Chuyến thăm chớp nhoáng của Tổng thống Mỹ tới Afghanistan
Chuyến thăm đã diễn ra hết sức chớp nhoáng. Chuyến bay chở Tổng thống Mỹ hạ cánh xuống sân bay quân sự Bagram khi đêm đã về khuya - 22g20 (giờ địa phương) - và Tổng thống lập tức lên máy bay trực thăng bay về thủ đô Kabul để 23g00 ký với Tổng thống Afghanistan Hamid Kardai Hiệp định liên minh chiến lược (SPA). Rồi khi ánh bình minh còn chưa kịp hé lộ, ông đã vội vã rời đất nước đang chìm trong hỗn loạn sau hàng chục năm chiến tranh liên miên này.
Xuất hiện trên truyền hình Mỹ trong chuyến viếng thăm chớp nhoáng nói trên, Tổng thống B.Obama khẳng định quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan vào năm 2014. “Cái giá phải trả bằng sinh mạng của người Mỹ ở Afghanistan sẽ không còn nữa. Chúng ta phải kết thúc công việc mà chúng ta đã bắt đầu ở đây và kết thúc cuộc chiến này một cách có trách nhiệm”.
Tuy nhiên, hiệp định SPA khẳng định Afghanistan sẽ là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ngoài NATO và một lực lượng cố vấn Mỹ sẽ tiếp tục ở lại nước này sau năm 2014 để huấn luyện quân đội và an ninh Afghanistan trong các doanh trại của quân đội sở tại.
Hiệp định nói trên không phải thông qua Quốc hội hai nước, nhưng nguồn tài chính từ phía Mỹ tài trợ cho các hoạt động huấn luyện và nuôi dưỡng quân đội Afghanistan vẫn sẽ phải do Quốc hội Mỹ quyết định. Để chia sẻ trách nhiệm tài chính, vấn đề này sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị NATO tại Chicago vào 20-5 tới đây.
Cam kết rút quân của Mỹ vào năm 2014 không đồng nghĩa với việc chiến tranh đã kết thúc. Tổng thống B.Obama buộc phải thừa nhận rằng, con đường phía trước ở Afghanistan vẫn còn nhiều chông gai. Mỹ không dễ gì trút bỏ gánh nặng Afganistan sau hơn một thập niên sa lầy trong cuộc chiến hao người, tốn của này.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa hai nước cũng không hẳn đang “xuôi chèo mát mái”. Sự phẫn nộ của người dân Afghanistan sau vụ đốt Kinh Koran và lính Mỹ Robert Bales thảm sát 17 thường dân ở Kandahar, cũng như vụ 18 binh sĩ NATO bị đồng nghiệp sở tại sát hại đang là những chướng ngại lớn cho việc duy trì mối quan hệ đồng minh chiến lược như hai bên mong muốn.
Dù sao đi nữa, chuyến thăm chớp nhoáng của Tổng thống Mỹ đến Afghanistan khi đất nước này đang chìm trong giấc ngủ lại tác động rất lớn đến người xem truyền hình Mỹ, những người mà theo các cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy quá nửa đang cảm thấy mệt mỏi và muốn cuộc chiến này kết thúc càng sớm càng tốt. Rõ ràng, chuyến công du là dịp tốt để Tổng thống B.Obama làm đẹp hình ảnh và thu hút thêm cử tri khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang tới gần. Không phải vô cớ mà B.Obama nhắc đi nhắc lại trên truyền hình Mỹ về việc tiêu diệt Osama bin Laden một năm trước và 33 nghìn binh sĩ Mỹ sẽ được rút về ngay từ tháng 9 tới đây.
Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu chỉ nói chuyến thăm chớp nhoáng Afghanistan của Tổng thống B.Obama là hoàn toàn vì mục đích bầu cử. Giới quan sát chú ý khá nhiều vào phát biểu của Tổng thống rằng Mỹ không định xây dựng ở Afghanistan một chế độ giống như của Mỹ và cũng không định tiêu diệt đến người Taliban cuối cùng. “Việc đó đòi hỏi nhiều năm hơn, nhiều đô la hơn và nhiều sinh mệnh người Mỹ hơn. Mục tiêu của chúng ta là chiến thắng Al-Qaeda và xóa bỏ mọi cơ hội phục hồi của chúng”. Nếu những tín hiệu nói trên được hiểu đúng thì phải chăng Mỹ đang rút kinh nghiệm từ những Libya, Mali,… nơi sự can thiệp và “xuất khẩu dân chủ” của Mỹ và phương Tây đã tạo ra những cảnh hỗn loạn không cách nào kiểm soát nổi. Phải chăng Mỹ đang chấp nhận một thực tế là công việc của người Afghanistan phải để cho người Afghanistan được tự quyết và Taliban là một bộ phận không thể bị loại ra khỏi quá trình tự quyết đó.
Chuyến thăm chớp nhoáng của Tổng thống B.Obama đến Afghanistan đã được Taliban “bày tỏ thái độ” ngay lập tức. Gần như ngay sau khi máy bay của Tổng thống Mỹ cất cánh rời nước này, Taliban đã tổ chức hàng loạt cuộc tấn công khốc liệt. Một tòa nhà có nhiều người nước ngoài ở Kabun bị đánh bom làm 6 người thiệt mạng. Ba vụ nổ lớn ở phía đông Kabun khai mào cho những cuộc đụng độ ác liệt giữa các chiến binh Taliban với lực lượng cảnh sát và quân đội Chính phủ Afghanistan.
Phản ứng mạnh mẽ của Taliban, sự yếu kém của quân Chính phủ Afghanistan cũng như áp lực rút chân ra khỏi vũng lầy của Mỹ cho thấy một tương lai rõ ràng nhưng chưa mấy sáng sủa với Mỹ ở đất nước Hồi giáo này./.
Mỹ và Afghanstan ký thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược  (04/05/2012)
Cùng hội dựng chung thuyền  (04/05/2012)
Thúc đẩy thực hiện Đề án phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Lào  (04/05/2012)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp xúc cử tri  (04/05/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển