"ASEAN: Một Cộng đồng, một vận mệnh"

Thái Hà tổng hợp
22:37, ngày 18-11-2012

TCCSĐT - Ngày 18-11-2012 tại thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Cam-pu-chia, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 với chủ đề "ASEAN: Một Cộng đồng, một vận mệnh", mở đầu cho một loạt các Hội nghị Cấp cao của ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác diễn ra từ 18 đến ngày 20-11. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

 

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Hun Sen đọc diễn văn.


Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Hun Xen đánh giá cao các kết quả quan trọng trong hợp tác ASEAN thời gian qua, đồng thời đề xuất các trọng tâm và ưu tiên tại các Hội nghị lần này dưới chủ đề của năm nay là "ASEAN: Một Cộng đồng, một vận mệnh", bao gồm: Triển khai hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, thực hiện tốt các thỏa thuận về liên kết kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển; Thúc đẩy thực hiện Hiến chương và các khuôn khổ pháp lý kèm theo, trong đó có Nghị định thư của Hiến chương ASEAN về Cơ chế giải quyết tranh chấp; nâng cao "văn hóa thực thi" trong ASEAN; Bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)... bảo đảm vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình, đi đôi với tăng cường quan hệ hợp tác với các Đối tác vì các mục tiêu chung của khu vực; và Thúc đẩy cơ chế phối hợp trong ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác để ứng phó với các thách thức ở khu vực. Thủ tướng Hun Xen khẳng định đây chính là kết quả từ những nỗ lực không ngừng của Hiệp hội nói chung và các nước thành viên nói riêng cùng nhau phấn đấu xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, gắn kết và liên kết chặt chẽ. Tại Lễ Khai mạc, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã chính thức công bố thành lập Viện nghiên cứu Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR) nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN về giải quyết hòa bình tranh chấp, cũng như trong lĩnh vực chính trị - an ninh nói chung.

Sau Lễ khai mạc, Lãnh đạo các nước ASEAN đã tiến hành Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 bàn về các vấn đề trọng tâm và ưu tiên của Hiệp hội, bao gồm xây dựng Cộng đồng, triển khai kết nối, tăng cường liên kết khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển… Tại Phiên họp này, Lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức phê duyệt và bổ nhiệm đề cử nhân sự của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh, vào cương vị Tổng thư ký ASEAN với nhiệm kỳ sẽ bắt đầu từ năm 2013 đến năm 2017.

Tại Phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, ASEAN đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong xây dựng Cộng đồng, nhất là việc hình thành trụ cột Cộng đồng Kinh tế (AEC) đạt trên 70% chỉ tiêu đề ra. ASEAN cũng đang tích cực thực hiện các trọng tâm, ưu tiên đề ra trong Tuyên bố Phnôm Pênh "một Cộng đồng, một Vận mệnh" và "Chương trình Nghị sự Phnôm Pênh" thông qua tại Cấp cao ASEAN-20. Với nỗ lực cùng nhau, mục tiêu hướng tới một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 đang dần hiện hữu; tuy nhiên trước mắt công việc còn nhiều, thách thức còn lớn.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21


Chiều cùng ngày, ngay sau Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 được tổ chức tại Thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã họp Phiên họp hẹp để trao đổi về các trọng tâm và ưu tiên của Hiệp hội và trao đổi với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC).

Tại các Phiên họp này, Lãnh đạo các nước ASEAN đã bàn về việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, gia tăng kết nối và liên kết khu vực, tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Kiểm điểm thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Lãnh đạo các nước ASEAN ghi nhận các kết quả tích cực trong triển khai các Kế hoạch tổng thể trên cả ba trụ cột, nhất là trong trụ cột Kinh tế ASEAN với hơn 70% chỉ tiêu đã được thực hiện. Lãnh đạo các nước nhấn mạnh ASEAN cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa nhằm hoàn thành đúng tiến độ các kế hoạch đã đề ra, nhất là về liên kết kinh tế, triển khai kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực, thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều. Bên cạnh đó, giáo dục, tuyên truyền và quảng bá về ASEAN cũng sẽ được tiếp tục đẩy mạnh nhằm nâng cao ý thức Cộng đồng và trách nhiệm của người dân đóng góp cho tiến trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm… Để đạt được các mục tiêu trên, các nước nhất trí sẽ tiếp tục gắn kết và lồng ghép các kế hoạch hợp tác khu vực vào các chương trình quốc gia, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan phụ trách… nhằm bảo đảm triển khai đồng bộ và hiệu quả ở cả cấp độ quốc gia và khu vực.

Trước những thách thức đang đặt ra đối với khu vực, các nhà Lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh Hiệp hội cần duy trì đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm trong định hướng hợp tác và cấu trúc khu vực, nhất là về các vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược chung của ASEAN về hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực. Theo đó, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, tiếp tục phát huy tác dụng các công cụ hợp tác của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… Bên cạnh đó, ASEAN cần phát huy tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, khuyến khích tăng cường hợp tác với các Đối tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống, ứng phó hiệu quả với cách thách thức đang đặt ra ở khu vực như thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh an toàn hàng hải, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...

Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nhà Lãnh đạo nhất trí ASEAN cần tiếp tục mở rộng quan hệ với các Đối tác, phát huy vai trò chủ đạo trong thúc đẩy các khuôn khổ và tiến trình hợp tác khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+),... tạo điều kiện cho các Đối tác tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào mục tiêu chung là hoà bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Nhân dịp này, Lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức tuyên bố khởi động tiến trình đàm phán Khuôn khổ Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) với các Đối tác liên quan.

 

Các nhà Lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh Hiệp hội cần duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm trong định hướng hợp tác và cấu trúc khu vực.


Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Mi-an-ma trong tiến trình hòa hợp dân tộc; ủng hộ một Bán đảo Triều Tiên hòa bình và phi vũ khí hạt nhân. Về tình hình ở Dải Ga-da (Pa-le-xtin), các nước kêu gọi các bên chấm dứt hành động bạo lực, thù định, nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho hòa bình ở Trung Đông. Các Lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí tăng cường trao đổi và phối hợp lập trường về các vấn đề toàn cầu thuộc quan tâm chung tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác như APEC, ASEM, G20, Liên hợp quốc,... qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của ASEAN.

Về Biển Đông, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS); thực hiện hiệu quả Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại Phiên họp hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trước tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo ở khu vực, nhất là trong các vấn đề hòa bình và an ninh; thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin giữa các nước; xây dựng và chia sẻ chuẩn mực ứng xử; phát huy các công cụ và cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp ước TAC, Tuyên bố Ba-li về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, đặc biệt là cần đề cao các nguyên tắc như kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình… ASEAN cần giữ vững đoàn kết và thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung của khu vực trên cơ sở các nguyên tắc và phương cách đã thỏa thuận, kiên trì tham vấn và xây dựng đồng thuận - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Đề cập đến việc giữ vững vai trò của ASEAN trước các thách thức to lớn ở khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ASEAN đang phải xử lý những thách thức phức tạp cả truyền thống và phi truyền thống, từ những xung đột tiềm tàng tới các vấn đề xuyên biên giới như bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, ứng phó và phòng chống thảm họa thiên tai. Với tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, ASEAN cần tích cực xem xét, trao đổi, phối hợp với nhau, và nỗ lực xây dựng lập trường chung ASEAN trong một số vấn đề quan trọng của khu vực. Đó cũng là một trong những biện pháp để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm của mình trong khu vực, nơi các nước lớn đang cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt.

Về Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp; tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc, trong đó có các quy định về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, cũng như sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống và ứng phó với các thách thức đang nổi lên như quản lý thiên tai, an ninh nguồn nước, an ninh an toàn hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia… Về hợp tác Mê Công, các nước thuộc Tiểu vùng Mê Công cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác ứng phó với lũ lụt, thiên tai, xâm nhập mặn, bảo đảm an ninh lương thực và quan trọng hơn cả là tìm ra giải pháp lâu dài cho việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, trước hết là cần phải có nghiên cứu tổng thể, khách quan và khoa học về tác động đến môi trường và nguồn nước trong việc khai thác và sử dụng sông Mê Công.

Phát biểu về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân; ủng hộ việc kêu gọi chấm dứt các hành động bạo lực, thù định, nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho hòa bình ở Trung Đông.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chúc mừng Cam-pu-chia thành công trong trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2012; khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Bru-nây trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2013 để bảo đảm năm Chủ tịch ASEAN của Bru-nây thành công tốt đẹp.

 

Lễ ký thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN


Tối 18-11, Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 đã kết thúc tốt đẹp. Trong các kết quả của Hội nghị, Lãnh đạo các nước ASEAN đã ra Tuyên bố Phnôm Pênh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) - văn kiện chính trị quan trọng đầu tiên về hợp tác nhân quyền ở khu vực, và thông qua Kế hoạch Hành động triển khai Tuyên bố Bali về “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu”, chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR)… Tuyên bố Nhân quyền ASEAN gồm 7 phần: phần mở đầu, các nguyên tắc chung, các quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền phát triển, quyền hưởng hòa bình, hợp tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. Tuyên bố thể hiện nguyện vọng, quyết tâm và nỗ lực của người dân và chính phủ các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân.

Tuyên bố khẳng định cam kết của ASEAN tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của con người cũng như phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân khu vực như đã nêu trong Hiến chương ASEAN, đồng thời thể hiện cam kết của ASEAN trong thúc đẩy thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN phù hợp với các nguyên tắc đề ra trong Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên, và các văn kiện quốc tế về nhân quyền khác mà các quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia. Bên cạnh đó, Tuyên bố cũng khẳng định lại các giá trị nhân quyền chung, đi đôi với coi trọng các giá trị và đặc thù của ASEAN và các quốc gia trong khu vực, quyền đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.

Theo thông cáo báo chí ngày 18-11 của Ban Thư ký ASEAN cho biết, nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 tại Phnôm Pênh, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề châu Á của Bộ Ngoại giao Bra-xin, bà Ma-ri-a Phôn-tê-nê-lê Rây (Maria Edileuza Fontenele Reis) đã công bố quyết định của Bra-xin tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Thông cáo nêu rõ 10 bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ký văn bản về việc kết nạp Bra-xin vào TAC. Hiệp ước TAC được các bên liên quan ký tại Hội nghị Cấp cao ASEAN đầu tiên ở Ba-li (In-đô-nê-xi-a) ngày 24-2-1976, dưới tên gọi "Thỏa thuận Bali I". Năm 1996, TAC được sửa đổi, cho phép các nước ngoài Đông Nam Á tham gia, sau đó tiếp tục được sửa đổi và bổ sung vào năm 1998 để xác định chủ thể có quyền đồng ý cho phép những nước ngoài khu vực tham gia Hiệp ước. Sự gia nhập của Bra-xin đã nâng tổng số các bên ký TAC lên 31, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của quốc gia Mỹ La-tinh này là đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực, đặt nền tảng cho việc thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Bra-xin và ASEAN.

Trong hai ngày tiếp theo sẽ diễn ra các Hội nghị của ASEAN với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ; Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS)./.