Tiến trình “tái khởi động” quan hệ Nga - Mỹ đi về đâu?
Việc ông Vladimir Putin gần như chắc chắn trở lại chiếc ghế Tổng thống Nga vào tháng 3-2012 và sự bùng phát các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga hồi cuối năm qua là những diễn biến khá bất ngờ, khiến các chính trị gia Mỹ đang bắt đầu từ bỏ chính sách mềm mỏng với Nga mà Nhà Trắng đã kiên trì thực hiện trong gần 3 năm qua.
Lý do Mỹ “đổi giọng” trong quan hệ với Nga ít nhiều bắt nguồn từ vai trò cá nhân. Thái độ hăng hái của Mỹ trong việc “tái khởi động” quan hệ với Nga rõ ràng là phụ thuộc không nhỏ vào mối quan hệ cá nhân tương đối “xuôi chèo mát mái” giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Đmitry Međveđev - một chính trị gia có tư tưởng tự do và ủng hộ phương Tây, thay thế ông V. Putin vào năm 2008. Và sự “đổi giọng” của Mỹ trong quan hệ với Nga càng trở nên rõ ràng hơn kể từ tháng 9-2011, thời điểm ông M. Međveđev và ông V. Putin công khai tuyên bố sẽ “hoán đổi” vị trí cho nhau. Khi biết chắc ông M. Međveđev sẽ không tái tranh cử tổng thống và không còn là “nhân vật số một” ở nước Nga kể từ tháng 3 tới, dường như Mỹ đã không còn phải “giữ ý”. Điển hình là những can thiệp công khai hoặc kín đáo của Mỹ vào cuộc bầu cử Đuma Quốc gia Nga hồi cuối năm qua. Chính thái độ này của Mỹ ít nhiều dẫn đến sự “lục đục” trong quan hệ giữa hai cường quốc của thế giới.
Trong khi đó, tuy chưa trở lại Điện Cremli, ông V. Putin đã tuyên bố chú trọng thành lập “Liên minh Âu - Á” với Cadaxtan và Belarus vào năm 2013, thay vì tiếp tục cổ súy cho mối quan hệ nồng ấm Nga - Mỹ. Và ý tưởng này chắc chắn gây lo ngại cho Washington. Thậm chí, ông Aleksei Pushkov - nhà bình luận chính sách đối ngoại cấp cao mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đuma Quốc gia Nga - trong cuộc trả lời phỏng vấn giới báo chí đã không cần úp mở khi khẳng định rằng, việc “tái khởi động” quan hệ Nga - Mỹ đã bị hủy. Nhà bình luận này còn tuyên bố, ông V. Putin là hiện thân của ý tưởng “Nga là trung tâm quyền lực toàn cầu và trung tâm của Liên minh Âu - Á”. Và đây rõ ràng là điều Mỹ không thể chấp nhận, cho dù trước đó, Washington cũng đã công khai khẳng định rằng, Mỹ mong muốn xây dựng quan hệ tốt với Nga, bất kể tổng thống nước này là ai.
Tuy vậy, giai đoạn tái thiết lập quan hệ Nga - Mỹ cũng đã tạo được những đột phá nhất định trong hợp tác song phương, cũng như mối quan hệ của Nga với NATO. Đó là việc hai nước ký hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới hồi tháng 4-2010 nhằm giảm kho vũ khí hạt nhân, và thỏa thuận hồi tháng 11-2010 cho phép NATO vận chuyển hàng hóa phi quân sự tới Afghanistan thông qua lãnh thổ Nga. Tuy đã được thông qua và có hiệu lực từ tháng 2-2012, song việc triển khai thực hiện START mới chắc chắn sẽ vấp phải những trở ngại không nhỏ, nhất là trong bối cảnh năm 2012 sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tại cả Nga và Mỹ.
Một khác biệt cũng được ghi nhận trong quá trình “tái khởi động” này là Nga vừa gia nhập “sân chơi” thương mại lớn nhất thế giới, đó là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hồi trung tuần tháng 12-2011, cho dù thời gian đàm phán kéo dài kỷ lục, tới 18 năm. Đây là những thành tựu không nhỏ trong quá trình hâm nóng quan hệ Nga - Mỹ, song so với sự kỳ vọng, quả thật đó vẫn chỉ là những kết quả không khiến người ta phải quá vui mừng.
Công bằng mà nói, việc ông V. Putin gần như chắc chắn trở lại nắm quyền Tổng thống Nga đã làm thay đổi thái độ không chỉ của Mỹ, mà cả của Nga. Điều này càng trở nên đặc biệt rõ ràng sau khi xuất hiện các cuộc biểu tình trên đường phố ở Moskva phản đối cuộc bầu cử hồi tháng 12-2011. Nếu như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thể hiện lập trường cứng rắn bao nhiêu về cuộc bầu cử cơ quan hạ viện Nga, thì Thủ tướng đương nhiệm Nga V. Putin càng cứng rắn bấy nhiêu trong các cáo buộc bà Hillary Clinton đã “gửi các tín hiệu” tới phe đối lập tại Nga. Ông V. Putin nói rằng, các nhân vật bất đồng chính trị ở Nga đang được một số quốc gia bên ngoài “lợi dụng” trong các màn trình diễn truyền thông.
Mối quan hệ Nga - Mỹ cũng trở nên căng thẳng trong nhiều lĩnh vực khác. Việc Mỹ theo đuổi hệ thống tên lửa đạn đạo tại châu Âu, với lý giải là nhằm vào Iran, cũng đã châm ngòi cho phản ứng mạnh mẽ từ Điện Cremli. Việc tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ ban đầu có được một phần là nhờ việc Nhà Trắng phản đối hệ thống tên lửa của ông George W. Bush. Giờ đây, Điện Cremli nói rõ rằng, hệ thống tên lửa mới cũng không thể chấp nhận được.
Đến lúc này, nếu bi quan, có thể nói như ông Aleksei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đuma Quốc gia Nga, rằng việc “tái khởi động” quan hệ Nga - Mỹ đã bị hủy. Còn nếu lạc quan hơn, có thể nhận định như ông Cliff Kupchan, chuyên gia nghiên cứu về Nga của Nhóm Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia, rằng việc “tái khởi động” quan hệ Nga - Mỹ chưa kết thúc, mà chỉ là… lâm nguy. Theo ông Cliff Kupchan, đối với Mỹ, sự giúp đỡ của Nga - hoặc ít nhất là việc Nga không gây cản trở - là rất cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề tại Iran và Afghanistan. Tuy nhiên, với việc cả hai nước đang bước vào năm bầu cử, có rất ít động cơ từ cả hai phía để thực hiện các bước đi lớn hướng tới một sự hòa giải. Dù thế nào, dư luận quốc tế vẫn mong mỏi quá trình “tái khởi động” quan hệ Nga - Mỹ sẽ không dừng lại ở chỗ chỉ cùng nhau nhấn nút “tái khởi động”./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp hương tưởng niệm các đồng chí cố Tổng Bí thư của Đảng  (19/01/2012)
Lương bình quân tăng nhưng chỉ đủ bù trượt giá  (19/01/2012)
Hy Lạp nối đàm phán giảm nợ với chủ nợ tư nhân  (19/01/2012)
Mỹ và Hàn Quốc nhất trí tập trận chung  (19/01/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay