Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI – sự kiên định chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Từ giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, mỗi người Việt Nam chân chính đều nhận thức sâu sắc hậu quả của sự thống trị tư bản thực dân, đó là đất nước bị chia cắt và mất tên trên bản đồ thế giới, là tù đày, chém, giết, là chết đói, dốt nát và bị khinh rẻ. Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX mang đậm tinh thần yêu nước và dũng khí trước quân thù, nhưng đều dưới sự dẫn dắt của các tư tưởng phong kiến và tư sản, là các trào lưu tư tưởng đã lỗi thời, lạc hậu trong sự phát triển của thế giới đương đại và không đáp ứng được yêu cầu của xã hội Việt Nam, nên không tránh khỏi thất bại. Cách mạng Việt Nam lâm vào cuộc khủng khoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Yêu cầu khách quan của lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX là phải có một lý luận cách mạng tiên tiến dẫn đường với một đảng cách mạng chân chính, có đường lối cách mạng đúng đắn.
Hồ Chí Minh xuất hiện đúng thời điểm lịch sử. Bằng trí tuệ siêu việt và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trải qua gần mười năm bôn ba khắp bốn biển năm châu, nhận thức của Hồ Chí Minh đã chuyển biến đúng hướng, đến mùa thu năm 1920, Người tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê-nin, học thuyết cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đó là nguồn gốc căn bản hình thành tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh.
Từ năm 1920, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh được truyền bá về Việt Nam, đã tạo ra một bước ngoặt căn bản của cách mạng Việt Nam: chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước, từ đây cách mạng Việt Nam đã có con đường mới đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng yêu cầu của lịch sử dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản. Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1).
Dưới ánh sáng của lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào đầu năm 1930 là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đó là cuộc “hội ngộ lịch sử”. Cương lĩnh đầu tiên do Hội nghị Đảng xác định đã thể hiện sự thấm nhuần tư tưởng của các nhà kinh điển Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh và chỉ ra phương hướng đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đảng ra đời đưa cách mạng nước ta hoà vào phong trào chung của cách mạng thế giới. Đảng ra đời, tạo khả năng kết hợp các nhân tố giai cấp - dân tộc - quốc tế thành sức mạnh tổng hợp to lớn của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam từ đó về sau. Đánh giá sự kiện này, Hồ Chí Minh viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta”(2).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, trải qua ba cao trào cách mạng, nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang cuộc Cách mạng tháng Tám, đem lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, do đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam lãnh đạo, đánh đòn quyết định vào chế độ thực dân phong kiến, mở đường thắng lợi hoàn toàn cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám, bảo vệ những thành quả bước đầu của chủ nghĩa xã hội.
Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân tộc ta bước vào thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, đất nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Các thế lực thù địch tin chắc sự sụp đổ của Việt Nam là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, với bản lĩnh chính trị vững vàng và trí tuệ sáng suốt của một đảng có nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có bề dày kinh nghiệm cách mạng, được toàn dân tin theo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã vượt qua thử thách hiểm nghèo, không những không bị sụp đổ mà còn giành được những thành tựu to lớn, khiến cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn đứng vững và phát triển; độc lập, thống nhất Tổ quốc ngày càng được củng cố; tự do, hạnh phúc của nhân dân được nâng cao; đất nước ngày một phồn vinh và có vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.
Lịch sử đã chứng tỏ một sự thật không thể chối cãi: vào những thời điểm quyết định, những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, thậm chí, có lúc vận mệnh của cách mạng, của đất nước đứng trước tình thế mất còn thì chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh lại dẫn đường cho toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua thử thách, đưa đất nước đi lên.
Những gì diễn ra trên dải đất Việt Nam gần một thế kỷ qua đã chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận, tư tưởng duy nhất đúng, đáp ứng yêu cầu của cách mạng, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong thời đại mới.
Ngày nay, dù chủ nghĩa tư bản hiện đại do thích nghi và điều chỉnh trước tình hình mới, vẫn tồn tại và tiếp tục giành được những thành tựu về kinh tế, khoa học công nghệ, nhưng mâu thuẫn về kinh tế - xã hội trong lòng xã hội tư bản vẫn rất gay gắt, bùng nổ những bất ổn về chính trị không thể giải quyết. Chủ nghĩa xã hội hiện thực có bị thu hẹp phạm vi, nhưng phần còn lại vẫn tiếp tục phát triển và vững vàng tiến tới chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội vẫn là niềm mơ ước và luôn hướng tới của loài người tiến bộ. Đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là xu thế tất yếu của xã hội loài người trong thời đại ngày nay.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng: bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới; đề ra phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 5 năm (2011 - 2015); xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong thời kỳ mới. Quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XI đối với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là thước đo đánh giá bản chất của Đảng, sự trung thành với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; đây cũng là thước đo bản lĩnh vững vàng của Đảng trước tình hình tư tưởng, lý luận phức tạp hiện nay.
Trong Báo cáo về các văn kiện Đại hội XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) rút ra một số kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua. Kinh nghiệm đầu tiên là: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(3).
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội Đảng lần thứ XI bổ sung, phát triển cũng khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(4). Nội dung Cương lĩnh, Chiến lược và các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước đều thể hiện sự trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh tình hình mới.
Về xây dựng Đảng, Đại hội lần thứ XI xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội…”.
Những nguyên tắc về xây dựng Đảng đều quán triệt chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một đảng cách mạng chân chính, xứng đáng với vai trò lãnh đạo xã hội trong giai đoạn mới.
Những văn kiện, cách tổ chức và kết quả Đại hội Đảng lần thứ XI đã thể hiện rõ ràng Đại hội tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ thắng lợi của dân tộc ta gần một thế kỷ qua. Đây là sự kế thừa truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất của Đảng 80 năm qua, là sự tiếp nối tư tưởng đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ VI. Sự kiên định này chứng tỏ Đảng ta là một đảng Mác - Lê-nin chân chính, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Sự lãnh đạo của một đảng như vậy là nhân tố quyết định đảm bảo chắc chắn để dân tộc ta tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, vững bước trên con đường xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc./.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, tr.314.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, tr. 8.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.2011, tr.70.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.56.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng làm việc tại Kon Tum: Chủ động, tích cực nâng cao hơn mức sống của đồng bào dân tộc  (17/04/2011)
Khai mạc trọng thể Đại hội VI Đảng Cộng sản Cu-ba  (17/04/2011)
Nhật Bản: TEPCO sẽ ổn định các lò phản ứng trong vòng 6 - 9 tháng  (17/04/2011)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay