TCCSĐT - Ngày 3 và 4-5-2012 vừa qua tại St. Petersburg (Nga) đã diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ 29 giữa Nga và EU. Diễn đàn này được tổ chức định kỳ nửa năm một lần. Hội nghị cấp cao lần này được tiến hành ngay sau khi tân Tổng thống Nga V. Putin thăm hai nước Đức, Pháp và ngay trước chuyến thăm của ông V.Putin tới Trung Quốc dự Hội nghị cấp cao thường kỳ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Vấn đề tình hình chính trị nội bộ và an ninh ở Syria chế ngự hoàn toàn chương trình nghị sự của cuộc cấp cao này và sự bất đồng quan điểm gữa hai bên trong vấn đề ấy đã làm cho hai bên gần như không đạt được kết quả cụ thể đáng kể nào. Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban EU Jose Manuel Barroso đều không thuyết phục được ông V.Putin thay đổi quan điểm trong vấn đề Syria.

Trước đó, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đều có chung kết quả tương tự. Trong vấn đề này, EU muốn gia tăng áp lực đối với Chính phủ Syria trong khi Nga không đồng ý áp dụng những biện pháp trừng phạt mới và mạnh mẽ hơn đối với chính phủ nước này, lại càng không chấp nhận yêu sách đòi Tổng thống Syria Bashar al- Assad phải từ chức.

Tuy nhiên, cả hai phía đều cố gắng không để dư luận quá quan tâm, để ý đến sự bất đồng quan điểm này. Ông Van Rompuy đã phát biểu rằng "có thể chúng tôi và phía Nga có đánh giá khác nhau, nhưng chúng tôi nhất trí rằng, kế hoạch của ông Kofi Annan nhìn chung là cơ hội tốt nhất để chấm dứt bạo lực và nội chiến cũng như để tìm kiếm được giải pháp hoà bình và lâu bền cho vấn đề này".

Nhưng ông Van Rompuy cũng phải công nhận là bất đồng quan điểm vẫn còn rất cơ bản và sâu sắc trong phát biểu là "Chúng tôi còn phải tìm ra những thông điệp chung". Theo ông Van Rompuy, vấn đề đặt ra bây giờ là phối hợp những nỗ lực chung để hướng các bên xung khắc hướng tới giải pháp và EU trong tương lai sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nga.

Cho dù không đạt được kết quả như mong đợi trong vấn đề này, EU vẫn phải tiếp tục tranh thủ và thuyết phục Nga. Đặc trách viên của EU về chính sách đối ngoại và an ninh chung, bà Catherine Ashton đã xác nhận trong một tuyên bố sau hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov: "vai trò của Nga có ý nghĩa quan trọng đối với thành công của kế hoạch của ông K.Annan".

Ngay cả trong mọi chủ đề nội dung khác trên chương trình nghị sự của cuộc cấp cao, hai bên cũng hầu như không đạt được kết quả cụ thể nào như trong vấn đề dân chủ nhân quyền ở Nga, miễn thị thực cho công dân Nga nhập cảnh vào EU. Tuy nhiên, Chủ tịch Uỷ ban EU M.Barroso tỏ ra lạc quan về tiến triển mới trong tương lai gần.

Việc ký kết hiệp ước hợp tác và quan hệ đối tác mới giữa hai bên cũng vẫn trì trệ như trước. Nga vẫn bác bỏ yêu cầu của EU về công nhận Hiến chương năng lượng của EU với nội dung tách biệt việc khai thác, vận chuyển và bán dầu khí của Nga.

Một kết quả nhỏ của Hội nghị cấp cao này là Nga cam kết sẽ hỗ trợ EU đối phó với khủng hoảng tài chính và nợ công. Tân Tổng thống Nga V.Putin bày tỏ sự tin tưởng là EU sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng và khẳng định: "Nước Nga có lợi ích to lớn với EU vững mạnh". Ông V.Putin đã chia sẻ những đánh giá lạc quan của Ủy ban EU về triển vọng của Khu vực đồng euro và đồng euro cũng như cam kết sẽ hậu thuẫn EU trong việc này, mặc dù không đi vào cụ thể thêm.

Phía EU hiểu phát biểu đó của Tổng thống Nga V.Putin là sự công nhận về sự phụ thuộc của nước Nga vào EU và đồng euro bởi 40% dự trữ ngoại tệ của Nga hiện được tính bằng đồng euro, đồng thời, cuộc khủng hoảng trong EU đã làm giá dầu lửa giảm và ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Nga.

Cuộc cấp cao này diễn ra trong bối cảnh chung không thuận lợi cho quan hệ giữa Nga và EU. EU vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng và hai bên bất đồng quan điểm sâu sắc về vấn đề Syria. EU và nhiều thành viên EU nghi ngại về khả năng Nga trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ ba của ông V.Putin không còn coi trọng và ưu tiên cho quan hệ với EU như trước mà chuyển sang tập trung cho khu vực Trung Á và Trung Quốc./.