TCCSĐT - Ngày 24-11-2012, Ấn Độ cho biết đã tiến hành dán thị thực (visa) có in hình bản đồ của mình lên hộ chiếu của khách nhập cảnh từ Trung Quốc, sau khi Trung Quốc phát hành loại hộ chiếu điện tử mới có in kèm hình bản đồ cả những khu vực tranh chấp giữa hai nước.
1. Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông

Ngày 19-11-2012, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (2002 - 2012), tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc diễn ra ở Phnôm Pênh, Cam-pu-chia, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuyên bố chung khẳng định giá trị, tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ DOC nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển Liên hợp quốc năm 1982; đồng thời cùng hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Các nhà lãnh đạo ghi nhận tiến triển trong việc triển khai các dự án hợp tác chung được thỏa thuận trong khuôn khổ DOC, qua đó góp phần củng cố sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác ở Biển Đông. Đồng thời, công nhận việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC sẽ góp phần tăng cường quan hệ và đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Đông Á.

2. 10 nước châu Âu hợp tác tiếp nhiên liệu cho máy bay

Ngày 19-11-2012, theo thỏa thuận được ký tại cuộc họp bộ trưởng quốc phòng ở Brúc-xen, Bỉ, chính phủ 10 nước châu Âu là Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hung-ga-ri, Lúc-xem-bua, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Na Uy đã đề xuất mua máy bay tiếp nhiên liệu mới hoặc thuê máy bay tiếp nhiên liệu của nước khác nhằm tăng cường lực lượng máy bay tiếp nhiên liệu chiến lược vào năm 2020. Từ nhiều năm nay, lực lượng không quân các nước châu Âu vẫn thiếu máy bay tiếp nhiên liệu. Trong chiến dịch không kích nhằm vào Li-bi, các nước châu Âu chủ yếu dựa vào Mỹ để tiếp nhiên liệu trên không cho các máy bay chiến đấu của mình. Với chi phí gia tăng cho vũ khí tinh vi và khả năng chi tiêu của các nước sụt giảm, hợp tác là một biện pháp tiết kiệm chi phí cho chính phủ các nước châu Âu để có được các trang thiết bị quân sự cần thiết và cũng là biện pháp được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thúc đẩy. Khái niệm hợp tác còn bao gồm cùng nhau phát triển vũ khí, tập trận chung hoặc chia sẻ trang thiết bị. Cũng trong ngày 19-11, các nước thành viên Cơ quan quốc phòng châu Âu (EDA) đã thông qua một bộ quy tắc ứng xử nhằm đưa hợp tác đa quốc gia thành hướng chính trong kế hoạch quốc phòng của các nước này.

3. Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 7


 
 Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7


Chiều 20-11-2012, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 đã diễn ra tại thủ đô Phnôm Pênh, của Cam-pu-chia. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo khẳng định EAS là một thành tố quan trọng trong cấu trúc khu vực. EAS cần tiếp tục hoạt động dựa trên các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức như đã nêu trong Tuyên bố Cu-a-la Lăm-pơ (Kuala Lumpur) 2005 và Tuyên bố Hà Nội 2010. Các nhà lãnh đạo đồng thời đề cao thực hiện Tuyên bố Ba-li về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, trong đó có các nguyên tắc về tôn trọng luật pháp quốc tế, quan hệ hữu nghị, tôn trọng chủ quyền, không can thiệp nội bộ, không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình,…Hội nghị cũng nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa về các vấn đề an ninh phi truyền thống và ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó có tìm kiếm cứu nạn trên biển, an ninh an toàn hàng hải, khủng bố, thiên tai,... Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các nhà lãnh đạo hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Mi-an-ma trong thúc đẩy tiến trình hòa hợp dân tộc và hội nhập khu vực, cũng như ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Mi-an-ma; ủng hộ một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, phi vũ khí hạt nhân và sớm nối lại đàm phán 6 bên. Về vấn đề Biển Đông, nhiều nước nhấn mạnh tầm trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS); thực hiện hiệu quả DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN, Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

4. Hội nghị cấp cao lần thứ 21 của ASEAN đã kết thúc

Chiều 20-11-2012, Hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 21 đã kết thúc với việc Cam-pu-chia chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN luân phiên năm 2013 cho Vương quốc Bru-nây. Phát biểu tại phiên bế mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Hun Xen (Hun Sen) nhấn mạnh kết quả tốt đẹp của hội nghị lần này có sự đóng góp không mệt mỏi của mọi thành viên, để ASEAN trở thành một hiệp hội vững mạnh theo tiêu chí “Một cộng đồng một vận mệnh”. Theo ông Hun Xen, “Tuyên bố Phnôm Pênh” và “Chương trình hành động Phnôm Pênh” ra đời trong thời gian Cam-pu-chia làm Chủ tịch luân phiên ASEAN là những văn kiện rất quan trọng có tính chất nền tảng, thể hiện quyết tâm củng cố hòa bình, an ninh, ổn định, đoàn kết, thịnh vượng và phát triển trong khu vực, đặc biệt là đề ra những biện pháp ưu tiên hàng đầu nhằm tiến tới một cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Tổng kết những thành quả đạt được trên các lĩnh vực chính trị và an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và hợp tác, ông Hun Xen cho rằng, lộ trình tiến tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sẽ thành hiện thực. 

5. Mông Cổ chính thức trở thành thành viên của OSCE

Ngày 21-11-2012, Mông Cổ đã chính thức trở thành thành viên thứ 57 của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Trong một thông báo ra cùng ngày, Ngoại trưởng Ai-len, Ê-a-mon Gin-mo (Eamon Gilmore), đồng thời là Chủ tịch OSCE, nhấn mạnh Mông Cổ là đối tác hợp tác từ lâu nay của tổ chức này ở châu Á. Việc Mông Cổ mong muốn trở thành thành viên đầy đủ của OSCE và việc tổ chức đang hướng các hoạt động của mình vào việc đối phó với những thách thức an ninh xuyên quốc gia từ châu Âu - Đại Tây Dương đến khu vực Á - Âu, cho thấy tầm quan trọng của hoạt động của OSCE. OSCE, đặt trụ sở tại Viên (Áo), được thành lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh như là diễn đàn đối thoại giữa phương Đông và phương Tây, hiện có thành viên là các nước châu Âu, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và các nước châu Á. Nhiệm vụ chủ yếu của OSCE là giám sát bầu cử, kiểm soát vũ khí và ngăn chặn xung đột trên khắp thế giới.

6. Hội nghị toàn thể các đảng chính trị châu Á

Từ ngày 21-11 đến ngày 24-11-2012, tại thủ đô Ba-cu (Baku) của A-déc-bai-dan (Azerbaijan) đã diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 7 các đảng chính trị châu Á (ICAPP) với chủ đề “Hòa bình, an ninh và hòa giải ở châu Á”. Hội nghị đã nhất trí thông qua Điều lệ ICAPP sửa đổi, quyết định mở rộng Ủy ban Thường trực lên 22 thành viên và thông qua Tuyên bố Ba-cu. Ra đời cách đây 12 năm, ICAPP hiện tập hợp 336 chính đảng từ 54 nước với tinh thần “thống nhất trong đa dạng”. Tuyên bố Ba-cu của Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh đối với khu vực; hoan nghênh những kết quả tích cực của tiến trình hòa giải và dân chủ hóa tại một số nước châu Á trong thời gian qua; đồng thời bày tỏ sự lo ngại trước nguy cơ xung đột và bạo lực gia tăng tại nhiều nơi. Hội nghị ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ dựa trên luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Hội nghị cũng kêu gọi tăng cường hợp tác để giải trừ vũ khí hạt nhân, chống đói nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững vì nhân dân. Hội nghị đề xuất sớm tổ chức hội nghị đầu tiên giữa các đảng chính trị châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh vào nửa cuối năm 2013.

7. Hội nghị thượng đỉnh không chính thức Liên minh châu Âu

Trong hai ngày 22 và 23-11-2012, Hội nghị thượng đỉnh không chính thức các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc tại Brúc-xen (Brussels), Bỉ. Trọng tâm nghị sự tại hội nghị lần này là kế hoạch ngân sách giai đoạn 2014-2020, trong bối cảnh hầu hết các nước thành viên đang phải tiến hành các chính sách thắt chặt chi tiêu do khủng hoảng nợ công gây ra. Tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Héc-man Van Rôm-pơi (Herman Van Rompuy) đã đệ trình dự thảo Khuôn khổ tài chính giai đoạn 2014-2020 với ngân sách khoảng 950 tỷ ơ-rô, giảm 80 tỷ ơ-rô so với đề xuất trước đó của Ủy ban châu Âu. Theo đó, phần cắt giảm sẽ liên quan đến hầu hết lĩnh vực, đặc biệt với chính sách nông nghiệp chung của Liên minh châu Âu. Ngay trước thềm hội nghị, một loạt mâu thuẫn đã nổi lên giữa các nước thành viên và các thể chế của Liên minh châu Âu về dự thảo ngân sách chung. Ủy ban châu Âu cho rằng muốn thoát khỏi khủng hoảng và tiến tới phát triển bền vững thì phải duy trì đầu tư cho tăng trưởng và việc làm, còn Pháp lại phản đối quyết liệt việc cắt giảm chi tiêu cho chính sách nông nghiệp chung. Hay như trong khi các nước Đông Âu muốn duy trì sự trợ giúp cho các nước kém phát triển nhất của Liên minh châu Âu, thì ngược lại, Anh đề xuất giảm khoảng 200 tỷ ơ-rô còn Đức yêu cầu giảm 130 tỷ ơ-rô. 

8. Trung Quốc in hình những khu vực tranh chấp lên hộ chiếu 


 
 Trung Quốc in bản đồ “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu là hành động phi pháp


Ngày 24-11-2012, Ấn Độ cho biết đã cho tiến hành dán thị thực (visa) có in hình bản đồ của mình lên hộ chiếu của khách nhập cảnh từ Trung Quốc, sau khi Trung Quốc phát hành loại hộ chiếu điện tử mới in hình hai khu vực A-ru-na-chan Pra-đét (Arunachal Pradesh) và A-ca-xai Chi-na (Aksai China) (mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền) lên hộ chiếu mới như thể đó là một phần lãnh thổ hiển nhiên của Trung Quốc. Trước đó, Việt Nam và Phi-líp-pin cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ, sau khi bản đồ mà Trung Quốc in lên mẫu hộ chiếu mới của họ kèm cả “đường lưỡi bò” không được quốc tế công nhận. Ngày 22-11-2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định tấm hộ chiếu mới của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng “chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông”. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin cũng đã gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc và nhấn mạnh: “Nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy, điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng Biển Đông”. Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “tấm bản đồ không nhắm tới bất cứ một quốc gia cụ thể nào”.

9. Châu Âu phải thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngày 25-11-2012, Cơ quan môi trường châu Âu vừa công bố một bản báo cáo về tình trạng biến đổi khí hậu ở khu vực. Bản báo cáo chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đang gây ra các tác động xấu về xã hội và môi trường cho tất cả các khu vực ở châu Âu. Và chi phí để giải quyết thiệt hại do biến đổi khí hậu đang tăng cao. Báo cáo “Biến đổi khí hậu, những tác động và tổn thương ở châu Âu 2012” cho thấy, nhiệt độ trung bình ở khu vực này đã tăng lên, lượng mưa giảm ở các khu vực phía Nam Âu và tăng ở khu vực Bắc Âu. Hiện tượng băng tan xuất hiện ở Greenland, Bắc Cực và nhiều vùng khác, lượng tuyết phủ cũng giảm. Báo cáo cũng đưa ra những bằng chứng cho thấy sự biến đổi khí hậu tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, lũ lụt và hạn hán, đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động của con người. Nếu xã hội châu Âu không tự thích nghi với các hiện tượng biến đổi khí hậu, chi phí giải quyết thiệt hại sẽ tiếp tục tăng. Theo báo cáo, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ở các khu vực khác nhau, một phần là do sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế ở châu Âu. Những tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến khoảng cách về kinh tế trở nên sâu sắc hơn. Giám đốc điều hành Cơ quan môi trường châu Âu Jacqueline McGlade nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một thực tế trên thế giới, với mức độ và tốc độ thay đổi ngày càng rõ rệt. Tất cả các thành phần của nền kinh tế, bao gồm cả hộ gia đình, cần phải thích nghi và hạn chế gia tăng biến đổi khí hậu bằng cách giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính - một trong những nguyên nhân chính dẫn tới biến đổi khí hậu./.