TCCSĐT – Như tin đã đưa, sáng nay (9-12) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức khai mạc Hội thảo khoa học – thực tiễn toàn quốc về chủ đề “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Đức Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Khoa Điềm – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Trọng Tân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng –Văn hóa Trung ương;  đồng chí Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Bình Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; các nhà khoa học, văn hóa, lý luận phê bình văn học nghệ thuật và lãnh đạo các ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố ...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh cho biết: Trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng năm 2011, văn hóa – văn học, nghệ thuật được coi là một trong ba mục tiêu quan trọng, tạo nên thế “kiềng ba chân” của sự phát triển xã hội: Phát triển kinh tế là trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa – văn học, nghệ thuật là nền tảng tinh thần xã hội. Do đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra 8 mối quan hệ, thì Giải quyết tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là mối quan hệ thứ 5 và sẽ được bàn thảo trên cơ sở 66 bài tham luận tại Hội thảo này. Vì thế, Hội thảo sẽ tập trung làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa – văn học, nghệ thuật; xác định rõ vị trí, vai trò của từng lĩnh vực và quan hệ giữa chúng với nhau; xác định những yêu cầu mới đặt ra từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đánh giá đúng thực trạng, giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa – văn học, nghệ thuật từ khi thực hiện chiến lược phát triển đất nước đến nay. Lý giải những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn ở từng lĩnh vực cụ thể. Chỉ ra những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực quản lý, điều hành và chỉ đạo thực tiễn. Phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến thành tựu và hạn chế. Làm rõ những quan điểm không tương thích giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa – văn học, nghệ thuật nước ta hiện nay. Từ đó, đề xuất những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững trong thời gian tiếp theo.

 Trong báo cáo Đề dẫn, GS, TS Đinh Xuân Dũng cho rằng: để giải quyết đúng và trúng mối quan hệ tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, cần thiết phải nắm vững và vận dụng triệt để, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Vì lẽ đó, Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã khái quát bản chất và sự độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, đó chính là “tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Song mục tiêu cao cả của văn hóa - văn học, nghệ thuật chân chính là chân – thiện – mỹ, nghĩa là nó phải tham gia và “can thiệp” vào cuộc sống con người, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa sự ấm no và hạnh phúc của con người, để làm cho mối quan hệ này thúc đẩy lẫn nhau, cùng phát triển.

Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu đã khái quát mối quan hệ biện chứng giữa phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế của đất nước ta và một số nước trên thế giới trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện mối quan hệ trên đối với sự phát triển của đất nước. Đồng chí nhấn mạnh: đất nước ta đang xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, vì vậy, thông qua Hội thảo này, nếu làm rõ được các vấn đề được nêu tại Hội thảo và thực hiện tốt trong thực tiễn thì nó góp phần quan trọng trong xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh; xây dựng đất nước bền vững hơn trước xu thế hội nhập, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Là địa phương đạt được những thành quả quan trọng trong mối quan hệ giữa sự tăng trưởng kinh tế gắn chặt với phát triển văn hóa, theo đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, những năm qua, với nhận thức sâu sắc mối quan hệ trên, địa phương đã đẩy mạnh sự phát triển văn hóa gắn chặt với sự tăng trưởng kinh tế khá hài hòa, đặc biệt thời gian gần đây, thông qua Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã thu được nhiều thành quả rất quan trọng. Tuy nhiên, xuất phát từ những hạn chế, yếu kém, đồng chí Nguyễn Văn Đua đã đưa ra một số kiến nghị như: Trung ương cần có kế hoạch rà soát, đánh giá và bồi dưỡng đội ngũ làm công tác văn hóa – văn học, nghệ thuật; giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa – văn học, nghệ thuật một cách bền vững hơn; Trung ương sớm đề ra chiến lược phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với từng giai đoạn, từng địa phương.

Hội thảo sẽ làm việc đến hết sáng ngày 10-12-2012.