Hiệp định Pa-ri năm 1973 – mốc son trong trang sử ngoại giao Việt Nam
TCCSĐT – Sáng 25-01-2013, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao, tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 – 27-1-2013) - một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc; một mốc son trong trang sử hào hùng của nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo ban, ngành đoàn thể Trung ương và Thủ đô Hà Nội; các Mẹ Việt Nam Anh hùng; các đồng chí trực tiếp tham gia vào cuộc đàm phán; đại diện gia đình các đồng chí nguyên là cán bộ của hai Đoàn đàm phán; đại diện Ban Liên hiệp quân sự bốn bên thi hành Hiệp định; đại diện các phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của Việt Nam trong đàm phán và ký kết Hiệp định Pa-ri; các vị đại sứ, đại diện một số cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội; các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho hai Đoàn đàm phán.
Hiệp định Pa-ri - trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ của quân và dân ta trên chiến trường và cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Pa-ri đều nhằm mục tiêu buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Biết bao đồng bào, đồng chí, chiến sĩ, những người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh xương máu vì mục tiêu thiêng liêng ấy.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đọc diễn văn tại buổi lễ |
Ký kết hiệp định Pa-ri, Mỹ phải công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ lính Mỹ và chư hầu ra khỏi Việt Nam. Hiệp định Pa-ri mở ra cục diện mới với thế mạnh áp đảo của chúng ta trên chiến trường, tạo tiền đề vững chắc để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Hiệp định Pa-ri được ký kết cũng là niềm cổ vũ lớn lao đối với người yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong lúc cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường, cũng như trên bàn đàm phán tại Pa-ri; là minh chứng hùng hồn cho chân lý “Đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa. Vì vậy, Hiệp định Pa-ri đã đi vào lịch sử của sự nghiệp đấu tranh chung, của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do vì hòa bình và công lý.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Hiệp định Pa-ri là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri, chúng ta bồi hồi xúc động ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; ghi nhớ biết bao công lao của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ đã chiến đấu, anh dũng hy sinh để làm nên những chiến công chói lọi. Chúng ta ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các thành viên Đoàn đàm phán…; bày tỏ lòng biết ơn chân thành các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bạn bè quốc tế, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ đã ủng hộ, cổ vũ cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý. Sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã trở thành một phần của lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam vì độc lập tự do của Tổ quốc và cũng vì lẽ phải và công lý trên thế giới.
Chủ tịch nước khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng rằng, trái tim và khối óc của các bạn vẫn mãi mãi đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng tôi ngày hôm nay”; đồng thời nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng và kỳ vọng rằng, phát huy tinh thần Hội nghị Pa-ri, công tác đối ngoại nhất định sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa; ghi tiếp các mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu”.
Lợi ích tối cao của dân tộc - niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri cho biết: Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, được ký kết ngày 27-01-1973 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, dẫn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là kết quả của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lâu dài và vô cùng gian khổ, đầy hy sinh, thử thách của nhân dân ta, tiến hành trên ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao; là kết quả của đường lối độc lập tự chủ cùng với sự tranh thủ đoàn kết quốc tế rộng rãi.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang cho đại diện hai Đoàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri. |
Cuộc đấu tranh về quân sự - chính trị trên chiến trường tạo thế cho cuộc đấu tranh về ngoại giao, cuộc đấu tranh về chính trị - ngoại giao trên trường quốc tế phối hợp với đấu tranh quân sự - chính trị trong nước, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, làm tăng thêm sức chiến đấu của quân dân ta. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc là cuộc đấu tranh chính nghĩa, phù hợp với lý tưởng và nguyện vọng của nhân dân thế giới.
Thắng lợi của Việt Nam tại cuộc đàm phán Pa-ri là thắng lợi lịch sử trọng đại của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của tất cả những người có lương tri trên thế giới, đã ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; là minh chứng tập trung nhất về sự đúng đắn, tài tình của đường lối, sách lược của nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng cho biết, Đoàn đàm phán đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đấu tranh luôn luôn giữ vững lập trường, nguyên tắc trong từng bước đi cụ thể, biết mềm dẻo và linh hoạt - tất cả là nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng: Mỹ phải rút đi hoàn toàn, quân ta vẫn ở tại chỗ, các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam phải được bảo đảm, Việt Nam là của người Việt Nam. Trên bàn đàm phán, cuộc chiến đấu không dùng súng đạn nhưng bằng đấu trí, đấu lý và cả ý chí, cũng vô cùng khó khăn và gian khổ. Các cuộc họp đàm phán bí mật là những trận chiến đấu hết sức quyết liệt. Động lực chính giúp chúng tôi kiên trì đấu tranh và hoạt động tích cực đó là vì lợi ích tối cao của dân tộc, là niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Bày tỏ sự cảm ơn Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin tưởng và giao phó cho đoàn đàm phán một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và hết sức vẻ vang, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói: “Hôm nay, tại Lễ kỷ niệm trọng thể này, chúng tôi, những người được may mắn thay mặt cho nhân dân ta, ký vào văn bản Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam - một văn kiện lịch sử trọng đại của dân tộc - bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng và giao phó cho chúng tôi một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và hết sức vẻ vang. Cảm ơn tất cả các đồng chí trong nước và đồng bào nước ngoài - đặc biệt là ở Pháp, đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Và qua đây, chúng tôi đã được rèn luyện và trưởng thành”.
Câu chuyện tình yêu mà chúng ta đã trải nghiệm vì hòa bình và công lý sẽ không bao giờ dừng lại
Bà Hê-len Lúc (Hélene Luc), nguyên Thượng nghị sỹ, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt nói, ngày 27-1-1973 là một trong những ngày đẹp nhất trong lịch sử của nhân dân Việt Nam khi Hiệp định Pa-ri được ký kết. Nhân dân Pháp cũng như những người dân yêu chuộng hòa bình và công lý ở các nước trên thế giới cùng nhân dân Việt Nam hân hoan đón nhận chiến thắng ấy. Bà nhớ lại, 5 năm trước đó, Đoàn Đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đến Pháp vào ngày 10-5-1968, đúng vào lúc ở Pháp đang sục sôi không khí phản đối chiến tranh.
Dưới chân Tháp Ép-phen, đông đảo công nhân và sinh viên cùng hô vang “Ho, Ho, Hồ Chí Minh”. Đó là tiếng hô đồng thanh chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược. Bà cho biết, đối với cả một thế hệ, hình ảnh trên biểu trưng cho sự phản đối sức mạnh Mỹ, biểu trưng cho sự thay đổi xã hội triệt để. Vì thế, theo bà Hê-len Lúc, Lễ kỷ niệm trọng thể 40 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, không chỉ cần và có ích đối với thế hệ trẻ Việt Nam, mà còn cho toàn thế giới.
Bà Hê-len Lúc (Hélene Luc), nguyên Thượng nghị sỹ, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt. |
Bà Hê-len Lúc chia sẻ: “Từ năm 17 tuổi, khi còn là học sinh trung học, bắt đầu đấu tranh chống chiến tranh xâm lược thuộc địa của Pháp rồi của Mỹ cho đến khi trở thành Thượng nghị sĩ, tôi vẫn kiên định một lý tưởng. Và ngày hôm nay, tôi xin bày tỏ cảm phục trước lòng quyết tâm của các bạn, quyết tâm làm cho cuộc sống ấm no hơn, quyết tâm bảo vệ hòa bình. Câu chuyện tình yêu mà chúng ta đã trải nghiệm vì hòa bình và công lý sẽ không bao giờ dừng lại”.
Thế hệ trẻ phát huy nhiệt huyết và tinh thần xung kích
Đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam, Bí thư Đoàn Bộ Ngoại giao Lê Việt Phương bày tỏ sự cảm phục và lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiệp định Pa-ri với sự hiện diện của nhiều nhân chứng lịch sử giúp thế hệ trẻ có cơ hội ôn lại lịch sử, qua đó càng thấy rõ hơn những may mắn của mình: được sinh sống, học tập và làm việc trên một đất nước Việt Nam thống nhất, hòa bình và phát triển. Những bài học kinh nghiệm quý giá của những năm tháng đầy cam go, thử thách của đàm phán Hiệp định Pa-ri, như: ý chí kiên định, niềm tin sắt đá vào chiến thắng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc; bản lĩnh kiên cường và nghệ thuật ngoại giao được đúc kết từ truyền thống ngoại giao hàng nghìn năm của dân tộc với tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp để làm nên chiến thắng,… là những tài sản vô giá đối với các thế hệ cán bộ ngoại giao, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, nhân dân, thế hệ trẻ ngày nay nguyện tiếp nối truyền thống các thế hệ cha anh, không ngừng rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt, phát huy nhiệt huyết, sáng tạo của tuổi trẻ và tinh thần xung kích “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Hiệp định Pa-ri về Việt Nam - sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nền ngoại giao Việt Nam (*)  (25/01/2013)
Hội nghị triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người giai đoạn 2011 - 2015  (25/01/2013)
Thành ủy TP. Hồ Chí Minh: Công tác kiểm tra, giám sát là công cụ quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh  (25/01/2013)
Lợi thế và hạn chế  (25/01/2013)
Nhìn lại Chương trình xây dựng nông thôn mới sau 2 năm thí điểm  (25/01/2013)
Hối thúc đẩy nhanh FTA giữa EU và MERCOSUR  (25/01/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên