Quảng Nam có 5 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp tập trung, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các huyện, thành, thị; giải quyết việc làm cho trên 65.000 lao động. Công tác xây dựng và phát triển công đoàn ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh của tỉnh Quảng Nam tuy đạt dược một số kết quả bước đầu song phía trước vẫn chồng chất nhiều khó khăn; trong số 614 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định và đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn mới có 229 doanh nghiệp thành lập được công đoàn cơ sở.

 
Kinh nghiệm ban đầu.

Thực hiện Chỉ thị 07-CT/TU ngày 23-11-1996 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, ngày 04-4-2002 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam đã ban hành Thông tri 09-TT/TU về lãnh đạo xây dựng và phát triển Công đoàn ở Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Sau 7 năm thực hiện đến nay, Quảng Nam có 5 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp tập trung, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các huyện, thành, thị; giải quyết việc làm cho trên 65.000 lao động, tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh lên 6,5 lần so với năm 1997 và đạt doanh thu trên 4.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có 2034 doanh nghiệp với 39.204 lao động, qua khảo sát cho thấy có 614 doanh nghiệp với 22.300 lao động đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định và đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn.

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở được triển khai dưới nhiều hình thức, cách làm làm sáng tạo ở các cấp công đoàn như có kế hoạch khảo sát các doanh nghiệp, thành lập Ban vận động để làm việc với người sử dụng lao động, tiếp xúc trực tiếp với người lao động để tuyên truyền vận động, phát triển đoàn viên... Liên đoàn Lao động tỉnh đã Quyết định thành lập Ban Công đoàn ngoài quốc doanh thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh nhằm làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo thành lập công đoàn cơ sở ở các công ty liên doanh có vốn nước ngoài và các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu kinh tế mở Chu Lai. Công đoàn các ngành Y tế, Giáo dục, Giao thông - vận tải, Xây dựng... tiếp tục duy trì tốt các hoạt động, tham mưu với các cấp uỷ Đảng, phối hợp chặt chẽ Chính quyền đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và các phong trào quần chúng trong toàn ngành.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Thông tri 09, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã xác định rõ trách nhiệm: “Đẩy mạnh phát triển tổ chức, tập hợp đông đảo công nhân lao động gia nhập tổ chức công đoàn là nhiệm vụ mang tính chiến lược, quyết định đến sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn trong thời kỳ hội nhập kinh tế”. Kết quả đã thành lập được 229 công đoàn cơ sở (đạt tỷ lệ 37% doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở), trong đó: 31 công đoàn cơ sở thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn; 22 công đoàn cơ sở thuộc Công ty cổ phần; 8 công đoàn cơ sở thuộc Doanh nghiệp tư nhân; 18 công đoàn cơ sở thuộc hợp tác xã công nghiệp và dịch vụ; 144 công đoàn cơ sở thuộc các trường bán công, tư thục và dạy nghề.

Sau khi thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, các cấp công đoàn thường xuyên theo dõi, chỉ đạo và hướng dẫn nội dung hoạt động theo 4 nội dung của Thông tri 02/TTr-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Nhiều công đoàn cơ sở sớm ổn định đội ngũ Ban chấp hành công đoàn, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hầu hết các công đoàn cơ sở đã phối hợp với chủ doanh nghiệp xây dựng nội quy, quy chế làm việc, tổ chức các phong trào thi đua lao động giỏi, ký kết hợp đồng lao động, xây dựng và ký kết thoả ước lao động tập thể, thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, chăm lo đến đời sống tinh thần cho người lao động.

Thực tiễn cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn bảo đảm tốt hơn tính dân chủ, công khai, các chế độ chính sách như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động được quan tâm, phát huy tốt tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh; những nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của người lao động được Công đoàn tập hợp, đề xuất cùng chủ doanh nghiệp xem xét, giải quyết kịp thời, giảm thiểu các cuộc tranh chấp xảy ra trong quan hệ lao động.

Những kết quả đạt được đã phản ánh tính đúng đắn của việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn khu vực kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công nhân lao động và doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết hài hoà ba lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển bền vững và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh theo tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Con đường đi tới.

Tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu song, công tác xây dựng và phát triển công đoàn ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh của tỉnh Quảng Nam còn rất nhiều khó khăn:

- Số doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn cơ sở còn quá ít.

- Chất lượng hoạt động của công đoàn chưa cao; tỷ lệ công đoàn cơ sở vững mạnh còn thấp; đội ngũ cán bộ ở các công đoàn cơ sở còn ít kinh nghiệm và nhiều lúng túng trong tổ chức hoạt động công đoàn. Hoạt động của công đoàn, phần lớn tập trung vào việc hiếu, hỉ, tham quan... ít có thời gian tổ chức các hoạt động theo kế hoạch chỉ đạo của công đoàn cấp trên nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn.

- Nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa có tổ chức cơ sở Đảng để trực tiếp lãnh đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nuớc, Quảng Nam sẽ quyết tâm phấn đấu đến năm 2010, có từ 60-70% doanh nghiệp đủ điều kiện được thành lập tổ chức công đoàn đồng thời tuyên truyền, vận động 75 - 80% công nhân lao động gia nhập tổ chức công đoàn, Quảng Nam tập trung giải quyết các vấn đề sau:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch làm việc với các cơ quan, ban ngành liên quan và với chủ các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội được thành lập và hoạt động, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động.

Thứ hai, căn cứ Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng đoàn và Ban thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh cần xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động công đoàn trong các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh. Chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp với chủ doanh nghiệp tổ chức học tập, tuyên truyền, giáo dục để người lao động và người sử dụng lao động nhận thức đầy đủ về Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam để các doanh nghiệp mà trước tiên là người lao động thấy được lợi ích khi thành lập tổ chức công đoàn.

Thứ ba, cải tiến nội dung, phương pháp chỉ đạo hoạt động công đoàn đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong đội ngũ công nhân lao động; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở ngoài quốc doanh, đảm bảo hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ đề ra.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi pháp luật và Bộ luật Lao động trong các doanh nghiệp, bênh vực và bảo đảm nghĩa vụ, quyền lợi chính đáng cho người lao động; giải quyết kịp thời những vướng mắc, biểu dương khen thưởng những doanh nghiệp có thành tích tốt và xử lý nghiêm những đơn vị cố ý làm trái pháp luật.