Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Hoài Phương (tổng hợp)
23:01, ngày 04-03-2013
TCCSĐT - Với nhiều nình thức tổ chức, tuyên truyền phổ biến, lấy ý kiến đóng góp đa dạng, phong phú, tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân.

* Ủy ban về các vấn đề xã hội góp ý sửa đổi Hiến pháp

 

Sáng 4-3, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tọa đàm góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Các ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung phân tích, đóng góp vào nội dung các quy định trong dự thảo về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân liên quan đến y tế, dân số, bình đẳng giới, hôn nhân - gia đình, tôn giáo.

 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lương Phan Cừ nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, trong đó nguồn lực con người là quý báu nhất, có vai trò quyết định. Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người…

 

Đại biểu cho rằng, Hiến pháp quy định về con người và những vấn đề xã hội là sự đòi hỏi Nhà nước, xã hội và cá nhân phải tuân thủ để con người, công dân được phát triển toàn diện, thúc đẩy xã hội phát triển.

 

Bàn về vấn đề lợi nhuận hay phi lợi nhuận trong lĩnh vực y tế và việc quy định vấn đề này trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chuyên gia cao cấp Viện nghiên cứu lập pháp Đặng Văn Thanh cho rằng, các hoạt động liên quan tới lợi ích cộng đồng đều được quan niệm là phi lợi nhuận.

 

Theo đại biểu, hoạt động y tế nói chung, trong đó có vấn đề về chăm sóc sức khỏe là hoạt động phi lợi nhuận. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng không cần thiết nêu rõ trong Hiến pháp vấn đề này bởi Hiến pháp là luật gốc, luật cơ bản, cần ngắn gọn, cô đọng; những vấn đề cụ thể quy định ở những luật chuyên ngành.

 

Đại biểu kiến nghị gộp Điều 41 liên quan đến quyền được bảo vệ sức khỏe và Điều 62 về chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân thành một điều luật, trong đó gồm 3 khoản: thứ nhất quy định mọi người được quyền gì; thứ hai là mọi người có nghĩa vụ gì và thứ ba Nhà nước có cơ chế gì bảo đảm để thực hiện được các quyền. Đồng thời, đại biểu Thanh cũng kiến nghị từng điều luật cần có tiêu đề để người dân dễ hiểu.

 

Đại biểu Lê Quang Cường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng, Dự thảo Hiến pháp không nên sử dụng từ “lợi nhuận” trong lĩnh vực y tế mà cần nghiên cứu để tìm một thuật ngữ khác thích hợp hơn.

 

 

Các đại biểu dự tọa đàm đã góp ý kiến cụ thể về các quy định quyền tự do tôn giáo và những định hướng lớn về chính sách tôn giáo; các quy định về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình; việc quy định phát triển đông y và đông tây y kết hợp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

* Đề nghị đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào Hiến pháp

 

Ngày 4-3, tại Đồng Hới, Đoàn công tác của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã làm việc với tỉnh Quảng Bình về công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Tại buổi làm việc, các ý kiến đã góp ý về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như Lời nói đầu cần khái quát và ngắn gọn; đề nghị bổ sung từ “dân chủ” vào trước cụm từ “công bằng xã hội” ở đoạn thứ tư; thay đổi cụm từ “thực hiện chủ quyền nhân dân” bằng cụm từ “thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”; đề nghị đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào Hiến pháp để tiếp tục khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Nhiều ý kiến của đại biểu các đơn vị liên quan trong tỉnh Quảng Bình đã nêu lên những vấn đề còn vướng mắc trong công tác lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như: do trình độ dân trí, điều kiện giao thông và khả năng tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại các khu dân cư có khó khăn. Thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân lại trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày nên kết quả chưa được như mong muốn...

 

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức trên 330 hội nghị, hội thảo góp ý kiến, thu hút hàng chục vạn lượt người tham gia. Đã có 4/7 huyện, thành phố, 27/48 cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp tỉnh tập hợp xong ý kiến, một số cơ quan đã gửi báo cáo tổng hợp đến cơ quan thường trực để tổng hợp. Các cơ quan, đơn vị còn lại tiếp tục hoàn thành việc tập hợp ý kiến tham gia và xây dựng báo cáo theo quy định.

 

Hiện nay, các ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục cập nhật và tổng hợp, đã có trên 483 ý kiến tham gia bằng văn bản.

 

Trong thời gian tới, dự kiến Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề thảo luận ý kiến tham gia của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan hoàn thành việc lấy ý kiến để xây dựng dự thảo báo cáo chung của tỉnh.

 

* Hải Phòng lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

 

Ngày 4-3, Đoàn kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp làm Trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng và các cơ quan hữu quan của thành phố về công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến phát biểu của lãnh đạo thành phố, các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, chủ động, sáng tạo của Ban Tổ chức, Ban Chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp thành phố.

 

Với bốn nội dung mà Đoàn kiểm tra yêu cầu thành phố Hải Phòng báo cáo đã khẳng định sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Thể hiện rõ nét nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và sự kết hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị nhịp nhàng, tích cực, đạt kết quả bước đầu rất tốt. Công tác kiểm tra luôn đi liền với công tác triển khai, bảo đảm yêu cầu quy định chung về nội dung, tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương.

 

Đến ngày 3-3, Hải Phòng đã tổ chức được 3.000 hội nghị, với 120.000 lượt người tham gia, khoảng 40.000 lượt ý kiến phát biểu và gửi văn bản, thể hiện tính nghiêm túc, trách nhiệm, thống nhất cao của các tổ chức, nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp và là điều quyết định dẫn đến yếu tố thành công của việc tham gia đóng góp sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lưu ý thành phố Hải Phòng tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân về một số vấn đề lớn mà các địa phương, cơ quan trong cả nước cũng đang tập trung đóng góp ý kiến để làm rõ hơn như Hội đồng hiến pháp, kiểm toán, vấn đề về tư pháp, vấn đề quyền con người, quyền của nhân dân như thế nào; các hiến định mới mang tính độc lập; cơ chế kiểm soát quyền lực giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp...

 

Một số kiến nghị của thành phố Hải Phòng như Trung ương cần hướng dẫn, thuyết minh rõ hơn về những điều bỏ hay không để làm cơ sở cho nhân dân tham gia ý kiến, thảo luận xác đáng hơn; các tiêu chí phải rõ ràng; thời hạn báo cáo tình hình triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp..., đã được Phó Chủ tịch nước cho ý kiến.

 

Nêu rõ vai trò chủ thể là nhân dân trong Hiến pháp

 

Ngày 4-3, Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự tham gia của các lãnh đạo thành phố, nguyên lãnh đạo thành phố và đại diện một số sở, ngành, quận, huyện, các nhà khoa học.

 

Các ý kiến đều nhất trí cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn một số điều trong Dự thảo sửa đổi.

 

Đồng chí Phạm Lợi, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992, thể chế cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và chủ trương của Đảng trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều cần được xem xét làm rõ hơn.

 

Cụ thể, tại Điều 2, Dự thảo viết: Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

 

Việc xác định nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là phù hợp với đường lối chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, được ghi vào Hiến pháp là cần thiết. Điều cần cân nhắc ở đây là thể hiện trong Hiến pháp đường lối cơ bản của toàn dân để thể hiện quan điểm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nêu rõ vai trò chủ thể là nhân dân. Do đó, đề nghị cân nhắc, có thể viết: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

 

Tại Điều 8, Dự thảo ghi: Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện... Để nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức phục vụ nhân dân, đề nghị sửa đổi: Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền... tổ chức và hoàn thiện nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ để phục vụ nhân dân. Như vậy mới làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhà nước.

 

Tại Điều 101, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Dự thảo ghi: Phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đề nghị bổ sung: Phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tạo điều kiện cần thiết để các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.

 

Giáo sư, tiến sĩ Vũ Hoan, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho rằng, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kết cấu chưa phù hợp, cần sửa đổi một số từ ngữ và văn phong. Lời nói đầu cũng chưa chặt chẽ, chưa cô đọng, cần ghi rõ ngắn gọn và cô đọng hơn.

 

Cùng ngày, tại Hội nghị lấy ý kiến của Thường trực Thành đoàn các thời kỳ và các đại biểu cán bộ, đoàn viên, thanh niên Thủ đô về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào một số vấn đề: Vai trò của đoàn thanh niên trong động viên đoàn viên thanh niên thực hiện quyền làm chủ của mình; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên thanh niên; các vấn đề về trọng dụng nhân tài, tài năng trẻ, vai trò lãnh đạo của Đảng; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, môi trường và chủ quyền quốc gia, biển đảo, bảo vệ Tổ quốc.

 

Đóng góp ý kiến về vai trò, vị trí của đoàn thanh niên, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Hữu Loan cho rằng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bỏ đi Điều 66 của Hiến pháp năm 1992 là không hợp lý. Dự thảo cần quy định một điều riêng về thanh niên, trong đó nhấn mạnh vào việc thanh niên sau khi thực hiện nghĩa vụ học tập xong phải có việc làm, xã hội cần tạo điều kiện chăm lo việc làm của thanh niên để thực thi nghĩa vụ học tập và chuyên môn bản thân mà họ đã có.

 

Đồng tình với ý kiến này, nhiều đại biểu cho rằng, cần đưa quyền, nghĩa vụ của thanh niên vào Hiến pháp sửa đổi. Trong lịch sử của tất cả các nước trên thế giới và Việt Nam, thế hệ trẻ luôn là những người kế tục truyền thống của dân tộc, là lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tuy vậy, trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi không có quy định nào nói đến quyền và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam (ngoại trừ có một ý nói về trẻ em ở mục 2, điều 62 nói về việc chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em).

 

Trong khi đó, Hiến pháp năm 1992 có dành riêng Điều 66, chương V quy định rõ: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. Bởi vậy, theo các đại biểu, cần dành cho tuổi trẻ một quy định riêng trong Hiến pháp sửa đổi, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có một hành lang pháp lý để học tập, cống hiến và phát triển năng lực của mình.

 

Góp ý dự thảo Hiến pháp về khoa học và công nghệ

 

Cũng trong ngày 4-3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn thể lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là các điều liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường được quy định tại hai chương, Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Điều 43, Điều 46) và Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (Điều 65, Điều 67 và Điều 68).

 

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (khóa XI), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã quy định ngắn gọn hơn so với trước (từ 147 Điều còn 124 Điều), bổ sung khá nhiều nội dung mới.

 

Góp ý vào nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Nguyễn Đăng Vang cho rằng, nên bổ sung cụm từ: “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian hạn định” vào khoản 3, Điều 67 để khuyến khích lao động, sáng tạo - động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội.

 

Ông Nguyễn Quốc Bình, đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, quy định tại Điều 65 “phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu” là chưa đủ vì thực tiễn cho thấy, các chính sách của Nhà nước, chế tài pháp luật quy định vấn đề này chưa mạnh dẫn đến quy định này chưa thực sự có hiệu quả.

 

Ông Nguyễn Quốc Bình đề nghị nên bổ sung thêm quy định “Nhà nước thể chế hóa bằng các cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật tạo điều kiện để bảo đảm phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu” để khắc phục những bất cập, tạo điều kiện cho hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ được vận hành tốt hơn.

 

Ông Bình cũng cho rằng, để phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, việc thu hút nhân tài là vấn đề quan trọng đối với tất cả các quốc gia. Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển quốc gia nhưng các chính sách này chưa có nội dung liên quan đến việc thu hút nhân tài.

 

Ông Nguyễn Quốc Bình đề nghị trong Điều 67 cần bổ sung thêm mục 4: “Nhà nước tạo điều kiện đặc biệt để thu hút nhân tài nhằm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh quốc phòng”.

 

Góp ý vào Điều 67, ông Trương Minh Hoàng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng quy định tại điều này thể hiện vai trò Nhà nước nhưng chỉ dừng lại ở mức độ “thúc đẩy” ở khoản 2 và “tạo điều kiện” ở khoản 3, chưa thấy vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư, ưu tiên để thỏa mãn điều kiện “giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”.

 

Ông Trương Minh Hoàng đề nghị nên quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, tạo nguồn lực, cơ sở vật chất, khuyến khích như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và môi trường.

 

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian góp ý kiến về các nội dung quy định Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng; quyền của trẻ em được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em…/.