Chiều 20-3, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012 và việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia.
Báo cáo của Chính phủ nêu nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 chỉ bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án thuộc danh mục các dự án đầu tư từ vốn trái phiếu Chính phủ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 881/2010/UBTVQH12 và Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 28/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai thực hiện; không bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 cho các dự án thuộc danh mục dự án nói trên nhưng chưa triển khai thực hiện và các hạng mục khởi công mới thuộc các dựán phải giãn, hoàn tiến độ thi công sau năm 2015.

Tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng trước ngày 31-12-2011; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 và các dự án trọng điểm cấp bách; xem xét bố trí vốn để thanh toán khối lượng đã thực hiện và thi công đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý các hạng mục dở dang của các dự án phải giãn, hoãn tiến độ thực hiện sau năm 2015.

Mức vốn trái phiếu Chính phủ cho từng dự án chỉ bố trí theo các quyết định đầu tư quy định tại Nghị quyết số 881/2010/UBTVQH12 và Quyết định số 184/QĐ-TTg, bao gồm phần tăng vốn do điều chỉnh chính sách, khôngbao gồm phần tăng vốn do điều chỉnh quy mô…

Việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2012 được thực hiện theo các nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Đối với từng ngành, lĩnh vực bố trí đủ số vốn còn thiếu của Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên theo quyết định số 2168/QĐ-TTg; bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 các dự án bệnh viện tuyến huyện theo số vốn còn thiếu tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTG; các ngành, lĩnh vực còn lại bố trí khoảng 1/4 dự kiến mức vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 để bảo đảm cân đối cho cả giai đoạn năm 2012.

Xung quanh nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch 2012, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính ngân sách thống nhất không bổ sung mới các công trình, dự án nằm ngoài danh mục Nghị quyết số 881/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và 40 dự án đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung trong năm 2011 và Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên theo tinh thần Nghị quyết số 12/NQ-QH13 ngày 9-11-2011 của Quốc hội.

Về trật tự ưu tiên phân bổ vốn, đa số ý kiến thống nhất ưu tiên bố trí vốn hoàn thành các công trình, dự án nằm trong Quyết định 171, trừ những công trình, dựán chưa khởi công hoặc đã khởi công những thời gian thi công kéo dài hơn quy định của pháp luật; đặc biệt cần tập trung ưu tiên cho các dự án tái định cư thủy điện Sơn La, Lai Châu; các dự án ở vùng sâu, vùng xa…

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, kế hoạch và phương án phân bổ vốn cho 4 năm và năm 2012.

Thời gian còn lại của buổi chiều, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ phương án phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương cho các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012. Về nguyên tắc phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên phân bổ đối với các dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 31-12-2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn; ưu tiên bố trí vốn cho những dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012; đồng thời việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư phải gắn với việc giao mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng chương trình; việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư phải căn cứ trên kết quả thực hiện của các cơ quan thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011và giai đoạn 2006-2010.

Mức vốn bố trí cho các dự án mới thực hiện từ năm 2012 phải đảm bảo nguyên tắc tổng số vốn bố trí chotừng dự án mới (bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác) của từng năm phải đảm bảo đủ để dự án đó thực hiện theo đúng tiến độ đã được phê duyệt (5 năm đối với dự án nhóm B, 3 năm đối với dự án nhóm C)…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách nêu rõ cần rà soát, điều chỉnh lại mức phân bổ từng chương trình phù hợp với tổng mức vốn đầu tư đã được Quốc hội quyết định, phù hợp với kế hoạch vốn trong cả giai đoạn 2011-2015, tránh việc bố trí vốn cho một sốchương trình quá lớn, có chương trình lại quá thấp, không đảm bảo nguồn lực để hoàn thành mục tiêu của chương trình đến năm 2015.

Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 còn lại, trình tổng thể các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, bảo đảm hoàn thành mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2015./.