Chăm lo tốt đời sống người có công nhân dịp Tết Nhâm Thìn
Năm 2012 được đánh giá là năm có ý nghĩa quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm.
Sự hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của các thế hệ người có công, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tích cực thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong dịp Tết đầu năm như một lời tri ân sâu sắc. Mặc dù kinh tế đất nước năm 2011 còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác chăm lo Tết cho người có công đã được triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để bảo đảm các gia đình chính sách đều được đón Tết đầy đủ, vui vẻ, ấm áp và an toàn.
Từ cuối năm 2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ phê duyệt mức quà Tết cho các đối tượng chính sách. Quyết định số 2342/QĐ-CTN được ký, tổng kinh phí gần 391 tỉ đồng là tiền quà của Chủ tịch nước dành tặng cho hơn 1,8 triệu người có công trong dịp Tết. Công văn hướng dẫn địa phương về việc tặng quà Tết cũng được ban hành ngay sau đó. Mức quà 400.000 đồng được dành tặng cho 7 loại đối tượng chính sách gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; Người hoạt động cách mạng từ 1-1-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng; Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31-12-1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Mức quà 200.000 đồng dành tặng 5 loại đối tượng chính sách gồm: Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31-12-1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; Đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ; vợ, chồng; con; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ); Đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ (anh, em, người được họ tộc ủy nhiệm việc thờ cúng liệt sĩ); Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Việc cấp chuyển quà của Chủ tịch nước được lãnh đạo địa phương trực tiếp đôn đốc, nhắc nhở thực hiện đầy đủ, kịp thời bên cạnh việc cấp chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, bảo đảm hoàn thành việc chuyển quà đến tất cả các gia đình chính sách trước Tết Nguyên đán theo đúng quy định. Các địa phương cũng trích một phần lớn ngân sách thăm hỏi tặng quà cho người có công nhân dịp Tết 2012 như: thành phố Hà Nội (250 tỉ đồng), thành phố Hồ Chí Minh (152 tỉ đồng), thành phố Hải Phòng (hơn 11 tỉ đồng), tỉnh Thái Bình (14 tỉ đồng), tỉnh Đắk Nông (hơn 15 tỉ đồng), tỉnh Quảng Ngãi (hơn 4,6 tỉ đồng), tỉnh Lạng Sơn (hơn 2,4 tỉ đồng), tỉnh Thanh Hoá (hơn 10 tỉ đồng)... Đến nay cả nước đã tổ chức thăm tặng quà các gia đình chính sách hàng nghìn tỉ đồng.
Riêng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định tặng quà 1.215 đối tượng chính sách không thuộc đối tượng tặng quà của Chủ tịch nước. Theo đó, có hai mức cụ thể là: đối tượng chính sách thuộc các gia đình có công tiêu biểu tại các huyện, thị xã, thành phố sẽ nhận mức 300.000 đồng/người; đối tượng là người thờ cúng cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã từ trần sẽ nhận mức 200.000 đồng/người. Tỉnh cũng hỗ trợ 100.000 đồng/người cho 858 đối tượng là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chi ngân sách hỗ trợ các mức 1 triệu, 1,5 triệu đồng và 2 triệu đồng/ người cho các đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh.
Tết Nhâm Thìn 2012, các đối tượng chính sách còn nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của các tổ chức đoàn thể trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chương trình “Những tấm lòng cao cả”, “Còn mãi với thời gian”... được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân có tác dụng lớn trong việc vận động, huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay giúp sức để người có công có một cái Tết ý nghĩa.
Tính ưu việt của thế kiềng “Đảng, Nhà nước - Đoàn thể, cá nhân, tập thể - người có công” đã phát huy hiệu quả to lớn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống đối tượng chính sách trong dịp Tết. Tiêu biểu như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, ngoài quà Tết từ nguồn ngân sách thành phố, các tổ chức hội, đoàn thể, các địa phương còn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng quà Tết, nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng.
Chăm lo người sống, không quên ơn người đã khuất, dịp Tết cổ truyền, 63 tỉnh, thành phố đều tiến hành sửa sang, tu bổ, tổ chức đặt vòng hoa tại các nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại hơn 3000 nghĩa trang và các công trình tưởng niệm liệt sĩ. Chế độ tiếp đón và hỗ trợ thân nhân liệt sĩ thăm viếng mộ trong dịp Tết được thực hiện công khai, minh bạch và nhanh chóng. Công tác thăm hỏi, tặng quà đối tượng cũng được chuẩn bị chu đáo. Ngay từ những ngày đầu năm 2012, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lãnh đạo tại các địa phương đã trực tiếp đến thăm hỏi, chúc sức khỏe và tặng quà các gia đình mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, lão thành cách mạng, gia đình thân nhân của liệt sĩ, các trung tâm điều dưỡng thương binh trên cả nước tại một số địa phương như Thái Nguyên, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Những chuyến thăm hỏi luôn thắm đượm tình cảm biết ơn sâu sắc, động viên các đối tượng, gia đình người có công phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, tiếp tục cống hiến xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Ngoài việc chuyển quà Tết đầy đủ, kịp thời cũng như các chế độ ưu đãi khác cho người có công, các chính sách về bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ... cơ bản được các ngành, đơn vị triển khai thực hiện tốt. Ngày 14-1-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 85/CĐ-TTg yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm cho nhân dân cả nước đón Tết Nhâm Thìn truyền thống trong không khí phấn khởi, vui tươi, an toàn và tiết kiệm./.
Tiến trình “tái khởi động” quan hệ Nga - Mỹ đi về đâu?  (19/01/2012)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp hương tưởng niệm các đồng chí cố Tổng Bí thư của Đảng  (19/01/2012)
Lương bình quân tăng nhưng chỉ đủ bù trượt giá  (19/01/2012)
Hy Lạp nối đàm phán giảm nợ với chủ nợ tư nhân  (19/01/2012)
Mỹ và Hàn Quốc nhất trí tập trận chung  (19/01/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay