Ngày 9-6, các bộ trưởng tài chính các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhất trí sẵn sàng dành cho Tây Ban Nha khoản trợ giúp tài chính lên tới 100 tỉ euro (125 tỉ USD) để vực dậy ngành ngân hàng đang điêu đứng của nước này.

Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị khẩn cấp qua điện thoại thảo luận về kế hoạch cứu trợ Tây Ban Nha, các bộ trưởng tài chính Eurozone khẳng định "ủng hộ các nỗ lực của chính quyền Madrid kiên quyết tái cấu trúc khu vực tài chính, đồng thời hoan nghênh ý tưởng tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính từ các thành viên Eurozone". Điều kiện cho khoản trợ giúp này đối với Chính phủ Tây Ban Nha chỉ là phải chấn chỉnh các khu vực tài chính.

Ngay trước khi Eurozone đưa ra tuyên bố trên, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ chính thức đề nghị Liên minh châu Âu (EU) trợ giúp khẩn cấp để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của nước này. Phát biểu với báo giới tại Madrid, Bộ trưởng Kinh tế và Khả năng cạnh tranh của Tây Ban Nha Luis De Guindos, người cũng tham dự hội nghị qua điện thoại với bộ trưởng tài chính các nước
Eurozone cho biết đề nghị Tây Ban Nha đưa ra sẽ không phải là khoản cứu trợ mà là một khoản vay với các điều kiện rất ưu đãi dành cho các ngân hàng của nước này. Ông Guindos nhấn mạnh các điều kiện này chỉ áp dụng với hệ thống ngân hàng và tài chính, và Tây Ban Nha sẽ không cắt giảm ngân sách thêm nữa.
Trước đó chính quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy luôn từ chối đề nghị giúp đỡ của châu Âu vì lo ngại kèm theo gói cứu trợ sẽ là những biện pháp khắc khổ phải tuân thủ. Tuy nhiên, áp lực đối với chính quyền của Thủ tướng Rajoy đang ngày một gia tăng, khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 8-6 công bố sớm hơn dự kiến báo cáo về tình trạng tài chính của các ngân hàng Tây Ban Nha. Theo đó, Madrid cần huy động thêm ít nhất 40 tỉ euro tiền vốn để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Cùng ngày, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã cảnh báo hạ điểm tín nhiệm nhiều nước Eurozone do tình hình Hy Lạp và Tây Ban Nha đang xấu đi. Moody’s không loại trừ khả năng hạ điểm của cả những nền kinh tế được coi là vững chắc như Pháp hay Đức.

Phản ứng ngay lập tức sau các động thái trên, ngày 9-6, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G-8) đã hoan nghênh kế hoạch của Eurozone nhằm thay đổi cơ cấu vốn của các ngân hàng Tây Ban Nha, cho rằng động thái này đánh dấu một bước đi quan trọng tiến tới hội nhập tài chính trong khu vực. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và Ủy viên phụ trách kinh tế của EU Olli Rehn bày tỏ "hoan nghênh ý định của Tây Ban Nha đề nghị Eurozone hỗ trợ tái cơ cấu lĩnh vực tài chính của nước này cũng như phản ứng tích cực của Eurozone". Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde cũng hoan nghênh quyết định trợ giúp tài chính của Eurozone dành cho Tây Ban Nha. Bộ trưởng Tài chính các nước Đức, Pháp, Mỹ cũng lên tiếng hoan nghênh động thái này của Eurozone.

Cùng ngày, nguồn tin châu Âu cho biết Ailen muốn thương lượng lại kế hoạch cứu trợ tài chính của nước này để cũng được hưởng lợi giống như Tây Ban Nha, tức là được trợ giúp mà không cần phải chấp thuận bất cứ cải cách kinh tế rộng lớn nào. Ailen từng đạt được gói cứu trợ trị giá 85 tỉ euro (112 tỉ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF vào tháng 11-2010, sau khi chấp thuận các biện pháp thắt lưng buộc bụng vô cùng hà khắc./.