Tăng cường quản lý an toàn vệ sinh lao động gắn liền với phát triển kinh tế đất nước bền vững
Xét về tổng thể, bức tranh công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong những năm qua mặc dù vẫn còn những tồn tại và một số hiện tượng vi phạm pháp luật về ATVSLĐ gây bức xúc dư luận xã hội, song đã có thêm những điểm sáng đáng khích lệ. Sau nhiều năm triển khai Bộ Luật về An toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, năm 2009, trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, một chương trình điều tra tổng thể chuyên sâu về tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) đã được thực hiện. Kết quả điều tra cho thấy tần suất TNLĐ trong ba năm 2006 - 2008, bình quân mỗi năm giảm 3,04% (so với năm 2006). Theo số liệu từ cơ quan bảo hiểm xã hội, tần suất TNLĐ chết người từ 2006 - 2008 bình quân mỗi năm giảm 4,73% (so với năm 2005). Tỷ lệ mắc mới BNN phổ biến trong khu vực đang kiểm soát (các doanh nghiệp, cơ sở có đo đạc môi trường lao động, khám phát hiện và giám định BNN), mỗi năm giảm bình quân khoảng 9,3% (giai đoạn 2006 - 2008). Như vậy, tính trên bình diện chung, tần suất TNLĐ chết người, tỷ lệ mắc mới BNN đã giảm.
Giá trị của việc bảo đảm ATVSLĐ tới hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng được các bộ, ngành, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn. Các hoạt động thúc đẩy ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân được chú trọng, triển khai và có sự đầu tư, quan tâm đến chất lượng thay vì chạy theo phong trào như trước đây. Các bộ, ngành đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và đưa vào ứng dụng thí điểm các mô hình quản lý ATVSLĐ trong các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các làng nghề, các doanh nghiệp đặc thù trong ngành hậu cần quân đội (dệt may, xăng dầu,...). Vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước bước đầu đi vào chiều sâu với việc xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình quản lý nhà nước về ATVSLĐ đặc thù thuộc lĩnh vực khai thác đá, than, chế biến thủy sản. Ngành Y tế cũng đã mở rộng mô hình phòng, chống BNN tại các tỉnh, tiếp tục kiện toàn và đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực khám phát hiện, giám định BNN ở cả cấp Trung ương và địa phương.
Công tác đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ được triển khai rộng hơn trong hệ thống giáo dục và đào tạo, chương trình khung đào tạo ATVSLĐ cơ bản đã được xây dựng và áp dụng ở cả khối dạy nghề, trung học chuyên nghiệp và đại học. Các hoạt động phổ biến kiến thức về ATVSLĐ cho khu vực kinh tế dân doanh, làng nghề và trong sản xuất nông nghiệp - nơi đang tiềm ẩn những yếu tố, nguy cơ cao mất ATVSLĐ được chú trọng hơn so với trước. Công tác tuyên truyền ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đi vào chiều sâu với các chuyên mục phát sóng thường xuyên hằng tuần như: “An toàn và sức khỏe người lao động”, tư vấn pháp luật “Cẩm nang cho bạn” và “An toàn lao động vì sức khỏe và hạnh phúc của người lao động”...
Tổ chức, biên chế cán bộ cho công tác quản lý ATLĐ ở địa phương được tăng cường với việc hình thành phòng việc làm - an toàn lao động tại các sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). Hiện nay, cả nước có 47 sở LĐTBXH có phòng việc làm - an toàn lao động và 16 sở LĐTBXH giao công tác này cho thanh tra sở đảm nhiệm. Hệ thống thanh tra lao động, trong đó có thanh tra ATVSLĐ ở các địa phương đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được tăng cường về số lượng và ngày một nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động, các quy trình kiểm định an toàn thiết bị,... nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Các chương trình nghiên cứu đề xuất hoàn thiện pháp luật về ATVSLĐ, đề án Quỹ bồi thường TNLĐ, BNN,... tiếp tục được triển khai nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống pháp luật ATVSLĐ đồng bộ và trong đó quan trọng nhất là hình thành một khung pháp lý, một cơ chế hoạt động hiệu quả, để không chỉ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp về ATVSLĐ của NLĐ mà còn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho việc cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn và sức khỏe NLĐ, qua đó thúc đẩy xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh về sản xuất cả về quy mô và sự đa dạng về công nghệ, trong điều kiện xã hội hóa các hoạt động ATVSLĐ, khả năng kiểm soát, giám sát ATVSLĐ của các cơ quan chức năng nhà nước còn một số hạn chế, đặc biệt là quản lý các hoạt động tư vấn, dịch vụ liên quan đến công tác ATVSLĐ. Giữa các cơ quan quản lý về ATVSLĐ ở các cấp, bộ, ngành chưa có sự kết nối thông tin thông suốt nhằm tăng cường hiệu quả quản lý; việc ban hành những văn bản hướng dẫn vẫn còn có những quy định chồng chéo gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp trong việc thi hành pháp luật về ATVSLĐ. Hệ thống thanh tra lao động hợp nhất do thiếu cán bộ có năng lực chuyên sâu về ATVSLĐ, nghiệp vụ thanh tra và phương tiện kỹ thuật đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thanh tra, phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật ATVSLĐ và hạn chế trong việc tư vấn cải thiện điều kiện lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Năng lực khám chữa BNN, giám sát môi trường cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chẩn đoán, chữa trị cho người bị BNN và giải quyết các chế độ bồi thường, bảo hiểm xã hội.
Khả năng thống kê hạn chế và hệ thống cơ sở dữ liệu về ATVSLĐ phân tán, thiếu cập nhật cũng làm giảm tính chính xác cho việc ra các quyết định quản lý nhà nước. Cơ chế phối hợp trong một số hoạt động còn kém hiệu quả, đặc biệt là trong điều tra TNLĐ chết người, TNLĐ có dấu hiệu tội phạm; việc xử lý các vi phạm còn chưa nghiêm và chậm chuyển biến. Việc sử dụng, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học về ATVSLĐ cũng rất hạn chế. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATVSLĐ chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu của công tác ATVSLĐ trong thời kỳ mới.
Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp nước ta với quy mô sản xuất vừa và nhỏ là chủ yếu nên thiếu vốn đầu tư cho sản xuất là vấn đề khó khăn khó tránh khỏi. Do đó, việc đầu tư quy mô, đồng bộ cho công tác ATVSLĐ thực sự là bài toán nan giải, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế vừa qua. Tâm lý sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn ăn sâu và phổ biến cũng khiến không ít doanh nghiệp để tiết kiệm vốn, hạ giá thành sản phẩm tối đa đã cắt giảm cả chi phí giành cho công tác bảo hộ lao động.
Giải quyết căn bản những bất cập, những khó khăn thách thức đang tồn tại nói trên cần phải có một lộ trình,với những chiến lược tổng thể dài hạn, trong đó chú trọng các giải pháp mang tính cơ chế, chính sách, kỹ thuật. Đầu tư cho ATVSLĐ là đầu tư cho sự phát triển bền vững: bảo vệ nguồn nhân lực, xây dựng một nền sản xuất an toàn và bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi doanh nghiệp đầu tư cải thiện điều kiện lao động để bảo đảm cho NLĐ được làm việc trong một môi trường làm việc an toàn và được bảo vệ sức khỏe chính là doanh nghiệp tự làm giàu thêm cho chính mình.
Với thực trạng trên và dựa vào kết quả, bài học kinh nghiệm khi triển khai công tác ATVSLĐ giai đoạn 1995 - 2012, thì việc xây dựng Luật ATVSLĐ, các chương trình phòng ngừa TNLĐ, BNN và xây dựng cơ chế đầu tư hợp lý từ quỹ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho các hoạt động phòng ngừa, phát triển các chương trình chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NLĐ là một trong những giải pháp chiến lược góp phần tích cực vào việc bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe NLĐ, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững của quốc gia.
Để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ, trong thời gian tới cần chú trọng:
1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật ATVSLĐ nhằm kịp thời thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện qua các văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 vào trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án để triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về vai trò của NLĐ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trước mắt, xây dựng các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung ATVSLĐ được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012; sửa đổi, bổ sung các quy định về lĩnh vực này theo tinh thần huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, khuyến khích các dịch vụ an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện có hiệu quả các nội dung hoạt động của Chương trình quốc gia ATVSLĐ giai đoạn 2011 - 2015 và xây dựng các chương trình phòng ngừa TNLĐ, BNN; nghiên cứu và xây dựng hoàn thiện cơ chế vận hành Quỹ bồi thường TNLĐ, BNN để sớm đưa vào triển khai trong thực tiễn.
2. Hoàn thiện hệ thống tổ chức và tăng cường hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ, trước hết là hệ thống tổ chức thanh tra về ATVSLĐ từ Trung ương đến địa phương cũng như trong các lĩnh vực chuyên ngành phóng xạ; thăm dò, khai thác dầu khí; các phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang để bảo đảm tính quản lý tập trung, thống nhất, đồng bộ, kịp thời khắc phục hoặc xóa bỏ tồn tại làm hạn chế hiệu lực và quyền hạn của công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ.
Cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các bộ, ngành, cần có biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động tương ứng và phù hợp với số lượng lao động; từng bước tăng cường cả về số lượng và chất lượng thanh tra viên, cán bộ về ATVSLĐ, bảo đảm cho các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng máy, thiết bị, vật tư, hóa chất độc hại phải được kiểm tra, thanh tra ít nhất mỗi năm một lần.
3. Các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai phổ biến, hướng dẫn đầy đủ và nghiêm túc các quy định pháp luật về ATVSLĐ, phòng cháy chữa cháy phù hợp với trình độ phát triển của kỹ thuật mới, công nghệ mới nhằm đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển sản xuất; phân công và giao trách nhiệm xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân và các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ cao. Nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh hoặc biên soạn lại các tài liệu, giáo trình kỹ thuật ATVSLĐ cho các ngành, lĩnh vực và nghề, công việc chủ yếu, phải chú ý những lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN, các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và tiến hành huấn luyện theo đúng đối tượng, nội dung quy định; tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với chất lượng được nâng cao hơn cho cán bộ thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ tiến tới nâng cấp các trung tâm, cơ sở huấn luyện về ATVSLĐ đáp ứng yêu cầu huấn luyện thực hành.
4. Thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp, các đơn vị cơ sở không chỉ bằng công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt mà còn phải thông qua các chính sách khuyến khích, ưu đãi (giảm thuế, miễn thuế, vay vốn với lãi suất ưu đãi,…) đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có khó khăn trong việc đổi mới công nghệ, đổi mới kỹ thuật, bảo đảm việc làm, thu nhập đồng thời vừa từng bước cải thiện điều kiện lao động cho người lao động.
5. Các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải coi trọng việc xây dựng phương án bảo đảm ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc. Doanh nghiệp phải bảo đảm có đủ phương tiện bảo vệ cá nhân thiết yếu đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng và chủng loại nhằm đáp ứng yêu cầu phòng ngừa TNLĐ, BNN cho người lao động. Phương tiện dụng cụ phòng cháy chữa cháy phải đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và người lao động phải được huấn luyện sử dụng thành thạo.
6. Củng cố và hoàn thiện các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động cho người lao động sau chu kỳ làm việc để phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, bồi dưỡng và tăng cường sức khỏe cho người lao động. Công tác điều dưỡng phục hồi chức năng lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp là một yêu cầu thực tế khách quan, nó không những thể hiện tính ưu việt của chế độ ta đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người lao động mà còn mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, vì thực chất của hoạt động này chính là đầu tư để tái sản xuất sức lao động. Do đó, Nhà nước cần phải tổ chức lại hệ thống cơ sở điều dưỡng và phục hồi chức năng, cũng như có các văn bản quy định cụ thể về các chế độ chính sách và cơ chế hoạt động và sự hỗ trợ một phần về kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các cơ sở này.
7. Tăng cường pháp chế về ATVSLĐ, thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh việc xử phạt các hành vi vi phạm các quy định về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, những vụ TNLĐ nghiêm trọng phải được khởi tố, xem xét trách nhiệm hình sự; đồng thời tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng nhà nước với các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, trước hết là tổ chức công đoàn các cấp để đưa công tác ATVSLĐ mang tính quần chúng và xã hội hóa cao thì mới đạt được các mục tiêu trên.
Hằng năm tổ chức việc kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm phát hiện và khắc phục các nguy cơ về TNLĐ và BNN; các ngành, các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung kiểm tra về ATVSLĐ trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN.
8. Tăng cường phát huy mạng lưới thông tin hỗ trợ công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc mở rộng mạng lưới thông tin quốc gia về ATVSLĐ xuống tận từng doanh nghiệp nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nội dung an toàn lao động, vệ sinh lao động được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012 để người sử dụng lao động, người lao động nhận thức đầy đủ lợi ích của việc bảo đảm ATVSLĐ, giảm thiểu TNLĐ và BNN.
9. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học kỹ thuật ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ATVSLĐ nhằm tranh thủ sự giúp đỡ đào tạo chuyên gia, trao đổi kỹ thuật, xây dựng cơ sở đào tạo huấn luyện, trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm tổ chức quản lý về ATVSLĐ, đồng thời, chủ động hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia đối với các nước trong khu vực ASEAN./.
Tác động tương hỗ của các yếu tố dân số và phát triển  (03/01/2013)
Đánh giá kinh tế nước ta năm 2012 qua các sự kiện tiêu biểu  (03/01/2013)
Đánh giá kinh tế nước ta năm 2012 qua các sự kiện tiêu biểu  (03/01/2013)
Năm 2013: Hà Nội nỗ lực bảo đảm giao thông  (02/01/2013)
Thành lập 8 đoàn thanh tra thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán  (02/01/2013)
Chính thức triển khai thủ tục hải quan điện tử trong toàn quốc  (02/01/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên