Từ một điển hình đưa thông tin “thẳng” về cơ sở
TCCSĐT - Đưa thông tin về cơ sở không chỉ là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng góp phần xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch vững mạnh mà công tác này còn là một “kênh” giáo dục, phổ biến nhận thức, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội từ cơ sở.
Trong một báo cáo thường kỳ của Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương năm 2006 gửi lên Ban Bí thư Trung ương Đảng có nội dung lãnh đạo cấp ủy tỉnh rất quan tâm, đó là vấn đề “Đổi mới việc đưa thông tin về cơ sở”. Đây là công việc không mới trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Bởi thực tiễn luôn đòi hỏi công tác thông tin vừa phải thường xuyên, nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, vừa ngắn gọn, xúc tích, chân thật, dễ thực hiện, dễ cảm nhận nhằm tạo ra hiệu ứng xã hội lành mạnh, góp phần thúc đẩy phong trào hành động cách mạng theo các nghị quyết của Đảng và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Và, đặc biệt là công tác thông tin phải luôn luôn đổi mới.
Bản báo cáo trên đây cũng đưa ra một đánh giá thực trạng, mặc dù chỉ nêu “con đường thông tin” từ thành phố Hải Dương tới cơ sở nhưng có thể thấy đây là một hiện thực trên địa bàn tỉnh, là: “Việc thông tin thời sự của tỉnh, thành phố tuy đã có đổi mới cả về nội dung, phương pháp nhưng so với yêu cầu thì còn nhiều bất cập, nhất là thông tin thời sự tới cán bộ, đảng viên. Cụ thể: thời lượng thông tin tới đảng viên quá ít; thông thường, 1 tháng Ban Tuyên giáo Thành ủy có thông báo từ 30 - 45 phút cho các trưởng ban tuyên giáo phường, nhưng có khi mất vài tháng để ban tuyên giáo phường thông tin tới các bí thư chi bộ, rồi từ bí thư chi bộ tới đảng viên lại bị hao hụt nên phải 3 - 4 tháng mới tới, mỗi lần chỉ còn 15 đến 20 phút. Cách thông tin như vậy thường không kịp thời vì qua quá nhiều “cầu”, thông tin bị “rơi vãi” và không hệ thống, có nhiều vấn đề quan trọng dễ bị bỏ qua…".
Từ điển hình của phường Lê Thanh Nghị
Sau nhiều năm nỗ lực, từ năm 2001, có thể kiểm chứng và khẳng định việc đưa thông tin thời sự chính trị “thẳng” tới cán bộ đảng viên và nhân dân ở phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương là một điểm sáng. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, ổn định tư tưởng, góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội, sự cố kết cộng đồng, tạo động lực để đảng bộ và chính quyền, đoàn thể nhân dân vươn lên phát triển, trở thành một địa phương tiêu biểu của tỉnh Hải Dương. Điểm sáng ấy lúc đầu là “một chấm sáng” ở chi bộ khu dân cư số 15. Tiêu biểu là đảng viên Phan Thành Trung. Ông Trung vốn là Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh nghỉ hưu đã hơn mười năm. Khi về sinh hoạt tại chi bộ cơ sở, ông nhận thấy cả năm đảng viên chỉ được nghe vài buổi nói chuyện thời sự ở phường, mỗi buổi khoảng 30 phút nên tình trạng “đói thông tin thời sự chính trị, xã hội chính thống” ở cơ sở vẫn tồn tại. Với dung lượng ấy, không đủ cho người nghe có thể nắm bắt được vấn đề cần quan tâm một cách có hệ thống để từ đó có suy nghĩ đúng đắn trước sự phức tạp và nhiễu loạn của thông tin và dư luận. Ông đề nghị chi ủy cử ra một đồng chí đảng viên làm thông tin viên cho chi bộ. Mỗi buổi sinh hoạt, chi bộ dành thời gian đầu giờ độ hai, ba mươi phút để nghe thông tin thời sự được chắt lọc, xâu chuỗi hệ thống lại từ các nguồn thu thập của thông tin viên. Thấy ông là người có sức khỏe, có năng lực lại nhiệt tình nên chi bộ đã cử ông đảm nhận công việc này. Giữa nhiễu loạn thông tin từ các loại ấn phẩm báo chí xuất bản và truyền hình... các luồng dư luận đa chiều xô nhập và đan xen trong đời sống, dẫn đến không ít người “chỉ nhìn thấy chân voi mà không nhìn được cả con voi” như vậy, ông Trung chọn cho mình cách sàng lọc, hệ thống hóa các vấn đề thời sự thiết thực và nóng hổi từ báo, tạp chí Đảng và bản tin Thông báo nội bộ hằng tháng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, từ Đài truyền hình và thông tin từ các cuộc nói chuyện thời sự hằng tháng tại câu lạc bộ Nguyễn Trãi (câu lạc bộ cán bộ hưu trí của tỉnh) là những “kênh” chính thống. Ông cũng là người cần mẫn và chịu khó thu thập thông tin từ các loại bản tin, các báo và tạp chí khác để mở rộng, quy nạp đánh giá lại nguồn tin. Điều quan trọng là do ở cơ sở nên ông hiểu được cán bộ đảng viên và bà con ở “chân tre”, hiểu được trong sự bận rộn thường nhật thì nhu cầu của họ cần thông tin gì. Vì vậy, Ông đã đem tới cho đảng viên trong chi bộ những thông tin thiết thực, có định hướng đúng đắn, cần thiết, ngắn gọn, dễ nhớ. Đảng viên trong chi bộ khu dân cư số 15 nhờ thường xuyên được nghe thời sự như vậy họ trở thành những người “thạo tin” và tạo thành một tập thể thống nhất, ổn định cao về tư tưởng. Từ đó con cháu, gia đình họ cũng được tiếp nhận những nhận thức đúng đắn về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Năm 2003, Thường trực đảng ủy phường Lê Thanh Nghị đã khảo sát, rút kinh nghiệm ở chi bộ 15 và đề ra chủ trương, biện pháp mở rộng ra 17 chi bộ khu dân cư của toàn đảng bộ gồm hơn 400 đảng viên.
Điển hình từng bước được nhân rộng
Năm 2005, qua kiểm tra, đánh giá, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã khẳng định: “Việc đổi mới thông tin thời sự của đảng bộ phường Lê Thanh Nghị đã giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên nắm được đầy đủ tình hình, các biện pháp xử lý của Đảng và Nhà nước… Qua đó, mỗi người tự điều chỉnh tư duy cho đúng đắn, cảnh giác đấu tranh loại bỏ những tin tức thất thiệt, góp phần nâng cao sức chiến đấu của chi bộ đảng và của từng đảng viên… Nhu cầu đó càng trở thành cần thiết và khách quan không thể thiếu…”. Đến năm 2006, những phường còn lại của thành phố Hải Dương đã học tập mô hình của phường Lê Thanh Nghị. 106 chi bộ có đủ thông tin viên, công tác tuyên truyền miệng từ các thông tin viên này đã phục vụ tốt cho hơn 2.000 đảng viên tại các chi bộ đảng. Nhiều phong trào vận động cách mạng trong Đảng và trong nhân dân được khơi dậy đã đem lại hiệu quả cả về kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội. Đặc biêt, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Hải Dương đã đạt hiệu quả cao, phát huy tốt trong Đảng và ngoài xã hội.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương đã dành trọng tâm công tác vào việc theo dõi, khảo sát và tổng kết kinh nghiệm đổi mới công tác thông tin cơ sở của thành phố, rút kinh nghiệm từ các phường đã học tập và áp dụng cách làm của phường Lê Thanh Nghị và triển khai thực hiện rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Mạng lưới thông tin viên ở các chi bộ cơ sở trong tỉnh Hải Dương thực sự là cầu nối thông tin hữu hiệu hai chiều rất thiết thực. Chiều xuống họ là những báo cáo viên của chi bộ: nghe thời sự, thu thập thông tin qua các nguồn tài liệu, nắm nhu cầu cơ sở, rút gọn tài liệu và báo cáo tại chi bộ. Chiều lên, họ là những người thu thập và phản ánh diễn biến tư tưởng, hiệu ứng chính sách xã hội, tâm tư và đề nghị của cán bộ, đảng viên, nhân dân lên đảng ủy phường, xã, để từ đó các cấp ủy và chính quyền cấp trên hiểu được dân, có những giải pháp xử lý, điều chỉnh đem lại lợi ích cho dân. Nhu cầu thông tin thời sự trong đảng viên ở các chi bộ cơ sở có nhiều mức độ khác nhau. Do hoàn cảnh cụ thể mà có bộ phận đảng viên rất quan tâm nên dành thời gian tìm hiểu, có bộ phận nhu cầu vừa phải nhưng có bộ phận vì tất tả với cuộc sống nên không có điều kiện quan tâm nghe đài, đọc báo. Nhưng từ cách làm của phường Lê Thanh Nghị đã cho thấy mọi người đều có nhu cầu cao về thông tin, như một món ăn tinh thần tất yếu. Chi bộ ở khu dân cư đa số là cán bộ đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức khỏe suy giảm nên ngại đi xa, ngồi lâu. Việc nghe thời sự tại chi bộ, trong sinh hoạt đảng là rất phù hợp với đối tượng này. Những ảnh hưởng từ tiếp nhận thông tin trên “kênh” chính thống qua sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư có tác dụng định hướng dư luận tốt thông qua uy tín và ảnh hưởng của cán bộ đảng viên đối với gia đình, họ mạc và con cháu họ nên nó có tác dụng lan tỏa rộng, lấn át những thông tin thất thiệt, dư luận trái chiều, góp phần giải quyết tốt các vấn đề ngay từ cơ sở.
Cần có cơ chế thích hợp để tiếp tục đổi mới nhân rộng điển hình đưa thông tin về cơ sở
Ngày 15 - 10 - 2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 17-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” nhằm thúc đẩy thực hiện Nghị quyết Đại hội X và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”. Như vậy là sau 6 năm, từ sự năng động và sáng tạo của chi bộ 15, phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương với việc chủ động đưa thông tin về cơ sở, điển hình đang được nhân rộng, và việc thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư, công tác này ở Hải Dương được tiếp thêm sức mạnh mới. Công tác tuyên truyền miệng của các thông tin viên cơ sở đã tạo ra con đường đi thẳng “Từ trái tim tới trái tim” mà không phải qua những khúc quanh như trước. “Trái tim” khởi động ở đây là ý chí, là tư tưởng chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng của Đảng, và “Trái tim” đón nhận nó, hiện thực hóa trong đời sống chính trị của Đảng ở cơ sở là “trái tim” của những đảng viên nhiệt tình năng nổ và tin cậy của Đảng ở chi bộ “chân tre” trong cộng đồng dân cư. Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền miệng là nhiệm vụ của toàn Đảng, vì vậy tất cả cấp ủy các cấp từ Trung ương đến cơ sở, các đảng viên hoạt động trên mọi lĩnh vực đều phải có trách nhiệm làm nhiệm vụ tuyên truyền miệng... coi đó là một tiêu chuẩn để đánh giá năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, chất lượng công tác của các cấp ủy, tính tiên phong gương mẫu và phẩm chất chính trị của mỗi đảng viên”. Văn bản trên cũng truyền đạt và giao nhiệm vụ cho “Văn phòng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng bổ sung chế độ, chính sách và bảo đảm phương tiện hoạt động cho các báo cáo viên”. Trước đây, khi ông Trung nhận làm việc này ở phường Lê Thanh Nghị, mỗi năm chỉ được tặng vài cuốn sổ và chiếc bút, chế độ chẳng có gì. Nay cơ chế được ban hành, hai khó khăn lớn nhất là phương tiện vật chất và nguồn tư liệu thông tin sẽ từng bước được tháo gỡ, công tác đưa thông tin về cơ sở với nội dung cao, chất lượng tốt và “độ nóng ấm của nó” chắc chắn sẽ nhanh chóng đi vào đời sống chính trị và xã hội của đảng viên, cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Điển hình đưa thông tin về cơ sở ở phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương cần được nhân rộng ra toàn quốc./.
Phản đối Trung Quốc mời thầu dầu khí ở Hoàng Sa  (01/09/2012)
Thủ tướng chiêu đãi Đoàn ngoại giao nhân dịp 2-9  (01/09/2012)
Giới đầu tư Mỹ coi Việt Nam là điểm đến thu hút nhất Đông Nam Á  (01/09/2012)
Đại Sứ Quán Việt Nam tại Ốt-xtrây-li-a kỷ niệm Quốc khánh 2-9  (01/09/2012)
Bộ Y tế lên tiếng về trường hợp amip ăn não người  (01/09/2012)
Quảng Trị và Salavan khánh thành cột mốc cuối cùng  (01/09/2012)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay