Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm nay ước đạt con số 36.195 với tổng vốn đăng ký là 232.577 tỉ đồng.

Như vậy, doanh nghiệp đăng ký mới giảm 12,5% về số lượng và giảm 3,5% về quy mô vốn so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi lượng đăng ký mới giảm thì số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh lại tiếp tục tăng thêm 5,4% so với cùng kỳ năm 2011 - tương đương với 26.324 đơn vị.

Trong số này, doanh nghiệp đã giải thể là 4.105, tăng 35,4%; có 22.219 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 1,3%. Những số liệu này đã phản ánh về thực trạng khó khăn của doanh nghiệp hiện nay. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các nước trên thế giới và khu vực trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng.

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính được các doanh nghiệp đưa ra là sản xuất kinh doanh thua lỗ, thiếu vốn, không tiêu thụ được sản phẩm, khó khăn về địa điểm sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa để sáp nhập với doanh nghiệp khác.

Chỉ tính riêng trong năm 2011, có tới 8% trong số các doanh nghiệp theo quy định phải nộp thuế giá trị gia tăng/thuế tiêu thụ đặc biệt không có khả năng nộp, tập trung nhiều nhất là nhóm ngành nghề khai thác, xây dựng, vận tải, kho bãi; doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng nhóm doanh nghiệp ở vùng Tây Nguyên. Một khó khăn nữa là các doanh nghiệp phải vay vốn với mức lãi suất trên 19%/năm, trong khi đa phần chỉ có thể chịu đựng được mức lãi suất từ 14-15%/năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh về các yếu tố gây cản trở đến môi trường và hoạt động sản xuất kinh doanh như khả năng tiếp cận vốn vay hạn chế; chi phí vận tải cao; điện cung cấp không ổn định; chính sách điều hành kinh tế chưa ổn định. Khó khăn trong tiếp cận vốn vay và mua nguyên liệu đầu vào trong khi nhu cầu thị trường trong nước lại giảm đã tiếp tục đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình cảnh khó khăn.

Bởi vậy, hiện có tới 31,7% số doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh do nhu cầu thị trường trong nước; 13% số doanh nghiệp giảm quy mô về lao động; 10% giảm quy mô vốn; 25,5% giảm doanh thu và 27,9% số doanh nghiệp giảm lợi nhuận.

Hiện các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước, các bộ, ngành tập trung ổn định, hỗ trợ lãi suất vay vốn; đồng thời cải tiến và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường pháp lý và hiệu quả giải quyết tranh chấp; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến thuế suất cùng công tác quản lý thuế.../.