Đẩy mạnh công tác dân số vùng biển, đảo và ven biển trong tầm nhìn đến năm 2020
Vị thế và tiềm năng của biển Việt Nam
Vùng biển Việt Nam trên Biển Đông án ngữ các tuyến hàng hải và hàng không thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản. Biển Đông là “cầu nối” đặc biệt quan trọng giữa nước ta với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới.
Cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là vùng ven biển và 12 huyện đảo(1). Các huyện đảo đồng thời là địa bàn chính trong xây dựng khu vực phòng thủ và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Đến nay, đã biết trong vùng biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Nguồn dầu khí của nước ta có trữ lượng khoảng 3 - 4 tỉ tấn dầu quy đổi. Dọc ven biển Nam Trung bộ đã phát hiện được các sa khoáng khoáng vật nặng của các nguyên tố hiếm quý như titan, ziacon và xeri và 50.000 - 60.000 ha ruộng muối biển. Sản lượng khai thác inmênit từ các sa khoáng ven biển cả nước là 220.000 tấn/năm và ziacon là 1.500 tấn/năm, vào loại đứng đầu thế giới. Gần đây, đã phát hiện một số mỏ cát dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng trên 100 tỉ tấn. Cát thủy tinh nổi tiếng là mỏ Vân Hải (trữ lượng 7 tỉ tấn), Vĩnh Thực (20.000 tấn) và một dải cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỉ tấn). Băng cháy, một loại khí hydrate metan, hình thành trong điều kiện áp suất cao nhiệt độ thấp cũng là dạng năng lượng có triển vọng ở Biển Đông và biển Việt Nam.
Nguồn lợi hải sản trữ lượng khoảng 5 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 2,3 triệu tấn/năm. Dọc ven biển có hơn 800.000 ha bãi triều và các vịnh, đầm phá ven bờ rất thuận lợi để nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị xuất khẩu cao như tôm, cua, ngọc trai, cá mú, rong câu... quy mô lớn, hiện đại và toàn diện, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, ổn định, khả năng cạnh tranh cao.
Trên 50% số đô thị lớn của nước ta là đô thị ven biển. Cả nước có hơn 100 điểm có thể xây dựng cảng, có nơi rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng lớn trung chuyển hàng hóa quốc tế; nhiều đảo có tiềm năng phát triển các khu hậu cần cho khai thác biển xa. Nước ta có hơn 125 bãi biển lớn, nhỏ có cảnh quan đẹp, trong đó 20 bãi biển đủ tiêu chuẩn để xây dựng các trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng biển lớn tầm cỡ quốc tế.
Cư dân ven biển nước ta khá đông đúc. Năm 2010 dân số vùng ven biển khoảng 27 triệu người với 18 triệu lao động. Dự báo, năm 2020, dân số vùng ven biển khoảng 30 triệu người với 19 triệu lao động. Đây là lực lượng rất quan trọng đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế biển đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng và thực hiện chủ trương dân sự hóa trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Khoảng 20 triệu người dân ven biển và trên các hải đảo có sinh kế trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào nguồn lợi từ biển. Tuy nhiên, trình độ dân trí ở nhiều nơi còn thấp, cuộc sống của số đông cư dân, nhất là vùng bãi ngang ven biển còn rất khó khăn và chịu nhiều rủi ro, đặc biệt vẫn còn khoảng 157 xã bãi ngang ven biển đang trong tình trạng nghèo khó.
Về công tác dân số trong “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”
Ý thức của dân tộc Việt Nam về biển được hội tụ trong câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Sau Hiến pháp năm 1992 sửa đổi (Điều 1) khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta trên biển, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 6-5-1993, về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Nghị quyết này nêu rõ: “Vị trí và đặc điểm địa lý của nước ta cùng với bối cảnh phức tạp trong vùng vừa tạo điều kiện, vừa đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển. Phấn đấu trở thành một nước mạnh về kinh tế biển”. Quan điểm chính trị đó tiếp tục được cụ thể hóa trong Nghị quyết của các Đại hội VIII, IX của Đảng. Theo đó, Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) đã chỉ rõ: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế ”.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa X), đã ra Nghị quyết số 09-NQ-TW, ngày 9-2-2007, về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Nghị quyết xác định đến năm 2020 “phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”. Chiến lược này thể hiện tư tưởng chỉ đạo và ý chí chính trị của Đảng và Nhà nước ta, coi biển và hải đảo là “không gian sinh tồn và phát triển” của đất nước.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Nghị quyết Chính phủ xác định các nhóm nhiệm vụ, nội dung nhằm quán triệt và triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Đảng trong thực tế. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là thực hiện là Đề án về “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển” (Đề án 52) do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế chủ trì.
“Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” đã nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo và giải pháp để đạt được các mục tiêu chủ yếu, như: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại; thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường biển, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển, đảo và ven biển.
Về công tác dân số, Chiến lược đã nhấn mạnh: “Nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển, trên các hải đảo và những người lao động trên biển; tạo các điều kiện cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn cho những người dân hoạt động trên biển, đảo, người dân sinh sống ở những vùng thường bị thiên tai”. Phát triển kinh tế biển phải gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển mạnh làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển. Xây dựng các chính sách đặc thù để thu hút và khuyến khích nhân dân ra đảo định cư và làm ăn dài ngày trên biển để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ tốt vùng biển, đảo của Tổ quốc. Từng bước hiện đại hóa hệ thống phòng, chống và cảnh báo thiên tai, cứu hộ, cứu nạn đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn đời sống dân cư và các thành phần kinh tế hoạt động trên biển, đảo và ven biển. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế biển và phục vụ đời sống của cư dân ven biển, trên biển và các đảo. Tiếp tục kiềm chế và giảm tỷ lệ tăng dân số ven biển, kết hợp bố trí lại dân cư, phân bố lại lực lượng lao động hợp lý ở các vùng biển, đảo và ven biển. Việc bố trí dân cư thực hiện chủ trương dân sự hóa trên biển, đảo phải gắn với tổ chức dân cư, tổ chức sản xuất và khai thác biển. Vừa chú trọng cân đối số lượng dân theo vùng, miền, vừa chú ý nâng cao chất lượng dân cư. Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lợp nhân dân về chiến lược biển của quốc gia. Quy hoạch sử dụng hệ thống đảo theo chức năng và thế mạnh và theo các mục đích khác nhau. Tính toán kỹ “sức chứa dân số ” và “sức tải môi trường” để thiết kế quy mô dân số và khả năng xử lý chất thải rắn… bảo đảm cho phát triển bền vững.
Các giải pháp hỗ trợ công tác dân số và thay đổi chất lượng nguồn nhân lực biển
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, bên cạnh việc xây dựng tiềm lực và nâng cao năng lực quản lý về biển từ Trung ương đến địa phương, phải chú ý đến vấn đề dân số gắn với phát triển nguồn nhân lực biển. Nhân tố con người là phương hướng lớn của chính sách xã hội và luôn được Đảng ta nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc và nhấn mạnh hơn. Con người là vốn quý nhất; phát triển con người giữ vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đặc biệt coi trọng phát triển nguồn nhân lực biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý biển, ven biển cả trước mắt và lâu dài.
Các giải pháp hỗ trợ chủ yếu và trước hết là triển khai và hoàn thành việc thống nhất đặt tên bằng tiếng Việt các đảo, các đối tượng địa lý khác ở vùng biển quốc gia, nhất là cho các huyện đảo. Xây dựng mô hình tổ chức hành chính và nâng cao năng lực quản lý các huyện đảo, xã đảo nhằm phát triển mạnh kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cần có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà kiên cố cho nhân dân vùng ven biển, và chính sách khuyến khích đánh bắt hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản trên biển. Hiện nay, hằng ngày có trên 10.000 tàu đánh cá bám biển hoạt động trên khắp vùng biển chủ quyền của nước ta. Lực lượng ngư dân trên các tàu đánh cá đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Cần bảo đảm an sinh cho họ, hỗ trợ họ cải thiện sinh kế, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản để họ yên tâm bám biển thực hiện dân sự hóa vùng biển chủ quyền. Đặc biệt là, xem lại mô hình đội hình ra biển để bảo đảm tốt hoạt động sản xuất, có khả năng bám biển dài ngày, thu được hiệu quả kinh tế cao, có khả năng cơ động cao, khi xảy ra tình huống xấu…
Đồng thời, tập trung giải quyết tốt vấn đề phát triển kinh tế, xã hội ở các xã ven biển, vùng bãi ngang, như: tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại khu dân cư và khu tái định cư, khu lánh nạn… khi có thiên tai (nước biển dâng, sóng thần,…). Xây dựng kết cấu hạ tầng, chú ý kết cấu mềm của các hệ sinh thái ven biển - kết cấu hạ tầng thiên nhiên của vùng ven biển. Cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Kiểm soát dân số vùng ven biển, phải coi trọng phát triển nguồn nhân lực biển, tạo điều kiện cải thiện chất lượng dân số, nâng cao dân trí. Giải pháp cơ bản là đánh giá và dự báo đúng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của toàn hệ thống quản lý nhà nước về biển và hải đảo, bao gồm: cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, các chuyên gia và đội ngũ lao động chuyên ngành kỹ thuật thuộc các lĩnh vực kinh tế biển. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trung hạn và dài hạn. Xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo gắn với cơ chế cử tuyển để thu hút cán bộ khoa học và quản lý ra công tác tại các hải đảo và vùng ven biển. Khuyến khích việc xây dựng một số cơ sở đào tạo ngành, nghề về biển ở bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề tại các thành phố ven biển. Cùng với phát triển nguồn nhân lực biển phải coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội ở vùng ven biển, chú trọng đến kỹ năng bảo toàn tính mạng cho người lao động trên biển, hải đảo và người dân ở vùng thường bị thiên tai, sự cố môi trường như các vụ tràn dầu,…
Do các đặc thù của biển, công tác phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về biển và cải thiện chất lượng dân số cần gắn với đào tạo chuyên môn. Ra biển và quản lý biển phải “có nghề”. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo phù hợp với từng đối tượng, trong đó cần ưu tiên đào tạo con em ngư dân, người làm nghề biển, đội ngũ người lao động trên biển, đảo và ven biển thông qua “vừa học, vừa làm”, đào tạo qua công việc, tham quan học hỏi, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, đẩy mạnh các hoạt động khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế về biển và hải đảo.
Việc bồi dưỡng kiến thức và các vấn đề lý luận liên quan, cần thực hiện song hành với đào tạo, tập huấn kỹ năng quản lý và có thể chia ra các bậc học khác nhau đối với cùng một nội dung, từ đó làm cơ sở cấp chứng nhận và giúp tiêu chuẩn hóa cán bộ khoa học và quản lý trong lĩnh vực biển, hải đảo. Lồng ghép nguyên lý “học đi đôi với hành” trong khi thiết kế một chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực sao cho vừa cung cấp kiến thức, vừa chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn các thực hành đang có hiệu quả tốt.
Công tác dân số, thay đổi chất lượng dân số và bố trí lại dân số hợp lý và phát triển nguồn nhân lực nói chung là một vấn đề mang tính chiến lược, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cần thực hiện sớm và thường xuyên kiểm soát được tình trạng dân số ở các vùng biển, đảo và ven biển. Trong quản lý dân số, phải chú trọng cả số lượng và chất lượng, có kế hoạch hợp lý để tiếp tục đưa dân ra đảo khi hệ thống kết cấu hạ tầng đã chuẩn bị đồng bộ nhằm bảo đảm tốt nhất về sinh kế, hợp lý về quy hoạch môi trường và sức tải dân số… gắn với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển và bảo vệ, khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên biển./.
---------------------------------------
(1) Đó là các huyện: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hoàng Sa (Đà Nẵng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quý (Bình Định); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Kiên Hải, Phú Quốc (Kiên Giang).
Điện mừng Quốc khánh lần thứ 202 của Cộng hòa Chile  (18/09/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khai giảng Học viện Quốc phòng  (18/09/2012)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Australia  (18/09/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên