Việt Nam trước cuộc khủng hoảng toàn cầu

Nguyễn Văn Thanh Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam
20:51, ngày 19-11-2012
TCCSĐT - Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu bắt đầu từ khủng hoảng tài chính tại Mỹ vào cuối năm 2007, tuy được chính thức thừa nhận là đã vượt qua suy thoái vào tháng 6- 2009, nhưng cảnh quan kinh tế ở nước này cũng như trên toàn thế giới không mấy sáng sủa. Trong khi đó, khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và khu vực đồng ơ-rô vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc. Ngày 20-9-2011, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định: Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ suy thoái kép, còn nhà tỷ phú G. Xô-rốt thì khẳng định “Mỹ đã lâm vào suy thoái kép”.

Khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu bộc lộ chỗ yếu “chí mạng” của chủ nghĩa tư bản

Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu mà thế giới đang phải gồng lên chống đỡ, một lần nữa, phơi bày những chỗ yếu chí mạng của chủ nghĩa tư bản. Những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản bộc lộ và trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Đó là mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, mâu thuẫn giữa các nước tư bản đế quốc với các nước dân tộc chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa các nước tư bản trung tâm với các quốc gia ngoại vi, mâu thuẫn giữa các siêu cường tư bản với các nước vốn nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa và đi con đường phi tư bản chủ nghĩa... Các phong trào “Một Đa-vốt khác”, “Poóc-tô A-lê-grê” và “Chiếm lấy phố Uôn” cùng nói lên một điều: những bất công, bất bình đẳng, khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội tư bản đang ngày một sâu sắc hơn, mạng an sinh xã hội trở nên yếu hơn, cuộc sống của người lao động cũng bấp bênh hơn.

Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu với những hậu quả nặng nề và khó lường của nó đang đặt ra vấn đề về sự tồn tại của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Tương lai nào cho chủ nghĩa tư bản phát triển dựa trên lợi nhuận cá nhân, trên việc khai thác đến tối đa "cái tôi", tính vị kỷ của con người? Liệu có thể chấp nhận kéo dài mãi sự bất công trong xã hội và giữa các quốc gia, các khu vực? Liệu những chiếc “van an toàn” của hệ thống tư bản chủ nghĩa vốn là những liệu pháp cần thiết để duy trì sự tồn tại của xã hội tư bản sẽ kéo dài được bao lâu? Hệ thống nào sẽ thay thế nó vì chủ nghĩa tư bản không thể là đỉnh tột cùng của nhân loại Phran-xít Phu-ku-y-a-ma (Francis Fukuyama)(1)?  

Thách thức đối với Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa

Trên đường hội nhập, chúng ta cần dựa vào nội lực vì đó là nhân tố quyết định, nhưng phải coi trọng ngoại lực. Qua hơn 25 năm đổi mới, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước thuộc nhóm có thu nhập trung bình (thấp). GDP bình quân 5 năm ước đạt 7% cao hơn mức bình quân khu vực. Tính theo giá so sánh, GDP năm 2010 gấp hơn 2 lần so với năm 2000 và đạt 101,6 tỷ USD theo giá thực tế năm 2010. Tuy đói nghèo vẫn còn nhưng đói nghèo cùng cực thì ngày càng bị thu hẹp. Chênh lệch giàu nghèo tuy chưa giảm, thậm chí còn gay gắt hơn, nhưng nhìn toàn cục từ thu nhập trên đầu người dăm chục USD nay lên tới 1.200 USD cho thấy một Việt Nam trước đây - như lời những khách phương Tây - “ai cũng nghèo cả”, rõ ràng đã có sự tiến bộ. Trên các đường phố ngày nay ồn ào chen chúc gần 2 triệu xe hơi, 35 triệu xe máy, khác xa với cái thời - cũng theo nhận xét của du khách - “những thành phố (Việt Nam) lặng lẽ trên những chiếc xe hai bánh (xe đạp)”. 

Bên cạnh những thành tựu lớn, Việt Nam vẫn đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Đó là kinh tế vĩ mô chưa ổn định; nợ công, nhất là nợ nước ngoài tăng nhanh; dự trữ ngoại hối giảm và hồi phục chậm chạp; xuất khẩu tuy tăng nhanh nhưng tỷ trọng hàm lượng nhập khẩu và tài nguyên còn lớn; một số vấn đề xã hội còn nhiều bức xúc. Tất cả những vấn đề đó được đặt trong một bối cảnh quốc tế cực kỳ phức tạp.

Những khó khăn và thách thức đó do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lắng dịu giữa năm 2009 nay lại có dấu hiệu bùng phát, có khả năng trở thành suy thoái kép ở Mỹ và EU, khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng ơ-rô khiến cho các trung tâm tài chính, kinh tế và thương mại tư bản chủ nghĩa thế giới lâm vào thế lưỡng nan, đã có biểu hiện vừa suy thoái vừa lạm phát, như đã từng xảy ra vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Cũng là nguyên nhân khách quan nhưng mang nhiều dấu ấn của bàn tay con người là sự xuống cấp của môi trường tự nhiên, của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao.

Nguyên nhân chủ quan chính là những yếu kém của bản thân Việt Nam. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có tiền lệ. Chúng ta phải tự mày mò với thị trường tư bản chủ nghĩa, tức phải ứng dụng quy luật giá trị, quy luật lợi nhuận, hình thành các thị trường lao động, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản... gia nhập các thiết chế tài chính và thương mại của chủ nghĩa tư bản quốc tế (IMF, WB, WTO), chịu sự tác động của chủ nghĩa tự do mới “tùy nghi” (laissez-faire), tự do hóa, phi điều tiết, tư nhân hóa. Con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong một môi trường kinh tế và kinh doanh tư bản chủ nghĩa càng trở nên khó khăn. “Làm giàu” trở thành phương châm. Tiền bạc trở thành giá trị. Con người xã hội chủ nghĩa càng khó hình thành khi các giá trị xã hội bị đảo lộn.

Việt Nam đi con đường xây dựng kinh tế thị trường nhưng biết rõ “kinh tế thị trường có những mặt tiêu cực mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Đó là xu thế phân hóa giàu nghèo quá mức, là tâm lý sùng bái đồng tiền, vì đồng tiền mà chà đạp lên đạo đức, nhân phẩm…”(2). Trên con đường quá độ lâu dài và gian khó, phải có quan điểm thực tiễn, không thể duy ý chí. Trong điều kiện hiện nay, muốn phát triển sản xuất, phải phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, phải thừa nhận trên thực tế còn có bóc lột và có sự phân hóa giàu nghèo nhất định, nhưng phải bảo vệ lợi ích của người lao động, và tuyệt đối không quên mục tiêu đồng thời cũng là quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội là không ngừng cải thiện đời sống cho nhân dân, là làm cho mọi người, mọi nhà đều khá giả, chênh lệch giàu nghèo giảm bớt đi.

Hội nhập quốc tế nhưng giữ vững bản sắc và đặc thù của dân tộc

Chúng ta có thể phát huy lợi thế đi sau của Việt Nam - công nghiệp hóa sau không nhất thiết là thiệt thòi, đương nhiên phải đề phòng tụt hậu và phải vượt qua được mưu đồ “đạp đổ cái thang”(3). Nổi lên tất nhiên là vấn đề ứng dụng công nghệ mới, đừng biến Việt Nam thành bãi rác, đừng biến nông thôn Việt Nam thành bãi phế thải, đừng phung phí đất canh tác là thành quả của mấy ngàn năm lịch sử. Xây dựng một nhà máy có thể mất 10 năm, nhưng để có một héc-ta đất canh tác thường phải mất cả đời người.

Cần xác định lại vị trí của nông thôn. Nông nghiệp phải được coi trọng không kém công nghiệp, bởi “hết gạo chạy rông”! Với truyền thống một nước có nhiều kinh nghiệm làm nghề nông, ta không nên thu hẹp quá mức số nông dân như các nước tư bản chủ nghĩa, mà cần tiến đến mức 50/50. Quan trọng là không kéo thành thị xuống mà là nâng nông thôn lên. Khẩu hiệu nên là “công nghiệp hiện đại và nông nghiệp tiên tiến”. Phải có chính sách bổ sung người tài, tăng cường chất xám cho nông nghiệp và nông thôn. Xuất khẩu cách làm, bí quyết (know how) nông nghiệp như ta đang làm ở một số nước châu Phi chứ không đơn thuần xuất khẩu nông nghiệp vật chất, bởi vật chất cạn dần nhưng “know how” thì còn mãi. 

Chúng ta phải sớm vượt qua giai đoạn thâm dụng lao động để bước vào giai đoạn công nghệ cao, sử dụng ít vật tư, nhiều trí tuệ. Mô hình mới còn đòi hỏi phải thân thiện với môi trường, đúng ra là đồng hành với tự nhiên. Mô hình mới đặt các vấn đề xã hội lên ngang với kinh tế. Chúng ta kiên định chủ nghĩa xã hội, nhưng là chủ nghĩa xã hội phù hợp với truyền thống của Việt Nam, và luôn nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Lâu nay, ta dường như quên điều đó. Công tác tư tưởng cần phải rành mạch xây và chống. Nói mô hình mà không coi trọng con người và tư tưởng thì không thể mong có được thành công.

Mô hình của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI hay xa hơn nữa phải lấy công bằng và dân chủ làm động lực, an sinh xã hội đồng hành với an ninh chính trị. Gọi đó là chủ nghĩa xã hội mới. Mục tiêu tổng quát năm 2012 của mô hình mới này như Đảng ta xác định là: “Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”(4).

Việt Nam tiếp tục quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vận dụng cơ chế thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế nhưng giữ vững bản sắc và đặc thù của dân tộc, “nắm bắt phát huy những tiềm năng, lợi thế của một nước đi sau, đang trong quá trình công nghiệp hóa với nền nông nghiệp giàu tiềm năng sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản”(5).

Trong cuộc trao đổi lý luận với Đảng Cộng sản Nhật Bản lần thứ IV, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Chủ nghĩa xã hội chúng ta (Việt Nam) đang hướng tới là một chủ nghĩa xã hội đổi mới”(6). Thật vậy, phải đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội trước thực tiễn mới. Trong cuộc trao đổi này, đại diện của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, trước hết phải tập trung mạnh mẽ phát triển lực lượng sản xuất, làm cho sản xuất có trình độ xã hội hóa cao, dựa trên kỹ thuật - công nghệ hiện đại, đồng thời hình thành và củng cố quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa phù hợp với lực lượng sản xuất đó. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu, phân phối và kinh doanh, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách từ mọi phía để thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó cũng là nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội mới, chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI./.

--------------------------------------------------

(1) Tác giả cuốn sách Sự tận cùng của lịch sử và con người cuối cùng (The End of History and the Last Man), 1992

(2) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tr 459

(3) Nhà kinh tế học người Hàn Quốc Ha Joong Chang vạch rõ mưu đồ chủ nghĩa tư bản không để các nước đi sau đuổi kịp bằng việc “đạp đổ cái thang” mà họ dùng để phát triển lên chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày nay. 

(4) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Báo Nhân dân (11-10-2011)

(5) Sđd

(6) Báo Nhân dân (30-10-2011)