Xây dựng nông thôn mới và vấn đề đặt ra
TCCSĐT - Nông nghiệp và kinh tế nông thôn là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nông thôn là môi trường sống của đa số nhân dân, nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân là nhiệm vụ chiến lược, để bảo đảm ổn định chính trị, xã hội.
Những năm qua, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn ở nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển đất nước thì còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Về quan điểm phát triển nông thôn
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vai trò to lớn từ trong quá trình lịch sử hình thành quốc gia dân tộc và trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua các giai đoạn cách mạng, nông dân luôn là lực lượng hùng hậu, trung thành nhất đi theo Đảng, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống của người nông dân. Trực tiếp và toàn diện nhất là Nghị quyết số 26, Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về xây dựng nông thôn mới. Nhưng, để tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn cho đúng thì phải hiểu rõ về vấn đề này.
Nông thôn mới có thể khái quát theo 5 nội dung cơ bản: Thứ nhất, đó là làng, xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; Thứ hai, sản xuất phải phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; Thứ ba, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân nông thôn ngày càng nâng cao; Thứ tư, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn; Thứ năm, xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ.
Có thể nói, nông thôn là một xã hội, là môi trường sống của người nông dân, nơi diễn ra các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội với nhiều nét đặc thù và nói gọn lại: đó không phải là đô thị (về không gian sống, về cấu trúc và tổ chức xã hội, về quan hệ con người và sinh kế) nhưng cũng không hoàn toàn đối lập với đô thị (nhất là về văn hóa). Thuật ngữ “phát triển nông thôn” được nhắc đến thường xuyên ở Việt Nam; nhưng, thế nào là phát triển nông thôn, nông thôn được xác định như thế nào thì còn có nhiều quan điểm chưa thực sự thống nhất. Do đó, việc đầu tư cho lĩnh vực này còn hiện hữu tình trạng “chắp vá”, dàn trải, thiếu tính kế thừa cho phát triển ổn định, bền vững. Ở nước ta từ nhiều năm, việc xác định vùng nông thôn chủ yếu dựa trên các đơn vị hành chính với chủ thể là lao động nghề nông, chưa tính đến xây dựng một nền kinh tế hàng hóa và các nội dung khác. Do vậy, việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa hợp lý và gặp không ít khó khăn. Và, trong xu thế hội nhập hiện nay, khoảng cách về mức sống của người dân giữa nông thôn và thành thị ngày càng doãng xa; thu hẹp khoảng cách này không dễ chút nào.
Trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm 5 nhóm nội dung (nhóm quy hoạch, nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất, nhóm văn hóa - xã hội - môi trường, nhóm hệ thống chính trị), Chính phủ đã ban hành Quyết định 800 QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 nêu rõ 19 tiêu chí và 7 nhóm giải pháp.
Theo chúng tôi, phát triển nông thôn (xây dựng nông thôn mới hiện nay), là: (1) - Về tổng quát: Phát triển nông thôn bao gồm tất cả các vấn đề gắn với đời sống của người dân và môi trường, không gian sống ở khu vực nông thôn (giáo dục, y tế, nhà cửa, dịch vụ công cộng và cơ sở vật chất, năng lực lãnh đạo và quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa cũng như các vấn đề kinh tế địa phương nói chung và các vấn đề về kinh tế ngành nói riêng); (2) - Là một quá trình đa chiều hướng tới hội nhập bền vững trong tất cả các lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường); (3) - Một quá trình ổn định và bền vững với những thay đổi kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường hướng tới hiện đại và sự thịnh vượng lâu dài của cả cộng đồng).
Phát triển nông thôn Việt Nam qua các giai đoạn
Mô hình giao ruộng đất cho hộ nông dân (1954 - 1958): Nổi bật phát triển nông thôn giai đoạn này là giao ruộng đất về tay người nông dân, với mục tiêu “người cày có ruộng”. Nhà nước thực hiện chính sách cải cách ruộng đất và triển khai công tác khuyến nông. Có thể xem đây là thời kỳ “hoàng kim” đầu tiên của nông nghiệp Việt Nam kể từ sau năm 1939, đem lại niềm tin, sự phấn chấn cho nông dân nông thôn.
Mô hình hợp tác hóa nông nghiệp (1958 đến 1985): Từ năm 1959 đến năm 1975: Mô hình hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc được thực hiện theo một công thức đơn giản là: Cơ giới hóa + hợp tác xã quy mô lớn = Sản xuất nông nghiệp lớn. Bên cạnh cơ sở hạ tầng nông thôn có phát triển một số mặt, nhưng mô hình hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc rơi vào thời kỳ giảm sút và khủng hoảng, sản xuất không đủ tiêu dùng. Từ năm 1966 đến năm 1975 miền Bắc phải nhập bình quân mỗi năm một triệu tấn lương thực. Thời kỳ này, cấp huyện là cấp chưa có vai trò hành chính cụ thể trong phát triển nông thôn ở Việt Nam. Thời kỳ từ năm 1976 đến năm 1980: Phát triển mô hình hợp tác hóa nông nghiệp trên phạm vi cả nước: Nền kinh tế kế hoạch tập trung, cấp huyện được coi là pháo đài, cấp quản lý kinh tế với nhiều mô hình huyện điểm được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn giậm chân tại chỗ, sản lượng bình quân hằng năm chỉ đạt trên dưới 6 triệu tấn, trong khi dân số tăng nhanh, kết quả lương thực bình quân đầu người ở miền Bắc đã giảm từ 248kg (năm 1976) xuống 215kg (năm 1980). Thời kỳ từ năm 1981 đến 1985: Mô hình khóan sản phẩm đến nhóm và người lao động: Cấp huyện lại được tổ chức là cấp quản lý hành chính ít tác động đến phát triển nông thôn. Giai đoạn này nổi bật là thực hiện “Khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động”. Những năm đầu mức khóan thấp, đã khuyến khích mạnh mẽ nông dân gia tăng đầu tư để có thêm phần vượt khóan. Lương thực bình quân đầu người cả nước từ 215kg (năm 1980) tăng lên 304kg (năm 1985). Tuy nhiên sau hơn 2 năm, nông dân phấn khởi sản xuất, “khoán 100” giảm dần tác dụng do cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp.
Mô hình phát triển kinh tế nhiều thành phần, thực hiện giao ruộng đất ổn định cho người dân (1986 - 2000), Luật Đất đai được ban hành lần đầu, năm 1993, đã bảo đảm nhiều lợi ích cho người nông dân trên mảnh đất được giao: Giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới (1986 đến 1990): Nghị quyết 10 ban hành năm 1989, sản lượng lương thực đang từ 19,6 triệu tấn, sang năm sau tăng vọt lên 21,5 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người trên 300 kg, có gạo xuất khẩu và từ đó, sản lượng lương thực mỗi năm tăng thêm 1 triệu tấn, lượng gạo xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 1991 đến năm 2000, thực hiện chính sách đổi mới toàn diện, nông thôn Việt Nam có nhiều thành tựu nổi bật là cơ cấu kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều vùng đã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn nhiều nơi đã có dáng dấp hiện đại hóa. Nhưng bên cạnh đó còn tiềm ẩn nhiều thách thức đó là có đến 70% số hộ nông dân Việt Nam là hộ kinh tế tiểu nông, sản xuất đang nằm trong ranh giới giữa tự cấp tự túc và sản xuất hàng hóa nhỏ, năng suất lao động thấp và thu nhập thấp, phải bước vào kinh tế thị trường với sự cạnh tranh quyết liệt.
Mô hình phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (từ 2000 đến nay): Thực hiện nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ năm 2001, các bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng mô hình điểm “Phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác hóa, dân chủ hóa” tại các vùng sinh thái. Các mô hình này được đưa vào một trong những chương trình trọng tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gồm năm nội dung cơ bản (1). Luật Đất đai sửa đổi, ban hành năm 2003, có hiệu lực ngày 1-7-2004) đã mang đến cho người nông dân nhiều quyền lợi trong sử dụng đất đai – một nguồn lực quan trọng hàng đầu và căn bản đối với nông dân nông thôn. Trong đó quan trọng nhất là đất đai được cấp giấy xác định quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và được giao dịch thế chấp, mua bán chuyển nhượng hợp pháp để vay vốn, tạo vốn.
Chương trình phát triển nông thôn cấp xã đã đạt được một số kết quả nhất định, như đào tạo cán bộ, triển khai quy hoạch, lồng ghép các chương trình, dự án về khuyến nông, nước sạch và vệ sinh môi trường cho 11 xã điểm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các mô hình đã bộc lộ một số tồn tại:
Nguồn nhân lực ở cả cấp trung ương và địa phương không đáp ứng được nhu cầu công việc. Cán bộ tham gia chương trình chưa nhận thức rõ việc áp dụng cách tiếp cận khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.
Không làm rõ các nội dung chỉ đạo thực hiện của trung ương mà cho đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm nên đã không tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ và không đưa ra khung thời gian thử nghiệm phù hợp. Chương trình đã không bố trí cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và theo dõi thường xuyên. Cán bộ được bố trí đều phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau.
Việc xây dựng các chương trình nông thôn mới mang xu hướng như các dự án đầu tư. Các nguồn lực trong cộng đồng không được huy động triệt để phục vụ cho yêu cầu phát triển. Trong khi đó, các mô hình đòi hỏi có sự đầu tư lớn từ bên ngoài cộng đồng, tâm lý ỷ lại, trông chờ hoàn toàn vào sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước là phổ biến. Vì vậy các mô hình đó, cho dù nếu được thực hiện thí điểm, cũng không có khả năng nhân rộng vì không bền vững.
Đối tượng tác động của chương trình là người dân nông thôn không được xác định rõ ngay từ đầu. Do vậy, người dân nông thôn không được tham gia tích cực các hoạt động của chương trình. Hơn nữa, các mô hình điểm đều được xây dựng tại quy mô cấp xã, là cấp chưa thật cận kề với người dân nên chưa thực sự tạo được động lực mạnh mẽ để huy động người dân tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển tại chính cộng đồng họ sinh sống.
Tuy đội ngũ cán bộ chủ chốt tại các cấp đã được cử đi tham quan học tập tại nước ngoài, cán bộ tại các xã điểm đã được tập huấn, đào tạo, nhưng do nhiều nguyên nhân, nhận thức của cán bộ lãnh đạo các cấp và người dân tại các xã điểm về phát triển nông thôn mới còn nhiều bất cập. Do vậy, khi thực hiện xây dựng mô hình tại địa phương, họ vẫn còn đứng ngoài cuộc, chưa thực sự cho rằng họ đóng vai trò chính và quan trọng, quyết định sự thành bại của mô hình phát triển nông thôn mới.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ trong hệ thống hỗ trợ công tác phát triển nông thôn chưa thực sự tin rằng cán bộ và người dân tại các xã điểm tham gia xây dựng mô hình có thể tự làm được nên thường nghĩ và làm thay phần việc đáng ra địa phương phải tự làm. Đội ngũ cán bộ hỗ trợ “quên” vai trò của chính mình là phát hiện và khơi dậy khả năng tiềm tàng, tính tự tin của người dân để huy động sự tham gia tích cực của họ và tư vấn, hỗ trợ để người dân tự lập kế hoạch xây dựng mô hình nông thôn mới cho chính họ và cộng đồng của họ.
Vấn đề đặt ra và suy nghĩ về xây dựng nông thôn mới hiện nay
Sau gần hai năm triển khai chương trình thí điểm, đã có 100% số tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới, thành lập Văn phòng điều phối (hoặc tổ công tác) giúp việc Ban chỉ đạo; 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và đã triển khai nhiều nội dung để xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn đã được đưa vào chương trình nghị sự của các tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, sau gần hai năm thực hiện tại 11 xã điểm đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết.
- Chưa có quy hoạch và quản lý có hiệu quả về không gian chung nông thôn - đô thị, công nghiệp - nông nghiệp, về hạ tầng nông thôn nên đã dẫn đến không gian nông thôn đang bị phá vỡ tại nhiều nơi, mất đi tính truyền thống, bẳn sắc văn hóa, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường gia tăng;
- Xã hội nông thôn chưa được tổ chức thích hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dân chủ cơ sở còn thiếu ở nhiều nơi, mâu thuẫn xã hội gia tăng, văn hóa truyền thống bị mai một;
- Kinh tế nông thôn phát triển nhưng thiếu tính bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Người dân thiếu việc làm ổn định, nghèo đói giảm chậm và có xu thế tái nghèo ở một số địa phương, một bộ phận dân cư còn sống dưới mức nghèo khổ.
Để quá trình xây dựng xây dựng nông thôn mới hiện nay ở nước ta đi vào chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần quan tâm chú ý như sau:
Một là, Nhận thức đúng hơn, rõ hơn vai trò, vị trí và những đặc trưng cơ bản cũng như những yếu tố tác động tới xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay, khắc phục ngay sự không sát thực tế, thiếu tính lý luận.
Hai là, Xây dựng nông thôn mới cần gắn bó chặt chẽ với bảo tồn, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa nông thôn Việt Nam nói riêng. Đây cũng chính là cội nguồn sức mạnh để xây dựng nông thôn mới.
Ba là, Việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới cần phù hợp với điều kiện, đặc điểm, văn hóa, nếp sống của người dân ở nông thôn.
Bốn là, Xây dựng nông thôn mới phải có định hướng, phương pháp, hệ thống pháp lý kèm theo, có sự tham gia trực tiếp của người dân với vai trò chủ thể và các tầng lớp, các tổ chức xã hội, sao cho phải bảo đảm nông thôn đứng vững không bị tàn phá trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Việc đó sẽ bảo đảm một không gian kinh tế, văn hóa, xã hội ổn định, môi trường sinh thái bền vững cho sự phát triển chung của đất nước, tạo điều kiện cho công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra có hiệu quả, ít tốn kém.
Năm là, Bởi tính chất đa dạng cả về điều kiện sống, tập quán, tài nguyên..., do vậy, tại các khu vực thử nghiệm, mô hình nông thôn mới được chú trọng xây dựng theo các mức độ, quy mô khác nhau. Những mô hình này mang tính đa dạng tùy theo cấp vùng, không nên khuôn mẫu áp đặt chung cho mọi nơi. Cần đặc biệt chú trọng đến nội dung bảo đảm được các nguồn tài nguyên cho mai sau, kể cả tài nguyên trên bề mặt cho đến nguồn tài nguyên trong lòng đất như nước sạch, khoáng sản và các tài nguyên khác.
Sáu là, Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, cải thiện môi trường sống, nâng cao sức khoẻ con người, phát triển sự nghiệp công ích, bảo đảm trật tự trị an, phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước ở nông thôn đúng như mục tiêu của Đảng là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ và văn minh./.
----------
(1) (1.Phát triển kinh tế hàng hóa với một cơ chế phù hợp được lợi thế của địa phương, có thị trường tiêu thụ; 2. Phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với nền nông nghiệp hàng hóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa; 3. Xây dựng khu dân cư văn minh; 4. Tăng cường công tác văn hóa, y tế, giáo dục trong nông thôn và xây dựng đội ngũ cán bộ; 5. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của cán bộ tổ chức quần chúng, thực hiện tập trung dân chủ).
Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á  (16/12/2011)
Việt Nam-Lào trao đổi kinh nghiệm công tác mặt trận  (16/12/2011)
Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước  (16/12/2011)
Người gieo tri thức trên vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long để giúp nông dân làm giàu  (16/12/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay