Năm 2012: Tiếp tục sử dụng liều “thuốc đặc trị” lạm phát
Những nguyên nhân gây “bệnh”
Theo báo cáo tổng hợp số 6449/BC – BKHĐT của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư trình Chính phủ có năm nguyên nhân chủ yếu gây “bệnh” lạm phát cao trong năm 2011:
Một là, sự bùng phát tiền tệ, tín dụng! Nếu như năm 2000 tỷ lệ cung tiền (M2) trên GDP của nước ta chỉ ở mức dưới 60% thì đến cuối năm 2010 đã lên trên 130% (tổng dư nợ tín dụng trên 110% GDP). Năm 2011, nhờ kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng M2 và giảm mạnh tín dụng, nên lạm phát các tháng cuối năm đã có chiều hướng giảm dần.
Hai là, do chi phí sản xuất tăng (chi phí đẩy) dẫn đến tăng giá thành và giá bán sản phẩm, từ đó gây ra lạm phát cao. Việc tăng giá điện, than, xăng dầu, mặc dù đã có lộ trình, nhưng do triển khai chưa thực sự đồng bộ, kiên quyết cho nên đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng còn do các yếu tố bên ngoài, đó là giá cả hàng hóa và nguyên vật liệu nhập khẩu tăng trong các năm gần đây.
Ba là, chính sách tài khóa làm tăng nhanh tổng cầu. Những năm qua, nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cao, dẫn đến phải tăng chi ngân sách nhà nước, gây áp lực đến mặt bằng giá (nguyên nhân do “cầu kéo”).
Bốn là, việc tái cơ cấu kinh tế diễn ra chậm và hiệu quả đầu tư chưa cao. Những bất cập trong cơ cấu nền kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực chậm được chuyển đổi. Đặc biệt, với số đông doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng vốn, tài nguyên, khoáng sản của đất nước quá lớn nhưng hiệu quả lại thấp. Thậm chí còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thua lỗ, nợ xấu tăng. Hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM), nhìn chung là phát triển quá nhanh về số lượng nhưng chưa thật bền vững, chất lượng tín dụng thấp, theo đó là tài chính chưa thực sự minh bạch, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cho nên tái cấu trúc toàn diện các hệ thống NHTM đang được đặt ra và phải làm quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2012 này.
Năm là việc quản lý thị trường, kiểm soát tính toán chi phí đầu vào từ sản xuất đến khâu phân phối chưa được quan tâm, chỉ đạo, giám sát thực hiện nghiêm và thống nhất dẫn đến việc định giá nhiều mặt hàng còn mang tính tự phát, tùy tiện. Thêm vào đó, yếu tố tâm lý tác động cũng ảnh hưởng khá lớn tới việc hình thành giá cả đẩy lạm phát tăng cao…
Năm 2011 được xác định là năm khó khăn, cùng với việc quản lý, giám sát chặt chẽ tín dụng ngân hàng, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt chính sách tài khóa, tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm đầu tư công, giảm nợ công để góp sức kiềm chế lạm phát.
Việc thực hiện các giải pháp này bước đầu đã có nhiều tín hiệu vui: Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 3,32% nhưng tháng 5 chỉ tăng 2,21%, tháng 6 tăng 1,09%, tháng 7 tăng 1,17%, tháng 8 tăng 0,93%, tháng 9 chỉ tăng 0,82%, tháng 10 lại giảm tiếp, còn 0,36%, tháng 11 là 0,39% so với tháng trước. Tháng 12 là tháng có Tết dương lịch nhưng CPI cũng chỉ tăng 0,53% so với tháng 11 và tăng 18,13% so với tháng 12-2010. Bình quân cả năm chỉ số CPI tăng 18,58% so với bình quân năm trước, tuy còn cao hơn kế hoạch phấn đấu (18%) nhưng trong bối cảnh bất lợi chung của nền kinh tế thế giới tác động thì đây cũng là một kết quả rất đáng trân trọng.
Những liều “thuốc đặc trị” tiếp tục sử dụng
Tại cuộc họp báo công bố “Triển vọng phát triển Châu Á năm 2011” (ngày 14-9) tại Hà Nội, Giám đốc Ngân hàng Thế giới, bà Victoria Kwa Kwa, bình luận: “… nếu nới lỏng việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 thì kinh tế Việt Nam sẽ bất ổn trầm trọng hơn và có thể xảy ra khủng hoảng kép”.
Đây là một nhận định khách quan của người ngoài cuộc nhưng cũng rất trúng với thực tế suy nghĩ của chúng ta. Bởi, từ tháng 8 trở lại đây, CPI giảm nhưng chưa thật sự ổn định, thậm chí là đã ấm lên và có xu hướng đảo chiều từ tháng 12 do áp lực nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm hàng hoá tăng lên để chào đón năm mới - xuân Nhâm Thìn. Thêm vào đó, rục rịch tâm lý Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu, tăng thêm trợ cấp chế độ cho người lao động, tất yếu khoảng cách cung - cầu sẽ dãn ra, giá cả tăng cao là khó tránh khỏi. Vì vậy, không cách nào khác, ngay từ tháng mở đầu năm dương lịch 2012, chúng ta vẫn phải tập trung cao độ các nguồn lực tiếp tục thực hiện nghiêm các nhóm giải pháp chủ yếu đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ và Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội khóa XIII ban hành ngày 8-11-2011 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 là “… Tiếp tục ưu tiên kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền”, cụ thể:
Trước hết là điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ linh hoạt nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát. Vận hành các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lượng cung tiền tệ trên cơ sở đáp ứng đủ các nhu cầu vốn hợp lý và chính xác cho nền kinh tế. Về vấn đề lớn này, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra trong hai ngày 30-11 và 01-12-2011 đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh “Ngân hàng Nhà nước cần tính toán tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, điều hành lãi suất cho vay phù hợp với chỉ số lạm phát đang giảm dần, theo đó là hết sức chú ý tới vấn đề nợ xấu và tính thanh khoản của các ngân hàng”.
Hai là tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, chặt chẽ giá cả phù hợp với cơ chế thị trường, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ độc quyền phù hợp với cơ chế thị trường nước ta và nguyên tắc hội nhập kinh tế quốc tế. Phải tính toán đầy đủ, chính xác các loại chi phí ở tất cả các khâu để hình thành giá các mặt hàng trong hệ thống giá bán buôn, bán lẻ từ sản xuất đến lưu thông, chống tình trạng đầu cơ, làm giá cao quá mức.
Ba là khẩn trương tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình quản lý kinh doanh, trong đó tập trung 3 lĩnh vực quan trọng nhất, đó là: (a) Tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công. Ngay trong năm 2012 đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các khoản hỗ trợ mục tiêu từ ngân sách trung ương phải được kiểm soát chặt chẽ và có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền ở Trung ương để bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, cắt khúc, kéo dài. Xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 3-5 năm thay vì việc bố trí vốn kế hoạch hàng năm như hiện nay… (b) Tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước bằng cách đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và chuyển đổi sở hữu mà trước hết là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Sửa đổi các chính sách về định giá, bán, khoán từng phần hoặc chia nhỏ thành các công ty thành viên để cổ phần hóa. Phần vốn thu được từ cổ phần hóa phải tập trung về ngân sách nhà nước để đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, hoặc tăng nguồn trả nợ của Nhà nước mà không chuyển về công ty mẹ hoặc Tổng công ty Quản lý vốn và tài sản nhà nước như hiện nay. (c) Tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác theo hướng giảm số lượng, tăng quy mô, nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động của ngân hàng, thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao để tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tiết kiệm nhiên liệu, tăng hiệu quả kinh tế, giảm giá thành sản phẩm. Thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ để cung cấp, thay thế các mặt hàng, nguyên vật liệu đang nhập khẩu, từ đó hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị tăng thêm trong nước, giảm nhập siêu…
Rõ ràng, lạm phát đã và đang là vấn đề nóng, tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Từ kết quả triển khai thực hiện các nhóm giải pháp năm 2011 nêu trên, chúng ta có thể khẳng định: Đây là một bài toán khó nhưng đã có lời giải; một căn bệnh nan y nhưng đã có “thuốc đặc trị” hữu hiệu để tiếp tục sử dụng kiềm chế, đẩy lùi lạm phát (CPI) năm 2012 xuống dưới 10%, mục tiêu đã được Quốc hội khóa XIII thông qua./.
Hà Nội: Kỷ niệm 1972 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng  (28/01/2012)
Thành phố Hồ Chí Minh: Tết “đoàn kết, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm”  (28/01/2012)
Sôi nổi các hoạt động văn hóa đầu Xuân Nhâm Thìn  (28/01/2012)
Hà Nội ra quân đảm bảo an toàn giao thông 2012  (28/01/2012)
Tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng công tác cán bộ  (28/01/2012)
Tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng công tác cán bộ  (28/01/2012)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay