Thực hiện tốt Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đặng Ngọc Tùng TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
19:22, ngày 18-01-2013
TCCS - Thực hiện tốt Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn vừa được sửa đổi và thông qua là giữ vững vị trí, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nói về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân (GCCN), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Để giành lấy thắng lợi, cách mạng nhất định phải do giai cấp công nhân lãnh đạo. Vì nó là giai cấp tiên tiến nhất, giác ngộ nhất, kiên quyết nhất, có kỷ luật nhất và tổ chức chặt chẽ nhất”(1).

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”(2), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật... để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.”(3).

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua (ngày 18-6-2012) đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-01-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Bộ luật Lao động năm 2012 gồm 17 chương, 242 điều; trong đó, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người lao động và của người sử dụng lao động, việc làm, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, an toàn lao động, vệ sinh lao động, lao động nữ, lao động chưa thành niên và một số lao động khác, bảo hiểm xã hội, vai trò và các quyền của công đoàn, giải quyết tranh chấp lao động, quản lý nhà nước về lao động, thanh tra lao động, xử phạt vi phạm pháp luật về lao động.

Như vậy, Bộ luật Lao động năm 2012 đã nêu được những vấn đề quan trọng về quyền, nghĩa vụ của người lao động và của người sử dụng lao động, quan hệ lao động, các tiêu chuẩn lao động, các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất; bảo vệ quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động; đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hòa và ổn định, góp phần phát huy trí sáng tạo và tài năng của người lao động, của người quản lý lao động, nhằm đạt năng suất, chất lượng và tiến bộ xã hội trong sản xuất, dịch vụ, hiệu quả trong sử dụng và quản lý lao động, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, Bộ luật Lao động năm 2012 có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và trong hệ thống pháp luật của quốc gia.

Địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam đã được ghi trong Điều 10, Hiến pháp năm 1992: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Công đoàn Việt Nam có tính chất quần chúng và tính chất giai cấp của giai cấp công nhân và có 3 chức năng: đại diện, chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động CNVCLĐ học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chức năng của công đoàn là một chính thể, một hệ thống đồng bộ, trong  đó có chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Đây là chức năng chủ yếu, “thiêng liêng” nhất của công đoàn, mang ý nghĩa trung tâm, là mục tiêu hoạt động của Công đoàn Việt Nam; chức năng tham gia quản lý mang ý nghĩa phương tiện; chức năng tuyên truyền, vận động mang ý nghĩa tạo động lực tinh thần để đạt được mục tiêu.

Trong chặng đường lịch sử của dân tộc từ đầu thế kỷ XX đến nay, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng, thể hiện rõ vai trò của mình đối với xã hội. Công đoàn đã thu hút, vận động, giáo dục, tổ chức CNVCLĐ tham gia tích cực vào công cuộc cách mạng. Trong các lĩnh vực của đời sống đất nước (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và tư tưởng), Công đoàn đã tham gia tích cực, tác động mạnh mẽ thông qua hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, ngành, cơ sở, thông qua lực lượng đoàn viên và CNVCLĐ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Luật Công đoàn là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị đất nước, phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống chính trị - xã hội. Việc sửa đổi Luật Công đoàn nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn năm 1990, đáp ứng quá trình phát triển của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ về tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn trong tình hình mới. Luật Công đoàn được Quốc hội thông qua đã kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được nêu ở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết
số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Luật Công đoàn năm 2012 gồm 6 chương, 33 điều, trong đó xác định rõ địa vị pháp lý, quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn và đoàn viên; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với các tổ chức công đoàn; những bảo đảm hoạt động để Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của Công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần phát triển quan hệ lao động lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

 Tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn năm 2012 đến toàn thể nhân dân và sớm đưa 2 đạo luật này vào cuộc sống là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Với trách nhiệm của mình, các cấp Công đoàn Việt Nam sẽ chủ động, tích cực thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, nhanh chóng triển khai ngay việc tuyên truyền cả hai đạo luật đến với từng đoàn viên và CNVCLĐ. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của các cấp công đoàn. Người lao động hiểu luật để thực hiện đúng, hiểu luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình cũng chính là góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Hiện nay các cấp công đoàn đang tiến hành đại hội để tiến tới Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, các cán bộ công đoàn phải nắm vững và cụ thể hóa quy định của Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn vào phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới, tạo điều kiện phát triển tổ chức công đoàn lên một tầm cao mới.

Hai là, chủ động tham gia với Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn; tham gia với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước nghiên cứu, xây dựng những nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động; tổ chức tập huấn một số chuyên đề quan trọng liên quan đến 2 đạo luật trên, như đối thoại - thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, vai trò, nhiệm vụ của các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở,...; tiếp tục nghiên cứu tham gia hoàn thiện các chính sách có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ; tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống CNVCLĐ, nhất là những người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống tại các khu nhà trọ; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám
sát việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn tại các doanh nghiệp, nhằm sớm phát hiện các vi phạm để kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý những vi phạm, kịp thời giải quyết vướng mắc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các đơn vị, doanh nghiệp.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn tương xứng vai trò, nhiệm vụ. Cán bộ công đoàn phải có đầy đủ năng lực về chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, hiểu biết pháp luật, có khả năng vận động quần chúng, thuyết phục người sử dụng lao động. Do đó việc đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn nói chung, cán bộ công đoàn cơ sở nói riêng là hết sức quan trọng. Đây là yếu tố có tính quyết định, tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của công đoàn, hiện thực hóa Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn trong thực tế.

Đội ngũ cán bộ công đoàn rất đông đảo, nhưng chỉ có 3% là cán bộ chuyên trách, làm việc ở các cấp trên công đoàn cơ sở. Còn 97% là cán bộ công đoàn không chuyên trách, chủ yếu lại ở cơ sở, nơi gắn trực tiếp với đoàn viên, lao động, hằng ngày phải đương đầu với mọi khó khăn, thách thức, trực tiếp hòa giải mọi xung đột quan hệ lao động, can thiệp, giải quyết mọi quyền và lợi ích của đoàn viên, lao động. Thời gian, quyền lợi vật chất và điều kiện hoạt động của họ đã khó khăn, mà năng lực của số này, nhất là kiến thức pháp luật cần thiết để bảo vệ người lao động và giữ vị thế công đoàn, thì còn hạn chế. Có trên 60% số cán bộ công đoàn cơ sở chưa được học tập, nghiên cứu về pháp luật, chưa được đào tạo cơ bản, có hệ thống. Như vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở, nhiệt tình, có năng lực, bản lĩnh vì công nhân lao động, vì tổ chức công đoàn là vấn đề có tính chất chiến lược trong xây dựng và phát huy vai trò của Công đoàn. Cùng với nhiệt tình, bản lĩnh chính trị vững vàng, việc nâng cao kiến thức về công đoàn, về pháp luật và thực hiện tốt cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn mà Luật Công đoàn năm 2012 đã quy định, là yếu tố quan trọng, quyết định thành công của Công đoàn.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và xây dựng công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn vững mạnh. Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trước hết trong các doanh nghiệp có đông người lao động, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước, theo phương châm “Ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”. Tổ chức công đoàn vững mạnh cùng với quyền công đoàn được luật hóa là nhân tố quan trọng cho tổ chức công đoàn thực hiện vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ.

Năm là, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn, đáp ứng nguyện vọng, quyền lợi đoàn viên, lao động trước những thách thức của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong những năm qua, Công đoàn Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về đổi mới, rõ nhất là đổi mới tư duy bằng việc lấy chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ làm chức năng trung tâm, hàng đầu; mọi hoạt động của Công đoàn hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên, người lao động là đối tượng để vận động; nâng cao năng lực cán bộ công đoàn trong thương thảo với giới chủ, với người sử dụng lao động, chủ động tham gia giải quyết tranh chấp lao động đi đôi với tăng cường tham mưu với Nhà nước để bổ sung các chính sách, chế độ liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của CNVCLĐ. Thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động nhằm đưa hoạt động công đoàn thích ứng với tình hình mới./.

--------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 9, tr. 283

(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 80, 240, 241