Vì sao triển vọng kinh tế thế giới năm 2012 không mấy lạc quan?
TCCSĐT - Trước thềm năm mới, nhiều tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế; các hãng thông tấn, báo chí trên thế giới đã đưa ra những dự báo không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2012. Theo đó, khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ vẫn đang có nguy cơ lan rộng và đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái trầm trọng hơn. Vì thế, câu hỏi nêu trên được các chuyên gia kinh tế - tài chính và dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.
1. Nợ công châu Âu vẫn chưa được hóa giải
Năm 2012, châu Âu vẫn đang đứng trước bờ vực suy thoái, những khó khăn của kinh tế châu Âu là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Các cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro có nguy cơ lan rộng, đe dọa đẩy Eurozone rơi vào suy thoái trầm trọng hơn. Lãnh đạo các nước thành viên EU, nhất là hai nền kinh tế đầu tàu là Ðức và Pháp đã thu hẹp bất đồng nhưng vẫn còn khoảng cách xung quanh việc giải cứu Eurozone. Ðiều này khiến tình hình kinh tế khu vực chưa thể phục hồi, nhiều nhà đầu tư mất lòng tin và lo ngại về nguy cơ sụp đổ của Eurozone trong tương lai gần.
Giám đốc giám sát kinh tế toàn cầu thuộc Phòng phụ trách về kinh tế và xã hội tại Liên hợp quốc cảnh báo, nếu các nước thành viên EU không đồng thuận về những biện pháp cơ bản nhằm khôi phục lòng tin của thị trường và kiềm chế nợ công lan rộng sang các nền kinh tế mạnh hơn thì việc EU rơi vào suy thoái trầm trọng là điều không thể tránh khỏi.
Các chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP châu Âu chỉ đạt -0,2% năm 2012 và tiếp tục tăng trưởng “yếu” trong những năm tiếp theo. Theo Bộ Phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế (Anh), kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại là do sự suy giảm của nhóm Eurozone, dẫn đến suy giảm lòng tin của giới đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tác động thị trường, nhất là khu vực Ðông Âu và Bắc Phi cũng như các nước đang nổi ở châu Á. Tạp chí này cho biết, khủng hoảng nợ công của Eurozone chưa có dấu hiệu lắng dịu. Nếu cuộc khủng hoảng ở châu Âu trầm trọng thêm, một số nước có thể sẽ phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung này.
Hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc ngày 10-12-2011 đã đưa ra cơ chế mới với 26/27 nước thành viên đồng ý tham gia, nhằm giải cứu Eurozone nhưng vẫn cần thời gian để cơ chế này có hiệu lực pháp lý. Lý do là vì “Công ước tài chính” mới này được xây dựng dựa trên các Hiệp ước liên chính phủ, áp dụng cho Eurozone và những nước tham gia công ước. Trong tương lai, thuế và kế hoạch chi tiêu của các nước thành viên EU sẽ phải đệ trình các cơ quan chức năng EU trước khi gửi các chính phủ. Tuy nhiên, một số nước vẫn còn phải đợi quốc hội nước họ thông qua vào tháng 3-2012. Vì thế, Tập đoàn Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo, khủng hoảng kinh tế sẽ vẫn đeo bám châu Âu trong vài năm nữa và cho rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ kìm nén tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
2. Đầu tàu kinh tế phục hồi chậm chạp
Kinh tế Mỹ, vốn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 30% GDP toàn cầu; đồng USD lại có vai trò đồng tiền thế giới nhưng đang trong trạng thái phục hồi chậm và vẫn đang đứng bên “bờ vực” của sự suy thoái. Tính đến 18-11-2011, Mỹ hiện vẫn phải đối phó với khoản nợ khổng lồ đã vượt quá 15.000 tỉ USD (ước khoảng hơn 100%/GDP) và còn đang tăng nhanh (lên khoảng 238 tỉ USD/ngày), cùng những mâu thuẫn chính trị - xã hội nảy sinh, khi phong trào “Chiếm phố Wall” đã lan ra nhiều nơi trên đất Mỹ. Các chính sách về thuế, lao động, việc làm... của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang vấp phải sự phản đối của Đảng Cộng hòa vốn cho rằng, chính sách trên không giúp kích thích kinh tế Mỹ mà chỉ tác động tiêu cực đến các chủ doanh nghiệp nhỏ.
Vừa qua, Chính phủ Mỹ buộc phải nâng mức trần nợ công lên 2.400 tỉ USD và yêu cầu cắt giảm 2.100 tỉ USD chi tiêu công trong 10 năm tới. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng mạnh, thị trường nhà đất đóng băng, đời sống người dân ngày càng khốn khó... là những minh chứng cụ thể cho thấy, kinh tế Mỹ tuy đang phục hồi nhưng vẫn khá “mong manh”. Theo những lý do đó, các chuyên gia kinh tế - tài chính dự đoán, nền kinh tế lớn nhất hành tinh vẫn có khả năng tái khủng hoảng, hoặc lâm vào chu kỳ suy thoái mới. Tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ ở mức 1,8% năm 2012 và năm 2013 - 2014 vẫn chưa có khả năng khởi sắc, nếu không có các giải pháp đột phá trong điều hành vĩ mô, nhằm kích thích tài chính trong một tương lai gần, và giảm thâm hụt ngân sách trong thời gian tới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên hợp quốc đã cảnh báo, nền kinh tế thế giới có thể phải đối mặt nhiều khó khăn hơn trong năm 2012, chủ yếu chịu tác động do suy thoái tại các nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ.
3. Động lực phát triển còn hạn chế
Theo quan điểm của Goldman Sachs, những vấn đề mà hiện các nước phát triển đang phải đối mặt thì các nền kinh tế mới nổi sẽ không mắc phải, ít nhất là trong vài năm tới. Lạm phát ở các quốc gia mới nổi sẽ giảm tốc độ và chính sách ngăn chặn sự suy giảm tốc độ tăng trưởng đã và đang được các nước thực hiện vào thời điểm cuối năm 2011, với việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cắt giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tín dụng quốc gia, lần đầu tiên trong 3 năm qua.
Nhà kinh tế học G.Lion thuộc Ngân hàng Standard Chartered, có trụ sở tại Anh dự đoán, tăng trưởng của kinh tế thế giới đang dịch chuyển sang phía Đông, viễn cảnh kinh tế toàn cầu đang đi theo hai tốc độ khác nhau và có xu hướng: Khi nền kinh tế châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái, kéo kinh tế thế giới đi xuống trong những tháng đầu năm mới thì ngược lại, các quốc gia châu Á, đi đầu là Trung Quốc, lại giữ vai trò thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và cân bằng lại vào cuối năm 2012.
4. Lãi suất trái phiếu tăng dần, USD giảm giá, vàng lên ngôi
Goldman Sachs dự báo, đường lối chính sách tiền tệ của các nước phát triển sẽ tiếp tục theo hướng lỏng lẻo như hiện nay trong 2 năm tới và lạm phát tại các nền kinh tế này sẽ ở mức vừa phải. Chẳng hạn, đồng USD sẽ giảm giá so với đồng peso của Mexico (còn 12,5 Peso/USD), giảm hơn so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (còn 6,13 CNY/USD) và thấp hơn so với đồng bảng Anh (còn 0,58 GBP/USD)…
Còn trong dự báo “Triển vọng năm 2012” về giá chứng khoán, vàng và các cơ hội kinh doanh hàng hóa khác công bố ngày 13-12-2011, các chuyên gia của Tạp chí Tiền tệ Buổi Sáng (Mỹ) nhận định, giá vàng thế giới trong năm 2012 sẽ tăng lên mức hơn 2.200 USD/ounce. Các chuyên gia nhấn mạnh, mặc dù giá vàng thế giới đã giảm từ mức giá cao nhất 1.920 USD/ounce hồi tháng 9-2011 xuống 1.663,1 USD/ounce hiện nay nhưng trong 12 tháng qua, giá vàng đã tăng 22%. Khi giá vàng tăng phi mã, các công ty khai thác vàng đã giới hạn sản xuất do đã được hưởng lợi nhuận cao 2 chữ số với giá hiện nay.
Giá vàng vẫn đang trong thời kỳ bùng nổ trong khi nguồn cung cấp vàng từ các mỏ khai thác tiếp tục giảm mạnh. Ngân hàng Standard Chartered PLC của Anh đánh giá sản lượng khai thác của 345 mỏ vàng trên toàn cầu cho biết, trong 5 năm tới, sản lượng khai thác vàng toàn cầu chỉ tăng 3,6% trong khi nhu cầu vàng lại tăng nhanh hơn rất nhiều. Ngân hàng này thậm chí còn dự báo giá vàng có thể đạt tới 5.000 USD/ounce trong tương lai gần.
Các chuyên gia vàng quốc tế nhấn mạnh, do nguồn cung cấp bị giới hạn, nhu cầu vàng toàn cầu tăng cao sẽ tiếp tục đẩy giá vàng tăng. Nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, nhu cầu vàng đặc biệt cao trong các mùa lễ hội, mùa cưới, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc và những dịp nghỉ cuối năm ở các nước phương Tây. Một nhân tố nữa đẩy giá vàng tăng cao là các máy in tiền vẫn đang hoạt động hết công suất ở Mỹ và châu Âu với lượng tiền lạm phát lên tới hàng nghìn tỉ USD.
5. Thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục đi xuống
Thị trường chứng khoán – được xem như “hàn thử biểu kinh tế” thế giới vẫn ở mức thấp và giao động theo chiều âm. Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs cho rằng, trong 3 đến 6 tháng tới, các chỉ số Topix của thị trường chứng khoán Nhật, Stoxx Europe 600 của châu Âu và MSCI AC châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) sẽ cùng giảm điểm. Thị trường châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất, với mức dự báo giảm 16% trước khi phục hồi chậm chạp. Chỉ số S&P 500 của thị trường Mỹ được dự báo sẽ biến động yếu trong biên độ hẹp của cả năm 2012.
Mặc dù có quan điểm khá bi quan về chứng khoán châu Âu, Goldman Sachs vẫn tin rằng, thị trường khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản là thị trường có triển vọng tăng điểm tốt nhất, với mức tăng được dự báo là 14% trong cả năm 2012. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu tại thị trường này sẽ tăng 5,6% và 12% lần lượt trong các năm 2012 và 2013. Theo lý giải của các nhà phân tích, giá cổ phiếu thấp hiện nay cùng với mức dự báo còn tương đối sáng về kinh tế Trung Quốc sẽ tạo đà tăng điểm cho thị trường châu Á. Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu của thị trường chứng khoán năm 2012 vẫn đi xuống.
Ngoài ra còn phải kể đến một mặt hàng khá nhạy cảm, tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng của kinh tế toàn cầu đó là giá dầu. Cũng theo Goldman Sachs, trong bối cảnh các hãng sản xuất dầu lửa gặp khó khăn khi khai thác thêm những mỏ dầu mới sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung và đẩy giá dầu tăng lên trong 2 năm tới. Sự tăng giá dầu này còn diễn ra khi các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng trưởng và đòi hỏi tiêu thụ nhiều dầu. Goldman Sachs cho rằng, với mức giá dầu hiện nay, nhu cầu dầu thô đang vượt quá nguồn cung.
Như vậy, những nhân tố nêu trên có vai trò quan trọng và cũng là cơ sở để các tổ chức và các nhà nghiên cứu kinh tế - tài chính đưa ra những dự báo về sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu năm 2012. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp khó lường của nền kinh tế thế giới cũng tác động không nhỏ đến độ dung sai của những dự báo là điều khó tránh./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị lần 8 Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam  (05/01/2012)
Năm 2012, thanh tra trên diện rộng chuyên đề về kiên cố hóa trường học  (05/01/2012)
Xung quanh vấn đề Mỹ thảo luận những biện pháp trừng phạt Iran  (05/01/2012)
Không có đột phá nào trong đàm phán Israel và Palestine  (05/01/2012)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay