Giải pháp về vốn nhằm phát triển nuôi tôm bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng thủy, hải sản, đặc biệt là phát triển tôm ở ĐBSCL thời gian qua còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu đồng bộ; thiếu vốn; đầu tư cho phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong kỹ thuật làm giống, kỹ thuật nuôi, kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt cơ chế chính sách phát triển nghề nuôi tôm theo chuỗi giá trị … còn nhiều hạn chế, kết cấu hạ tầng yếu, dẫn đến nhiều năm qua nghề nuôi tôm, nhất là nghề nuôi tôm sú bị chết hàng loạt, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, phát triển nuôi tôm chưa bền vững.
Thực trạng và vấn đề đặt ra
Vấn đề đặt ra ở đây là những thành phần tham gia trong chuỗi giá trị của quá trình phát triểnnghề nuôi tôm ở ĐBSCL - Hộ nông dân (nông hộ) và các chủ trang trại nuôi tôm; các nhà máy chế biến tôm (tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) phải làm như thế nào để nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm ĐBSCL phát triển hiệu quả, bền vững? Nhà nước cần có cơ chế chính sách gì để hỗ trợ phát triển nghề này tương xứng với tiềm năng của vùng có điều kiện và quy mô phát triển nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm lớn nhất của cả nước? Đặc biệt là cơ chế, giải pháp về vốn cho người nuôi tôm - Đối tượng thường thiếu vốn cho việc thâm canh và mở rộng quy mô sản xuất?
Để hiểu sâu hơn về vốn cho các hộ nuôi tôm (hộ nông dân và trang trại nuôi tôm), nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, điều tra hơn 400 hộ nuôi tôm tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu với kết quả như sau: có 68,4% hộ nuôi tôm (hộ nông dân và trang trại) cho biết họ vay ngắn hạn theo mùa; chỉ có 8,4% là thường xuyên có nhu cầu vay. Tuy nhiên cũng có 21,5% ít khi vay vốn và 1,6% ý kiến trả lời cho biết họ chưa vay lần nào.
Thực trạng ban đầu hầu hết người nuôi tôm sản xuất với quy mô nhỏ, dựa trên vốn tự có là chính, nhưng khi mở rộng quy mô sản xuất thì có trên 95% người nuôi tôm có nhu cầu vay vốn.
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhằm xem xét về mức độ khó khăn khi vay vốn của những người nuôi tôm cũng ở tại địa bàn trên, kết quả khảo sát có đến 81,5% ý kiến cho rằng việc vay vốn ở các tổ chức tín dụng chính thức (ngân hàng và quỹ tín dụng) là khó khăn và rất khó khăn. Chỉ có 19,5% cho rằng, việc vay vốn từ các nguồn chính thức là dễ dàng. Trong khi đó cũng chỉ có 0,6% cho rằng việc vay vốn là rất dễ dàng.
Tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân người nuôi tôm không vay vốn từ ngân hàng để từ đó có giải pháp, cơ chế chính sách về vốn hợp lý hơn cho người nuôi tôm, kết quả khảo sát cho thấy có 40,9% người nuôi tôm không vay được vốn từ các ngân hàng là do không đủ tài sản thế chấp để được vay vốn hoặc định giá trị tài sản thế chấp không phù hợp với giá thị trường (thấp hơn giá thị trường); 37,4% không vay vốn vì lãi suất cho vay quá cao, sản xuất khó có khả năng thu hồi vốn; 13,6% viện dẫn lý do bị từ chối khi xin vay, trường hợp này chủ yếu hồ sơ không hợp lệ hoặc các dự án không khả thi; 5,6% cho là thủ tục vay vốn phức tạp và 2,5% vì lý do khác như không biết thủ tục vay vốn, vay của người thân, vay trong xóm.
Trước thực trạng trình độ của người nuôi tôm (các chủ hộ và chủ trang trại) có tới hơn 80% chưa qua đào tạo, chỉ có 0,4% tốt nghiệp đại học nên khả năng xây dựng phương án sản xuất hoặc lập dự án đầu tư còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trang người nuôi rất khó tiếp cận được đồng vốn vay, nhất là vay ưu đãi.
Bên cạnh những lý do trên còn có các nguyên nhân khác như: tôm bị chết dẫn đến nợ xấu và nợ quá hạn nên năm sau tiếp tục nuôi thì người nuôi tôm không có khả năng tiếp cận được đồng vốn; sự biến động của chi phí đầu vào (trong đó có lãi suất ngân hàng) và giá cả đầu ra nên có thể năm nay nuôi lời nhưng năm sau lại lỗ, người nuôi tôm không thể dự báo được thị trường và giá cả thị trường; việc liên kết “Ba nhà”, “Bốn nhà” mỗi nơi mỗi khác và tính ràng buộc trách nhiệm giữa các bên rất thấp; chưa tạo được thế phát triển bền vững trong nuôi - chế biến - xuất khẩu tôm…
Định hướng phát triển nuôi tôm đến năm 2020
Để định hướng chiến lược phát triển ngành thủy sản, trong đó có phát triển nghề nuôi tôm, ngày 16-9-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020.
Quyết định 1690/QĐ-TTg đã định hướng phát triển nuôi tôm càng xanh vùng nước ngọt và nuôi tôm sú vùng nước lợ. Vùng ĐBSCL phải hình thành vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung có quy mô diện tích lớn theo tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practice) phù hợp với từng thị trường, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao. Duy trì, phát triển các hình thức nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm sinh thái, nuôi quảng canh cải tiến để bảo đảm năng suất, chất lượng và bền vững.
Nhằm định hướng cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản, ngày 03-03-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 332/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản Việt Nam đến năm 2020. Đề án đặt ra mục tiêu “Phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có hiệu quả, sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững; trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông, ngư dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển, đảo của Tổ quốc”(1). Chỉ tiêu cụ thể, đến năm 2020: tôm sú (tôm nước lợ) đạt 700.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 5,76%/năm, tôm càng xanh đạt 60.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 11,6%/năm.
Một số giải pháp về vốn nhằm phát triển nuôi tôm bền vững ở ĐBSCL
Qua phần phân tích thực trạng về vốn đầu tư phát triển nuôi tôm ĐBSCL; căn cứ vào định hướng phát triển của ngành đến năm 2020; chúng ta cần có những giải pháp về vốn nhằm góp phần phát triển nuôi tôm bền vững ở ĐBSCL như sau:
Một là, thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, trong đó:
- Ngân sách nhà nước thực hiện đầu tư và hỗ trợ đầu tư: Xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị sản phẩm cho các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp; kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; đào tạo cán bộ nâng cao trình độ nghiệp vụ và luật pháp quốc tế phục vụ công tác thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại trong lĩnh vực thủy sản.
- Vốn của các tổ chức, cá nhân: Đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở chế biến theo hướng công nghiệp, hiện đại, đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến xuất khẩu nhằm tăng dần tỷ trọng xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, hàng có giá trị gia tăng thấp; xây dựng và quảng bá thương hiệu cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp; đầu tư bảo đảm các điều kiện cho việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc và áp dụng các chương trình nuôi tiên tiến, bảo vệ môi trường và đào tạo nhân lực của doanh nghiệp(2).
- Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dưới nhiều hình thức cho phát triển nuôi tôm ở ĐBSCL.
Hai là, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành về đầu tư, tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất giống, thức ăn, nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Nhà nước có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, và tiếp tục cho vay vốn. Phải xác định rõ nguyên nhân nợ xấu và nợ quá hạn là do người nuôi hay do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh…) để có thể tiếp tục cho vay hay không cho vay. Cần xây dựng quy trình và thủ tục vay vốn đơn giản hơn…
Ba là, vì người nuôi tôm có trình độ chuyên môn quá thấp nên trong thời gian tới cần có giải pháp: “Sắp xếp và tổ chức lại, củng cố, nâng cấp, mở rộng, hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực thủy sản phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất. Xây dựng trường đại học Thủy sản và các cơ sở dạy nghề thủy sản tại vùng ĐBSCL. Ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất”(3).
Bốn là, cần có quy hoạch cụ thể theo từng vùng, từng địa phương; trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, dự án từ sản xuất giống, đến nuôi trồng, chế biến xuất khẩu sản phẩm; nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi luân canh, xen canh; tổng kết và nhân rộng các mô hình tiên tiến nuôi tôm sú, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm để tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm, từ đó giảm được tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn của các hộ nông dân và trang trại nuôi tôm.
Năm là, tăng cường liên kết “Bốn nhà” theo hướng gắn kết từ người sản xuất giống và người nuôi; Nhà nước; nhà khoa học; nhà doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Vấn đề này được thể hiện qua việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi. Khuyến khích phát triển hình thức ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người nuôi tôm.
Sáu là, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước ngành thủy sản từ trung ương đến địa phương.“Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng thủy sản, quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc; đặc biệt về chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y và các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, các chất bảo quản sản phẩm thủy sản”(4). Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong nền kinh tế hội nhập quốc tế.
Bảy là, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng cho phát triển con giống, kỹ thuật nuôi, chế biến xuất khẩu tôm. Lựa chọn để nhập công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm nhằm ứng dụng, chuyển giao nhanh nhất các thành tựu khoa học tiên tiến trong nước và nước ngoài vào sản xuất.
Hy vọng với những giải pháp nêu trên sẽ góp phần phát triển nuôi tôm ở ĐBSCL một cách hiệu quả, bền vững, xứng đáng với tiềm năng của vùng chiếm hơn 90% diện tích, hơn 70% sản lượng nuôi thủy sản nước lợ của Việt Nam và là vùng có mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa khá thành công. Có như thế mới góp phần quan trọng vào việc đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 cơ bản được công nghiệp hóa - hiện đại hoá và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh cao, đóng góp 30 - 35% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp và kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD./.
--------------------------------------------
(1) Quyết định 332/QĐ-TTg
(2) Quyết định 279/QĐ-TTg
(3) Quyết định 1690/QĐ-TTg
(4) Quyết định 1690/QĐ-TTg
Doanh nghiệp Mỹ ngày càng quan tâm đầu tư ở Việt Nam  (06/03/2013)
Mỹ công nhận doanh nghiệp Việt Nam không phá giá tôm  (06/03/2013)
Bộ Ngoại giao Việt Nam - Cuba tham vấn chính trị  (06/03/2013)
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia  (06/03/2013)
Ukraine hỗ trợ các liên doanh sản xuất với Việt Nam  (06/03/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên