Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy, đã tạo động lực để khơi dậy sức mạnh tinh thần và vật chất của nhân dân trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương.

Những kết quả đạt được càng khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, dân chủ cơ sở vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả ấy thể hiện rất rõ là, nhận thức của cấp ủy, chính quyền có chuyển biến tích cực về phương thức lãnh đạo và quản lý theo hướng cụ thể, gần dân, sát thực tiễn hơn. Phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" từng bước được cụ thể hóa ở cơ sở. Quá trình thực hiện được các cấp ủy và chính quyền các cấp gắn với nhiều cuộc vận động lớn, nhất là Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tạo sự phát triển bền vững, toàn diện ở từng địa phương, đơn vị. Qua đó, tạo nên không khí dân chủ, đoàn kết, cởi mở, gần gũi giữa dân với #ảng và chính quyền, góp phần khắc phục tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền của một bộ phận cán bộ, đảng viên, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển, góp phần xây dựng tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện Quy chế Dân chủ ở phường, xã, thị trấn

Cấp ủy, chính quyền đã nâng cao hơn ý thức phát huy quyền dân chủ của dân: nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền có liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích của người dân được công khai, đưa ra dân bàn bạc, thảo luận, bày tỏ ý kiến, phát huy được động lực của người dân. Cán bộ chính quyền đã quan tâm hơn đến việc thực hiện Quy chế Dân chủ gắn với cải cách hành chính, nhất là việc thực hiện cơ chế "một cửa", khắc phục dần việc gây phiền hà dân; đặt mình trong sự giám sát của nhân dân.
 
Rõ nét nhất là việc người dân thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý và bỏ phiếu tín nhiệm chủ tịch Hội đồng nhân dân và chủ tịch ủy ban nhân dân; quan tâm tiếp thu, lắng nghe, trả lời, giải quyết các nguyện vọng chính đáng, hợp lý của người dân, qua đó đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân được bền chặt hơn. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền phường, xã, thị trấn thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã phát huy được sức mạnh của người dân tham gia giải quyết hiệu quả khá nhiều vấn đề liên quan đến nhu cầu, cuộc sống người dân tại địa bàn dân cư.

Về ý thức làm chủ của người dân được thể hiện tốt hơn, nổi bật là hoạt động tự quản, tiêu biểu như: phong trào hiến đất làm đường, mở rộng hẻm, chỉnh trang đô thị, thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình thương, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tích cực tham gia hoạt động xã hội từ thiện, v.v..

Đã có 86.568 hộ dân hiến 4.000.000m² đất, đồng thời góp thêm 20% - 30% kinh phí cùng Nhà nước mở rộng hẻm và chỉnh trang đô thị là dẫn chứng sinh động về việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1998 đến nay. Điểm chung ở những nơi có phong trào hiến đất mở hẻm như quận 3, 8, 9, Phú Nhuận, Thủ Đức, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè... là hầu hết các công trình "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đều được thực hiện theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Khi người dân tham gia kiểm tra, giám sát, kết quả thật rõ ràng: chất lượng công trình được bảo đảm và góp phần làm hạn chế thất thoát trong xây dựng. ở quận Phú Nhuận, việc gì liên quan đến dân thì đem ra dân bàn! Khi quận Phú Nhuận vận động nhân dân hiến đất mở hẻm từ 1,5m2 lên 6m2 - 12m2, không ít người tỏ ra băn khoăn. Tuy phải bàn đi tính lại nhiều lần trong các cuộc họp tổ dân phố, nhưng cuối cùng đa số người dân đồng thuận. Cao điểm nhất là năm 2005 có 476 hộ tự nguyện hiến 2.688m² đất để mở hẻm, trị giá 62 tỉ đồng.

Một số địa phương như quận 9, Tân Phú, Bình Tân còn mở rộng hình thức dân chủ cho dân tham gia đóng góp dự thảo quy hoạch chi tiết cụm dân cư 1/2.000, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, kế hoạch sử dụng đất, phương án đền bù giải tỏa và tái định cư... Nhờ tổ chức tốt việc "để cho dân nói", chính quyền có điều kiện điều chỉnh những bất hợp lý trong kế hoạch phát triển và "điều chỉnh" chính mình.

Thực hiện Quy chế Dân chủ trong hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần

Dân chủ đối với nội bộ cơ quan, nhìn chung thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc; ngày càng quan tâm phát huy quyền làm chủ, tạo điều kiện để cán bộ, công chức được bày tỏ nguyện vọng, ý kiến, xem đây là động lực để thúc đẩy nhiệm vụ của đơn vị. Các vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức được nhiều cơ quan công khai, tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức; có nơi căn cứ vào trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính chất công việc của cán bộ, công chức để lấy ý kiến cho phù hợp. Việc thực hiện Quy chế Dân chủ đã giúp thủ trưởng cơ quan lãnh đạo, điều hành dân chủ hơn. Một số nơi nhờ thực hiện Quy chế đã góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất tốt hơn.

Cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị ngày càng nhận thức rõ hơn dân chủ là hai mặt thống nhất giữa quyền lợi và nghĩa vụ, dân chủ phải gắn với chấp hành kỷ cương, pháp luật; đã ra sức học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, có tinh thần trách nhiệm, sửa đổi phong cách làm việc, chấp hành nội quy, giữ được kỷ cương, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ cơ quan.

Các cơ quan nhà nước đã gắn việc thực hiện Quy chế Dân chủ với công tác cải cách hành chính như công khai các thủ tục hành chính đối với dân, tổ chức tiếp dân và giải quyết khiếu nại của dân, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm tra, theo dõi việc giải quyết hồ sơ của dân, góp phần khắc phục sự chậm trễ. Thành phố có 16/24 sở, ngành, 18/24 quận, huyện đã tiến hành rà soát các loại thủ tục do cơ quan Trung ương và thành phố ban hành. Phát hiện 66 loại thủ tục còn vướng mắc, khó khăn liên quan nhiều đến dân để điều chỉnh, hoặc kiến nghị cơ quan trung ương điều chỉnh. Thực hiện cơ chế “một cửa” tại 23/24 sở, ngành quản lý nhà nước, 24/24 quận, huyện và 322/322 phường, xã, thị trấn; một số cơ quan đã nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho dân.

Giám đốc doanh nghiệp nhà nước và các công ty cổ phần chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước đã ngày càng quan tâm phát huy quyền dân chủ của người lao động. Các nội dung liên quan đến nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, chế độ chính sách, quyền lợi người lao động, chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ người lao động, v.v.. được công khai phổ biến, lấy ý kiến của người lao động. Đặc biệt đại hội công nhân, viên chức, một hình thức phát huy dân chủ quan trọng được đa số các doanh nghiệp tổ chức định kỳ hằng năm. Việc bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm chức danh giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng được một bộ phận doanh nghiệp thực hiện đã có tác dụng thúc đẩy cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Người lao động đã dần dần nhận thức rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi, có nhiều góp ý kế hoạch kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động làm lợi cho đơn vị; học tập, nâng cao tay nghề, chấp hành nội quy, quy trình sản xuất, tích cực tham gia phong trào thi đua góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Những hạn chế và bài học kinh nghiệm

Việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở trong 10 năm qua ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Một bộ phận đơn vị thực hiện còn hình thức, quyền làm chủ của người dân còn bị vi phạm, một số nơi còn để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, mất đoàn kết do thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Một số nội dung có liên quan đến quyền lợi người dân nhưng thiếu công khai, minh bạch (nhất là quy hoạch đất đai, các dự án, công trình thuộc thẩm quyền cấp trên).
 
Nhiều quy ước ở tổ dân phố, ấp xây dựng không xuất phát từ thực tế cuộc sống, thiếu bàn bạc dân chủ trong nhân dân, còn rập khuôn theo hướng dẫn mẫu. Việc giám sát, kiểm tra của đoàn thể, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở nhiều nơi còn hạn chế. ý thức làm chủ của một bộ phận nhân dân chưa cao thể hiện ở một số lĩnh vực như ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa cao, ít tham gia sinh hoạt tổ dân phố, còn vi phạm pháp luật và những quy định của địa phương trong xây dựng, việc cưới, việc tang, v.v..

Công tác lãnh đạo của một bộ phận cấp ủy còn hạn chế: chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa kịp thời kiểm tra, uốn nắn, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở, thiếu quan tâm và chậm củng cố ban chỉ đạo. Trình độ năng lực tổ chức thực hiện của một số cán bộ cơ sở trong việc nghiên cứu, vận dụng, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên vào đơn vị còn lúng túng...

Từ những kết quả đạt được và những tồn tại , yếu kém có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, tập trung tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc yêu cầu, mục đích, quan điểm, nhiệm vụ trong Chỉ thị số 30 - CT/TW của Bộ Chính trị và chính sách của Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải lấy hiệu quả tổ chức thực hiện để đối chiếu với việc học tập, quán triệt và ngược lại. Việc tuyên truyền và học tập, bồi dưỡng muốn có kết quả phải phù hợp với trình độ, khả năng tiếp thu của mỗi người. Tài liệu phải được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra; cán bộ được phân công tập huấn phải có trình độ và gương mẫu thực hiện Quy chế Dân chủ.

Hai là, xây dựng và thực hiện quy định, quy chế cụ thể. Một trong các nguyên nhân góp phần đưa việc thực hiện quy chế dân chủ có hiệu quả là phải xây dựng được quy định, quy chế, nội quy, quy ước phù hợp với đặc điểm mỗi nơi; phải phát huy trí tuệ đông đảo của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân trong quá trình xây dựng quy chế, làm cho mọi người nhận rõ mình là người chủ để tự nguyện, tự giác thực hiện, có như vậy việc thực hiện mới đi vào thực chất. Xây dựng quy chế chỉ là bước đầu, quan trọng là phải tổ chức thức hiện quy chế, do đó phải tăng cường kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế đã thay đổi.

Ba là, việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ thường xuyên. Các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quán triệt Quy chế Dân chủ cơ sở không tách rời với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Mặt khác, trong từng giai đoạn, từng thời điểm người lãnh đạo cần tìm ra nội dung trọng tâm để tập trung chỉ đạo. Bên cạnh đó cấp trên phải theo dõi, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở, không khoán trắng cho cơ sở.

Bốn là, để thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đạt kết quả, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương rất quan trọng, do vậy, cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị phải nâng cao nhận thức; tăng cường kiểm tra và nhất là phải tự mình nêu gương thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở. Cấp ủy phải quan tâm bố trí, kịp thời củng cố ban chỉ đạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện để ban chỉ đạo hoạt động, nhưng mặt khác không được khoán trắng cho ban chỉ đạo.

Năm là, cấp ủy các cấp phải quan tâm đúc kết, rút ra những kinh nghiệm từ các điển hình và nhân rộng ra các đơn vị còn lại phù hợp với tình hình cụ thể, đồng thời theo dõi việc thực hiện; kịp thời nắm tình hình tháo gỡ vương mắc, lúng túng cho cơ sở trong quá trình nhân điển hình.

Phát huy những thành tích đã đạt được qua 10 năm thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo đồng thuận cao trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các cấp ủy và chính quyền từ Thành phố đến cơ sở đang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, bổ sung quy ước, hương ước tại khu phố, thôn, xóm, xây dựng Quy chế Dân chủ trong cơ quan đơn vị. Thực hiện nghiêm túc việc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; mở rộng các phong trào thi đua bằng những việc cụ thể. Tiếp tục tục nâng cao chất lượng việc thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở ở các loại hình, trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh. Gắn việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới./.