Quảng Bình chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Lương Ngọc Bính Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình
22:03, ngày 07-06-2012
TCCS - Một trong những thành tựu quan trọng mà Quảng Bình đạt được từ năm 2005 đến nay là sản xuất nông nghiệp địa phương đã và đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện đáng kể đời sống của nông dân, tạo tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.
Với diện tích đất nông nghiệp 79.618 ha, đất lâm nghiệp 663.522 ha; có bờ biển dài 116,04 km với vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải gần 20.000 km2, tài nguyên biển phong phú; dọc theo bờ biển có 5 cửa sông chính, vùng đất cát ven biển có diện tích rộng lớn,... Quảng Bình có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa.

Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là tự cung, tự cấp. Tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác thấp. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp phát triển không cân đối. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Trăn trở trước thực trạng đó, hướng tới sự phát triển bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (năm 2005) với việc xác định “Phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời bảo đảm tốt an ninh lương thực. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ ngành, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm là vấn đề có tầm chiến lược quan trọng”, Đảng bộ Quảng Bình tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình trình diễn về lúa giống mới, lúa đặc sản, trồng ngô, sắn hàng hóa, mô hình luân canh tăng vụ, đồng thời thông qua các nguồn vốn từ ngân sách tập trung, vốn ODA và các nguồn vốn khác, đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương... đưa tỷ lệ diện tích tưới chủ động cho lúa tăng từ 80% năm 2006 lên 92,6% năm 2011, trong đó diện tích tưới cho lúa vụ đông - xuân đạt gần 100%. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh còn tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất... Bằng những cách làm sáng tạo và quyết tâm cao của tỉnh, sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước chuyển biến về chất lượng và hiệu quả. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 5,45%/năm. Diện tích đất canh tác đạt giá trị từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên ngày càng tăng, năm 2006 có 3.900 ha, năm 2011 tăng lên trên 10.300 ha. Toàn tỉnh hiện có trên 10.287 ha diện tích lúa chất lượng cao, chiếm 21% tổng diện tích gieo trồng; bước đầu hình thành một số vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, phục vụ cho các nhà máy chế biến, như sắn công nghiệp, cao-su, thông nhựa.

Xác định phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc theo phương pháp công nghiệp và trang trại là giải pháp đột phá trong nông nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 05-CTr/TU về phát triển chăn nuôi, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Chương trình phát triển chăn nuôi, giai đoạn 2005 - 2010; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển chăn nuôi, khôi phục tổng đàn; phê duyệt xây dựng trại giống bò Phương Hạ (xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch); quyết định xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2008 - 2012; chỉ đạo phát triển cơ sở chế biến thức ăn; khuyến khích nhân dân trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc... Nhờ vậy, sản phẩm chăn nuôi hằng năm tăng khá. Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp tăng dần qua các năm (năm 2007 đạt 38,1%, năm 2008 đạt 40%, năm 2009 đạt 41,9%, năm 2010 đạt 44,5%). Riêng năm 2011, mặc dù đầu năm rét đậm, rét hại, gây thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi của tỉnh, nhưng đến nay, tổng đàn trâu vẫn đạt trên 37,6 nghìn con; đàn bò trên 111,3 nghìn con; đàn lợn trên 370,5 nghìn con (trong đó bò lai chiếm 16,9%, lợn nái ngoại chiếm 6,7% tổng đàn); đàn gia cầm 2.486 nghìn con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng từ 30.666 tấn năm 2005 lên 44.542 tấn (tăng 0,2% so với năm 2010). Toàn tỉnh hiện có 159 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển thủy sản, tỉnh sớm chủ trương đẩy mạnh “khai thác tiềm năng kinh tế biển, phát huy thế mạnh về biển, đầm phá, ao hồ, sông ngòi để phát triển thủy sản, xây dựng thủy sản thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2006/QĐ-UBND về Chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2006 - 2010; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn, cải tiến ngư cụ, phát triển thêm nghề mới, kiêm nghề khai thác quanh năm. Toàn tỉnh hiện có trên 5.710 chiếc tàu cá, tổng công suất 204.303CV; có 265 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển. Cùng với đánh bắt, tỉnh tận dụng lợi thế về diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng theo hướng thâm canh, đa dạng hóa đối tượng nuôi, chuyên canh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến cuối năm 2011, tổng sản lượng thủy sản đánh bắt đạt 42.193 tấn, tăng 3,9% so với năm 2010, sản lượng nuôi trồng  đạt 8.631 tấn, tăng 2,2% so với năm 2010. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng bình quân 10,4% năm (hiện có trên 4.887 ha). Tổng giá trị sản xuất thủy sản ước đạt trên 415 tỉ đồng, bằng 127,2% so với năm 2005; trong đó, giá trị sản xuất khai thác thủy sản ước đạt 220 tỉ đồng, bằng 143,8% so với năm 2005, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 triệu USD.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, trên cơ sở quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2008 - 2020. Chú trọng quy hoạch chuyên đề, như quy hoạch trồng rừng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến, quy hoạch vùng nương rẫy cho đồng bào dân tộc, phát triển cao-su giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn 2020; thực hiện hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng... Nhờ vậy vốn rừng của tỉnh phát triển; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép từng bước được ngăn chặn, nâng độ che phủ rừng của tỉnh từ 64% năm 2006 lên 67,5% năm 2011, là tỉnh đứng thứ hai toàn quốc về độ che phủ rừng. Việc chuyển rừng trồng kém hiệu quả, rừng tự nhiên nghèo kiệt đủ điều kiện thuộc quy hoạch rừng sản xuất sang trồng cao-su được triển khai mạnh. Đến nay tỉnh đã chuyển được 1.339,3 ha sang trồng cao-su, nâng tổng diện tích cao-su lên 14.086 ha; sản lượng mủ khô đạt 5.500 tấn, bằng 177,8% so với năm 2006.

Kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại ngày càng đổi mới và phát triển, sản xuất kinh doanh, dịch vụ hiệu quả hơn, đời sống của xã viên được nâng cao. Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có trên 140 hợp tác xã và 1.587 trang trại nông, lâm, ngư nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, trang trại đã thực sự mang lại hiệu quả cao, nhất là trang trại nuôi trồng thủy sản, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Những kết quả đạt được là cơ bản, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, như giá trị sản xuất hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp; tốc độ chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành trồng trọt chậm, diện tích canh tác đạt giá trị cao chưa nhiều; trang trại chăn nuôi tập trung phát triển thiếu bền vững, sức cạnh tranh thấp; chương trình cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn lợn, phát triển gia cầm chất lượng cao chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ bò lai, lợn nái ngoại đạt thấp so với tổng đàn. Tàu thuyền khai thác thủy sản công suất nhỏ còn chiếm tỷ lệ khá cao (55%). Kết cấu hạ tầng nuôi thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu; sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu đạt thấp. Công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng thực hiện còn chậm.

Trên cơ sở các tiềm năng lợi thế của tỉnh và kinh nghiệm rút ra, Đảng bộ tỉnh xác định, giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả, bền vững. Khai thác tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực để phát triển tổng hợp kinh tế biển, trong đó phát triển ngành thủy sản thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chọn Chương trình phát triển nông nghiệp và ngành nghề nông thôn là một trong năm chương trình trọng điểm của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011 - 2015. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng bình quân hằng năm 4,5% - 5% (nông nghiệp tăng 5,5%, thủy sản: 7,6%, lâm nghiệp: 1,9%), tỷ trọng chăn nuôi chiếm 43% - 44% trong giá trị sản xuất nông nghiệp; cơ cấu nông nghiệp: 66%, lâm nghiệp: 7%; thủy sản: 27%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 56 nghìn tấn; tổng sản lượng thủy sản 46 nghìn tấn (khai thác 33 nghìn tấn, nuôi trồng 13 nghìn tấn); sản lượng lương thực 275.000 - 280.000 tấn; diện tích canh tác có giá trị cao đạt 14.000 ha, chiếm 19,5% diện tích canh tác; diện tích cao-su 17.000 - 18.000 ha; độ che phủ rừng 67,5% - 68,5%...

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1 - Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; hình thành vùng lúa thâm canh cao sản chất lượng cao, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; thực hiện hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây công nghiệp, rau, quả, sắn nguyên liệu.

- Phát triển chăn nuôi theo hình thức tập trung, công nghiệp, bán công nghiệp và trang trại, bảo đảm ngăn ngừa dịch bệnh, gắn với xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Tăng quy mô đàn lợn ngoại, lợn hướng nạc, đàn bò lai, đàn gia cầm và các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

- Tăng cường năng lực đánh bắt xa bờ. Phát triển nuôi trồng thủy sản năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch và nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng, hiện đại hóa các cơ sở công nghiệp chế biến thủy sản. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng mạng lưới bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đầu tư xây dựng các khu neo đậu trú bão và các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá.   

- Quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Chuyển đổi rừng trồng kém hiệu quả, rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế. Đầu tư hạ tầng lâm nghiệp theo quy hoạch để phục vụ tốt cho công tác trồng, bảo vệ, khai thác rừng có hiệu quả và bền vững. Có biện pháp tích cực ngăn chặn các hoạt động khai thác rừng trái phép.

- Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt đề án phát triển kinh tế trang trại, hỗ trợ  phát triển kinh tế hộ, trang trại… theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa; khuyến khích các chủ trang trại liên kết, hình thành các câu lạc bộ chủ trang trại. Quan tâm phát triển kinh tế hộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi còn nhiều khó khăn.

2 - Triển khai các đề tài khoa học và các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có hiệu quả, nhất là các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao để nhân rộng vào sản xuất. Áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết.

3 - Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn theo lộ trình. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; đổi mới cơ chế chính sách, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển nông nghiệp. Tranh thủ các nguồn vốn để triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện của tỉnh. Gắn việc thực hiện các mục tiêu xây dựng nông nghiệp, nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

4 - Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức phát triển thị trường, tăng cường tiếp thị quảng bá sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân./.