TCCSĐT - Sáng 20-6, Quốc hội thảo luận lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều hành phiên họp.

Tại phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu, tập trung vào các vấn đề: quy hoạch phát triển điện lực; chính sách giá điện và các loại phí; giấy phép hoạt động điện lực; chức năng xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực của các cơ quan điều tiết điện lực…

Đa số đại biểu tán thành giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự điều tiết quản lý của Nhà nước. Bởi lẽ điện cho sản xuất, sinh hoạt hiện còn thiếu, nguồn điện có được chủ yếu là nguồn tài nguyên của quốc gia, trong đó phần lớn là nguồn tài nguyên nước cho thủy điện. Để hạn chế tình trạng độc quyền của doanh nghiệp nhất thiết phải có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Cần Thơ  dẫn chứng, theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến năm 2011, EVN đang chủ sở hữu quản lý vận hành 57% tổng công suất đạt nguồn điện toàn hệ thống, nếu tính cả các nguồn điện do EVN nắm giữ thì cổ phần chi phối lên đến 87% tổng công suất toàn hệ thống. Hệ thống truyền tải điện và phân phối điện hiện nay là 100% là vay vốn Nhà nước và người tiêu dùng chủ yếu mua từ 1 nguồn điện đó là EVN. Với thực trạng chưa có sự cạnh tranh thì việc đẩy giá điện theo giá thị trường rất khó, đại biểu tán thành với đề xuất giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường và có sự điều tiết của Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn thì cho rằng về nguyên tắc có hai công cụ để điều tiết giá cả, đó là điều tiết thị trường và điều tiết của Nhà nước. Sự điều tiết hoàn toàn theo cơ chế thị trường chỉ có tác dụng trong hoàn cảnh thị trường có tính cạnh tranh cao, trong trường hợp hiện nay còn mang tính độc quyền của ngành điện thì cần có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giá. Ngành điện xác định lộ trình đến năm 2022, tức là 10 năm nữa, do vậy Nhà nước cần quyết định khung giá bán lẻ điện giá bình quân và cơ chế quản lý giá vừa để kiểm soát, vừa để ngành điện có cơ sở thực hiện một cách linh hoạt và khung giá bán lẻ này được xây dựng trên cơ sở phân loại theo mục đích sử dụng của các nhóm khách hàng khác nhau và các thời điểm sử dụng khác nhau.

Đối với giá bán lẻ điện, một số đại biểu tán thành với phương án 2 trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, đó là Nhà nước cần quản lý giá bán lẻ điện không khoán trắng cho doanh nghiệp. Theo đó các đơn vị điện lực được định giá điện bán lẻ theo khung giá và cơ chế điều chỉnh giá do Chính phủ quy định. Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ giá cả yếu tố đầu vào, giá điện không phải chỉ có tăng mà phải giảm khi giá nguyên liệu đầu vào giảm, có như vậy ngành điện mới công bằng với khách hàng.

Đối với giá điện và các loại phí, tại Khoản 2, Điều 31, Luật Điện lực quy định 3 loại giá và 5 loại phí, dự thảo luật sửa đổi thành 6 loại giá và 3 loại phí, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông thống nhất với việc sửa đổi 3 loại phí là phí truyền tải điện, phí phân phối điện, phí dịch vụ phụ trợ với lý do nhằm phản ánh đúng bản chất của các chi phí thực hiện các hoạt động này để bảo đảm cho các đơn vị điện lực có đủ chi phí hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận hợp lý để thực hiện các hoạt động truyền tải điện, phân phối điện và dịch vụ hỗ trợ; không thống nhất với phí điều hành giao dịch thị trường điện lực vì không có đơn vị nào có đơn vị điều hành, không thống nhất với phí điều tiết hoạt động điện lực vì Cục Điều tiết là cơ quan quản lý nhà nước làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về điện lực nên không được thu loại phí này vì về nguyên tắc chi phí thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước phải được ngân sách Nhà nước bảo đảm. Phí chỉ được thu khi Cục điều tiết điện lực trở thành một đơn vị hoạt động độc lập tham gia thị trường điện lực và thực hiện các dịch vụ điều tiết hoạt động điện lực.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Cần Thơ thống nhất với phương án thứ nhất là quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố là 5 năm và tầm nhìn định hướng10 năm. Theo đại biểu, quy định như thế này có ưu điểm là phù hợp với quy định và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ quy định trong Nghị định 92 năm 2006 đó là quy hoạch phát triển kinh tế phải đi kèm với quy hoạch điện lực để tạo sự đồng bộ và nếu hai quy hoạch này đi cùng song hành với nhau thì càng tốt. Trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta đang phát triển nhanh và nhiều thay đổi nên quy hoạch điện trong vòng chu kỳ 5 năm sẽ phù hợp hơn để tránh chúng ta quy định dài hơi là 10 năm.

Một số đại biểu đề nghị có chính sách hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa. Với những quy định của dự thảo luật đối với các tỉnh khó khăn về ngân sách thì không thể thực hiện được việc xây dựng lưới điện cũng như người dân khó có khả năng chi trả tiền điện. Hiện nay, cả nước chỉ còn 202 xã chưa có điện lưới, theo lộ trình thì Nhà nước sẽ tập trung đầu tư bằng ngân sách Trung ương hoặc các nguồn khác nhau và đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, nhất là năng lượng gió, thủy điện nhỏ và năng lượng mặt trời cho khu vực này để bảo đảm các khu vực này có được nguồn điện và người dân tiếp cận được với điện để sử dụng.

Đối với chức năng xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực của cơ quan điều tiết điện lực, Ban soạn thảo cho rằng do điện lực là ngành kỹ thuật đặc thù nên các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh hệ thống điện quốc gia và thị trường điện là hết sức phức tạp và khó phát hiện, người xử lý vi phạm cần có chuyên môn sâu v.v.. và có sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật đặc thù trong ngành điện đó là hệ thống công nghệ thông tin để giám sát vận hành hệ thống điện và thị trường điện nên cơ quan điều tiết điện lực thuộc Bộ Công thương cần phải có chức năng xử phạt. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại quy định này chưa phù hợp với quy định về Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Trong điều kiện hiện nay, điện vẫn là loại hàng hóa đặc biệt, cung chưa bảo đảm cầu, chất lượng cung ứng điện thấp, giá thành cao, cho nên cần có sự can thiệp của Nhà nước vào việc này. Nhưng không có nghĩa chúng ta tiếp tục duy trì cơ chế độc quyền như hiện nay. Đại biểu Trần Tiến Dũng - Hà Tĩnh cho rằng phải sửa đổi, bổ sung những quy định để phù hợp với từng bước hạn chế độc quyền trong sản xuất, kinh doanh điện, bảo đảm trong thời gian gần nhất có thể xóa bỏ được cơ chế độc quyền hoàn toàn và tạo được thị trường tự do; sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút hấp dẫn hơn nguồn lực đầu tư vào ngành điện từ các thành phần kinh tế, kể cả các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài; bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách thật mạnh mẽ, hấp dẫn, thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng ngành điện, phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ.

Nhìn chung, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi một số điều bổ sung của Luật Điện lực phải đáp ứng được bốn mục tiêu mà cử tri đang hết sức quan tâm:

Một là, nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển điện lực bền vững an toàn và giảm bớt đầu tư của Nhà nước và phát triển điện lực.

Hai là, nâng cao hơn nữa tính minh bạch về giá điện.

Ba là, tạo hành lang pháp lý và có lộ trình rõ ràng, cụ thể để xây dựng thị trường điện lực cạnh tranh và chống độc quyền trong thị trường điện.

Bốn là, đặt mục tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả./.