Phát triển y tế vùng biển, đảo và ven biển - cần xây dựng một chiến lược bền vững
Nước ta có gần một nửa số tỉnh/thành phố (29/63 tỉnh/thành phố, trong đó có 3 thành phố trực thuộc Trung ương) thuộc vùng biển, đảo và ven biển, gồm 148 huyện/quận, (trong đó có 101 huyện, 35 quận, thị xã, thành phố và 12 huyện đảo) với tổng diện tích tự nhiên là 65.312 km2, chiếm khoảng 20% diện tích cả nước. Vùng biển đặc quyền kinh tế nước ta rộng trên 1 triệu ki-lô-mét vuông ; bờ biển kéo dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) dài 3.260 km; có khoảng 3.000 hòn đảo, chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ, được chia thành 3 nhóm chính: Đảo xa bờ gồm: Hoàng Sa, Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Thổ Chu. Đảo tuyến giữa: Cô Tô, Lý Sơn, quần đảo Nam Du, Cù Lao Thu (Phú Quý), Phú Quốc... Đảo ven bờ: Cái Bầu, Cát Bà, Cồn Cỏ, Hòn Tre, Hòn Khoai...
Vùng biển, đảo và ven biển có vị trí cực kỳ quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bởi vùng này có dân cư tập trung khá đông, dân số khoảng 29,2 triệu người, chiếm 34,6% số dân cả nước; trong đó có khoảng 16,9 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 35,5% lao động cả nước. Trong những năm qua, việc dân di cư đến vùng biển để lao động và mưu sinh ngày càng đông, làm cho mật độ dân số vùng biển tăng thêm 34 người/km2 (từ 339 người/km2 lên 373 người/km2, gấp 1,5 lần mức trung bình toàn quốc). Hiện nay có khoảng 6 triệu người đang làm việc trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến kinh tế biển.
Y tế biển, đảo và ven biển - còn nhiều bất cập
Cuộc sống người dân ở các vùng biển, đảo và ven biển có đặc thù là bị chia cắt bởi các cửa sông, cửa lạch thông ra biển, hoặc do địa hình phức tạp ven biển như các đầm phá, các bãi bồi, sình lầy, các ụ cát lớn, hoặc ở xa đất liền trên các xã đảo, huyện đảo. Nghề nghiệp của họ thường gắn liền với biển, với nước mặn trong khi điều kiện khí hậu tự nhiên thường khắc nghiệt, mưa bão lớn, thủy triều, nắng nóng bất thường, nhiều thảm họa luôn đe dọa do phải thường xuyên đối mặt với những rủi ro bất thường nên đời sống văn hóa và các tập quán của nhóm cư dân này cũng có nhiều sắc thái riêng biệt gắn liền với nghề nghiệp của họ. Sự tác động của môi trường bên ngoài lên người dân vùng biển, đảo và ven biển là vô cùng lớn. Vì vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho cư dân biển, đảo và ven biển có tác động rất lớn đến sự phát triển của quốc gia. Từ xa xưa, cha ông ta nhận thức và vận dụng tốt mối quan hệ giữa con người với môi trường và tổng kết thành luận thuyết “Thiên - Địa - Nhân”, nhằm nghiên cứu sâu mối quan hệ hữu cơ giữa không gian cư trú (trời, đất) và con người trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và bảo toàn sinh mạng. Môi trường biển không như ở đất liền, nó luôn có sự biến đổi mạnh mẽ. Vì vậy, để có một hệ thống kết cấu hạ tầng về y tế ở vùng biển, đảo và ven biển cần phải có cơ chế xây dựng, điều chỉnh, vận hành phù hợp.
Hiện nay, mạng lưới y tế vùng biển, đảo và ven biển vẫn theo mô hình chung của cả nước. Do khoảng cách địa lý, điều kiện đi lại khó khăn và đặc điểm rất đặc thù về tự nhiên, xã hội nên việc bố trí mạng lưới y tế tại các đảo gặp rất nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân. Lực lượng cán bộ y tế nhất là cán bộ chuyên khoa thiếu nhiều về số lượng, hạn chế về chuyên môn. Cán bộ y tế chưa có kiến thức đầy đủ về y học biển. Chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ y tế ra công tác tại vùng biển, đảo và ven biển chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn… Tổ chức các cơ quan y tế cấp huyện, xã còn rất nhiều bất cập, có những huyện đảo chỉ có từ 1 - 3 bác sĩ nhưng phải đảm nhận khối lượng công việc ở cả bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế và các lĩnh vực chuyên môn chuyên ngành khác, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế dự phòng… Cơ cấu trang thiết bị chưa hợp lý, nơi thì thiếu thốn, nơi thì được đầu tư quá khả năng sử dụng vận hành thiết bị của cán bộ y tế. Công tác vận chuyển người bị thương, bị nạn trên biển gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng… Chính những khó khăn này đã tạo ra tâm lý bất an cho những người muốn bám biển, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh lãnh thổ và lãnh hải của đất nước. Tại các khu du lịch sinh thái biển, tâm lý của du khách cũng chưa thể yên tâm với tình trạng cấp cứu và hỗ trợ y tế trên các vùng biển, đảo.
Xây dựng chiến lược y tế biển, đảo
Xây dựng hệ thống y tế trên địa bàn biển, đảo và ven biển với một nền y học biển cần tổ chức theo hướng cụ thể sau:
Một là, xây dựng và phát triển mạng lưới y học biển, đảo và ven biển và chuyên ngành y học biển.
Muốn đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển đảo và ven biển cũng như xây dựng và củng cố mạng lưới y học biển, đảo của quốc gia, ngoài việc đầu tư kinh phí, xây dựng các chế độ chính sách, thì yếu tố con người để triển khai các nhiệm vụ này có vai trò quyết định. Việc phát triển mạng lưới y tế biển, đảo nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe và sinh mạng cho người dân vùng biển cần được coi là nhu cầu hết sức cần thiết và cấp bách, trong đó đào tạo nguồn nhân lực y học và y tế biển là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc phát triển chuyên ngành y học biển và mạng lưới y tế biển. Phát triển chuyên ngành y học biển có thể giúp người dân yên tâm sinh sống và lao động trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Theo TS Trần Quỳnh Chi, Viện Y học biển Việt Nam, thì y học biển là một chuyên ngành sâu của y học, có nhiệm vụ nghiên cứu đặc điểm môi trường sống, lao động trên mặt biển, đảo kể cả môi trường dưới biển và có ảnh hưởng lớn đến sự phát sinh bệnh tật, tai nạn, an toàn sinh mạng của cộng đồng lao động và cư dân sinh sống trên các vùng biển, đảo và vùng ven biển. Đồng thời, y học biển cũng có nhiệm vụ nghiên cứu các biện pháp phòng chống tác hại nghề nghiệp biển, môi trường biển và các thảm họa biển đối với con người; nghiên cứu các biện pháp cấp cứu, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng lao động, quân và dân trên biển, đảo. Đặc biệt, chuyên ngành y học biển có trách nhiệm mở rộng và hướng đến các đối tượng, các lĩnh vực phục vụ rất lớn, như: y học hàng hải, y học dầu khí, y học thủy sản, y học du lịch biển, y học hải đảo, vùng duyên hải và y học dưới nước và cao áp...
Chuyên ngành y học biển còn khá mới mẻ ở nước ta, đến nay, số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn y học biển còn quá ít ỏi. Việc đào tạo nguồn nhân lực y học và y tế biển, vì vậy giữ vai trò chìa khóa quyết định sự thành công cho việc xây dựng, phát triển chuyên ngành y học biển và mạng lưới y tế biển của nước ta. Đào tạo nguồn nhân lực phải bao gồm cả nhân lực chuyên môn y học biển và nhân lực quản lý y tế biển. Công tác đào tạo cũng cần chú trọng đến phổ cập kiến thức không chỉ cho các cán bộ và nhân viên y tế mà còn phải đào tạo cả chuyên môn y học biển cho các đối tượng lao động, tác chiến trên biển, như người đánh cá, thuyền viên, lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn, công nhân dầu khí, thợ lặn, bộ đội hải quân... Như vậy, có thể nói nhu cầu về nguồn nhân lực y học biển và y tế biển hiện nay là rất lớn.
Bộ Y tế đang xây dựng đề án tổng thể phát triển mạng lưới y tế biển bảo đảm tầm cỡ quốc gia. Đó là xây dựng hệ thống tổ chức và hoạt động của mạng lưới y tế biển, đảo quốc gia, trên cơ sở kết hợp quân dân y và các lực lượng khác từ cấp cơ sở là các đơn vị tàu thuyền, giàn khoan, các đảo, quần đảo đến tuyến ven bờ. Cùng với đó là, xem xét bổ sung vào mạng lưới y tế bộ phận chuyên môn y tế biển cho các tỉnh, thành phố; huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc các tỉnh, thành phố ven biển… để từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Hai là, nâng cao chất lượng mô hình quân dân y kết hợp.
Hiện nay, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân sinh sống và làm việc tại các vùng biển, đảo trên cả nước chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu trong thực tế; nhiều thảm họa luôn luôn đe dọa sự an toàn tính mạng của người dân; nhiều trường hợp tai nạn, bệnh tật xảy ra trên biển không được cứu chữa kịp thời. Từ năm 1991, mô hình kết hợp quân dân y trên các vùng biển, đảo do ngành quân y đề xuất đã được triển khai ở nhiều tuyến đảo trên lãnh hải Việt Nam. Mô hình lồng ghép trạm xá quân y và dân y thành bệnh xá quân - dân y đảo đã huy động được nỗ lực của y tế dân y và quân y, tạo nên sức mạnh tổng hợp cả về nhân lực y tế lẫn vật lực y tế đem lại kết quả khá tốt. Mô hình này đang phát huy tác dụng tích cực của y tế biển, đảo.
Chẳng hạn, Bệnh viện quân dân y Phú Quý (Bình Thuận) là mô hình kết hợp quân dân y cấp huyện đầu tiên của cả nước. Sau gần 10 năm hoạt động, Bệnh viện theo mô hình này có bước tiến rõ rệt, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ khi Bệnh viện đi vào hoạt động, địa phương không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, các chương trình y tế quốc gia đều được triển khai kịp thời và đem lại hiệu quả thiết thực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và thuốc điều trị được tập trung vào một đầu mối, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đội ngũ cán bộ luôn được đào tạo, bồi dưỡng (có 6 bác sĩ năm 2001, đến nay bệnh viện đã có 9 cán bộ trình độ đại học và trên đại học), mạng lưới y tế thôn được xây dựng và hoạt động hiệu quả.
Mô hình quân dân y kết hợp cũng được ghi nhận ở Phòng khám xã đảo Tân Hiệp (Quảng Nam). Từ năm 2007 đến năm 2010 đã khám cho 11.052 lượt, điều trị nội trú cho 568 lượt, điều trị ngoại trú cho 10.022 lượt… Phòng khám cũng thực hiện nhiều chương trình y tế quốc gia, như: phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống HIV/AIDS, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai, phòng chống lao…; hay như Trung tâm y tế huyện Cô Tô (Quảng Ninh) cũng đang thực hiện thành công, đã góp nhiều thành tích trong việc thực hiện mô hình quân dân y kết hợp. Quân dân y huyện đảo Cô Tô cùng kết hợp trong công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho quân, dân trên địa bàn. Mạng lưới y tế cơ sở của huyện đảo được củng cố vững mạnh, tạo được lòng tin của quân, dân trên đảo. Tại các đơn vị bộ đội đều có bệnh xá, các đồn biên phòng đều có 1 hoặc 2 y sĩ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn khu vực đứng chân.
Ba là, xây dựng chiến lược phát triển y tế biển, đảo và ven biển.
Các bộ, ban, ngành liên quan cần quan tâm, xây dựng chiến lược phát triển y tế biển đảo để góp phần vào việc phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hằng năm có kế hoạch trang bị bổ sung cho các cơ sở y tế tại các huyện đảo những thiết bị khám chữa bệnh cần thiết; tạo điều kiện cho các cơ sở y tế được gửi cán bộ đi học tại các trường y tế ở Trung ương và địa phương; quan tâm hơn nữa đối với cán bộ y tế về đời sống tinh thần và vật chất, nhằm thu hút, động viên số cán bộ y tế từ đất liền ra đảo yên tâm công tác; giải quyết chế độ ưu đãi đối với cán bộ đi học đại học và sau đại học thuộc bộ phận cán bộ y tế, giải quyết khó khăn cho số cán bộ đã học và đang học; có kế hoạch xây dựng và đào tạo lực lượng cán bộ y tế là người địa phương để đơn vị có thể định hướng đào tạo, bố trí công việc dài hạn; thay đổi phương thức cấp thuốc điều trị từ trước tới nay bằng cấp kinh phí để đơn vị chủ động mua các loại thuốc điều trị phù hợp với thực tế bệnh tật thường xuyên xảy ra trên địa bàn; tiếp tục hỗ trợ phần kinh phí cho số cán bộ và học sinh người địa phương đi học các ngành y tế trong và ngoài tỉnh; có phương án nghiên cứu tìm ra giải pháp hỗ trợ phương tiện vận chuyển cấp cứu bệnh nhân về đất liền trong trường hợp cần thiết…
Ngoài ra, do tầm quan trọng của biển và đảo trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành y tế cần tăng cường đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học và tạo điều kiện cho giới chuyên môn tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và nhân rộng mô hình nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác chăm sóc sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng biển, đảo và ven biển hiện nay.
Tiếp tục tham gia xây dựng các giải pháp cụ thể về bảo vệ môi trường biển, đảo và ven biển, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp tại các khu công nghiệp, chế xuất ven biển và hải đảo, các biện pháp diệt côn trùng hiệu quả, diệt véc-tơ truyền bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe người dân vùng biển, giảm tỷ lệ người mắc bệnh và nâng cao chất lượng sức khỏe, sức bền bỉ dẻo dai cho cộng đồng cư dân sống và làm việc trên biển, đảo và ven biển./.
Điện mừng Quốc khánh lần thứ 202 của Cộng hòa Chile  (18/09/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khai giảng Học viện Quốc phòng  (18/09/2012)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Australia  (18/09/2012)
Chính phủ họp chuyên đề tiếp tục đóng góp ý kiến về một số nội dung trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)  (18/09/2012)
Tiếp tục Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII  (18/09/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên