TCCSĐT - Ngày 19-12, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, Thư viện Quốc gia Việt Nam và Công ty cổ phần sách Thái Hà phối hợp tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Võ Nguyên Giáp - Một huyền thoại”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu đã trở thành vị tướng “huyền thoại” trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới. Năm 1975, chiến tranh ở Việt Nam kết thúc. Đó là cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX. Thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ lần lượt mưu toan ngăn chặn làn sóng cách mạng Việt Nam nhưng không thành công. Về phía Pháp, 9 tướng lĩnh cao cấp, trong đó có những người có nhiều kinh nghiệm lần lượt nắm quyền chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam. Trong hai mươi mốt năm Mỹ xâm lược Việt Nam, có 4 tướng, đều là những sừng sỏ đã lần lượt thay nhau, trong đó có tướng Oét-mo-len (Westmoreland) và Áp-ram (Abrams). Tất cả đều xuất thân từ những trường quân sự nổi tiếng nhất phương Tây, như Saint Cyr, West Point... Đối mặt với họ, và giành chiến thắng là một người Việt Nam chưa từng ngồi trên ghế các trường quân sự lớn, nhưng đã tự học chiến lược, chiến thuật trên thực địa, đó là Võ Nguyên Giáp.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc đã lý giải về chữ “huyền thoại” gắn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo ông, bên cạnh chân dung một vị tướng lĩnh tài ba, Đại tướng còn là một con người hết sức đời thường, điều đó ăn sâu vào tiềm thức. Phong cách, phẩm chất của Đại tướng có được một phần do ông là một nhà sử học, tư duy khoa học. Ông Dương Trung Quốc tự hào kể lại 3 câu chuyện vinh dự được gặp gỡ, làm việc với Đại tướng, qua đó rút ra bài học lớn từ nhân cách của người. Trong công việc, ý thức chính trị, ý thức lịch sử khiến Đại tướng luôn quan tâm đến điều nhỏ nhất. Trong cuộc sống, Đại tướng luôn gần gũi, động viên khích lệ tinh thần cấp dưới, hòa đồng với quần chúng nhân dân. Điều đó góp phần làm nên chân dung một “huyền thoại” Võ Nguyên Giáp.

Nguyên Cục trưởng Quân khu 3 Lê Trọng Nghĩa cho rằng, “huyền thoại” Võ Nguyên Giáp giản đơn vì đã có một sự thật lịch sử. Đó là vào năm 1946, sau khi giành được Chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Sắc lệnh (ban hành ngày 30-11-1946) giao cho Võ Nguyên Giáp làm Tổng Chỉ huy toàn bộ lực lượng quân đội của đất nước. Điều đó quyết định vận mệnh, đời sống của Võ Nguyên Giáp - một trí thức đảm nhiệm quyền chỉ huy toàn quân. 

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Công ty cổ phần sách Thái Hà cho biết, Đại tướng là người nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, dù ở bất cứ vị trí, cương vị nào. Trong thời đại ngày nay, những bài học về chiến đấu, chiến thuật của Đại tướng còn nguyên giá trị trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Buổi tọa đàm cũng là cơ hội làm rõ hơn chữ “Con người” - chân dung Đại tướng - người có thể làm bất cứ việc gì, trong hoàn cảnh nào cũng đều thành công.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, những ký ức, kỷ vật về Đại tướng cần được chú trọng bảo tồn, phát huy, nhất là những bài phát biểu của Đại tướng rất hay và súc tích, cần được tập hợp lại bởi những giá trị quý báu mà nó mang lại. Đó là sự trao truyền những giá trị lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau../