doanh nghiệp này.
Ba là, cần có cơ chế quản lý phù hợp đối với các doanh nghiệp quân đội. Là những chủ thể sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường, đồng thời là những xí nghiệp quốc doanh, các doanh nghiệp quân đội phải hoạt động trong khuôn khổ cơ chế quản lý chung của Nhà nước. Song, do tính đặc thù quốc phòng, quân đội có nhiều loại hình sản xuất và làm kinh tế khác nhau, gắn với những nhiệm vụ khác nhau về quốc phòng và kinh tế. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế quản lý kinh tế phù hợp với các doanh nghiệp quân đội, quy định rõ những gì quân đội nên làm, làm như thế nào và những gì không nên làm hoặc không được phép làm với một hành lang pháp lý vừa chặt chẽ vừa mềm dẻo tạo điều kiện phát huy tốt nhất tiềm năng, tính năng động sáng tạo, tính kỷ luật của quân đội trong các hoạt động kinh tế.
Bốn là, sản xuất xây dựng kinh tế phải đi đôi với tiết kiệm. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi chúng ta phải cần, kiệm, đối với quân đội lại càng cần phải như vậy. Quân đội phải cùng toàn Đảng, toàn dân phát huy, khai thác những tiềm năng thế mạnh của mình để phát triển sản xuất, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, tiết kiệm trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sinh lời của đồng vốn, tiết kiệm sức lao động của bộ đội, cũng như tiết kiệm chi dùng trong quân sự (cả lao động vật hóa và lao động sống) luôn luôn đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, việc giáo dục ý thức tiết kiệm trong cán bộ, chiến sĩ luôn phải được đặc biệt coi trọng, lấy đó làm thước đo phẩm chất của người quân nhân cách mạng, làm cho ý thức tiết kiệm, tư duy kinh tế trong mọi hoạt động quân sự trở thành nhu cầu thường nhật từ các cấp lãnh đạo chỉ huy cho đến chiến sĩ. /.
Khoa học - công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững ở An Giang thông qua mô hình “Liên kết bốn nhà”  (07/03/2013)
Bàn về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ nước ta trong giai đoạn hiện nay  (07/03/2013)
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Phục vụ dân tốt nhất - đó mới là nền hành chính hiện đại  (07/03/2013)
Điện chia buồn Tổng thống Hugo Chavez qua đời  (07/03/2013)
Tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (06/03/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên