Tuần tin cải cách hành chính (từ ngày 19 đến 25 tháng 11-2012)

Đức Toàn tổng hợp
19:17, ngày 27-11-2012
TCCSĐT - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề nghị của Bộ Nội vụ về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết, nhân rộng và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện.

Đến tháng 5-2011, đa số các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trong đó, đối với cấp huyện, có 686 trên tổng số 697 đơn vị đã triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 98,5%.

Ở cấp tỉnh, có 1.106/1.252 đơn vị (các sở, ban, ngành) đã triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 88,3%.

Bộ Nội vụ cho biết, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tổ chức theo hướng nền hành chính phục vụ, giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính để giải quyết công việc.

Triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông được các địa phương áp dụng với các lĩnh vực và thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới cá nhân và tổ chức, như quản lý đất đai, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, lao động - thương binh và xã hội, xây dựng, chứng thực, thuế, hải quan, giải tỏa, bồi thường và tái định cư.

Bộ Công Thương đứng đầu trong cải cách hành chính

Bộ Nội vụ vừa công bố kết quả triển khai thí điểm Bộ Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tại 3 bộ (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và 6 tỉnh (Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Thái Bình, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tĩnh). Theo thang điểm 100, kết quả thí điểm PAR Index của 3 bộ cho thấy, Bộ Công Thương đạt cao nhất với 63,7 điểm; Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt thấp nhất với 52,32 điểm. Trong 6 tỉnh, tỉnh Cần Thơ đạt cao nhất với 82,08 điểm; tỉnh Thái Bình đạt thấp nhất với 62,79 điểm.

PAR Index được xây dựng nhằm mục tiêu đánh giá toàn diện, thực chất, khách quan; xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính và đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính bằng định lượng. Đối với cấp bộ, PAR Index được thiết kế với 7 lĩnh vực chung nhất của các bộ với 30 tiêu chí cơ bản và 79 tiêu chí thành phần. Đối với cấp tỉnh, PAR Index được thiết kế với 8 lĩnh vực theo đặc điểm tổ chức thực hiện cải cách hành chính tại địa phương, 8 lĩnh vực lại được chia thành 32 tiêu chí và 85 tiêu chí thành phần.

Mặc dù không phải là công cụ duy nhất đánh giá cải cách hành chính nhưng theo kế hoạch, PAR Index sẽ được hoàn thiện và áp dụng thống nhất cho các bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2013.

Thông quan điện tử trên cả nước sau 7 năm thí điểm

Từ đầu năm 2012 đến nay, tổng lượng tờ khai hải quan điện tử đạt 3,2 triệu bộ, chiếm 87,2% tổng lượng tờ khai tại các cục hải quan. Tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 145,1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.

Từ ngày 01-01-2013, sau 7 năm thí điểm, hải quan điện tử sẽ được triển khai chính thức trên các cục hải quan toàn quốc, cách thức thông quan này sẽ giúp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí và nhân lực.

Tổng cục Hải quan sẽ thành lập 2 tổ công tác (Tổ hỗ trợ kỹ thuật và Tổ hỗ trợ nghiệp vụ) để đảm bảo việc triển khai được thông suốt.

Đánh giá kết quả thí điểm hải quan điện tử từ năm 2005 đến nay, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai tại 21/34 cục hải quan và tại 101 chi cục với hơn 50.000 doanh nghiệp tham gia.

Tại các Chi cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, có 80 - 90% kim ngạch xuất, nhập khẩu thực hiện theo phương thức hải quan điện tử. Thời gian thông quan trung bình đối với luồng xanh là từ 3 - 15 phút; luồng vàng từ 10 - 60 phút.

Ông Vũ Ngọc Anh cho biết, sau khi thủ tục hải quan điện tử triển khai chính thức trên toàn quốc, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vẫn tiếp tục được duy trì như cung cấp phần mềm khai báo miễn phí, hướng dẫn thủ tục hải quan điện tử qua các hoạt động đào tạo, tập huấn...

Khi tham gia hải quan điện tử, doanh nghiệp có nhiều quyền lợi, ưu đãi và được hưởng ưu thế về thời gian, chi phí thấp hơn nhiều so với việc khai báo hải quan truyền thống, được khai hải quan 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần và nhận thông tin phản hồi của cơ quan hải quan trực tiếp qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử và được ưu tiên thực hiện trước so với đăng ký hồ sơ hải quan bằng giấy…

Hà Nội cần 3 tỷ USD làm “thành phố thông minh”

Hà Nội cần tới 60.000 tỷ đồng để xây dựng một thành phố thông minh với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực. Quy hoạch này sẽ được UBND thành phố trình trước HĐND vào đầu tháng 12 tới.

Trao đổi bên lề Hội thảo “Xây dựng thành phố thông minh hơn” tổ chức vào sáng 22-11, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội cho biết, mục tiêu của Hà Nội là trở thành địa phương đứng đầu về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Theo dự thảo về quy hoạch CNTT tới năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ triển khai ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực từ giáo dục, y tế tới giao thông, điện, nước...

Thành phố cũng dự kiến huy động nguồn vốn khoảng 60.000 tỷ đồng trong gần 20 năm tới. Ngân sách thành phố đảm nhận khoảng 8.000 tỷ, còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa. Quy hoạch này sẽ được UBND thành phố trình trước HĐND thành phố vào đầu tháng 12 tới.

Mặc dù cho biết kế hoạch dài hơi này là “thì tương lai”, song theo ông Động, các giai đoạn của quy hoạch đã được vạch ra rõ ràng. Hà Nội đang chuẩn bị cơ sở, điều kiện để tiến tới hoàn thiện chính quyền điện tử trong 3 năm tới với nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2015, toàn bộ 577 xã, phường của Hà Nội sẽ hoàn tất trang bị máy tính nối mạng; giao tiếp với người dân qua hệ thống hành chính một cửa; có phần mềm quản lý dữ liệu về tài nguyên, dân cư, hộ tịch...

Cũng theo ông Động, ngoài chính quyền điện tử, giao thông với vấn nạn ùn tắc là một lĩnh vực Hà Nội nên chọn để thử nghiệm ứng dụng CNTT trong thời gian tới bởi nó ảnh hưởng tới tất cả mọi người.

Đến năm 2030, Hà Nội sẽ trở thành “thành phố thông minh” khi hoàn tất các mục tiêu của quy hoạch.

Theo dự thảo quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020 - tầm nhìn 2030, có 3 tiêu chí để Hà Nội hướng đến vị trí đứng đầu là xây dựng chính quyền điện tử; ứng dụng CNTT phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển ngành công nghiệp CNTT. Dù hạ tầng CNTT của Hà Nội trong thời gian qua đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ, mức độ ứng dụng trong quản lý nhà nước còn thấp.

Hà Nội có nhiều lợi thế để trở thành “thành phố thông minh” như tiềm năng chất xám với gần 80% số giáo sư, phó giáo sư; trên 80% chuyên gia đầu ngành và trên 1/3 trường đại học, viện nghiên cứu làm việc trực tiếp trên địa bàn.

Thành phố Hồ Chí Minh: Thí điểm hồ sơ Bảo hiểm xã hội điện tử

Trong hai ngày 21 và 22-11, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện thí điểm hồ sơ BHXH điện tử cho các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thành phố.

Trước mắt, BHXH sẽ thực hiện hồ sơ điện tử và chữ ký số đối với việc cung cấp thông tin đăng ký tham gia BHXH của đơn vị mới và thông tin về lĩnh vực đóng BHXH, bảo hiểm y tế, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.

Trong thời gian đầu, các đơn vị nộp các loại hồ sơ nói trên đồng thời bằng hai phương thức:

Hồ sơ điện tử, thông qua tiện ích BHXH được cung cấp, đơn vị chuyển kịp thời các thông tin liên quan đến việc đăng ký tham gia BHXH, tăng giảm lao động, tiền lương và điều chỉnh các thông tin của người lao động tham gia BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH. BHXH sẽ tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính hợp lý và xử lý nhanh việc cấp số BHXH, thẻ BHYT cũng như các vấn đề liên quan cho đơn vị tham gia.

Đối với hồ sơ giấy, trên cơ sở thông tin phản hồi từ cơ quan BHXH, đơn vị in hồ sơ giấy có mã vạch từ phần mềm BHXH nộp cho cơ quan BHXH cùng các loại hồ sơ gốc theo quy định để đối chiếu và làm căn cứ giao nhận sổ BHXH, thẻ BHYT cho người lao động.

Với việc ứng dụng hình thức thanh toán BHXH điện tử, việc làm mới, giao nhận kết quả BHXH, BHYT sẽ được thực hiện muộn nhất là 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.

BHXH giao các phòng chức năng phối hợp với Công ty Cổ phần TS24 hướng dẫn triển khai việc giao dịch thí điểm hồ sơ điện tử tới các BHXH quận, huyện nhằm đảm bảo lợi ích cho người lao động.

UNDP tài trợ cải cách hành chính ở tỉnh Bắc Giang

Ngày 19-11, Dự án “Tăng cường tác động của cải cách hành chính ở tỉnh Bắc Giang” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ giai đoạn 2012 - 2016 chính thức được khởi động tại Bắc Giang.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1,4 triệu USD; trong đó vốn đối ứng gần 232.000 USD, thực hiện trong thời gian từ tháng 10-2012 đến hết tháng 12-2016.

Trong những năm qua, cải cách hành chính luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của tỉnh Bắc Giang nhằm mục tiêu cải thiện khuôn khổ thể chế hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tạo lập môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh ngày một thân thiện và thuận lợi hơn cho người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ công ngày càng tốt hơn cho nhân dân; đồng thời tạo những chuyển biến rõ nét về trách nhiệm, năng lực quản lý, điều hành, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Bước đầu, cải cách hành chính đã đạt được những kết quả tích cực, trình độ chuyên môn và khả năng giao tiếp, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp được nâng lên rõ rệt thông qua việc đánh giá, xếp loại người đứng đầu, tuyển chọn người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Thủ tục hành chính được thống kê, rà soát có hệ thống, một cửa điện tử được triển khai tại 9/10 huyện, thành phố, nhiều thủ tục hành chính được giải quyết liên thông từ cấp xã lên cấp huyện, cấp tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức, bước đầu đã làm hài lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến với Bắc Giang.

Tuy nhiên, Bắc Giang vẫn phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, cung cấp dịch vụ hành chính công. Và đó là mục tiêu đặt ra của Dự án “Tăng cường tác động của cải cách hành chính ở tỉnh Bắc Giang”.

Nhân rộng mô hình “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế”

Mô hình “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” được triển khai đầu tiên tại Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010 và đã đạt những kết quả ngoài mong đợi. Để tiếp tục chương trình cải cách hành chính thuế, phát huy kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, từ tháng 10-2012, Tổng cục Thuế triển khai mở rộng chương trình “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ cụ thể hoá nội dung chương trình thông qua các sự kiện như: Tổ chức hội nghị đối thoại với người nộp thuế; “Bàn lắng nghe, hỗ trợ trực tiếp cho người nộp thuế hoặc qua điện thoại”; Tổ chức lắng nghe và đáp ứng ý kiến người nộp thuế qua mạng thông tin điện tử Cục Thuế, qua hệ thống đối thoại doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức hoặc thông qua các hội nghị của các hiệp hội.... Đây là hình thức khá “đột phá” của ngành Thuế bởi các ý kiến phản ánh của người nộp thuế trên các trang thông tin điện tử, qua đối thoại của UBND tỉnh, qua các hội nghị của các hiệp hội sẽ được Cục Thuế tổng hợp để giải đáp.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đẩy mạnh hỗ trợ người nộp thuế qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tuyên truyền chính sách thuế trong học đường và qua các băng rôn, panô. Đồng thời, tăng cường tiếp thu ý kiến người nộp thuế thông qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Hiện nay, các cục thuế địa phương như: Hà Nội, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hoà Bình... đã tổ chức chương trình “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế” với nội dung như: tiếp nhận, tổng hợp, trả lời các ý kiến doanh nghiệp và người nộp thuế về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách thuế, công tác quản lý, thực thi công vụ của công chức thuế và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về thuế mới ban hành, sửa đổi bổ sung chính sách thuế có hiệu lực năm 2012.

Đặc biệt, Cục Thuế Hà Nội đã chọn tháng 10-2012 là tháng cao điểm hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, đã tổ chức thành công 79 lớp tập huấn chính sách, giải đáp vướng mắc cho 53.100 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Trong đó có 6.100 doanh nghiệp do Văn phòng Cục Thuế quản lý và 47.000 đơn vị thuộc các chi cục thuế quản lý. Ngoài ra, Cục còn tăng cường thêm nhân sự, bố trí thêm thời gian trực để tăng tần suất công tác hỗ trợ người nộp thuế lên 50% nhằm nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp.

Kết quả bước đầu, Cục Thuế Hà Nội đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kê khai nộp thuế; miễn, giảm, gia hạn thuế theo Nghị quyết 13 của Chính phủ; thủ tục khấu trừ thuế nhà thầu, thuế thu nhập doanh nghiệp... đáp ứng nguyện vọng của người nộp thuế. Đồng thời, chấn chỉnh kịp thời sai phạm, thiếu sót, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp. Cục Thuế Hà Nội cam kết sẽ tổng hợp các ý kiến từ phía doanh nghiệp để có biện pháp giải quyết cũng như sẽ có đề xuất lên Tổng cục Thuế sửa đổi những quy định chưa phù hợp gây cản trở cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương tiếp tục tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến các đối tượng liên quan. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai quy trình, thủ tục, hồ sơ, bộ phận có trách nhiệm giải quyết; bố trí công chức có năng lực phù hợp với nhiệm vụ được giao để thực hiện tốt thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm triển khai của đơn vị.

Thực hiện các giải pháp để hỗ trợ pháp luật cho người nộp thuế, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế khi có vướng mắc pháp luật, tăng hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Tổ chức kênh tiếp nhận ý kiến phản hồi từ phía người nộp thuế về các hoạt động nghiệp vụ của cơ quan thuế để có biện pháp phát huy hoặc khắc phục (nếu có hạn chế); đồng thời, công khai cơ chế phản ánh của người nộp thuế về hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương (ứng xử, vi phạm, biểu hiện tiêu cực) trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức thuế./.