Bức tranh kinh tế Âu - Á năm 2013
TCCSĐT - Bỏ lại sau lưng năm 2012 còn nhiều khó khăn, toàn châu Âu nói chung và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng bước vào năm 2013 với những hy vọng về một nền kinh tế tươi sáng hơn. Song, theo những dự báo của các chuyên gia kinh tế, “ngọn núi” mà châu Âu phải “leo” trong năm tới vẫn “cao” không kém năm cũ. Trong khi đó, kinh tế các nước Đông Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục khởi sắc, thậm chí đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với kinh tế thế giới. Có thể nói, bức tranh kinh tế Âu - Á năm 2013 là những gam màu tương phản.
Hy Lạp chuẩn bị nhận giải ngân 50 tỷ ơ-rô (tương đương 64 tỷ USD) của “Bộ Ba” quyền lực là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đây được coi là một phần nỗ lực của “Bộ Ba” nhằm giữ “huyền thoại A-ten” trụ lại trong Khu vực đồng tiền chung gồm 17 nước. Các nhà lãnh đạo Eurozone đã có những bước đi chắc chắn đầu tiên để thành lập một liên minh ngân hàng bằng việc đạt thỏa thuận về cơ chế giám sát trực tiếp các ngân hàng lớn nhất Eurozone, cũng như giám sát ECB. Tưởng chừng như châu Âu sẽ đón một năm mới an lành hơn.
Tuy nhiên, trong vài tháng qua, khoảng cách giữa những việc mà các thị trường cần làm để vực dậy kinh tế Eurozone và làm được trên thực tế vẫn còn rất xa. Bên cạnh đó, rạn nứt trong nội bộ Eurozone về việc giải quyết khủng hoảng ngày càng rõ rệt, nhất là tại Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của Liên minh châu Âu tại Brúc-xen, Bỉ vừa qua.
Quyết định quan trọng là thành lập một liên minh kinh tế và tài chính nhằm củng cố liên minh tiền tệ châu Âu đang suy yếu đã bị hoãn lại đến tháng 6-2013. Sự trì hoãn này bắt nguồn từ những bất đồng cơ bản giữa hai nền kinh tế đầu tàu của khu vực là Đức và Pháp.
Đức, nước chuẩn bị tiến hành bầu cử Nghị viện vào tháng 9-2013, mà Thủ tướng An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) được kỳ vọng sẽ đắc cử, kiên quyết bác bỏ bất kỳ hình thức dàn nợ chung nào. Trong khi đó, Pháp lại lo sợ liên minh tiền tệ ơ-rô sẽ sụp đổ. Thực tế thì Đức và Pháp - chất kết dính thiết yếu của Eurozone - chưa bao giờ cùng gật đầu về những cách thức làm sao khôi phục và vực dậy niềm kiêu hãnh của Eurozone.
Những bất đồng giữa Đức và Pháp hiện là cản trở lớn nhất trong việc giải quyết khủng hoảng của Eurozone. Việc trì hoãn thực hiện những cải tổ quan trọng khiến nhiều người lo ngại rằng thị trường châu Âu sẽ còn hỗn loạn hơn trong năm 2013. Điều này cũng đặt ra một câu hỏi hóc búa là liệu những nước chủ nợ mà dẫn đầu là Đức, có sẵn lòng hòa nhập vào Eurozone tới mức cần thiết để bảo đảm an ninh trong tương lai của khu vực này. Và liệu năm 2013 sắp cận kề có tiếp tục là một năm nhiều khó khăn với châu Âu hay không?
Theo Ni-cô-lát Xpri-ô (Nicholas Sprio), Giám đốc Công ty chuyên tư vấn về rủi ro tiền tệ Spiro Sovereign Strategy, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng này, nhất là sau chương trình mua trái phiếu chính phủ do ECB khởi xướng đầu năm nay.
Nếu không phải chính Chủ tịch ECB Ma-ri-ô Đra-ghi (Mario Draghi), người vừa được Thời báo Tài chính bình chọn là Nhân vật của năm 2012, ngày 26-7-2012 cam kết sẽ “làm bất kỳ điều gì để duy trì đồng ơ-rô” thì có lẽ châu Âu đã lâm vào tình thế hỗn độn hơn bây giờ nhiều. Nhờ cam kết đinh thép của người đứng đầu ECB, các nhà đầu tư đã yên tâm mua hàng loạt trái phiếu ngắn hạn của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Chính “hiệu ứng Đra-ghi” đã thuyết phục được các thị trường rằng bất chấp mọi vấn đề mà châu Âu đang gặp phải, viễn cảnh tăm tối về một Eurozone tan rã là không có cơ sở.
Cũng bởi nguyên nhân này mà chuyên gia phân tích rủi ro tài chính Ni-cô-lát Xpri-ô cho rằng câu chuyện châu Âu năm 2013 sẽ gồm hai phần. Phần đầu sẽ là những hoảng loạn ở thị trường trái phiếu Tây Ban Nha và I-ta-li-a nhưng không đến mức tồi tệ như tháng 11-2011. Phần sau sẽ là những thực tế ảm đạm về tình hình xã hội, chính trị và kinh tế của Eurozone. Ma-ri-ô Đra-ghi đã làm hết sức để lấy lại sự tự tin của châu Âu, nhưng để vực dậy được cả khu vực này thì còn tùy thuộc vào các chính khách đứng đầu.
Theo bản Dự báo kinh tế mùa thu của Eurozone và toàn châu Âu được Ủy ban châu Âu công bố ngày 7-11-2012, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính tăng 0,3% trong toàn châu Âu và 0,4% tại Eurozone năm 2012. Năm 2013, GDP ước tính tăng 0,4% tại châu Âu và 0,1% tại Eurozone. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 ước tính 10,5% tại châu Âu và 11,3% tại Eurozone. Năm 2013, tỷ lệ này ước tính tăng lên 10,9% tại châu Âu và 11,8% tại Eurozone. Lạm phát ước tính giảm 2,0% tại châu Âu và 1,8% tại Eurozone.
Ôn-li Rên (Olli Rehn), Trưởng Ban Vấn đề tiền tệ và kinh tế châu Âu, cho biết: “Châu Âu phải tiếp tục kết hợp các chính sách tài chính hợp lý với những cải tổ cấu trúc để tạo ra những điều kiện cho phát triển bền vững”.
Trong khi bức tranh kinh tế châu Âu được cho là sẽ nhuốm một màu xám u tối năm 2013 thì bức tranh kinh tế châu Á lại bao phủ chủ yếu bởi những gam màu tươi sáng.
Theo báo cáo nhan đề Cập nhập kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương mới công bố ngày 19-12-2012 của Ngân hàng thế giới (WB), khu vực Đông Á - Thái Bình Dương ước tính sẽ tăng 7,9% năm 2013. Trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu của các thị trường toàn cầu suy yếu, nhu cầu trong nước vẫn là động lực tăng trưởng chính của hầu hết các nền kinh tế ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Theo WB, GDP của Đông Á - Thái Bình Dương ước tính tăng 7,5% năm 2012, giảm so với dự đoán 8,3% ban đầu, một phần là do sự giảm sút của kinh tế Trung Quốc.
GDP của Trung Quốc ước tính tăng 7,9% năm 2012, thấp hơn 1,4% so với 9,3% năm 2011 và được xem là mức thấp nhất kể từ năm 1999. Khối lượng xuất khẩu giảm và những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm hạ nhiệt lĩnh vực bất động sản đã kéo theo sự đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc năm 2012, song đã có dấu hiệu hồi phục nhẹ những tháng cuối năm nay.
|
Nhà kinh tế trưởng của WB tại Đông Á - Thái Bình Dương, Bớt Hốp-man: “Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới…” |
Năm 2013, kinh tế Trung Quốc ước tính sẽ tăng 8,4%, nhờ vào các chính sách kích cầu tài chính và các dự án đầu tư lớn được đẩy mạnh thực hiện.
“Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới và ước tính sẽ đóng góp 40% GDP toàn cầu năm 2012”, Bớt Hốp-man (Bert Hofman), Nhà kinh tế trưởng của WB tại Đông Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Ông B. Hốp-man hy vọng tỷ lệ GDP cao được duy trì trong toàn khu vực sẽ đồng nghĩa với việc tỷ lệ nghèo đói tiếp tục giảm. Số người sống dưới 2 USD/1 ngày ước tính sẽ là 23,3% vào cuối năm 2014, giảm đáng kể so với 28,8% năm 2010.
GDP của các nước đang phát triển ở khu vực Đông Á, trong đó có Trung Quốc, ước tính sẽ tăng bình quân 5,6% năm 2012, cao hơn so với 4,4% năm 2011. Sự hồi phục mạnh mẽ của Thái Lan sau những trận bão năm 2011, kết hợp với sự tăng trưởng chắc chắn của Phi-líp-pin, và sự suy thoái nhẹ của In-đô-nê-xi-a và Việt Nam góp phần vào sự khởi sắc ban đầu của toàn khu vực. Tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa, nền kinh tế In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Phi-líp-pin sẽ thúc đẩy nền kinh tế của các nước Đông Á đang phát triển lên 5,7% năm 2013 và 5,8% năm 2014.
Một điểm sáng khác trong khu vực chính là việc Mi-an-ma hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Kinh tế Mi-an-ma tiếp tục tăng trưởng trong tài khóa 2011 - 2012 với GDP đạt 5,5%, và ước tính sẽ đạt 6,3% trong tài khóa 2012 - 2013. Chính phủ Mi-an-ma đang thúc đẩy các cải tổ, nhằm đạt được các mục tiêu, thách thức đặt ra cho nước này là giải quyết những hạn chế về cơ sở hạ tầng, cải thiện lĩnh vực tài chính và viễn thông, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên.
Báo cáo của WB cũng lưu ý rằng vẫn tiềm ẩn những rủi ro đáng kể có thể làm chậm lại đà phát triển của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, như sự trì hoãn cải tổ của Eurozone, “vách tài khóa” của Mỹ, và sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc.
Báo cáo cũng thảo luận những quan ngại về việc mở rộng hợp tác tiền tệ trong G 3 (gồm Mỹ, Nhật Bản và các nước Eurozone) có thể bơm nguồn vốn dồi dào vào khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, dẫn đến tình trạng bong bóng bất động sản và tăng trưởng tín dụng quá mức, tăng rủi ro của những dòng tiền chuyển ra ngoài trong tương lai.
Nhà kinh tế cao cấp của WB Cây-cô Cư-bô-ta (Keiko Kubota), tác giả chính của báo cáo Cập nhập kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, đưa ra phương thức giải quyết: “Nếu cú sốc trong tăng trưởng xảy ra, tất cả các quốc gia có thể đối mặt với tác động bằng việc giãn các chính sách tài chính”.
Những lo ngại về sự tan rã của một liên minh tiền tệ châu Âu đã qua đi, nhưng chặng đường tiếp theo của châu lục này vẫn còn nhiều thách thức. Ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng do suy thoái kinh tế châu Âu, song châu Á, nhất là khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, vẫn tiếp tục vươn lên thành một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2013./.
Tổng thống Mỹ hối thúc hành động khẩn cấp tránh "vách đá tài chính"  (30/12/2012)
Trao quyết định thăng hàm Đại tướng cho đồng chí Trần Đại Quang  (30/12/2012)
Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế  (30/12/2012)
Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế  (30/12/2012)
Việt Nam hợp tác tích cực với Pháp và các nước đối tác  (30/12/2012)
Nhật Bản rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Cao nguyên Gô-lan  (30/12/2012)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên