Lúc này, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ giá dầu mỏ trên thị trường thế giới có chiều hướng sút giảm. Cơn sốt giá của thứ nguyên liệu chiến lược này vẫn như con ngựa bất kham có xu hướng tung vó phi nước kiệu. Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích kinh tế không dám cả gan đưa ra các dự báo chắc chắn. Không một chuyên gia phân tích nào mạnh dạn dự báo giá dầu sẽ lên tới mức nào. Theo họ, giá "vàng đen" có thể lên tới gần 200USD/thùng vào cuối năm 2008, tuỳ thuộc vào diễn biến tình hình ở nhiều khu vực cách rất xa nhau trên hành tinh chúng ta.

Tổng khối lượng tiêu thụ dầu mỏ của Mỹ vẫn “phi nước kiệu”

Sự phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ đã tăng liên tục kể từ năm 1972. Năm đó, sản lượng dầu khai thác trong nước đạt đỉnh điểm 11,6 triệu thùng/ngày. Hiện nay, sản lượng này tiếp tục giảm bởi các giếng dầu cũ đã bị cạn kiệt. Tổng khối lượng tiêu thụ dầu mỏ của Mỹ vẫn “phi nước kiệu”, đã từng đạt mức gần 30 triệu thùng/ngày vào năm 2007. Do đó, lượng dầu mỏ phải nhập khẩu của Mỹ sẽ ngày một lớn và sẽ đạt 20 triệu thùng/ngày vào năm 2025, chiếm 69% nhu cầu tiêu thụ. Điều nghiêm trọng hơn là phần lớn lượng dầu mỏ Mỹ phải nhập khẩu từ các nước thù địch và các nước bị chiến tranh tàn phá trong thế giới đang phát triển, chứ không phải từ các nước hữu nghị và ổn định chính trị như Ca-na-đa hay Na-uy. Kết quả là, đang có sự dịch chuyển trung tâm của ngành dầu khí trên thế giới từ bắc bán cầu sang các nước đang phát triển của nam bán cầu, những nước thường có những bất ổn về chính trị, bị tàn phá bởi các cuộc xung đột tôn giáo và sắc tộc... Ngoài những mâu thuẫn đối kháng có nguồn gốc lịch sử tồn tại ở các nước này, bản thân ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ còn chịu thêm những tác động gây bất ổn khác. Đó là sự bất mãn trước sự phân chia lợi nhuận không công bằng từ dầu mỏ và với chính sách đàn áp của chính phủ, các lực lượng đối lập giờ đây không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành nổi loạn vũ trang hoặc khủng bố. Nhiều nhà sản xuất dầu mỏ mới nổi lên lại ở các nước đang phát triển trước đây từng là thuộc địa và luôn nung nấu hận thù sâu sắc đối với Mỹ. Vì dầu mỏ được xem như động lực thúc đẩy sự dính líu của Mỹ vào các khu vực này, nên các tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ vốn là hiện thân sức mạnh Mỹ và mọi thứ liên quan đến dầu mỏ như các đường ống dẫn, các giếng khoan, các nhà máy lọc dầu, các giàn khoan v.v.. bị những người nổi loạn coi là những mục tiêu thích hợp để tấn công. Chiến tranh I-rắc là thí dụ điển hình về cuộc chiến tranh nhằm giành giật dầu mỏ, không khác gì giành giật cuộc sống. Cuộc chiến này đang diễn ra quyết liệt không chỉ ở khu vực Trung Cận Đông mà hiện đang lan toả sang khu vực châu Á và châu Phi.

Những cường quốc kinh tế mới nổi ảnh hưởng đến gia tăng giá dầu trên thị trường thế giới

Từ năm 2003, Trung Quốc đã chiếm vị trí thứ 2 trong danh sách "top ten" các nước hàng đầu thế giới về khối lượng dầu mỏ tiêu thụ. Mức tăng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2004 của Trung Quốc là 17% (hoặc 5,8-5,9 triệu thùng/ngày), còn mức nhập khẩu dầu mỏ tăng 35% (đạt 2,4-2,5 triệu thùng/ngày). Trung Quốc cũng đứng vị trí thứ hai sau Mỹ về khối lượng dầu mỏ nhập khẩu, góp phần đáng kể gia tăng giá dầu trên thị trường thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, Trung Quốc đang nỗ lực duy trì nhịp độ phát triển như hiện nay để đến năm 2041 sẽ vượt Mỹ và trở thành một siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới. Để đạt mục đích đó, trong tương lai không xa, Trung Quốc sẽ tiêu thụ một khối lượng năng lượng bằng cả hai nước Mỹ và Nhật Bản cộng lại.

Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ sẽ là quốc gia chiếm vị trí hàng đầu thế giới về mức độ tiêu thụ dầu mỏ. Giới lãnh đạo và dư luận xã hội ở Ấn Độ đánh giá sự thiếu hụt tài nguyên năng lượng là "một nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia". Báo "India Daily" từng viết: "Ấn Độ đang ở trong tình trạng hoảng hốt trước triển vọng không mấy sáng sủa của các nguồn cung cấp dầu mỏ và đang chạy đua nhằm giành giật tài nguyên dầu mỏ trên thế giới. Trong cuộc đua đó, Ấn Độ đang "chạm trán" với Trung Quốc. Nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển với tốc độ nhanh không kém gì nền kinh tế Trung Quốc. Nếu mức tăng tổng thu nhập quốc nội hàng năm của Trung Quốc là 8-9%, thì của Ấn Độ đã là 6-8%. Để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, Ấn Độ rất cần năng lượng. Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh, số dân giàu lên càng nhiều, thì số người sử dụng ô-tô sẽ tăng lên gấp bội và hệ quả là, quốc gia đông dân vào bậc nhất nhì thế giới này sẽ ngày càng cảm thấy "đói" năng lượng. Lúc đó, cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ với các nước nhằm giành giật tài nguyên năng lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước sẽ càng quyết liệt hơn. Chính nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ đã góp phần gia tăng đáng kể giá dầu mỏ trong những năm gần đây. Ở Ấn Độ, khối lượng tiêu thụ dầu mỏ hiện thời vẫn chưa bằng Trung Quốc (vào khoảng 2 triệu thùng/ngày), nhưng trong khi Trung Quốc cần nhập khẩu dầu mỏ từ nước ngoài để đáp ứng 40% nhu cầu trong nước, thì Ấn Độ phải nhập khẩu tới 70% nhu cầu dầu mỏ tiêu thụ nội địa. Theo dự báo, đến năm 2018, nhu cầu dầu mỏ ở Ấn Độ sẽ đạt tới 4 triệu thùng/ngày và tỷ lệ nhập khẩu sẽ vượt quá 85%. Theo tính toán của Bộ Thương mại Ấn Độ, mức tăng giá một thùng dầu lên 5 USD có nghĩa là làm giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế của nước này xuống 0,5% và tăng lạm phát lên 1,4%. Thí dụ, năm 2004, theo kế hoạch chính thức, tổng thu nhập quốc nội của Ấn Độ tăng 7-8%, nhưng trên thực tế mức tăng không vượt quá 6% do giá dầu tăng. Trong khi đó, nguồn dự trữ dầu mỏ trong nước của Ấn Độ cũng rất hạn chế. Vì thế, ngay từ năm 2004, chính phủ Ấn Độ đã soạn thảo một chương trình đặc biệt nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào động thái của thị trường dầu mỏ thế giới.

Ai sẽ giành quyền kiểm soát dầu mỏ - nguồn năng lượng chiến lược?

"Chiến tranh năng lượng" giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh để nhập khẩu dầu mỏ từ các nước Cận Đông, châu Phi, Trung Á và các khu vực khác. Ấn Độ đã đầu tư hơn 3 tỉ USD vào các đề án khai thác dầu mỏ ở Nga, Xu-đăng, Việt Nam, Mi-an-ma và Li-bi. Trong 10 năm tới, Đê-li dự kiến hàng năm đầu tư không dưới 1 tỉ USD vào các cơ sở dầu mỏ và khí đốt gần như trên khắp thế giới. Hiện nay, họ đang xem xét đề nghị của Ả-rập Xê-út cùng phối hợp xây dựng một nhà máy chế biến dầu mỏ. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang xem xét các phương án cùng phối hợp để mua vốn hoạt động không chỉ của công ty dầu mỏ "Y-u-cốt" mà của nhiều hãng dầu mỏ khác của Nga.

"Chiến tranh năng lượng" giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga ở Châu Phi. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, sau 10 năm nữa, tỷ phần của châu Phi trên thị trường nhập khẩu dầu mỏ thế giới có thể leo lên tới mức 30%. Cũng theo tính toán của các chuyên gia, nếu Mỹ duy trì mức độ tiêu thụ dầu mỏ như hiện nay thì trong tương lai trung hạn, nguồn dầu mỏ và khí đốt từ châu Phi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Mỹ. Để bảo vệ lợi ích dẩu mỏ của Mỹ ở châu Phi, năm 2007, Mỹ quyết định thành lập Bộ Chỉ huy quân sự châu Phi nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia của Mỹ bằng các biện pháp quân sự, giống như tình hình hiện nay ở Cận Đông. Một lần nữa, các lợi ích chiến lược của Mỹ đều định hướng vào các nguồn dầu mỏ của thế giới. Mỹ đã không ít lần tuyên bố, châu Phi là mối quan tâm đáng kể của Mỹ còn là vì Trung Quốc và Nga đang tăng cường ảnh hưởng ở khu vực này. Tuyên bố của Mỹ chính thức thành lập Bộ Chỉ huy châu Phi được đưa ra vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vừa đến thăm châu Phi nhằm phát triển ảnh hưởng kinh tế tại đây. Trung Quốc đang trở thành đối thủ tiềm tàng của Mỹ và các quốc gia Phương Tây trong cuộc tranh giành giật thị trường và tài nguyên ở châu Phi. Trung Quốc đã vượt xa nhiều hãng châu Âu và Mỹ trong việc khai thác tài nguyên ở châu lục này.

"Chiến tranh năng lượng" giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga ở Cáp-ca. Ba quốc gia này đang cạnh tranh nhằm giành giật dầu mỏ ở khu vực Nam Cap-ca, nơi có các nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào tiềm ẩn. Sự ổn định ở Cap-ca là điều kiện có tầm quan trọng sống còn để bảo đảm chuyên chở không ngừng dầu mỏ và khí đốt từ vùng biển Ca-xpi, bao gồm Nam Cáp-ca và Trung Á, chiếm tới 3-4% nguồn dự trữ dầu mỏ và 4-6% nguồn dự trữ khí đốt của thế giới. Bản thân tỷ phần của Cáp-ca trong nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt toàn cầu không lớn lắm, nhưng trong bối cảnh nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt ở Trung Cận Đông không ổn định và an ninh thiếu tin cậy, Nga sử dụng tài nguyên năng lượng làm công cụ chính trị, thì việc chuyển tải dầu mỏ và khí đốt ở vùng Ca-xpi và Trung Á sang Mỹ có giá trị quan trọng sống còn. Tầm quan trọng của khu vực này còn gia tăng do chính sách năng lượng của các nước tiêu thụ ở phương Tây đang muốn giảm sự phụ thuộc của họ vào dầu mỏ của Nga và khu vực Trung Cận Đông. Một số quốc gia và tổ chức đang có những nỗ lực ngoại giao để chấm dứt sự độc quyền của Nga trong việc chuyển tải năng lượng trong khu vực Á-Âu. Trong bối cảnh đó, Mỹ muốn có một khu vực Nam Cáp-ca ổn định để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và từng bước đẩy Nga ra khỏi khu vực này.

Các đường ống dẫn dầu thay đổi thế giới

Sau thời kỳ của Goóc-ba-chốp và En-sin, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã hồi sinh nước Nga bằng thứ vũ khí địa - chiến lược trên bàn cờ chính trị quốc tế. Đó là bốn đề án dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên của Nga trên lục địa Á - Âu, gồm các đề án hợp tác với Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Những đề án này đang làm thay đổi căn bản nền địa - chính trị thế giới do quy mô và tầm cỡ của những "quân cờ" ở đây. Đã đến lúc có thể sử dụng thuật ngữ mới "Rusoprovod" (có nghĩa là "Đường ống của Nga") thay cho thuật ngữ "Gazoprovod" ("Đường ống khí đốt"). Với bốn đề án đó, nước Nga đang chậm chạp nhưng tự tin xây dựng một trật tự thế giới đa cực trên cơ sở dầu mỏ và khí đốt. Chuyên gia bình luận chính trị quốc tế Pê-tơ La-vơ-le (Peter Lavelle) gọi V. Pu-tin là "Vua năng lượng trong thế kỷ XXI", ý nói, Tổng thống Nga đang đem lại vị thế toàn cầu cho "Gazprom", một công ty khí đốt hàng đầu của thế giới đương đại. Mấy chuyến thăm nước ngoài gần đây của V. Pu-tin sang Đức, Thổ Nhỹ Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản chứng tỏ chương trình quốc tế của "Gazprom" và công ty dầu mỏ quốc gia "Rosnefti" của Nga là một phần trong chiến lược năng lượng thống nhất của Điện Cremli.

Trong một bản báo cáo phân tích mang tựa đề "Nước Nga - siêu cường năng lượng", một nhóm chuyên gia về địa chính trị dưới sự lãnh đạo của Pê-tơ La-vơ-le đưa ra nhận xét: "V.Pu-tin đang đặt tiềm năng dầu mỏ và khí đốt của Nga vào trung tâm chính sách đối ngoại. Rất có thể, ông đang có ý khẳng định vị thế của Nga như là một siêu cường vĩ đại nhờ tài nguyên năng lượng". Viện sĩ Goóc-đon Han-nơ (Gordon Hahn), chuyên nghiên cứu về Nga, nhận xét, các loại vũ khí hạt nhân siêu đẳng và vị trí địa - chiến lược dẫn đầu của Nga sẽ xác định vị thế của quốc gia này như là một siêu cường trong thế kỷ tới. Chính vì thế mà Mỹ đã từng ve vãn nhà tỷ phú Mi-khai-in Khô-đô-cốp-ski (Mikhail Khodorcovski) để ông này hứa sẽ chuyển giao cho Mỹ các mỏ dầu của Nga bằng cách bán 50% cổ phiếu của "Yukos" cho hãng dầu mỏ "ExxonMobil" của Mỹ. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng ông V.Pu-tin đang có ý định sử dụng tài nguyên năng lượng làm "vũ khí chiến lược” trong cuộc chiến nhằm khẳng định vị thế của Nga trên bàn cờ chính trị quốc tế./.