Sáng 20-3-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã làm việc với Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, nghe báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2009-2011. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự cuộc làm việc có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Sức lan tỏa từ các xã điểm nông thôn mới

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng thí điểm nông thôn mới, trình bày báo cáo cho biết: Sau 3 năm thực hiện Chương trình, các nội dung xây dựng nông thôn mới đều được triển khai và cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Về quy hoạch nông thôn mới, đến tháng 6-2010 đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết ở 11 xã điểm trong cả nước. Xây dựng cơ sở hạ tầng được xác định là khâu mở đầu trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn vốn ban đầu do Trung ương hỗ trợ (thấp nhất là 10 tỉ đồng, cao nhất là 50 tỉ đồng/xã), các địa phương còn lồng ghép, huy động các nguồn lực khác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đã có 8/11 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy hoạt động văn hóa. So với năm 2008, thu nhập của người dân các xã điểm năm 2011 đã tăng bình quân khoảng 62,6%; 6/11 xã đạt tiêu chí thu nhập của vùng; 5 xã còn lại thu nhập đều tăng so với năm 2008; tỉ lệ hộ nghèo ở xã giảm thấp nhất cũng đạt từ 6%-7%, cao nhất là trên 14% (gấp hơn 2 lần bình quân cả nước). Đa số xã đạt các tiêu chí về giáo dục, y tế, làng văn hóa, nước sạch, công trình vệ sinh... 11/11 xã đạt tiêu chí về xây dựng hệ thống chính trị.

Chương trình đã huy động được nguồn lực lớn cả trong và ngoài ngân sách, với tổng số 2500 tỉ đồng để thực hiện các nội dung xây dựng thôn mới ở 11 xã, trong đó vốn ngân sách chiếm 31,5%, vốn ngoài ngân sách là 68,5%. Người dân các xã đã tự nguyện đóng góp tiền, công sức, vật liệu... xây dựng các công trình.

Mô hình nông thôn mới đã được hình thành trên thực tế. Tuy kết quả đạt được ở mỗi xã khác nhau, nhưng sản xuất ở các xã đều phát triển; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao; hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện; môi trường, cảnh quan nông thôn có bước tiến bộ; bản sắc văn hóa được giữ gìn; trình độ dân trí và chất lượng hệ thống chính trị cơ sở được nâng lên. Đến cuối năm 2011, có 4/11 xã đạt 18 tiêu chí, 4/11 xã đạt 16 tiêu chí, 2 xã đạt 11-13 tiêu chí, xã khó khăn nhất (Thanh Chăn – Điện Biên) cũng đạt 9 tiêu chí. Các tiêu chí còn lại đều đạt từ 60%-80% yêu cầu; nhiều xã phấn đấu đến năm 2012 sẽ hoàn thành đủ 19 tiêu chí.

Các xã điểm nông thôn mới đang thực sự là điểm để cán bộ, nhân dân nhiều vùng trong nước đến tham quan, học hỏi, có sức lan tỏa, khích lệ, thúc đẩy việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Kiểm nghiệm - điều chỉnh, trước khi triển khai đại trà

Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cũng chỉ rõ: Thực tiễn ở các xã điểm đã kiểm nghiệm về tính hợp lý, đúng đắn của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, khẳng định Bộ tiêu chí là cần thiết để định hướng hành động; là công cụ cho chỉ đạo, kiểm tra; đồng thời là thước đo để đánh giá kết quả phấn đấu, thi đua. Thực tiễn tại các xã điểm không những đã giúp Chính phủ, các bộ, ngành có cơ sở ban hành và bổ sung nhiều chính sách, cơ chế thiết thực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các xã điểm, mà còn áp dụng cho triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ra đại trà; đồng thời cho thấy một số tiêu chí đã ban hành cần được cân nhắc để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế ở các vùng khác nhau như tiêu chí về kiên cố hóa kênh mương, đường nội đồng; tiêu chí về chợ; về mức tăng thu nhập gấp 1,4-1,5 lần trong vùng; về chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp.

Từ thực tiễn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới ở 11 xã đã rút ra được nhiều kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, như: kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, phát triển văn hóa - xã hội - môi trường, kinh nghiệm trong huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, cơ chế tài chính và cơ chế quản lý đầu tư trên địa bàn xã, kinh nghiệm trong xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới...

Các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đều khẳng định chủ trương xây dựng thí điểm nông thôn mới là hoàn toàn đúng đắn; đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới; đồng thời chỉ rõ những mặt còn hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan và đúc rút một số kinh nghiệm cần áp dụng cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo đạt kết quả tốt nhất. Các ý kiến cũng đề nghị, cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các xã điểm củng cố các kết quả đã đạt được, hoàn thiện mô hình theo đề án được duyệt để phát triển bền vững, thực sự là mô hình mẫu để các địa phương khác học tập, nhân rộng.

Phát triển toàn diện, bền vững nông nghiệp - nông thôn - nông dân

Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: xây dựng nông thôn mới là một nội dung quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chính vì vậy Ban Bí thư Trung ương Khóa X đã chọn xây dựng nông thôn mới là khâu đột phá để chỉ đạo điểm và sau 3 năm thực hiện đã cơ bản đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra là chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo trên diện rộng. Tổng Bí thư hoan nghênh Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới đã chỉ đạo kiên quyết, khẩn trương, nghiêm túc, bài bản và quyết liệt, tạo không khí tích cực ở các cấp, các ngành và toàn xã hội hưởng ứng chủ trương này, góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đi vào thực tiễn cuộc sống, mang lại những kết quả rõ rệt.

Tổng Bí thư nêu bật 4 kết quả quan trọng đạt được trong thực hiện Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Sau 3 năm thực hiện, đã thấy được hình hài nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, cả về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội, môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng hệ thống chính trị...; đã kiểm nghiệm được những mặt được và hợp lý của bộ tiêu chí, những tiêu chí nào phù hợp đi vào cuộc sống, sắp tới phải làm tiếp, những tiêu chí nào chưa đạt, chưa phù hợp như tiêu chí về thu nhập, môi trường, chuyển đổi cơ cấu lao động... Việc thực hiện Chương trình xây dựng mô hình thí điểm đã khơi dậy không khí xây dựng nông thôn mới và có sức lan tỏa rộng khắp, huy động được nguồn lực lớn cả trong ngân sách và ngoài xã hội. Nhân dân thấy rõ thêm trách nhiệm của mình, hồ hởi, phấn khởi, đóng góp xây dựng nông thôn mới, có những gia đình đã hiến đất, phá tường để làm đường. Qua chỉ đạo điểm, cũng đã cho kinh nghiệm bước đầu về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ cách chọn điểm, xây dựng mô hình, tiêu chí, lập Ban Chỉ đạo...

Tổng Bí thư cũng lưu ý, mô hình nông thôn mới tuy đã cơ bản được hình thành, nhưng còn một số tiêu chí chưa đạt được và kết quả chưa vững chắc; phải tiếp tục hoàn thiện mô hình nông thôn mới, đặc biệt là bộ tiêu chí, vì sao có tới 9/11 xã điểm không đạt được tiêu chí về cơ cấu lao động, 5/11 xã chưa đạt được tiêu chí về thu nhập, môi trường...; đồng thời phải chú trọng việc huy động các nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực trong dân. Vừa qua, việc huy động nguồn lực xã hội hóa mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng vốn huy động từ dân và doanh nghiệp còn chiếm tỉ lệ nhỏ, vốn vay tín dụng vẫn chiếm tới hơn 53%.

Tổng Bí thư chỉ rõ, sắp tới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 có nội dung xây dựng nông thôn mới, nội dung này được coi là tiêu điểm, là trung tâm, nếu làm tốt sẽ kéo theo những nội dung khác, đời sống nông dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn thay đổi, nông nghiệp phát triển, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế... Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết quan trọng này, cần có chương trình bài bản hơn nữa và thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện; phải tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, cụ thể hóa những tiêu chí, mô hình nông thôn mới chung và phù hợp cho từng vùng, bao gồm cả việc điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp, miền núi khác đồng bằng, nông thôn khác đô thị... Xây dựng nông thôn mới thời kỳ tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, bao gồm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò quản lý của chính quyền và vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.