Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của 46 chuyên gia kinh tế vừa do hãng tin Anh Reuters tiến hành nói rằng Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha phải đối mặt với năm 2013 khó khăn hơn người ta vẫn tưởng, trong khi triển vọng tăng trưởng của Ireland - điểm sáng duy nhất trong số các nền kinh tế dễ bị tổn thương - cũng bị hạ bậc lần đầu tiên trong gần một năm qua.

Theo các chuyên gia kinh tế, các biện pháp khắc khổ đã khiến các nền kinh tế ở phía Nam Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm mạnh hơn dự kiến của giới quan chức, song nó sẽ giúp cải thiện dần tình hình tài chính.

Triển vọng đối với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp ngày càng xấu đi qua những điều tra hàng quý, được tiến hành lần đầu tiên kể từ tháng 6-2011. Tuy nhiên, sự ảm đạm này không phù hợp với những lạc quan trên thị trường tài chính, vốn đã bắt đầu từ khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tháng 7-2012 cam kết sẽ làm những gì có thể vì sự tồn tại của đồng tiền chung khu vực.

Thị trường chứng khoán Tây Ban Nha đã tăng trên 15% kể từ cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia mà Reuters tiến hành hồi tháng 10-2012 và lãi suất trái phiếu chính phủ của nước này cũng giảm 250 điểm cơ bản từ mức đỉnh cao trước bình luận của người đứng đầu ECB.

Theo ông Jonathan Loynes, nhà kinh tế hàng đầu châu Âu của Công ty Capital Economics, những yếu tố chính của nền kinh tế vẫn chịu sức ép suy yếu, trong đó có sản lượng công nghiệp, tính cạnh tranh bên trong liên minh tiền tệ và nợ công cao.

Cuộc khảo sát điều tra cũng cho rằng Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có thể thoát khỏi suy thoái trong năm tới, cho dù tốc độ tăng trưởng chậm chạp, mà chủ yếu là do sản lượng kinh tế đã giảm quá mạnh kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bùng phát năm 2010.

Đối với trường hợp Tây Ban Nha, sự yếu kém đáng kể nhất hiện nay là vấn đề thất nghiệp, đang ở mức tương đương 1/4 trong tổng lực lượng lao động của nước này. Chính phủ Tây Ban Nha vẫn duy trì dự đoán nền kinh tế nước này chỉ giảm 0,5% trong năm nay.

Theo ông Jose Carlos Diez, nhà kinh tế thuộc Công ty Intermoney, các số liệu đều cho thấy tình hình không có dấu hiệu cải thiện và mọi chuyện sẽ tiếp tục diễn biến như vậy cho tới khi châu Âu có sự thay đổi về chính sách. Ông Jose Carlos Diez cũng cho biết Tây Ban Nha và Italia cần có thêm thời gian để đạt được mục tiêu về thâm hụt ngân sách./.