Quan hệ hữu nghị hai nước Việt – Lào đời đời bền vững
Tối 24-8, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5-9-1962 – 5-9-2012) và 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam – Lào (18-7-1977 – 18-7-2012). Đây là hoạt động đầy ý nghĩa nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của hai nước.
Tham dự buổi Lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xổm-xa-vạt Lênh-xa-vát (Somsavat Lengsavath), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương Lào; Cao Viết Sinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Lào; Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên các thời kỳ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, lưu học sinh, sinh viên Lào đang học tập tại Thái Nguyên.
Trong diễn văn khai mạc buổi Lễ, đồng chí Phùng Đình Thiệu, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên đã ôn lại quan hệ hợp tác Việt Nam và Lào qua các thời kỳ. Đồng chí nhấn mạnh, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm Trung tâm của căn cứ địa An toàn khu Việt Bắc, thủ đô kháng chiến của cả nước. Nơi đây còn ghi nhớ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương làm việc với Hoàng thân Chủ tịch Xu Pha Nu Vông, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, quyết định chủ trương cho cuộc kháng chiến kiến quốc của hai nước và tổ chức lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Lào.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng ngàn lượt cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong từ Thái Nguyên đã sang công tác, chiến đấu cùng quân và dân các bộ tộc Lào anh em. Từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nhiều đồng chí cán bộ cách mạng của nước bạn Lào đã đến Thái Nguyên công tác, học tập, được nhân dân Thái Nguyên đùm bọc, giúp đỡ. Các trường đại học, cao đẳng, văn hóa ở Thái Nguyên đã và đang đào tạo cho nước bạn nhiều thế hệ cán bộ, trong đó có nhiều đồng chí đã trưởng thành, giữ các cương vị lãnh đạo ở Trung ương và các địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 200 lưu học sinh và sinh viên Lào đang học tập tại 6 trường bao gồm cả 4 hệ đào tạo: trung học phổ thông, cao đẳng, đại học và sau đại học. Một số doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên cũng đã và đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, dịch vụ trên đất nước Lào, hàng ngàn người Thái Nguyên đang làm ăn, sinh sống trên đất nước Lào anh em.
Ngày 18-7-1997, hai nước Việt Nam – Lào đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước là Hiệp ước toàn diện, mang tính chiến lược, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố tình đoàn kết mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào, đồng chí Xổm-xa-vạt Lênh-xa-vát đã bày tỏ sự cảm ơn trước những tình cảm tốt đẹp, thắm tình đồng chí, anh em của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng đã dành cho Lào. Đồng chí đã nhắc lại lời của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản: “Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết sức tận tình và vô tư. Việt Nam đã giúp Lào cả vật chất và xương máu. Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào… Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt, thực tế đó cũng là sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Nhân dân Lào luôn nhận được sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Việt Nam cũng như của tỉnh Thái Nguyên trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Lào, góp phần đưa quan hệ hữu nghị đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng phát triển bền chặt và nâng lên một tầm cao mới.
Tại Lễ mít tinh, đồng chí Phạm Xuân Đương đã cảm ơn tình cảm của nhân dân Lào anh em đối với nhân dân Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Thời gian qua, Thái Nguyên đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt đối với một số tỉnh của Lào. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền và giáo dục sâu rộng trong nhân dân về truyền thống hợp tác, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hai nước Lào và Việt Nam.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, Hội hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Thái Nguyên đã khen thưởng cho 50 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự vun đắp cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào./.Họp trù bị cho Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN  (25/08/2012)
Xếp hạng thống đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu  (25/08/2012)
Triển lãm ảnh về cuộc sống của quân dân Trường Sa  (25/08/2012)
Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đi đầu trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước  (25/08/2012)
Eurozone vẫn trên bờ vực thẳm  (25/08/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên