Tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Văn nghệ sỹ trẻ góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Ngày 6-3, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phóng viên báo chí, văn nghệ sỹ trẻ góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tham dự Hội nghị có GS, TS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng lý luận Trung ương); TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Đây là diễn đàn để phóng viên báo chí, văn nghệ sỹ trẻ thể hiện ý kiến, nguyện vọng, tâm huyết, phát huy trí tuệ tập thể tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các ý kiến góp ý thống nhất khẳng định Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản thể hiện tính kế thừa Hiến pháp hiện hành và có nhiều điểm mới; có nhiều điều, khoản tiến bộ và có tầm nhìn gắn với nhiệm vụ và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra.
Nghệ sỹ ưu tú, biên đạo múa - Phó trưởng đoàn Ca Múa Nhạc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam Cao Ngọc Ánh đánh giá Điều 44 Chương II của Dự thảo đã đánh dấu bước tiến trong việc xác lập đầy đủ hơn về quyền con người. Đồng thời thể hiện ý thức duy trì bản sắc văn hóa, nâng tầm nhận thức xã hội và thụ hưởng văn hóa cho mọi công dân Việt Nam.
Theo nghệ sỹ, đây là tiền đề hiện thực văn hóa bằng pháp luật về bản sắc văn hóa của người Việt Nam.
Điều 44 Chương II Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ là cơ sở cho các địa phương, các đơn vị nghệ thuật chú trọng hơn đến trách nhiệm để người dân được thực hiện quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa và sử dụng các cơ sở văn hóa.
Tuy nhiên, để thực hiện được quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa cho mọi người thì Nhà nước cần đầu tư cho những đơn vị làm văn hóa, tạo điều kiện để các đơn vị này phục vụ tốt nhất cho nhân dân.
Trên cơ sở đó, nghệ sỹ Cao Ngọc Ánh đề nghị bổ sung Điều 63 (sửa đổi, bổ sung Điều 67) nội dung chú trọng hơn đến an sinh cho văn hóa vì văn hóa là nền tảng tinh thần vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Phóng viên Nguyệt Minh (Báo Thanh niên) nhận xét trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi không có một điều khoản nào nói về vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên trong việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Dự thảo cũng không quy định về trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên, trong khi Hiến pháp hiện hành, tại Điều 36 và Điều 66 có quy định khá cụ thể về nội dung này.
Trên cơ sở phân tích này, đại biểu đề nghị giữ lại quy định hiện hành tại Điều 36 và Điều 66 của Hiến pháp 1992, hoặc quy định một điều mới về thanh niên, về vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong Hiến pháp sửa đổi, ở chương Chế độ chính trị.
Là người được đào tạo về chuyên ngành giáo dục học, TS. Nguyễn Thụy Anh mong muốn được góp ý với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về mảng giáo dục, xã hội và một số điều liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên - nằm trong khuôn khổ Chương II, III.
Theo tiến sỹ, Dự thảo Hiến pháp cần nêu rõ hơn về quy định phổ cập giáo dục. Trước đây, trong Hiến pháp năm 1992 có nêu rõ: “Nhà nước phát triển cân đối hệ thống giáo dục gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học; thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở; phát triển các hình thức trường quốc lập, dân lập và các hình thức giáo dục khác”. Nhưng trong Dự thảo Hiến pháp đã bị bỏ qua. TS. Nguyễn Thụy Anh cho rằng đây là cơ sở pháp lý đầu tiên và quan trọng để thực hiện phổ cập giáo dục và đề nghị phổ cập giáo dục đến cấp nào cần được một lần nữa khẳng định trong Hiến pháp.
Hơn nữa, trong Điều 42 có ghi: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” - vậy nhấn mạnh phổ cập giáo dục là làm sáng tỏ quyền cũng như nghĩa vụ của mỗi công dân trong việc này, tiến sỹ phân tích.
Các ý kiến tại Hội nghị đã đóng góp về nhiều nội dung liên quan tới Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.
Kiểm tra lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp tại Bắc Ninh
Ngày 5-3, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Ủy ban làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Bắc Ninh về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có văn bản chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38 của Quốc hội khóa XIII về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện nhiều hình thức lấy ý kiến đóng góp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp người dân... đã góp phần thuận lợi cho đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, trí tuệ vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đến ngày 4-3, tỉnh Bắc Ninh đã có 100% đơn vị cấp xã, các phòng, ban cấp huyện tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân với gần 9.000 lượt người tham gia hơn 6.500 ý kiến. 13 sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã triển khai tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Tiêu biểu như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhận được hơn 1.000 ý kiến, Sở Tư pháp nhận được hơn 200 ý kiến. Nhìn chung, ý kiến góp ý toàn văn Dự thảo và các Chương, Mục cụ thể của Dự thảo. Các đơn vị khác đang tiếp tục triển khai. Hội nghị cấp tỉnh được Hội đồng nhân dân tổ chức vào sáng 6-3.
Sau khi nghe báo cáo chung và các ý kiến của đại diện các đơn vị chức năng của địa phương, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hoan nghênh ý thức trách nhiệm, tinh thần khẩn trương, nghiêm túc của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, các ngành tỉnh Bắc Ninh trong chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh với những cách làm hay, sáng tạo. Vì vậy tiến độ lấy ý kiến nhân dân đạt yêu cầu kế hoạch đề ra, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý.
Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý tỉnh cần tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân về một số vấn đề lớn liên quan đến vận hành bộ máy nhà nước và một số vấn đề mới như chế độ chính trị, chế độ kinh tế, chính quyền địa phương; việc kiểm soát quyền lực nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng nhân dân, Kiểm toán, quyền con người, quyền công dân, chính quyền nhân dân…
Phó Chủ tịch nước đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng; tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để đông đảo các tầng lớp nhân dân nắm được và tích cực tham gia; tập hợp đầy đủ, chính xác các ý kiến đóng góp.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng Đoàn công tác đã thăm, dâng hương tại Lăng Kinh Dương Vương, huyện Thuận Thành.
Ninh Bình: Chức sắc tôn giáo góp ý về Hiến pháp
Tại Hội nghị chuyên đề đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 5-3, đông đảo chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã góp nhiều ý kiến tập trung vào nội dung khẳng định quyền con người ở Chương II.
Nguyên Chánh trương xứ Phát Diệm Lê Đức Long đánh giá cao nội dung Điều 21 của Dự thảo "Mọi người có quyền sống," cho rằng đây là một điểm mới mang tính đột phá. Ông Long lý giải, bất kỳ tôn giáo nào cũng coi trọng quyền được sống của con người. Phật giáo quy định "ngũ giới cấm" gồm cấm sát sinh, cấm trộm cắp, cấm tà dâm, cấm vọng ngữ, cấm uống rượu; trong đó cấm sát sinh được đưa lên hàng đầu. Công giáo cũng quy định nghiêm cấm tín đồ tước đoạt đi quyền được sống của người khác, đặc biệt là cấm nạo phá thai.
Ở Điều 39 của Dự thảo nói về gia đình nhưng lại không đề cập đến nội dung của Điều 64 (Hiến pháp năm 1992) "Gia đình là tế bào của xã hội," theo ông Long, cần bổ sung thêm phạm trù này, bởi lẽ nếu như trong cơ thể một con người có nhiều tế bào yếu, ắt hẳn bản thân người đó không khỏe mạnh. Trong một xã hội, nếu như gia đình không tốt, đất nước sẽ khó phát triển bền vững.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Ninh Bình tâm đắc với Điều 46 của Dự thảo: Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Thượng tọa lý giải, thiên nhiên được ví như "bà mẹ" của nhân loại, nếu con người sống trên Trái đất không biết bảo tồn, giữ gìn môi trường sinh thái.
Đại đức Thích Thanh Trụ, Phó ban đại diện Phật giáo huyện Kim Sơn đề nghị thêm cụm từ "tác động xấu" vào Khoản 2, Điều 15 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 như sau: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.
Tại Điều 26 của Dự thảo (sửa đổi bổ sung điều 69) nêu "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật," Đại đức Thích Thanh Trụ đề nghị, để mọi người dân phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sáng tác, phát ngôn và hành động của mình thì cần sửa lại là: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật với những sáng tác, phát ngôn và hành động của mình...
Đại đức Thích Minh Thanh, trụ trì chùa Phú Vinh, thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn) đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nên quy định rõ hơn ở Điều 25 liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo./.
Phản ứng của thế giới trước sự ra đi của Ugô Chavết - một "người Mỹ Latinh vĩ đại"  (06/03/2013)
Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez qua đời  (06/03/2013)
Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  (06/03/2013)
200 tỷ đồng thực hiện Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam  (06/03/2013)
Việt Nam và Đan Mạch đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo  (06/03/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên