Phóng viên Báo Quân đội nhân dân và một số cơ quan báo chí đã có cơ hội quý báu được gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Hun Xen trong một ngày đầu năm 2012. “Chúng tôi gọi bộ đội tình nguyện Việt Nam là đội quân của Tiên, của Phật”, nhân vật lịch sử của Cam-pu-chia nói trong cuộc phỏng vấn dài hơn hai giờ đồng hồ…

Logic trốn tội của những kẻ sát nhân

PV: Ngày 7-1-1979 là một mốc quan trọng trong lịch sử. Đó là ngày sụp đổ của chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Xin Thủ tướng cho biết ý nghĩa của ngày trọng đại này đối với nhân dân Cam-pu-chia?

Thủ tướng Hun Xen: Không có điều đáng vui mừng hơn đối với nhân dân Cam-pu-chia khi chúng tôi được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ và hồi sinh. Chúng tôi nhớ rằng, Việt Nam cũng có những ngày vui tương tự như ngày 30-4-1975. Chúng tôi đã thoát chết nhờ phong trào đấu tranh của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam. Thông qua sự hồi sinh này, hơn 30 năm qua, chúng tôi đã và đang xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

PV: Mới đây, tại phiên tòa xét xử các cựu thủ lĩnh Khơ-me Đỏ về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và chống lại loài người do Liên hợp quốc bảo trợ, tổ chức tại Phnôm Pênh, những kẻ diệt chủng vẫn bác bỏ mọi cáo buộc, thậm chí đưa ra những lời ngụy biện xúc phạm lịch sử cũng như công lao của quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc giải cứu Cam-pu-chia khỏi nạn diệt chủng. Ý kiến của Thủ tướng về lời nói dối đi ngược lại lịch sử của những kẻ diệt chủng? 

Thủ tướng Hun Xen: Đây chỉ là vấn đề theo kiểu logic trốn tội của những kẻ sát nhân mà thôi. Như chúng ta thấy, kẻ cắp thường nói không bao giờ ăn trộm của ai. Giả sử bọn chúng không diệt chủng thì thử hỏi tại sao bây giờ lại cần có Tòa án đặc biệt xét xử Khơ-me Đỏ? Việc Tòa án này được thiết lập đồng nghĩa với việc chân lý thuộc về bộ đội tình nguyện Việt Nam đã giúp Cam-pu-chia. Sự thật hiển nhiên là Cam-pu-chia có chế độ diệt chủng và cũng có lực lượng chính trị và quân sự chống lại chế độ này với sự giúp đỡ quý báu của Việt Nam. Lực lượng quân sự Việt Nam có mặt tại Cam-pu-chia là nhằm đáp ứng yêu cầu của nhân dân Cam-pu-chia.

PV: Trong cuốn sách “Hun Xen nhân vật xuất chúng của Cam-pu-chia”, tác giả viết rằng, Thủ tướng đã phẫn nộ khi được hỏi về việc coi thời kỳ Việt Nam giúp Cam-pu-chia là xâm lược. Tại sao lại như vậy thưa Thủ tướng?

Thủ tướng Hun Xen: Lúc đó trên thế giới không nước nào giúp Cam-pu-chia, mà chỉ có lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam đã giúp Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng và ngăn chặn chế độ Pôn Pốt quay trở lại. Khi chúng tôi vững mạnh, Việt Nam đã rút quân. Kể từ năm 1989 cho đến nay không có sự hiện diện của quân đội Việt Nam tại Cam-pu-chia. Tôi hoàn toàn không thể chấp nhận việc coi Việt Nam giúp Cam-pu-chia là hành động xâm lược. Tôi đặt câu hỏi thế này: Tại sao khi chúng tôi, một dân tộc sắp chết lại không được nhờ quân đội Việt Nam giúp đỡ?

Trong tâm tưởng người dân Cam-pu-chia, bộ đội tình nguyện Việt Nam là “đội quân nhà Phật”

PVCó ý kiến đánh giá rằng bộ đội tình nguyện Việt Nam là “đội quân nhà Phật”, ông nghĩ sao về điều này?

Thủ tướng Hun Xen: Chúng tôi gọi bộ đội tình nguyện Việt Nam là đội quân của Tiên, của Phật. Nhân dân Cam-pu-chia theo đạo Phật và tin Tiên, Phật có thể giúp đỡ được mọi người. Khi khó khăn sắp chết thì chắp tay khấn Phật, Tiên cứu giúp mà lại có đơn vị bộ đội Việt Nam thì rõ ràng bộ đội Việt Nam là lực lượng của Tiên, của Phật rồi.

PV: Nếu có một thông điệp gửi tới thân nhân của những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã hy sinh tại Cam-pu-chia, Thủ tướng sẽ nói gì?

Thủ tướng Hun Xen: Nhân dịp này, chúng tôi muốn gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đến gia đình những người đã hy sinh, các thương binh, các cựu chiến binh Việt Nam đã chiến đấu vì sự sống còn của nhân dân Cam-pu-chia. Chúng tôi mãi mãi ghi ơn công lao to lớn này. Hiện nay, hài cốt của bộ đội tình nguyện Việt Nam chưa được hồi hương toàn bộ. Chúng tôi có trách nhiệm và đang nỗ lực phối hợp với Việt Nam tìm kiếm, quy tập hài cốt về quê cha đất Tổ.

PV: Hai tiếng Việt Nam luôn gợi lên cho Thủ tướng điều gì?

Thủ tướng Hun Xen: Không thể nói hết ý nghĩa của hai tiếng Việt Nam. Nhưng đối với tôi, Việt Nam đồng nghĩa với sự hồi sinh và sự phát triển của Cam-pu-chia. Việt Nam có hai tiếng Việt và Nam. “Việt” có nghĩa là sự hồi sinh của Cam-pu-chia, “Nam” có nghĩa là sự phát triển của Cam-pu-chia.

PV: Hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ và doanh nhân cần phải làm gì để thắt chặt quan hệ đoàn kết hữu nghị và thúc đẩy hợp tác toàn diện trong tương lai?

Thủ tướng Hun Xen: Thế hệ chúng tôi quen biết, dễ nói chuyện với nhau. Tôi tin với nỗ lực của hai nước, thanh niên thế hệ mai sau cũng sẽ hợp tác tốt với nhau. Nhiều thanh niên có thể nói tiếng Việt và tiếng Khơ-me. Nhưng điều quan trọng là khi gặp nhau, họ nói chuyện bằng tiếng Anh. Chúng ta cũng cần tăng cường các hoạt động văn hóa, thể thao để tìm hiểu nhau, học tập nhau. Thanh niên hợp tác kinh doanh với nhau cũng thuận lợi hơn vì nhanh nhạy hơn thế hệ sinh ra trong thời kỳ chiến tranh như chúng tôi. Quan hệ tốt về lĩnh vực kinh tế là điều quan trọng trong hợp tác chính trị.

Đề bạt chưa bao giờ hỏi tuổi

PV: Thủ tướng muốn gửi gắm điều gì cho giới trẻ hai nước?

Thủ tướng Hun Xen: Một số người cho rằng, người trẻ thì không làm được việc. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của bản thân và của các thanh niên Cam-pu-chia trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, theo tôi, thanh niên có khả năng làm mọi việc dù họ cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ người nhiều tuổi. Từ khi làm Thủ tướng cho đến nay, khi đề bạt một ai vào chức vụ nào đó tôi chưa bao giờ hỏi tuổi. Không phải cứ 40 hay 50 tuổi mới làm được Bộ trưởng mà quan trọng có dám giao nhiệm vụ cho lớp trẻ và họ có làm được việc hay không. 27 tuổi tôi đã làm Bộ trưởng Ngoại giao và 32 tuổi đã làm Thủ tướng đấy thôi. Người ta nói rằng “tre già, măng mọc”. Không có măng thì cả rừng tre cũng chết. Tất nhiên, thanh niên cũng cần nỗ lực để từ măng trở thành tre tốt.

PV: Thủ tướng có muốn các con trai mình theo con đường chính trị như cha hay không?

Thủ tướng Hun Xen: Ba con trai tôi đều là quân nhân. Tôi muốn các con phục vụ trong quân đội vì muốn các con thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, biết thương yêu dân tộc theo gương cha. Tuy nhiên, tôi không muốn các con tham gia chính trị như bố. Có thể nói, tôi muốn dòng họ Hun sẽ chấm dứt cầm quyền khi hết giai đoạn Hun Xen. Nhưng không phải tôi muốn là được mà còn yếu tố khách quan nữa. Dòng giống nhà tôi vốn không phải là chính trị gia mà là nông dân hoặc làm công chức, bác sĩ, giáo viên. Nhưng hoàn cảnh đã buộc tôi phải ở vị trí này.

PV: Thủ tướng đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, từ một chú tiểu, du kích đến Bộ trưởng rồi Thủ tướng, từng sống trong cảnh đen tối trong thời Pôn Pốt, nhiều lần đối mặt với cái chết. Với Thủ tướng, cho đến nay đâu là giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời?

Thủ tướng Hun Xen: Điều đáng nhớ không phải là việc tôi làm Thủ tướng hay Bộ trưởng. Tôi bị hỏng một mắt khi 23 tuổi và suýt chết. Trở thành người tàn tật ở độ tuổi thanh niên là điều không thể quên được. Một việc khác tôi cũng mãi nhớ là đứa con trai lớn của tôi đã bị chết do một bà y tá vuột tay làm rơi xuống đất. Tôi đã xin chỉ huy (lực lượng Khơ-me Đỏ - PV) mang xác của cháu đi chôn nhưng họ không cho phép. Là cha mà không được chôn con mình thì còn điều gì buồn khổ và đau xót hơn? Thời khắc thứ ba tôi mãi không quên là ngày 20-6-1977. Ngày đó, bỏ lại người vợ đang có mang 5 tháng, tôi chạy sang Việt Nam tìm sự giúp đỡ để có được ngày hôm nay. Có nhiều điều ghi nhớ nữa trong đó có việc tôi xây dựng Đoàn 125, hay được cưới vợ năm 1976. Thời kỳ Pôn Pốt, họ không cho cưới theo kiểu truyền thống. Lúc đó chúng tôi là một cặp trong đám cưới tập thể gồm 13 đôi. Còn nhiều kỷ niệm nữa mà tôi kể 5 ngày 5 đêm cũng không hết (cười). Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ mất hy vọng. Càng khó khăn chúng ta càng cần cố gắng.

Rau muống chấm nước mắm

PV: Xin Thủ tướng hãy chia sẻ những sở thích của mình? Hiện nay Thủ tướng còn sáng tác nhạc hay không?

Thủ tướng Hun Xen: Tôi cũng có sở thích riêng như tất cả mọi người khác. Tôi thích gôn nhưng ít có thời gian chơi vì công việc quá nhiều. Nói như vậy cũng không phải là tôi hoàn toàn không thực hiện được những sở thích của mình. Ví dụ, dù không biết hát nhưng tôi cũng đã sáng tác được hơn 200 bài hát. Nhiều kênh truyền hình và đài phát thanh thường xuyên cho phát sóng. Sáng tác nổi tiếng nhất của tôi là bản “Cuộc đời của chú tiểu”, bài hát này được ưa thích vì nó không chỉ đúng với cuộc đời của tôi mà còn đúng với cuộc đời của nhiều người khác nữa do nhiều sinh viên Cam-pu-chia trú ở trong chùa. Hay những sáng tác về việc tôi và vợ phải chia lìa cũng vậy. Trong thời kỳ Pôn Pốt, đó không phải là việc riêng gia đình tôi mà là vấn đề chung dường như diễn ra khắp nước. 

Ngày nào không đọc tin tức ngày đó tôi như không được ăn cơm. Tôi muốn khi về hưu sẽ viết báo, viết sách. Có khi bài viết của tôi lại bán chạy vì tôi biết nhiều chuyện bí mật mà đến nay chưa được nói ra. Nói vậy chứ, tôi thích viết sách, viết báo là vì muốn những người chưa rõ có thể hiểu đúng tình hình thôi.

PV: Khi ở Việt Nam, Thủ tướng thích món ăn gì nhất?

Thủ tướng Hun Xen: Trước tiên, tôi muốn nói rằng một số món ăn Việt Nam ở Cam-pu-chia phổ biến đến mức trở thành tiếng Cam-pu-chia như bánh xèo, chả giò, bánh hỏi, bánh cuốn… Hai nước chúng ta không chỉ có tình đoàn kết hữu nghị mà lại còn có quan hệ tốt về ẩm thực. Cá nhân tôi thì ăn gì cũng được nhưng nói đến món rau muống chấm nước mắm là nhỏ nước miếng. Loại rau muống đó thường có ở Hà Nội. Ở miền Nam, tôi thích ăn thịt kho tiêu. Tại Vũng Tàu thì tôi thích ăn ốc hương. Có một lần tôi đã ăn liền 84 con ốc hương. Món yêu thích thứ tư là canh chua, món này cũng nổi danh ở Cam-pu-chia.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng!