TCCSĐT - Ngày 29-10-2012, cơn bão lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua có tên “Xan-di” (Sandy) bắt nguồn từ vùng biển Ca-ri-bê đã đổ bộ vào miền đông nước Mỹ. Đây là yếu tố bất ngờ và là thử thách quyết liệt cuối cùng đối với 2 ứng cử viên trong cuộc đua ma-ra-tông vào Nhà Trắng. Ai phản ứng tốt trước thách thức này, người đó có thể ghi thêm “điểm vàng” vào thành tích vận động tranh cử của mình.

Thử thách lớn và bất ngờ

Cơn bão lớn Xan-di là thử thách lớn và bất ngờ đối với 2 ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma và Mít Rôm-ni vì họ vừa phải ra tay cùng với người dân Mỹ chống bão và khắc phục hậu quả sau bão, vừa phải điều chỉnh lộ trình vận động tranh cử vào giai đoạn nước rút cuối cùng.

Đương kim Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã phải hủy bỏ nhiều sự kiện vận động tranh cử ở các bang Vơ-gi-ni-a (Virginia) và Phlo-ri-đa (Florida). Đây là những bang đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới đang bị bão Xan-di đe dọa. Cả hai ứng cử viên đều phải hủy bỏ các chương trình vận động tranh cử ở bang Niu Ham-xrây (New Hampshire) vì gió mạnh và mưa lớn đổ bộ xuống vùng này. Phát biểu trước những người ủng hộ ở bang Man-chét-xtơ và Niu Ham-xrây, trước khi lên đường đến bang Ô-hai-ô, Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn (Joe Biden) cho biết, việc cuối cùng mà Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và ông cần làm lúc này là đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho người dân.

Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã cảnh báo khu bờ Đông dân cư đông đúc có thể bị mất điện và cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong nhiều ngày, thậm chí cả tuần. Do đó, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả là cơn bão dữ dội này sẽ tàn phá bờ Đông nước Mỹ, làm rối loạn lịch trình và hoạt động bầu cử sắp đến, đặc biệt là quá trình bỏ phiếu sớm đang diễn ra. Trong tình cảnh hiện nay, bang Ma-ri-len (Maryland) đã thông báo tạm dừng bỏ phiếu sớm từ ngày 29-10-2012. Theo Hãng thông tấn “Roi-tơ” (Reuters), đa số cử tri đã có quyết định cuối cùng nhưng cơn bão có thể ngăn cản họ đi bỏ phiếu sớm. Nếu xảy ra mất điện trên diện rộng, các chiến dịch quảng cáo tăng cường trị giá nhiều triệu USD trên truyền hình cũng không thể thực hiện được. Đó là chưa kể các chiến dịch tuần hành vận động bỏ phiếu tại các bang then chốt cũng khó thành hiện thực. Giới phân tích nhận định, ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn so với ứng cử viên Mít Rôm-ni vì chiến dịch của đương kim tổng thống chú trọng vào việc bỏ phiếu sớm.

Trong lịch sử nước Mỹ đã từng xảy ra thảm họa thiên nhiên có thể làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống. Theo kết quả nghiên cứu của giáo sư La-ri Bác-ten (Larry Bartels), Đại học Van-đơ-bít (Vanderbilt University) và Crít-xtô-phơ Ác-hen (Christopher Achen), Đại học Prin-xe-tơn (Princeton), Phó Tổng thống Mỹ An Go-rơ (Al Gore) đã phải chịu thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào năm 2000 do các trận mưa lớn đổ xuống 7 bang khác nhau, những nơi mà lẽ ra các cử tri sẽ dồn phiếu cho ông. Còn tỉ lệ ủng hộ ứng cử viên G.W. Bu-sơ đã bị sút giảm đáng kể sau khi siêu bão Ka-tri-na san phẳng thành phố Niu Oóc-lơn (New Orleans) năm 2005. Hiện nay, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma có thể sẽ hứng chịu hậu quả tương tự nếu chính phủ của ông không ứng phó hiệu quả với cơn bão lần này. Đối với ứng cử viên Mít Rôm-ni, cơn bão Xan-di cũng là một thử thách không kém, buộc ông phải thận trọng tối đa đến từng lời ăn, tiếng nói để tránh bị đánh giá là lợi dụng thảm họa thiên tai này để ghi thêm điểm.

Nhìn chung, cơn bão lớn Xan-di là yếu tố hoàn toàn bất ngờ có thể làm thay đổi quan điểm của cử tri Mỹ tùy thuộc vào các yếu tố sau.

Một là, cách phản ứng và đối phó với cơn bão này của các ứng cử viên, trong đó phép thử nghiệt ngã nhất là đối với ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma vì ông là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc chống đỡ và khắc phục hậu quả sau bão. Nếu đương kim Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma xử lý không tốt, nhiều cử tri vốn đã quyết định bỏ phiếu cho ông sẽ thay đổi quan điểm và chuyển sang ủng hộ ứng cử viên Mít Rôm-ni hoặc các cử tri còn do dự chắc chắn sẽ không bỏ phiếu cho ông Ba-rắc Ô-ba-ma.

Hai là, ở những bang chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão Xan-di, số cử tri đi bỏ phiếu có thể sẽ giảm sút do gặp khó khăn và họ đang phải tập trung nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão.

Ba là, cơn bão Xan-di sẽ gia tăng số lượng cử tri ngẫu nhiên. Họ là những người không tham gia vào cuộc bầu cử giữa kỳ nhưng sẽ xuất hiện trong năm bầu cử tổng thống. Trong số các cử tri ngẫu nhiên này không ai dự tính được họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào và cơn bão này sẽ có tác động tới quyết định của họ.

“Phản ứng tuyệt vời” của ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma

Theo dõi diễn biến cơn bão Xan-di và phản ứng của 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ, dư luận chung ở Mỹ nhận xét rằng, Chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã ứng phó chủ động, kịp thời và có hiệu quả trước thảm họa thiên nhiên khủng khiếp này, thể hiện ở ba khía cạnh chủ yếu.

Một là, không để xảy ra sơ suất khi nhận thức về thảm họa này. Để chuẩn bị đối phó với cơn bão Xan-di, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã tổ chức cuộc họp báo ở Nhà Trắng và khẳng định dứt khoát rằng, ông không lo ngại về tác động của cơn bão tới cuộc bầu cử mà điều khiến ông lo ngại trước hết là tác động của bão Xan-di đối với các gia đình và những người đang ứng phó với bão trên tuyến đầu, lo ngại cho nền kinh tế và hệ thống giao thông của Mỹ, còn cuộc bầu cử tự nó sẽ vẫn diễn ra vào tuần tới. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã có những lời
kêu gọi nhân dân Mỹ trong giờ phút hiểm nguy này: “Giá trị vĩ đại nhất của nước Mỹ là khi chúng ta trải qua thời điểm khó khăn như thế này, tất cả chúng ta đồng tâm hiệp lực bên nhau". Giới phân tích nhận xét, đây là phản ứng chính xác và đúng đắn của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, thể hiện ông quan tâm trước hết đến người dân Mỹ trong cơn hoạn nạn. Nếu như Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đưa ra tuyên bố thiếu tinh thần ái quốc vào thời điểm đó, chắc hẳn các cử tri Mỹ sẽ mất thiện cảm đối với ông.

Hai là, với vai trò là Tổng Tư lệnh của nước Mỹ, ứng viên Ba-rắc Ô-ba-ma đã tập trung lãnh đạo và huy động mọi nguồn lực cần thiết của quốc gia để vượt qua cơn bão. Ngày 27-10-2012, trước khi cơn bão đổ bộ vào nước Mỹ, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các bộ, ngành liên quan về các phương án phòng chống bão và khắc phục hậu quả sau bão. Ông chỉ thị cho các bang liên quan chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực giúp đỡ các tiểu bang và thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng của bão. Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã hoãn lại tất cả các chương trình vận động tranh cử tại những vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão, từ bang Phlo-ri-đa tới Vít-xcô-xin (Wisconsin).

Ba là, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã quan tâm sát sao tới tình hình các bang bị ảnh hưởng của cơn bão Xan-di và đề ra các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả sau bão. Ông đã đích thân đến thăm bang Niu Giơ-xi (New Jersey) - một trong các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn bão Xan-di gây ra.

Dư luận xã hội Mỹ đánh giá cao khả năng của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma trong việc lãnh đạo nước Mỹ vượt qua cơn bão Xan-di. Điển hình là nhận xét của Thống đốc bang Niu Giơ-xi, ông Crít Crít-xti (Chris Christie), một thành viên Đảng Cộng hòa và là một người công khai ủng hộ ứng cử viên Mít Rôm-ni. Ông Crít Crít-xti nhận xét rằng, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã lãnh đạo “quá tuyệt vời” trong việc ngăn chặn và khắc phục hậu quả cơn bão Xan-di. Chính Thống đốc bang Crít Crít-xti đã gọi điện cho Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vào lúc nửa đêm và đưa ra nhận xét rằng, ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma xứng đáng nhận được tín nhiệm của các cử tri Mỹ.

Rõ ràng, cơn bão Xan-di vừa là thách thức, vừa là dịp để ứng cử viên và là đương kim Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tận dụng lợi thế cầm quyền để thể hiện tài năng lãnh đạo của ông trong việc ứng phó với thảm họa từ thiên nhiên. Biết đâu, sau cơn bão này, những cử tri còn đang do dự sẽ cho ứng viên Ba-rắc Ô-ba-ma thêm một cơ hội nữa để ông chèo lái con thuyền, đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng như ông đã từng lãnh đạo đất nước chống chọi với thảm họa khủng khiếp từ thiên nhiên. Trong khi đó, ứng cử viên Mít Rôm-ni "chỉ biết đứng nhìn" nhằm“soi” kỹ hành động của đối thủ trong quá trình cơn bão diễn ra để đưa ra những lời phê bình một khi ông B.Ô-ba-ma phạm sai lầm hoặc sơ suất. Dĩ nhiên, ông Mít Rôm-ni cũng có những hành động, vận động quyên góp từ thiện để trợ giúp nhân dân các vùng bị tác động của cơn bão.

Dưới tác động của cơn bão Xan-di, một lần nữa các cử tri Mỹ lại chú ý xem xét lại các yếu tố trong chính sách đối nội như phát triển kinh tế, chính sách nhà ở, tạo thêm việc làm mới v.v.. để đưa ra quyết định cuối cùng trước khi bỏ phiếu vào ngày 6-11-2012. Theo kết quả thăm dò dư luận của Hãng Reuters/Ipsos công bố vào tối ngày 29-10-2012, ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma vẫn đang dẫn trước ứng viên Mít Rôm-ni với tỉ lệ sít sao 1% (48% so với 47%)./.