TCCSĐT - Thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi chiều 23-5, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi với mục đích xây dựng hệ thống pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ về thị trường tài chính - tiền tệ, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi phát triển, góp phần ổn định thị trường tài chính và tăng lòng tin của người dân với hệ thống tài chính trong nước.

Hai mươi đại biểu phát biểu tại Hội trường đã tập trung vào các nội dung cơ bản.

Thứ nhất, về đối tượng bảo hiểm tiền gửi, đa số tán thành như phương án của Ủy ban Thường vụ đề nghị đã thể hiện trong dự luật, tức là chỉ có cá nhân người gửi tiền được bảo hiểm tiền gửi vì tiền nhàn rỗi của các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân đạo, từ thiện để gửi tại các tổ chức tín dụng không nhiều và đã có những quy định cụ thể, riêng cho từng tổ chức quản lý chặt chẽ, nên không cần sự điều chỉnh của Luật BHTG.

Thứ hai, mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, đa số tán thành cách thể hiện như trong dự luật, tức là tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Thủ tướng Chính phủ thành lập như hiện nay. Đồng thời bổ sung thêm tức là Thủ tướng Chính phủ thành lập nhưng đề nghị phải do Thủ tướng qui định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu hoạt động của tổ chức này cũng như là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý Nhà nước nhưng theo qui định của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác để bảo đảm qui định như thế này vừa để bảo đảm niềm tin cho người có tiền được bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị nên làm rõ tư cách và địa vị pháp lý của bảo hiểm tiền gửi tại Điều 29 để giải quyết các mối quan hệ giữa người được bảo hiểm tiền gửi và tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng như tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Với vai trò vừa là 1 định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, vừa là một công cụ của nhà nước để giám sát, hạn chế rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia, các đại biểu cho rằng không nên coi bảo hiểm tiền gửi là 1 bộ phận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bởi điều này không phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, không phù hợp với vị trí pháp lý của bảo hiểm tiền gửi hiện hành và sẽ không giải quyết được các bất cập của bảo hiểm tiền gửi đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần vào việc bảo đảm tính an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần có địa vị pháp lý độc lập tương đối thể hiện trong các chính sách về tổ chức, triển khai các nghiệp vụ, vị trí pháp lý, mối quan hệ với các cơ quan nhà nước… Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì cần thiết phải có cơ sở pháp lý để trao cho hệ thống bảo hiểm tiền gửi có thẩm quyền cao hơn trong việc xử lý ngân hàng thông qua các khủng hoảng, hạn chế được việc sử dụng ngân sách, tránh được mâu thuẫn lợi ích khi giao chức năng này cho cơ quan quản lý nhà nước, giảm thiểu được chi phí xử lý. Bên cạnh đó, do Bảo hiểm tiền gửi phải có chức năng giám sát để nhằm minh bạch công khai trách nhiệm cũng như tránh sự bảo lãnh ngầm. Quan trọng hơn nữa là bảo vệ an toàn của tổ chức bảo hiểm, hạn chế khả năng xảy ra đổ vỡ, bảo đảm sự ổn định và an toàn cho hệ thống ngân hàng, giảm thiểu các nguy cơ về tổn thất vỡ các quỹ tín dụng. Vì vậy, có ý kiến đề nghị giao Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHTG

Thứ ba, mô hình hoạt động và chức năng giám sát của bảo hiểm tiền gửi thì đa số ý kiến đồng ý phương án đó là bảo hiểm tiền gửi sẽ hoạt động theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng và có chức năng giám sát từ xa tham gia vào quá trình thanh lý cũng như xử lý tài sản của các tổ chức tham gia bảo hiểm. Đây là mô hình phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bảo hiểm tiền gửi nên hoạt động theo mô hình giảm thiểu rủi ro tức là được giám sát trực tiếp, thường xuyên toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng để ngăn ngừa rủi ro, và theo như giải trình mô hình này hiện nay các nước có nền kinh tế phát triển thì người ta áp dụng mô hình này và những nước đó thì ngân hàng Trung ương hoạt động độc lập không có chức năng quản lý Nhà nước, nó khác với ta, ta thì ngân hàng Nhà nước Việt Nam là thành viên Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước. Dù mô hình nào thì cũng đề nghị bổ sung quy định là tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng cần được kiểm toán hoạt động hằng năm để bảo đảm tính minh bạch cũng như để khẳng định được năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của bảo hiểm tiền gửi.

Thứ tư, loại bảo hiểm tiền gửi, đa số thống nhất chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng đồng Việt Nam để phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối, quản lý tiền tệ của chúng ta trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng tiền đồng Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến băn khoăn đề nghị nên mở rộng thêm có bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ và vàng để thu hút thêm một lực lượng rất to lớn về ngoại tệ, vàng và cũng để bảo đảm cho an toàn người dân có tiền gửi ngoại tệ hay vàng gửi ở các tổ chức tín dụng và ngân hàng cũng như bảo đảm tính an toàn hệ thống.

Thứ năm, đó là phí bảo hiểm tiền gửi, đa số thống nhất không nên quy định một mức phí cứng ở trong dự luật mà giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí. Nhưng đề nghị bổ sung là ngân hàng Nhà nước căn cứ vào khung phí do Thủ tướng Chính phủ quy định để quy định mức phí cụ thể cho chặt chẽ, tức là mức phí cụ thể cũng bảo đảm trong khung phí của Thủ tướng Chính phủ là đương nhiên. Có ý kiến cho rằng không nên áp dụng một mức phí bảo hiểm tiền gửi chung vì nó không hợp lý, không công bằng. Ngân hàng Nhà nước nên xây dựng tiêu chí để xếp hạng các ngân hàng và các tổ chức tín dụng để làm căn cứ xây dựng mức phí. Nếu ngân hàng có hệ số rủi ro cao thì phải chịu mức phí cao và hệ số rủi ro thấp thì mức phí bảo hiểm tiền gửi sẽ thấp. Cũng có ý kiến đề nghị nên có 2 loại phí bảo hiểm tiền gửi bắt buộc và loại phí bảo hiểm tiền gửi tự nguyện.

Thứ sáu, về vấn đề hạn mức trả tiền bảo hiểm, đa số thống nhất là nên giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ để bảo đảm cho công việc điều hành của Chính phủ linh hoạt. Cũng có ý kiến đề nghị hạn mức trả tiền nên quy định trong luật có một mức từ tối thiểu đến tối đa. Về lâu dài, vấn đề bảo đảm tính minh bạch cũng cần quy định trong luật một hạn mức trả tiền cụ thể. Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho người có tiền được bảo hiểm. Cũng như cần bổ sung các quy định về thủ tục chi trả, về thủ tục cho người thừa kế.

Ngoài những nội dung trên thì các đại biểu Quốc hội đã góp ý một số nội dung khác như cần có những quy định minh bạch hơn thay vì những quy định mang tính nguyên tắc đối với quỹ bảo hiểm tiền gửi, chi phí quản lý bảo hiểm tiền gửi đến đối với hoạt động đầu tư của quỹ bảo hiểm tiền gửi; quy định bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cần rõ hơn; quy định trách nhiệm và mối quan hệ của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới hoạt động bảo hiểm tiền gửi… Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia ý kiến bổ sung hoàn chỉnh nội dung của các điều, khoản cho đầy đủ, rõ nghĩa và chặt chẽ./.