Đâu vẫn đấy

Phan Lang
20:43, ngày 04-07-2012
TCCSĐT - Kết quả Hội nghị mới rồi ở Geneve (Thụy Sỹ) về Syria là một trong những thỏa hiệp ít ỏi có được giữa 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Liên quan đến vấn đề này, họ chia thành hai phe. Một bên là Mỹ, Anh và Pháp, đại diện thay cho cả EU và thế giới phương Tây. Bên kia là Nga và Trung Quốc. Hội nghị này được gửi gắm kỳ vọng lớn về giải pháp chính trị cho tình hình ở Syria, được coi là cơ hội cuối cùng để ngăn ngừa nội chiến leo thang và lan rộng, thậm chí cả can thiệp quân sự từ bên ngoài, nhất là khi trước đó xảy ra vụ việc máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận Syria và bị bắn rơi.

Kết quả Hội nghị là sự nhất trí về thành lập Chính phủ quá độ ở Syria. Chính phủ này có nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp, tổ chức và giám sát tổng tuyển cử. Nội dung này không có gì mới mẻ vì bản thân nó vốn đã là nội dung mấu chốt trong đề nghị hòa bình của ông Kofi Annan, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc và giờ là đặc phái viên của cả Liên hợp quốc lẫn Liên đoàn Arập. Qua đó có thể thấy,các thành viên tham dự Hội nghị đều ủng hộ kế hoạch của ông K.Annan.

Nhìn về bên ngoài thì với kết quả ấy không thể nói Hội nghị không thành công. Mỹ và EU cũng như Liên đoàn Arập vốn vẫn muốn Tổng thống Syria Assad phải từ chức và thành lập một chính thể mới ở Syria thì tại Hội nghị này, cả Nga lẫn Trung Quốc đều ủng hộ việc thành lập chính phủ quá độ. Nhưng điều đó không có nghĩa là, Nga và Trung Quốc không còn ủng hộ Chính phủ hiện tại của ông B.Assad.

Do sự phản đối của Nga mà Hội nghị này không đi đến thoả thuận buộc ông B.Assad phải từ chức, không loại trừ ông B.Assad và các thành viên của chính quyền hiện tại ở Syria ra khỏi diện đối tượng tham gia chính phủ quá độ. Nga không đồng ý việc bên ngoài áp đặt giải pháp vào Syria mà yêu cầu để cho người dân Syria tự quyết định. Hội nghị này cũng không nhất trí được thêm những vấn đề cụ thể trong việc thành lập chính phủ quá độ như thế nào, theo lộ trình ra sao. Với kết quả như vậy, Hội nghị có khác gì câu chuyện đâu vẫn hoàn đấy.

Những câu hỏi mấu chốt nhất đối với mọi giải pháp chính trị cho vấn đề Syria đều chưa được trả lời ở Hội nghị này. Ai sẽ đứng đầu Chính phủ Syria và ai quyết định người đứng đầu chính phủ nước này? Cơ cấu thành viên chính phủ quá độ sẽ như thế nào? Tất cả đều chưa có lời giải đáp. Trong văn kiện được thông qua ở Hội nghị ghi rõ, Chính phủ quá độ của Syria được thành lập trên cơ sở đồng thuận. Như thế có nghĩa là phải có sự đồng ý và chấp thuận của các bên liên quan. Điều đó đồng nghĩa với việc Hội nghị này đã trao cho họ quyền phủ quyết trong quá trình thành lập chính phủ quá độ.

Nhìn vào quá trình diễn biến tình hình ở Syria cho tới nay đủ để thấy sẽ không có chuyện các phe phái đối đầu nhau ở quốc gia này sẵn sàng ngồi vào bàn đối thoại và thỏa hiệp với nhau. Phe nổi dậy nhận thức được rằng, chỉ có cơ hội giành được quyền lực khi ông B.Assad phải ra đi và khi được phương Tây hậu thuẫn mạnh mẽ về chính trị, tài chính và quân sự. Họ muốn lặp lại kịch bản ở Libia chứ không thích thú gì kịch bản ở Yemen. Trong khi đó, Ông B.Assad lại ý thức được rằng, chỉ có dựa vào chính thể hiện tại thì mới có thể bảo đảm an toàn vị thế quyền lực của mình cũng như việc phải khai thác triệt để sự khác biệt lợi ích chiến lược giữa hai phe phái nói trên ở Syria.

Cho nên cả phương Tây lẫn phe nổi dậy ở Syria đều không hài lòng với kết quả của Hội nghị này nhưng cũng không thể nào đi xa được thêm nữa. Nga lại khẳng định vai trò và ảnh hưởng quyết định đối với mọi giải pháp chính trị cho vấn đề Syria. Chính phủ Syria tuy vẫn yên ổn bởi tất cả về cơ bản đâu vẫn hoàn đấy. Nhưng căng thẳng mới trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng Nga cùng với Trung Quốc có thể bất ngờ điều chỉnh thái độ là những tác nhân mà họ phải luôn tính đến bởi đó hiện là nguồn cội của những đột biến có thể xảy ra trong thời gian tới./.