Câu chuyện liên kết “bốn nhà” ra đời tưởng chừng như rất tốt đẹp, thế nhưng trong kinh tế thị trường, việc chạy theo lợi nhuận đây đó đã chi phối nặng nề, không phải lúc nào giữa đạo và đời cũng thuận buồm xuôi gió. Nhưng cũng với cơ chế ấy, nơi thì làm chưa được, có nơi lại làm rất tốt. Vậy vấn đề là ở chỗ, không những biết cách vận dụng, mà còn ở cái tâm muốn cho người nông dân cùng có lợi chứ không phải cạnh tranh. Đó là điều thấy được ở mô hình Công ty cổ phần cao su Sơn La.

Từ trong tình trạng có “liên” nhưng chưa “kết”...

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và giúp nhau xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương những năm gần đây đã có bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu đáng mừng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, câu chuyện về “tìm cây gì, con gì” vẫn đang còn là vấn đề đầy tính thời sự đối với trên 70% dân số cả nước đang sinh sống tại các làng quê và chủ yếu bằng nghề nông, tạo nguồn thu nhập từ đất. Nhiều vấn đề liên quan đến dịch vụ đầu vào và đầu ra đã và đang trở nên nóng bỏng.

Thế mà chúng ta lại muốn “hai ông đang cạnh tranh với nhau” này thống nhất lợi ích lại để “liên kết”. Điều này nghe ra không ổn.

Trước những khó khăn đặt ra về tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ khoa học, kỹ thuật và nguyên liệu đầu vào, Chính phủ đã có chủ trương tăng cường sự liên kết “bốn nhà” (Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ) để nhằm tháo gỡ khó khăn này cho nông dân. Chương trình liên kết “bốn nhà” gồm: “Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp” ra đời, nhằm tạo mối liên kết mật thiết giúp nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm cả chất và lượng, để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Lúc cao trào, có ý kiến đề xuất nên thêm “nhà thứ năm” là ngân hàng cung ứng tín dụng cho nông dân và “nhà thứ sáu” là nhà máy thu mua chế biến.

Nhưng rồi mối liên kết đó ở nhiều nơi ngày càng lỏng lẻo, thậm chí mờ nhạt. Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đúng khi bình luận rằng: Trong cơ chế thị trường phải chấp nhận cạnh tranh như một quy luật khách quan. Vậy thì đang hiện hữu một sự cạnh tranh giữa người mua và người bán. Trong trường hợp này, người bán là nông dân làm ra hạt thóc, con cá, củ khoai,... còn người mua là các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu hoặc bán ra thị trường trong nước. Thế mà chúng ta lại muốn “hai ông đang cạnh tranh với nhau” này thống nhất lợi ích lại để “liên kết”. Điều này nghe ra không ổn. Ông Sơn cho rằng, chỉ khi nào nhà nông và nhà doanh nghiệp thống nhất làm một, gắn bó với nhau thành một khối thống nhất về lợi ích, thì lúc đó không những tránh được sự cạnh tranh, bắt bí nhau, mà còn gắn bó, liên kết thành một khối mạnh hơn để cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Nhiều người trong chúng ta còn nhớ, những năm 1989 - 1995, khi cá ba sa, cá tra xuất khẩu mạnh, người dân An Giang ồ ạt đầu tư nuôi con cá tra. Lúc cao điểm, riêng tỉnh An Giang đã có khoảng 3.000 bè nuôi cá tra. Đến khi con cá tra nuôi bè bị phát hiện là định mức chế biến thấp, dân chuyển qua nuôi cá tra trong ao. Cơn sốt đào ao nuôi cá tra lại rộ lên và lan rộng... Theo số liệu của Sở Nông nghiệp An Giang, nếu như cuối thập niên 90 thế kỷ XX, diện tích nuôi cá của vùng này chỉ khoảng 200 ha thì đến đầu năm 2007, con số đó đã lên đến... 1.000 ha và tăng mạnh trong năm 2008. Có thể nói, cơn sốt đào ao thả cá tra quá nhiều gần đây, là do năm 2007 nhiều hộ gia đình “trúng lớn” từ con cá tra.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2005, toàn đồng bằng sông Cửu Long có 36 nhà máy tham gia chế biến cá tra với công suất thiết kế là 274.000 tấn cá nguyên liệu/năm. Hai năm sau (2007), con số đó đã là 84 nhà máy với tổng công suất thiết kế gần một triệu tấn cá nguyên liệu/năm, chưa kể có một số nhà máy khác đang trong giai đoạn thi công.

Câu chuyện cá tra ế ẩm dường như chưa kịp nguôi ngoai thì đầu năm 2009, dù xuất khẩu nhiều mặt hàng đang rất khó khăn, cá tra lại lên ngôi, 16.000 đ/kg mà nông dân không có bán, nhà máy lại thiếu cá nguyên liệu.

Giữa năm 2008, vấn nạn thừa cá tra đang làm đau đầu các nhà chức trách. Chính phủ đã ráo riết chỉ đạo tháo khoán các khoản tiền ngân hàng để doanh nghiệp vay thu mua cá đến kỳ thu hoạch. Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung, An Giang nói riêng, đã điêu đứng khi các doanh nghiệp chế biến ngừng không thu mua cá tra, hàng loạt hộ dân nuôi cá tra rơi vào tình trạng nợ nần, cá bán không được mà vẫn phải cho chúng ăn hằng ngày, có hộ gia đình phải chi tới hàng trăm triệu đồng tiền thức ăn cho cá trong khi giá cá lớn quá cỡ lại giảm xuống nhiều gây thất thu lớn...

Nhưng cuối cùng “lỗi lớn” lại thuộc về nhà nông do làm giàu tự phát, nuôi không theo quy hoạch. Câu nói: “Thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào” của ông cha ta ngày xưa có lẽ đúng với tình cảnh người nông dân hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thế nhưng, nếu nói doanh nghiệp thiếu vốn cũng chẳng “chuẩn” chút nào. Trên thực tế, lúc “bình thường” doanh nghiệp mua cá xong, thì sớm cũng 30 ngày sau mới trả tiền. Nếu hộ nào muốn rút tiền sớm thì phải trả lãi suất cho doanh nghiệp, lúc cao có thể lên tới 3%/tháng. Cá thu mua tươi sống để chế biến, sau đó cấp đông, có thể lưu giữ hằng năm trời trước khi xuất đi các thị trường trên thế giới.

Vậy câu hỏi đặt ra, doanh nghiệp lúc đó có đứng trên lợi ích của “hai nhà” không? Thật khó trả lời, nhưng rõ ràng mối liên kết “hai nhà” này quả thực có “liên” mà không có “kết”. Những hệ lụy cũng khiến người dân nhanh chóng “lãnh đủ”. Vì sản phẩm tươi sống có lợi thế nhiều, nhưng lại cũng có quá nhiều yếu thế. Cá đến thì không được thu hoạch thì muộn thêm ngày nào là người nuôi cá mất ăn, mất ngủ ngày đó. Trước thế yếu của người đang bị “dồn đến chân tường” như thế, thử hỏi, nếu theo quy luật cạnh tranh, có ai “quá nhân đạo” tới mức “từ chối phần thắng” về phía mình? Bởi người nuôi cá, không bán cho các cơ sở sản xuất thì có thể bán cho ai?.

Cái lô-gich hiện hữu đó trong kinh tế thị trường đã quá quen thuộc tại các nước có nền kinh tế thị trường phát triển từ hằng trăm năm nay, nhưng hiện tại cách làm thị trường của họ mang tính cộng sinh, cùng có lợi theo nguyên lý “ai cũng thắng” (win - win). Nhưng cách làm ở ta như đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng các “thủ thuật” cạnh tranh nhau để chào giá xuất khẩu thấp, sau đó họ lại liên kết lại để "đè” giá mua cá nguyên liệu thấp xuống. Tình trạng “được mùa - rớt giá”, đối với người nông dân đã là chuyện thường nhật xẩy ra.

Trong khi người nông dân vẫn chưa thể tự trang bị thông tin thị trường về việc nên trồng cây gì, nuôi con gì thì vai trò của quy hoạch vùng nguyên liệu, một sự điều tiết chung có tính chất như lịch nuôi và thu mua, là rất cần thiết; vai trò của doanh nghiệp trong việc hợp tác thật sự với hộ nông dân, coi họ như một bộ phận cấu thành trong vùng nguyên liệu của mình là rất quan trọng.

Chính các doanh nghiệp sẽ giúp cho nông dân không những biết họ nên sản xuất cây gì, con gì, mà còn định rõ sản lượng bao nhiêu, chất lượng ra sao để bán ra theo yêu cầu của thị trường. Còn nếu chỉ dừng lại ở việc kiếm lợi nhuận cho doanh nghiệp đơn thuần, chỉ là “sống chết mặc bay”, thì khó có liên kết nào tốt.

Người nông dân tự "bơi" trong cái vòng luẩn quẩn "trồng - chặt, chặt xong thấy giá lên lại trồng", thì khó mà tự vươn ra “biển lớn”.

Thấy tôm được giá, hàng loạt hộ diêm dân bỏ nghề, quyết định đào ao tháo nước mặn vào để nuôi tôm. Tuy “trúng” lớn được vài vụ, rồi cuộc chạy đua “vác mai đi đào” ấy cũng gặp rủi ro do dịch bệnh, tôm chết hàng loạt khiến nhiều nhà trắng tay... Một nghịch lý là đất nước với trên 3.200 km bờ biển, nhưng hiện chúng ta lại đang phải bỏ ngoại tệ mạnh ra để nhập khẩu muối.

Người nông dân hiện nay đổ xô bỏ cây hoa màu sang trồng lúa vì giá lúa gạo tăng cao. Nông dân miền Tây từng phá bỏ đất lúa để trồng mía, cây ăn quả, hoa màu nay tới lượt chặt cam sành, cây tràm để quay lại... trồng lúa.

Không có quy hoạch khả thi, không có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp, nên việc người nông dân tự "bơi" trong cái vòng luẩn quẩn "trồng - chặt, chặt xong thấy giá lên lại trồng", thì khó mà tự vươn ra “biển lớn” trong thời gian tới khi những cam kết tự do hóa thị trường với WTO sẽ đến giờ “G”.

Và đến tận hôm nay, mối liên kết “bốn nhà” vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ! Sự liên kết lỏng lẻo giữa “bốn nhà” và bài toán vĩ mô bất cập thời gian qua đã làm thân phận người nông dân vẫn xoay xở trong cái giới hạn mong manh của thoát nghèo và tái nghèo.

... Tới điểm sáng một mô hình với nhiều triển vọng tốt

Tưởng chừng có “liên” mà không “kết” ở nhiều nơi đang là một định mệnh, thì ở tỉnh Sơn La đã xuất hiện một loại mô hình liên kết nhà doanh nghiệp với nhà nông có nhiều triển vọng. Đó là sự ra đời Công ty cổ phần cao su Sơn La. Người sáng tạo ra nó chính là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Người nông dân góp đất, doanh nghiệp có vốn đầu tư, có kỹ thuật đứng ra cùng tổ chức một kiểu công ty cổ phần rất đặc biệt với chế độ chính sách công khai rõ ràng, như sau:

- Cứ mỗi một héc-ta đất sử dụng trồng cây cao su được quy ra thành 10 triệu đồng góp vốn cổ phần. Nhưng đất vẫn là của nông dân, sổ đỏ do nông dân nắm giữ.

Ngoài ra, nếu trên đất đang có cây hoa màu thì được đền bù với mức: cây ăn quả 5 triệu đồng/ha; cây hoa màu 3 triệu đồng/ha; rừng tái sinh 2 triệu đồng/ha...

- Những hộ có đất thì cứ một héc-ta được tuyển vào Công ty một lao động trong biên chế, được hưởng đầy đủ các chế độ về tiền lương hằng tháng, bảo hiểm xã hội, y tế và các tiêu chuẩn khác của một thành viên trong Công ty.

Về lao động, mở rộng cho mọi thành viên trong gia đình đều có thể tham gia, làm theo công việc (đào đất, làm cỏ, bón phân, bảo vệ...) hưởng theo đơn giá thuê lao động của Công ty. Hiện nay, nếu một người có việc thường xuyên trong tháng thì có thể thu nhập khoảng 1,3 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng.

Trong thời kỳ cây cao su đang sinh trưởng, chưa phủ tán thì các hộ nông dân góp đất còn được trồng xen các cây hoa màu, như: đậu nành, khoai, ngô, lạc... theo chỉ đạo kỹ thuật của Công ty. Chị Thủy, người từ Quảng Bình hiện đang làm Đội trưởng Đội cao su (có 70 ha, phần lớn trong số đó đã được 2 tuổi) trên địa bàn xã ít Ong tại huyện Mường La cho biết, mấy vụ vừa rồi nhiều hộ trúng lớn từ khoản thu nhập xen canh này.

Trong cơn “sóng thần” của khủng hoảng tài chính, tiền tệ toàn cầu, hàng ngàn công nhân đã bị mất việc trong các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam. Thế nhưng Tập đoàn Công nghiệp cao su đã cam kết không sa thải một người nào. Làm thân phận người lao động, nhất là trong lúc khó khăn, có gì sung sướng bằng những lời cam kết đó.

Hiện nay, Công ty cổ phần Cao su Sơn La đang tiếp tục tìm kiếm các vùng đất thích hợp để mở rộng diện tích (xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, Sơn La có khoảng 300 ha,...) đồng thời mở rộng các quan hệ với hàng trăm hộ nông dân trong tỉnh để cùng với Ban Chỉ đạo trồng cây cao su của tỉnh tiếp tục bám sát thực tiễn, cùng với doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo ra sự liên kết các bên cùng có lợi. Thiết nghĩ, đây cũng là một lối ra trong việc tìm đúng phương án phát triển bền vững trên đất dốc, thay thế dần cây ngắn ngày, đem lại thu nhập khá và cứu đói tốt. Đất dốc bị rửa trôi rất nhanh dễ gây ra nguy cơ sạt lở và làm hỏng đất nếu cứ tiếp tục canh tác các cây ngắn ngày theo kiểu cũ.

Từ mô hình Công ty cổ phần Cao su Sơn La chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, các doanh nghiệp và người nông dân sẽ cùng nhau “ngồi lại” để tìm hướng ra tốt xây dựng mối quan hệ liên kết bền vững trong thời gian tới./.