TCCS - Lời Bộ biên tập: Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Để thực hiện tốt Nghị quyết, Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở trân trọng giới thiệu ý kiến của một số cán bộ về 3 nội dung: Để làm tốt công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; Cấp trên gương mẫu làm trước, người đứng đầu cấp ủy đi tiên phong; Làm thế nào để phát huy vai trò giám sát của nhân dân và kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với cán bộ, đảng viên thực sự có hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

Tổ chức thật tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch thực hiện của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, để tạo sự thống nhất cao về nhận thức và có quyết tâm cao về hành động trong toàn Đảng. Bảo đảm sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy cấp trên; phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, thấy rõ những ưu điểm để phát huy, những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và đề ra biện pháp sửa chữa, khắc phục một cách thiết thực, khả thi. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị ở các cấp phải trực tiếp chỉ đạo và chuẩn bị kiểm điểm của tập thể. Có các hình thức phù hợp để lấy ý kiến tham gia đóng góp của cấp ủy, các tổ chức đoàn thể có liên quan, của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình đúng đắn. Đối với những tập thể, cá nhân có dư luận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thì cấp ủy cấp trên cần gợi ý những nội dung cần tập trung kiểm điểm để làm rõ. Tự phê bình và phê bình phải dựa trên tinh thần thương yêu đồng chí, có lý có tình, giúp nhau cùng tiến bộ và với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn để “trị bệnh cứu người”; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện “dĩ hòa vi quý”; hoặc “đao to, búa lớn”, lợi dụng phê bình để đả kích, bôi nhọ cán bộ, gây rối nội bộ với động cơ không trong sáng. Và căn cứ vào Quy định của Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm” để kiểm điểm và đề ra biện pháp sửa chữa.

Sự gương mẫu của cấp ủy cấp trên và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là yếu tố có ý nghĩa quyết định kết quả tự phê bình và phê bình. Thực tế cho thấy, khi cán bộ lãnh đạo cấp trên và người đứng đầu gương mẫu, thực sự tự giác và kiểm điểm nghiêm túc, thì cán bộ cấp dưới cũng phải thực hiện nghiêm túc và ngược lại.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc quan điểm “Dựa vào dân để xây dựng Đảng”; thực sự mở rộng dân chủ và có hình thức phù hợp để nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng; đóng góp ý kiến đối với cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Những ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân cần được tập hợp đầy đủ và tiếp thu nghiêm túc những ý kiến đúng đắn. Sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, các cấp ủy phải báo cáo với cấp trên về kết quả tự phê bình, phê bình; đồng thời, thông báo việc tiếp thu những ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân và kế hoạch sửa chữa những khuyết điểm đó để nhân dân biết, giám sát việc thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương

Mở rộng sinh hoạt dân chủ tập thể trong Đảng. Có như vậy mới giữ vững được khối đoàn kết nội bộ, động viên được toàn thể cán bộ, đảng viên hưởng ứng tích cực tham gia đóng góp phê bình. Tôn trọng ý kiến đóng góp của tập thể, tuyệt đối không được độc đoán cá nhân, tự đặt mình cao hơn tổ chức. Thẳng thắn và thân ái phê bình đồng chí; đồng thời, phải nghiêm chỉnh tự phê bình và thành khẩn lắng nghe ý kiến phê bình của đồng chí và quần chúng. Tránh lối phê bình trừu tượng, vụn vặt. Tự phê bình và phê bình phải căn cứ vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đảng viên đã được phân công.  

Cấp trên và người đứng đầu cấp ủy là người quyết định chủ đạo trong việc biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của Đảng. Chính vì vậy, cấp trên và người đứng đầu cấp ủy phải thực sự gương mẫu, làm trước bằng những hành động cụ thể để cấp dưới học tập và làm theo. Có như vậy mới giành được niềm tin của quần chúng đối với Đảng.      

Phải thật sự tin tưởng ở nhân dân, thật sự phát huy dân chủ đối với nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng để quần chúng nắm được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nắm được tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn của cán bộ, hướng dẫn những vấn đề trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 4. Công khai những khuyết điểm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên, theo đó xây dựng kế hoạch cụ thể, rồi từng bước khắc phục.

Đồng chí Phạm Thị Hồng Thủy, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc

Phải tạo được không khí thật sự dân chủ, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình. Người lãnh đạo cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan phải là người dẫn dắt và gương mẫu thực hiện trước hết và trên hết. Khi tiến hành tự kiểm điểm, người lãnh đạo cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan phải trung thực, thẳng thắn tự phê bình và tiếp thu các ý kiến góp ý phê bình của cán bộ, đảng viên và cấp dưới với thái độ tôn trọng và thực sự cầu thị. Phải kiểm điểm và tự phê bình bản thân mỗi cá nhân một cách trung thực, cầu thị trước, sau đó mới lắng nghe, tiếp thu để đề ra các biện pháp sửa chữa những khuyết điểm của bản thân, phê bình một cách trung thực, với tinh thần xây dựng, để làm rõ những khuyết điểm của đồng chí, của tập thể, từ đó cùng sửa chữa, cùng tiến bộ và hoàn thiện. Tránh chủ quan, gán ghép, suy diễn, “bới lông tìm vết”, hạ thấp uy tín cán bộ. Khi tổ chức, cá nhân vi phạm, phải được tiến hành kiểm điểm phê bình nghiêm túc và xem xét kỷ luật một cách nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không có trường hợp ngoại lệ, không có vùng cấm.

Để tự phê bình và phê bình diễn ra đúng với bản chất và yêu cầu của nó, trước hết phải được tiến hành trong một “môi trường dân chủ” thực sự. Cái khó nhất là, chúng ta chưa thể vượt lên được chính mình để tự nhận và sửa chữa khuyết điểm. Bởi vậy, nếu trong quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình, cấp trên không làm trước và nêu gương, thì khó có thể triển khai thành một phong trào lâu dài và có hiệu quả được. Do đó, vấn đề cấp trên nêu gương làm trước, người đứng đầu cấp ủy đi tiên phong phải là một giải pháp mang tính quyết định trong việc tự phê bình và phê bình.

Để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, trước hết ta lại phải đề cập đến vấn đề dân chủ. Dân có thực làm chủ thì mới tham gia giám sát cán bộ, đảng viên chặt chẽ và toàn diện được. Những ý kiến tham gia, góp ý của người dân về những sai phạm của chính quyền, cán bộ, đảng viên phải được kiểm điểm sửa chữa và xử lý công khai, kịp thời minh bạch, không đùn đẩy, bao che, hay xử nhẹ. Cấp ủy, chính quyền nơi có cán bộ, đảng viên công tác và cấp ủy, chính quyền nơi có đảng viên cư trú phải thường xuyên liên hệ và trao đổi qua lại về những vấn đề có liên quan đến đảng viên, tránh tình trạng sau giờ làm việc ở cơ quan cấp ủy, chính quyền nơi đảng viên làm việc không biết đảng viên đi đâu về đâu, chỉ đến khi đảng viên vi phạm pháp luật thì cấp ủy, chính quyền nơi công tác và nơi cư trú của cán bộ, đảng viên mới biết, nhưng trách nhiệm lại không thuộc về ai.

Đại tá Đinh Xuân Thế, Chủ nhiệm Chính trị Cục Cảnh sát Biển Việt Nam

Trước hết phải là tự phê bình, là tự mình xem xét, đánh giá, tự phê phán chính mình, căn cứ vào tiêu chuẩn đảng viên, vào nhiệm vụ được giao và trách nhiệm trước Đảng, trước dân; phải nêu cao tính trung thực đạo đức, đề cao ý thức trách nhiệm và kỷ luật tự giác để tự soi mình theo tư cách đảng viên, làm gương cho quần chúng và thúc đẩy quần chúng noi theo. Trung thực và khiêm tốn trong tự phê bình là lòng tự trọng của đảng viên. Và, điều cốt yếu là động cơ trong sáng, có lý, có tình, thẳng thắn, cương trực, vì ý thức xây dựng, không vụ lợi, cơ hội. Do đó, thái độ và phương pháp phê bình rất quan trọng; tự phê bình nghiêm túc, thành thật thì phê bình mới có ý nghĩa. Nếu, động cơ phê bình không đúng thì phê bình có nguy cơ bị lạm dụng thành thủ đoạn xấu, không giúp cho việc sửa chữa khuyết điểm mà còn làm tổn hại tới đoàn kết, tình đồng chí. Điều cốt yếu nhất là phải thắng được “vật cản” chủ nghĩa cá nhân. Tự phê bình và phê bình phải biến thành hành động, làm cho Đảng  trong sạch, vững mạnh. Nếu không làm tốt sẽ làm suy giảm lòng tin của dân với Đảng.

Sự gương mẫu của cấp trên, của người đứng đầu cấp ủy là trách nhiệm, là nhân tố thúc đẩy cả tập thể và từng đảng viên noi theo, làm theo. Chính vì vậy, cấp trên, nhất là cấp ủy phải gương mẫu và tiên phong trong tự phê bình và phê bình. Đó là tự phê bình về trách nhiệm lãnh đạo về mọi mặt diễn ra trong tổ chức, cơ quan, về quan hệ giữa Đảng và đảng viên với quần chúng. Cấp trên và cấp ủy phê bình cán bộ đảng viên phải bảo đảm khách quan, không định kiến, không qua loa, tránh cục bộ, bè phái. Sự gương mẫu đó có tác dụng khích lệ cấp dưới và có sức lan tỏa tới quần chúng, các đoàn thể quần chúng. Có như vậy, mới củng cố được sự đoàn kết, đồng thuận trong hành động.

Nhân dân giám sát công việc của cấp ủy và hành vi, hoạt động, phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên là để xây dựng Đảng tốt hơn. Do đó, tổ chức đảng các cấp phải thông tin kịp thời, cụ thể cho dân biết về mọi mặt hoạt động và phải chủ động tổ chức cho dân góp ý, phê bình... Bởi, nhân dân luôn sẵn lòng tham gia góp ý, hiến kế cho các cấp ủy làm tốt nhiệm vụ, đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, phải công khai thông tin cho dân biết về việc tiếp thu ý kiến, kể cả việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là việc thi hành kỷ luật đảng viên. Ngoài việc giám sát của dân, việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với cán bộ, đảng viên là rất cần thiết, bảo đảm cho tự phê bình và phê bình có hiệu quả. Bởi, không kiểm tra, không giám sát coi như không có lãnh đạo.

Đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Trần Phú, thành phố Hải Dương

Để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, Đảng bộ phường xác định các giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn ở phường trên tinh thần: tập thể cấp ủy, từng đảng viên chủ động tự soi xét, chỉnh đốn, tự phê bình bản thân. Ban Chấp hành Đảng bộ phường chủ động nghiên cứu nghiêm túc và đưa ra những nội dung để thảo luận và cùng xác định vấn đề phải giải quyết, đó là phải thực hiện bắt đầu từ Đảng ủy, chính quyền phường. Với việc ban hành bộ chuẩn mực đạo đức cho tập thể cơ quan, cho từng cán bộ, công chức phường theo dạng mở (tức là luôn được cập nhật, bổ sung phù hợp theo từng năm, từng giai đoạn) và từ cuối năm 2011, được coi là bộ khung cơ bản, xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ phường.

Tập thể cấp ủy, cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự cầu thị và nghiêm khắc với bản thân, gương mẫu thực hiện trước, hướng dẫn, góp ý xây dựng và động viên cán bộ, công chức chấp hành nghiêm túc.

Để việc giám sát đạt kết quả tốt, Đảng ủy phường ban hành bộ nội quy mới, với ba nội quy nhỏ và bản chấm điểm ý thức thực hiện trong cơ quan gồm: Nội quy chung; nội quy tiếp công dân; nội quy của bộ phận một cửa. Tất cả được công khai để chịu sự giám sát theo ba hướng: lãnh đạo phường giám sát, cán bộ, công chức giám sát và nhân dân giám sát. Xây dựng bộ chỉ tiêu với hai nội dung cơ bản về thi đua, về đăng ký thực hiện và phương pháp đánh giá mức độ hoàn thành công việc, trên nguyên tắc: có tiêu chí cụ thể và phải được lượng hóa bằng điểm số để đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức, chất lượng công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, lấy ý kiến đến từng cán bộ, công chức để thống nhất thực hiện. Bình xét thi đua, khen thưởng theo mức độ hoàn thành công việc, lập biên bản, đánh giá cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ để theo dõi, áp dụng các hình thức chậm lên lương, đưa ra khỏi quy hoạch, buộc thôi việc và báo cáo cấp trên theo quy định và chủ động lấy nhận xét đánh giá của lãnh đạo thành phố về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân, Ủy ban nhân dân phường./.